CHÙA PHỔ CHIẾU - DI TÍCH LỊCH SỬ QUẬN LÊ CHÂN

18 01 2023

in trang

Tại khu vực Dư Hàng - Hàng Kênh hiện nay đã được nâng cấp chuyển đổi cơ cấu hành chính từ xã, huyện lên cấp Phường, Quận. Tại khu vực này còn bảo lưu một số công trình di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng đã được xếp hạng cấp Quốc Gia và Thành phố, tiêu biểu như: đình Dư Hàng, chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh. Đặc biệt tại làng Hàng Kênh đã có di tích cơ quan bí mật Thành uỷ Hải Phòng, đóng tại nhà bà Đặng Thị Sáu từ năm 1937 đến năm 1939. Đây là di tích lịch sử cách mạng còn tương đối nguyên vẹn của Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng thời kỳ đấu tranh cách mạng (1936 - 1939). Cùng với sự chuyển biến chung của đời sống kinh tế - chính trị của nhân dân thành phố Cảng, những công trình di tích là đình, đền, chùa, miếu được nhân dân bảo vệ theo luật di sản văn hoá, tại địa bàn phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân hiện nay sẽ là những điểm nhấn quan trọng làm phong phú cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở đây. 

 ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH: 

Xuất phát từ nhà hát lớn - Trung tâm nội thành Hải Phòng, đi theo đường Cầu Đất đến ngã 4 Thành Đội, rẽ theo đường Tô Hiệu đi đến ngã tư Hồ Sen, qua trụ Sở của UBND quận Lê Chân, khách sạn Công Đoàn, rẽ qua đường Miếu Hai Xã độ 300m, hỏi về chùa Phổ Chiếu này thuộc phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân.  

Di tích ở cách nơi xuất phát ban đầu 3,5km, rất thuận lợi cho mọi công cụ giao thông đường bộ khi đến thăm quan chùa. 

 NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ CÁCH MẠNG - KHÁNG CHIẾN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGÔI CHÙA VÀ NGUỒN GỐC XÂY DỰNG

Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các nhân chứng lịch sử đã từng hoạt động tại khu vực ven nội thành Hải Phòng, nhờ các cụ Hoàng Xuân Lâm 80 tuổi - Nguyên là Giám đốc Sở Công An Hải Phòng. 

Cụ Lê Quốc Khánh - Nguyên Giám đốc bảo tàng Hải Phòng - Hội viên câu lạc bộ Bạch Đằng thành phố Cảng. Các tư liệu thành văn được xuất bản và lưu hành rộng rãi tại Hải Phòng như: 

- Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II trang 109 - 111. 

- Hải Phòng - Di tích lịch sử văn hoá nhà xuất bản Hải Phòng 1993 – trang 47-54. 

- Tư liệu điền dã của Bảo tàng Hải Phòng do Đại Đức Thích Thanh Giác trụ trì tại chùa Phổ Chiếu cung cấp cho đoàn trong quá trình kê lập hồ sơ, đề nghị thành phố xếp hạng di tích. Nội dung những sự kiện lịch sử - kháng chiến liên quan đến ngôi chùa được tóm tắt như sau: 

Trong khuôn viên chùa Phổ Chiếu hiện nay từ năm 1929 - 1930 và 1939 - 1940, có một cơ sở bí mật là gia đình bà Hoàng Thị An đã bí mật nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng là đảng viên của Đảng bộ Cộng sản Hải Phòng như: Hoàng Sĩ Yết, Phạm Văn Ngọ, Nguyễn Nhật Toan, Hoàng Sĩ Lễ, Nguyễn Công Hoà... đã từng lui tới tại địa điểm này. 

Vào năm 1954 - 1955, Liên hiệp Công đoàn thành phố (nay là Liên đoàn Lao động) đã chọn địa điểm chùa Phổ Chiếu là nơi hội họp, chỉ đạo các cuộc đấu tranh chống địch, di chuyển máy móc và cưỡng ép người di cư vào Nam. 

Thời gian đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân từ ngày 05-08-1964 đến năm 1972. Chùa Phổ chiếu là một trong bốn (04) căn hầm của Thành Uỷ và UBND thành phố; Sở chỉ huy Sở công an thành phố. Đã có lần Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Đảng bộ thành phố họp tại đây. Nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố, cán bộ chỉ huy các quân binh chủng, quân đội nhân dân đã đến làm việc với lãnh đạo Công An thành phố tại chùa. Căn hầm chỉ huy tại nơi này do lãnh đạo Công An Hải Phòng lựa chọn địa điểm tổ chức xây dựng và quản lý cho đến ngày nay . 

Trở lại nguồn gốc và quá trình tu dựng của chùa Phổ Chiếu; tài liệu bia ký xây dựng ngôi chùa cho biết “... năm Quý Tỵ (1953) đại sự Ngộ Chân Tử thế danh Trần Văn Dĩnh, người làng Cao Mai- huyện Kiến Xương - Tỉnh Thái Bình, xây dựngTam Giáo Đường, thờ cả Nho Giáo - Phật Giáo - Đạo Giáo (còn gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên) truyền bá Kinh Thiện Đàn, nhưng chủ yếu là tu pháp môn niệm Phật”. 

Năm Giáp Ngọ (1954) đại sư vào Nam lập đạo Tràng Hoàng Pháp, tại Hóc Môn (Sài Gòn - Gia Định). Tam Giáo Đường lúc này được Hoà thượng Thích Thanh Quang từ Nam Định lên thay thế trụ trì, Hoà thượng Thích Thanh Quang thế danh là Trần Đình Thấu, đệ tử của đại lão Hoà thượng Thích Thanh Quyết, pháp phái Lăng Lăng Sơn Môn Trà Lũ - huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định, cũng là môn đồ của Sư tổ Tuệ Tạng tổ đình Vọng Cung (Nam Định). Đây chính là vị Hoà thượng tiếp nhiệm Tam Giáo Đường, đổi tên thành Phổ Chiếu Tự, tu tập Hoằng dương Phật giáo. 

Đến năm Kỷ Tỵ (1989) Hoà thượng viên tịch. Đệ tử của Hoà thượng Đại Đức Thanh Giác, thế danh Nguyễn Phúc Cầm, quê quán làng Thanh Lang - huyện Thanh Hà - Tỉnh Hải Dương nối chí trụ trì bản chùa cho đến nay. 

 KHẢO TẢ DI TÍCH

Chùa Phổ Chiếu toạ lạc trên trục lộ giao thông giữa địa bàn làng xã Dư Hàng Kênh - nay là phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân, nội thành Hải Phòng, bao gồm các công trình kiến trúc chủ yếu: 

+ Nhà thờ Tổ (còn gọi là Tổ đường) 

+ Nhà Phật Đường, và một số công trình kiến trúc phụ trợ, góp phần tăng thêm vẻ bề thế tôn nghêm của một công trình tín ngưỡng văn hoá truyền thống. - Nhà Phật Đường kiến trúc biểu chữ công (I) gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung . Hiện tại, mặt chính nhà Phật Đường quay về hướng đông. Hầu như sự trang trí đắp vẽ được các nghệ nhân dân gian thể hiện tại bờ nóc mái, hai phía đầu hồi toà Tiền Đường, nơi chính thờ Phật. Một nậm rượu to ở chính giữa bờ nóc mái, hai bên đầu hồi phía trước đắp đấu vuông trên bề mặt của mỗi đấu vuông có 5 bầu rượu nhỏ tượng trưng có ống nước Cam Lỗ của Đức Phật. 

- Nhà Tổ Đường, với bộ khung gỗ, mái lợp ngói ta truyền thống, được cấu trúc theo lối "trùng thềm điệp ốc" bao gồm 2 nếp nhà khung gỗ kết hợp với vật liệu xây dựng cổ truyền: ngói, gỗ, đá, gốm màu...... 

- Đặc điểm chung nhất của nhà Tổ Đường là: Có độ dài và bề rộng tương đối thích hợp cho sự bày đặt ban thờ, các vị sư tổ từng trụ trì, nơi tiếp khách, bày đồ thờ tự... Đặc biệt ở loại hình kiến trúc này có hậu cung nơi đặt bài vị, hương án các vị tu hành có công xây dựng chùa. 

Từ sân chùa bước lên 3 bậc là tới thềm hiên rộng rãi, có bộ cửa gỗ làm theo lối “Cửa thùng - khung khách” đặt trên bệ ngưỡng gỗ, cao ráo, tới nội thất nhà Tổ Đường. 

Ngoài hai công trình: Nhà Phật Đường và nhà Tổ Đường khang trang, gọn gẽ, sau thời gian nối nghiệp các vị sư tổ tiền nhiệm; Vị Đại Đức trụ trì chùa Phổ Chiếu hiện nay đã tiến hành kiến thiết hoàn hảo nhiều công trình kiến trúc tạo vẻ bề thế, uy nghiêm cho ngôi chùa. Các công trình được xây dựng trong vòng 10 năm trở lại đây bao gồm: 

+ Khu giảng đường Tăng Xá, nhà thờ vong, nhà thờ liệt sĩ, lầu Liên Hòa, nhất trụ giữa hồ nước. Đặc biệt là khu hầm làm việc của Sở Công An Hải Phòng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972) mới được tồn tạo, đặt bia nội dung nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Hải Phòng 13/05/2005 vừa qua. Cũng trong dịp kỷ niệm trọng đại này nhà chùa cũng tiến hành khởi công xây dựng Tam Quan 3 tầng đao mái, hướng chính trông ra phía Tây, nơi có con đường giao thông chạy từ Hồ Sen - Cầu Rào, qua địa phận phường Dư Hàng Kênh. Theo thiết kế toàn bộ công trình được kết cấu bằng gỗ trí thiết, mang phong cách nghệ thuật cổ truyền, kiểu chồng hiên, mái cong, lợp ngói mũi hài, hoa văn trang trí kiểu, kênh bong hình. Đây quả là một công trình văn hoá lớn được xây cất vào đầu thế kỷ mới (21), “Tác nhất thời - Lưu vạn đại” (chữ dùng tại bản chùa). 

 

CÁC DI VẬT TRÊN BIỂU BÀI VỊ TRÍ TRANG DI TÍCH

Nhìn chung, cách bài trí Phật tượng, đồ thờ tự tại chùa Phổ Chiếu không khác so với nhiều ngôi chùa ở Hải Phòng hiện nay, chỉ có điều là những pho tượng Phật, những di vật được bài trí ngăn nắp, gọn gàng, đảm bảo hình khối mỹ thuật và sơn thiếp cẩn thận rõ ràng. Tại chính giữa nhà Phật Đường, gian giữa đặt một hương án sơn son thiếp vàng, đặt tượng Phật cùng nhiều đồ thờ tự như bát hương, đồ tam sự bằng đồng. Việc bài chí các pho tượng ở toà hậu cung ống muống, cùng hai ban thờ phía tả, hữu toà Tiền Đường đều tuân theo quy luật: Từ cao xuống thấp, từ các pho: Tam Thế, di đà Tam Tôn, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm Niệm Hoa, Rồng Tượng Cửu Long và Đức Thích Ca Sơ Sinh. Hai pho Hộ Pháp: Khuyến Thiện và Trứng Ác cực lớn. Ở hai bên là pho Đức Thánh Hiền, Đức Ông mặt đỏ râu dài... Đều là những pho tượng đẹp, tỷ lệ cân đối. 

Những pho tượng Phật khác đặt tại ban thờ toà Phật Đường mang giá trị nghệ thuật và nội dung giáo dục triết lý nhà Phật như: Hai Pho Đức Quan Âm, Nam Hải 42 đôi tay và 24 đôi tay: Đề cao ý nghĩa “quyền năng vô lượng” của Đức Phật, sẵn sàng ra tay cứu độ chứng sinh nơi trần thế. 

+ Pho Quan Âm toạ Sơn hàm chứa nét khắc khổ vững chí bền, tu luyện đầy cá tính nghệ thuật. 

+ Tượng Đức Phật tổ viên mãn trên cõi Niết bàn. Đặc biệt, chiếc nhang án (được phục chế) theo lối cổ hàm chứa 15 mảng trang trí hoa văn trạm khắc các 

mảng đề tài hoa văn hình học cách điệu, các linh vật khắc hoạ nét hình Đức Phật Tổ ngồi tu dưới gốc cây Bồ Đề.... (niên đại nghệ thuật thế kỷ các di vật khác: 20). 

1) Quả Chuông Đồng: Treo tại chính giữa hồi phải toà Phật Đường. Chúng có kích thước cao 175cm rộng 95 trọng lượng bằng 750kg, trang trí hoa văn kép hoa thị, lá đề. Được nhà chùa tổ chức đúc năm Tân Tỵ, 2545 Phật Lịch - tức năm 2001 dương lịch. 

- Nhà Tổ Đường: Như phần khảo tả di tích đã trình bày, nhà tổ đường của chùa Phả Chiếu. Đây là một biến trúc hợp lý gồm hai nếp nhà, song song có bàn thờ vị Thuỷ Tổ đạo Phật như Đức Bồ Đề Đạt Ma, cùng di ảnh tượng 3 vị hoà thượng khai sáng bản chùa: Đại Lão Hoà thượng Thích Thanh Quỳ; Hoà thượng Thích Thanh Hiền, Hoà thượng Thích Trí Hải. Ban thờ ảnh Hoà thượng Thích Thanh Quang. 

Tóm lại với khuôn khổ có hạn của nội dung di tích chúng tôi vừa khảo tả ngắn gọn những di vật tiêu biểu góp phần tạo dựng nên độ hoành tráng đến trang nghiêm của một ngôi chùa còn rất trẻ so với mặt bằng chung ở thành phố Cảng 

hiện nay. 

(2) Bia ký chùa Phổ Chiếu: Đặt tại nhà bia vừa được tạo dựng gần đây, nằm trong tổng thể quy hoạch của chùa gồm các bia khổ lớn mang tựa đề:  

+ Phả hệ thiền sư trụ trì chùa Phổ Chiếu 

+ Bia ký xây dựng chùa Phổ Chiếu 

+ Bia lưu niệm sự kiện lịch sử - cách mạng 

+ Bia ghi nhận công đức của những tấm lòng hảo tâm xây dựng chùa. 

(3) Tại khuôn viên rộng rãi của chùa hiện có 4 cây tháp, xây cất theo lối cổ, tạo thành nhóm mộ tháp thường thấy tại nhiều ngôi chùa. Thứ tự tên gọi các Ngôi Bảo Tháp (lấy mặt chính) là: 

a. Từ Thị Bảo Tháp 

b. Năng Nhân Bảo Tháp 

c. Trung Thiên Bảo Tháp 

d. Phổ Quang Bảo Tháp 

 NHỮNG HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TÍN NGƯỠNG HÀNG NĂM CỦA NGÔI CHÙA

Ngoài các ngày sóc vọng (mùng một, hôm rằm tính theo âm lịch) hàng tháng. Nhà chùa còn tổ chức một số lễ vào đầu năm: Lễ Thượng Nguyên (14- 01), Lễ Vu Lan (15-07), Lễ Phật Đản (15-04). 

Ngày trọng hàng năm của nhà chùa có 02 ngày (05-01) và (16-10), giỗ sư tổ đầu tiên có công khai sáng chùa. Những khoá lễ trang nghiêm được tổ chức nghiêm trang trọng thể được đông đảo giới tăng ni, tín đồ phật tử cùng du khách thập phương trong và ngoài Hải Phòng đến tham gia. 

Trải suốt quá trình chắt chiu tu luyện, nuôi chí Hoằng Dương Phật Giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Từ cố Hoà thượng Thanh Quang đến vị đại đức hiện nay, ý nguyện xây dựng chùa cảnh khang trang, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, mặt trận các cấp cùng phật tử gần xa, đã cùng góp phần tạo dựng nên dáng vóc ngôi chùa Phổ Chiếu hôm nay. 

VII- CƠ SỞ PHÁP LÝ BẢO VỆ DI TÍCH: 

Là một công trình văn hoá tín ngưỡng, gắn bó với cộng đồng dân cư vùng ven đô thị Hải Phòng, nay thuộc phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân. Chùa Phổ Chiếu đã được sự thống nhất cao của vị Đại Đức trụ trì, UBND phường sở tại, Phòng Văn hoá quận Lê Chân cùng Bảo tàng thành phố Hải Phòng tiến hành xem xét, lập hồ sơ khoa học đúng theo quy định trong Bộ luật Di sản Văn hóa đã được quốc hội thông qua năm 2001 để trình nên hội đồng di tích thành phố Hải Phòng xét duyệt theo trình tự quy định trong bộ luật “Di sản Văn hoá". 

LOẠI HÌNH DI TÍCH: 

Qua xem xét giá trị nhiều mặt của di tích, chúng tôi xếp chùa Phổ chiếu - phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân thuộc loại hình di tích lịch sử - kháng chiến. 

Tình trạng bảo quản của di tích hiện nay được duy trì hết, ngoài số các công trình chính như: nhà Tổ, nhà Phật Đường, nhà Tăng, nhà Bia, lầu Liên Hoà đã được ổn định ... một số công trình đã và đang được khẩn trương hoàn thành như: Cổng Tam Quan ... kiêm Lầu Chuông. 

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ CỦA DI TÍCH: 

1. Giá trị văn hoá: Tại khuôn viên rộng rãi, thoáng đẹp của ngôi chùa từ lâu đã trở thành tụ điểm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá tâm linh của nhân dân và giới tu hành theo chính sách tự do tín ngưỡng của Hiến Pháp nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam quy định. Nơi đây còn hàm chứa nhiều di vật là bia ký tượng Phật, tiêu bản điêu khắc gỗ, đồ tế tự câu đố, đại tự mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ 20, song hấp dẫn bởi kỹ thuật sơn thiếp, tỷ lệ tạo hình có sự đúc kết kinh nghiệm kế thừa tinh hoa của những giai đoạn trước. Chỉ xin đơn cử một ví dụ: Hệ thống tượng Phật trong nhà Phật Đường là hoàn chỉnh so với các ngôi chùa hiện nay ở Hải Phòng. 

2. Giá trị lịch sử: 

Gắn với truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập tự do xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của quân dân thành phố Cảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Di tích chùa Phổ Chiếu qua ký ức của lớp cán bộ hoạt động kháng chiến chống pháp và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với thành phố Hải Phòng nói riêng. Nhà chùa tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện của nhà chùa cho cơ quan công an thành phố làm việc được bí mật, an toàn, cũng như trước đó vào thời kỳ 300 ngày sau Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, chùa Phổ Chiếu là trụ sở của Liên Hiệp công đoàn chỉ đạo nhân đấu tranh giữ tái đêm, máy móc không cho giới chủ đem vào Nam. 

Chùa Phổ Chiếu chính là địa điểm hàm chứa những sự kiện lịch sử sôi động đánh dấu bước chuyển của cách mạng cả nước ta trong suốt chặng đường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Sự tồn tại của ngôi chùa có giá trị như một nhân chứng lịch sử, có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ thành phố Cảng hôm nay. Ngoài giá trị lịch sử văn hoá mà di tích hàm chứa, do cảnh quang thiên nhiên, công trình kiến trúc được tồn tại bền vững, lại gần trung tâm thành phố nên di tích đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi tới Hải Phòng. 

Qua giá trị văn hoá lịch sử của di tích đề nghị hội đồng xét duyệt nghiên cứu xem xét chuyển hồ sơ lên UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định xếp hạng chùa Phổ Chiếu - phường Dư Hàng Kênh - quận Lê Chân là: DI TÍCH LỊCH SỬ - KHÁNG CHIẾN. 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke