CHÙA PHÁC XUYÊN XÃ BẠCH ĐẰNG, HUYỆN TIÊN LÃNG

08 03 2023

in trang

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ trước sau công nguyên, đã trở thành một quốc giáo từ xa xưa. Chính vì vậy, hầu như làng quê nào của vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng có chùa để thờ Phật. Làng Phác Xuyên, xã Bạch Đằng cũng vậy, nhân dân địa phương dựng lên ngôi chùa, tên chùa được gọi theo cộng đồng làng xã đã dựng nên nó. Đó là chùa Phác Xuyên, thuộc xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Chùa Phác Xuyên còn có tên chữ là Thiên Tộ. Theo nghĩa Hán tự thì Thiên Tộ nghĩa là ngôi chùa được phúc lộc của trời.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, theo các ngả đường khác nhau, chúng ta đi về đến cầu Minh Đức (tên thường gọi là Cầu Đen) của thị trấn Tiên Lãng. Từ đây, theo đường đi về phía Nam huyện khoảng 7 km đến xã Bạch Đằng hỏi về làng Phác Xuyên, chúng ta sẽ được người dân địa phương chỉ dẫn tận tình tới nơi di tích cần tìm.

Chùa Phác Xuyên nằm ven làng, một bên là làng xóm, một bên là cánh đồng của cư dân làng Phúc Xuyên, thuộc xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Theo cuốn “Làng Phác Xuyên” của nhà giáo Đào Quang Khải thì mảnh đất làng Phúc Xuyên có từ trước thế kỷ 10 sau công nguyên và lúc đó gọi là trang Cá Lộ. Trong quá trình biến đổi và bồi đắp của sông, lạch và tụ cư của người dân đến thế kỷ 11, tên Cá Lộ đổi thành Phúc Chân, đến thế kỷ 13, Phúc Chân đổi thành Phác Xuyên. Phác Xuyên theo nghĩa Hán tự là sông mộc mạc, hiền hòa. Đến khai hoang lập ấp mở mang điền địa của làng Phác Xuyên lúc đầu có các dòng họ Hoàng, Trần, Phạm, Nguyễn, Bùi... Phát tích của các dòng họ ở đâu đến Phác Xuyên, tộc phả các dòng họ không ghi chép lại được. Làng Phác Xuyên có một đình, một chùa và bốn miếu. Mỗi giáp trong làng có một miếu giáp Đông, Nam, Bắc, Đoài. Đến nay chỉ còn lại một chùa và hai miếu: Miếu Đoài và Miếu Bắc. Làng Phác Xuyên trước kia có chợ, quán. Dòng họ lớn có từ đường xây bằng gạch khung gỗ, lợp ngói cổ để phụng thờ tổ tiên.

Các Miếu và Đình thờ năm vị Thành hoàng làng là năm anh em họ Trương đã có công giúp Bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định năm 40 sau công nguyên, đó là các vị: Trương Viết Xuân, Trương Viết Hồng, Trường Viết Tế, Trương Viết Hoằng, Trương Viết Lang.

Phác Xuyên ngày nay nằm trong xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng. Xã Bạch Đằng có bảy làng chia 10 cụm dân cư: bảy làng gồm Phác Xuyên 1, Phác Xuyên 2, Vọng Hải, Hồ Nam, Xuân Lai, Xuân Hòa, Xuân Quang. Trong xã có hai thôn dân cư đi theo đạo Ki tô giáo. Thôn Xuân Quang, dân cư theo Đạo giáo toàn tòng.

Người Phác Xuyên có truyền thống hiếu học, là vùng đất khoa bảng thời xưa của huyện Tiên Lãng. Vào thời Lê sơ, kỳ thi năm Quang Thuận thứ mười 1469, đời vua Lê Thánh Tông, làng Phác Xuyên có ông Phạm Bá đỗ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) tiến sỹ xuất thân, ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh Diên, tước Xuyên Quận Công. Sau này tuổi cao, ông về trí sỹ và mất tại quê hương, dân làng và dòng họ đã xây dựng lăng để phụng thờ ông.

Phác Xuyên là quê hương có truyền thống yêu nước. Ngay từ đầu công nguyên, người dân đã theo năm anh em họ Trương tham gia khởi nghĩa hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định. Đến sau này, khi có Đảng ra đời lãnh đạo, nhân dân Phác Xuyên đã đi theo cách mạng để giải phóng quê hương đất nước. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp. Ngay những ngày đầu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, làng Phác Xuyên đã tự tạo rèn đúc mã tấu, dao găm, mũi chông, bàn chông để chuẩn bị đánh địch. Đến cuối năm 1947, lực lượng bán vũ trang của thôn Phác Xuyên đã được trang bị kiếm, mã tấu, dao găm. Hưởng ứng phong trào quyên góp đồng đúc vũ khí phục vụ kháng chiến, chùa Thiên Tộ đã ủng hộ quả chuông đồng nặng 150 kg. Đình Phác Xuyên ủng hộ bát hương đồng và đồ tế khí 50 kg. Tại thời điểm đó, nhân dân Phác Xuyên cùng nhiều gia đình đã ủng hộ nuôi dưỡng, phục vụ cho việc ăn ở của lực lượng kháng chiến của ta. Làng Phác Xuyên đã thực hiện xây dựng làng kháng chiến xung quanh làng, có rào tre, đào hào, đào hầm hố, làm ụ súng để tạo thành phòng tuyến đánh địch khi chúng vào làng. Từ nhà nọ sang nhà kia có giao thông hào. Các gia đình đều đào hố cá nhân, hầm trú ẩn để tránh phi pháo, có hầm cất dấu lương thực. Trên các đường trong làng, ngõ xóm, ngoài cánh đồng nơi nào cũng có giao thông hào chữ chi, hố cá nhân để người đi làm ruộng hoặc đi trên đường ẩn nấp, khi có phi pháo của giặc. Thời điểm này, chùa Phác Xuyên là địa điểm tập trung tập luyện, hoạt động huấn luyện của lực lượng du kích của địa phương.

Trong các trận càn lớn của địch vào Phác Xuyên những năm 1950 – 1953, chùa Phác Xuyên đã trở thành một trong những trận địa chiến đấu quyết liệt với kẻ thù và đã góp phần quan trọng trong thành tích chung của nhân dân làng Phác Xuyên trong cuộc kháng chiến chín năm kháng chiến chống Pháp. Ngay ngôi chùa Phác Xuyên cũng có hai vị sư trụ trì chùa đã tích cực tham gia phục vụ chiến đấu và đã hy sinh trên ngôi chùa mình tu hành, trở thành những liệt sỹ của đất nước. Phác Xuyên cũng là quê hương nổi tiếng có anh hùng thiếu niên Phạm Ngọc Đan

Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Phác Xuyên có: Tham gia vào lực lượng vũ trang: 612 người

Thanh niên xung phong: 15 người

Liệt sỹ: 71 người

Thương bệnh binh: 18 người

Huân huy chương các loại: 507

Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 4 người

Liệt sỹ thiếu niên Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Đa

Chùa Phác Xuyên như trên đã nêu trước đây là chốn Thiền môn nổi tiếng quy tụ nhiều tăng ni Phật tử về tu tập. Chùa có tòa ngang dãy dọc, công trình kiến trúc bề thế cổ kính, có Phật điện, có cổng tam quan, nhà thờ Tổ, vườn Tháp. Chùa Phác Xuyên được khởi dựng từ thế kỷ 6 khi Phật giáo du nhập về đất Tiên Lãng. Đến thế kỷ 12, triều Lý Anh Tông (1138 – 1175), niên hiệu Thiệu Minh, Lê Thái Hậu nhân kinh lý qua thấy chùa của trang Cá Lộ đẹp, dân tình mộ đạo. Bà đã cho tiền tu bổ, tôn tạo chùa, dựng bảo tháp, đúc chuông, tạc tượng, đặt tên chùa là Thiên Tộ (ngôi trời), tên húy của vua Lý Anh Tông. Từ đó, chùa là nơi lưu giữ Kinh Phật của một vùng rộng lớn.

Đến đời Trần, chùa Thiên Tộ do Tổ Non Đông, tức tổ Muống thế danh Vương Huệ trụ trì. Tương truyền, trong một đêm tổ Non Đông cất dựng bảy mươi hai ngôi chùa ở nhiều nơi thuộc tỉnh Đông (tỉnh Hải Dương xưa). Khi mưa, tổ giúp dân cất những phên thuốc lào.

Song do thăng trầm của lịch sử và đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Phác Xuyên đã bị hủy hoại. Tượng pháp, đồ thờ tự tế khí trong chùa cũng mất mát, thất lạc. Năm 2001, dân làng Phác Xuyên phục dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ. Năm 2003, ngôi chùa khánh thành, chùa xây bằng chất liệu mới bê tông cốt sắt, có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, tiền điện năm gian, ba gian chính, hai gian dĩ, mái chéo đao tàu góc, thượng điện ba gian. Chùa lợp ngói mũi, bộ khung chịu lực của chùa bằng bê tông cốt sắt, tiền điện cấu tạo bộ khung gồm bốn bộ vì, hai bộ vì gian giữa, cấu trúc kiểu xà đinh ba hàng chân cột. Hai bộ vì bên kiểu xà lòng bốn hàng chân cột. Bộ vì giữa cấu trúc vì nách kẻ ngồi, vì nóc thuận chồng. Thượng điện hai bộ vì kiểu xà lòng, cấu trúc đơn giản thuận chồng đấu sen.

Trên mái chùa, các góc đao trang trí đắp theo tổ hợp để tài truyền thống long chầu, phượng vũ, lân trên mây, hai đầu bờ nóc có kìm ngậm bờ nóc. Giữa nóc có bức đại tự, bên trong đắp chữ Hán tên chùa “Thiên Tộ tự”. Trang trí hai bên đại tự là hoa văn hoa kiểu long hóa. Bờ giải, bờ nóc trang trí hoa chanh kép. Diềm mái trang trí lá de.

Phật điện cấu tạo ba gian cửa, cửa kiểu cổ, cửa thùng khung khách, bản chạm nổi tứ linh, tứ quý, song cửa cấu trúc giữa hai phần bản bưng cửa.

Vườn Tháp của chùa có bốn tháp sư tổ, hai tháp cũ được xây dựng vào thời Hậu Lê thế kỷ 17 – 18.

Chùa có nhà thờ tổ xây theo kiến trúc cổ truyền tạo thêm cho tổng thể khuôn viên chùa quy mô cảnh quan đẹp và đầy đủ công trình đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân trong và ngoài địa phương.

Chùa Thiên Tộ qua thời gian và qua cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc, tượng pháp, đồ thờ tự đã bị thất lạc. Tuy nhiên, chùa Phác Xuyên vẫn còn lưu giữ được những di vật giá trị quý như sau:

Tượng sư tổ: Ba pho hiện được thờ tại nhà thờ tổ. Tượng có quy mô kích thước bằng người thường. Tượng mặc áo pháp chùng, ngồi trong tư thế tọa thiền trên bệ. Trên y phục gấu áo viền, thêu nổi hoa văn. Nét mặt các vị sư tổ thể hiện rõ thần thái của các nhà tu hành, ưu tư khắc khổ. Tượng được tạo tác cuối thế kỷ 19.

Tượng thổ địa: ngồi trên bệ đội mũ tỳ Lư, mặc phẩm phục như một vị quan đương triều, chân đi hia, râu dài trắng, tay để tự nhiên trên gối. Tượng được sơn son thếp bạc phủ hoàn kim, có niên đại tạo tác cuối thế kỷ 19

Tại chùa Thiên Tộ, hàng năm vào các dịp ngày 25 tháng 1, dân làng Phác Xuyên tổ chức giỗ tổ Non Đông, người có công khởi dựng lên ngôi chùa từ thế kỷ 13 – 14.

Ngày ba tháng ba, tổ chức giỗ Mẫu. Mẫu Liễu Hạnh và Tam tòa Thánh Mẫu. Các bậc Mẫu sáng tạo của vũ trụ và luôn che chở ban phúc lành cho lương dân theo tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng về Đạo Mẫu của người Việt.

Ngoài các dịp tiết lệ trên, chùa Thiên Tổ còn tổ chức các ngày lễ mừng Phật Đản (ngày Phật sinh) 15/04; ngày Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng bảy) - ngày xá tội vong nhân

Chùa Thiên Tộ vào các ngày tuần, rằm, sóc vọng và các dịp Tết Nguyên Đán, tiết xuân, nhân dân trong và ngoài địa phương đến chùa dâng hương lễ Phật cầu quốc thái, dân an, rèn tâm, kiến tính để tu nhân tích đức làm nhiều điều thiên, điều đức tạo nên cho cuộc sống dân làng bình yên, ấm no hạnh phúc. Đồng thời người dẫn đến chùa cũng là để truy tưởng, tri ân tới một thời kỳ oanh liệt, hào hùng của nhân dân địa phương đã ghi lại tại nơi thiền tự. Tại ngôi chùa có nhiều người đã ngã xuống hy sinh cho độc lập tự do của tổ quốc, trong đó có hai nhà sư trụ trì chùa. Chùa Thiên Tổ thực sự đang trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân trong và ngoài địa phương.

Chùa Phác Xuyên là một trong những ngôi chùa được khởi dựng từ rất xa xưa thế kỷ 6. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt qua cuộc kháng chiến chống Pháp chùa đã bị hỏng nát. Năm 2003, chùa được nhân dân địa phương phục dựng lại trên nền đất cũ. Chùa được xây dựng có quy mô kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Chùa Thiên Tộ là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện kháng chiến trong chín năm chống thực dân Pháp của nhân dân địa phương. Chùa có hai nhà sư là liệt sỹ. Để chính quyền và nhân dân địa phương quản lý bảo vệ, phát huy tốt tác dụng di tích chủa Phác Xuyên, chúng tôi đề nghị Hội đồng di tích thành phố xem xét trình UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích chùa Phác Xuyên là di tích lịch sử.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke