Chùa Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Di tích chùa Lễ Sơn, Làng Văn hóa Mai Động dân làng thường gọi là chùa Mai Động. Tên chủ là: Lễ Sơn Tự được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.


DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA MAI ĐỘNG, XÃ LIÊN KHÊ, HUYỆN THỦY NGUYÊN

 

Di tích chùa Lễ Sơn, Làng Văn hóa Mai Động dân làng thường gọi là chùa Mai Động. Tên chủ là: Lễ Sơn Tự được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.

Làng Mai Động thuộc xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trước 1945, là xã Mai Động, tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Trước 1813, là xã Mai Động, tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn trấn Hải Dương. Quê nhà khoa học bảng Đào Khắc Cần (1477- ?), đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1511, làm quan nhà Lê ở Viện hàn lâm.

Miếu Mai Động thờ 8 vị thành hoàng: 1. Trần Hưng Đạo; 2. Đang Cảnh thành hoàng (được thờ chung một miếu và tế lễ cùng ngày với Trần Hưng Đạo); 3. Linh ứng, (hóa ngày 15.9. 4); An Điện đại thần (hóa ngày 9.1);  5. Phương Song công chúa; 6. Xuân Đang công chúa; 7. Tôi Linh Môn Trùng Công Thiên Hoàng Hoa Anh Linh phu nhân; 8. Tôi Linh Từ Đường Đào Hoa Diệu Anh Linh phu nhân;  9. Tối Linh Nhân Hậu Trung Thành Diệu Anh Linh phu nhân. Ngoài Trần Hưng Đạo thì cả 8 vị thần sau đều không rõ sự tích, đều được thờ bằng bài vị có bia đai, cung kiếm bằng gỗ sơn. Vị Trần Hưng Đạo có sắc phong đời Khải Định 2 (1917). Vị Đang Cảnh có 2 sắc phong thuộc các đời: Thành Thái 1 (1889), Duy Tân 3 (1909). Vị Linh ứng có 3 sắc phong thuộc các đời Tự Đức 6 (1853), 31 (1878) và 33 (1880). Vị An Điện và Xuân Đang đều có sắc phong đời Thành Thái 1. Vị Tối Linh Môn Tràng và Tối Linh Từ Đường, Tối Linh Nhân Hậu chưa có sắc phong.

 Ngày tế lễ hàng năm: 9/1; 15/3; 20/8; 15/9. Riêng ngày 15/3 đều cúng cộng đồng tại đình; ngoài ra, còn tế thượng, hạ điền (không định ngày), “việc kiêng hủy tên thần hoàng tùy từng người”.

Chùa Mai Động không chỉ là một ngôi chùa làng như bao ngôi chùa làng Việt Nam cổ truyển khác, mà chùa còn là một công trình lưu niệm về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Nguyên Mông lẫy lừng của dân tộc. Đời truyền rằng, chùa Mai Động được xây dựng trên mảnh đất đã từng là khu quân lương tiền phương của quân đội nhà Trần. Ngày nay, chùa nằm giữa xóm, thôn đông đúc, tất bật trong vòng quay của thời vụ, mùa màng. Ngày xưa khi cụm kho quân lương chọn đặt nơi đây, giữa bốn bề bao bọc bởi núi đồi trập trùng, gần kề bến nước vừa đảm bảo bí mật an toàn, lại vừa thuận tiện cho việc vận chuyển. Chùa Mai Động tên chữ là Lễ Sơn Tự, một công trình kiến trúc có quy mô vừa phải và vẫn giữ được dáng dấp của nghệ thuật dân tộc cổ truyền. Chùa nằm trên sườn của dãy núi Yên Ngựa, khuôn viên chùa dốc theo độ thoải của sườn đổi khoảng 13 độ. Vườn chùa là nơi hội tụ của nhiều loại cây ăn quả quen với thủy thổ của miềm trung du như: mít, nhãn, vải. Chùa quay hướng nam, trước còn bảo lưu được 4 ngôi tháp mộ trong số hơn hai chục tháp sư của chùa. Điều này khẳng định, xưa kia chùa Mai Động luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ tăng ni, phật tử. Kiến trúc chùa có bố cục hình chữ Đinh quen thuộc gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Nhưng hậu cung không gắn liền trực tiếp với phía sau tiền đường mà chỉ là tòa nhà dọc hình chuôi vồ, cách tiền đường một khoảng sân hẹp, dân gian quen gọi là sân lọng. Tiền đường đứng vững trên bốn bộ vì kèo gỗ, mỗi bộ vì 4 hàng chân cột (2 cột cái và 2 cột quân). Kết cấu và kèo giống hệt nhau và được làm khá đơn giản theo lối "kèo suốt trụ chống".

 Hậu cung là một dãy nhà dọc 3 gian 3 mái. Hai mái bên và mái trước đều lợp ngói vẩy rồng rêu phong cổ kính, thấp thoáng dưới tán lá xanh, phía trước để thoáng, hai bên và hồi dốc xây tường gạch che kín, quanh sân lọng là những bức tường lửng ngăn cách với bên ngoài, góp phần làm cho nội thất chùa vừa đảm bảo tính liên hoàn trong thờ tự, vừa như được tách khỏi thế giới trần tục bên ngoài. Tòa hậu cung được cấu tạo bởi ba vì kèo gỗ lim và tường hồi dốc. Các vì kèo gốc được làm tương tự nhau, gồm 4 hàng chân cột, kết cấu theo lối "chồng tường dốc thước, thuận chồng ba con". Khung chịu lực và các hệ thống liên kết dọc của tòa nhà chủ yếu cũng vẫn là các xã thượng (xà nối các cột cái lại với nhau)

Phải nói rằng, thời gian và khí hậu khắc nghiệt đã làm biến dạng và hủy những kiến trúc chùa Mai Động rất nhiều. Song những dấu vết hiện tồn tại đã trở thành báu vật văn hóa thiêng liêng của nhân dân địa phương. Bên trong các tòa nhà cũ kỹ, rêu phong này còn có cả một kho tàng nghệ thuật dân tộc đang chờ được phát huy và mong có dịp được tỏa sáng.

Các di vật đáng quan tâm: Nói đến các di vật trong chùa, trước tiên người ta hay nói đến hệ thống tượng pháp. Tòa tam bảo của chùa Lễ Sơn (Mai Động) được bày trọn trong tòa hậu cùng, trên hệ thống bệ thờ xây bằng gạch chắc khỏe cân đối. Tượng phật ở đây còn quá ít so với yêu cầu của một điện phật đại thừa. Các pho tượng hiện đang có mặt tại chùa: Tượng tam thế ba pho, tiếp đến là hàng tượng Quan âm ngồi giữa, hai bên có hai vị bồ tát, hàng thứ ba có tượng quan âm Tọa Sơn và phổ hiến bồ tát, hàng thứ tư ở giữa là tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài ra, bàn thờ bên trái tòa tiền đường có tượng Thánh Tăng, ban thờ bên phải có tượng Đức Ông.

Tương hai vị bồ tát bằng đá; hai pho tượng Bồ tát được đặt ở hàng tượng thứ 2, kèm hai bên tượng quan Âm. Đây là hai pho tượng đá còn lại của chùa. Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi thiền trên đài sen và giữa tượng, đài sen là một khởi liên. Tóc "bụt ốc" tạo bởi những khối nổi tròn, cổ mập ngắn, thân bán và có dáng hơi gù. Mặt tượng cũng như các giác quan mắt, mũi, tay không được sắc nét do kỹ thuật chạm khắc non kém. Thành công của tượng thuộc về nghệ thuật tả thực, đậm nét chân dung của nghệ thuật điêu khắc dân gian "vô chấp chước". Tượng cao 60 cm (cả bệ sen 70 cm) niên đại còn bỏ ngỏ.

 Tượng Đức Ông: Đức ông chùa Mai Động thể hiện theo dáng dấp của các vị quan võ thời phong kiến "mặt do râu dài", đầu đội mũ phốc, thân khoác long bào, chân mang hai mũi cong, râu dài cắm từ ngoài vào. Tượng ngồi trên bệ ngọc uy nghi, quắc thước, tay trái đặt trên gối trái, lòng bàn tay úp, tay phải đặt trên gối phải, lòng bàn tay quay vào trong, các ngón tay cong lại trong tư thế ấn "diệt trừ quỷ dữ". Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền, phúc hậu, tượng cao 1m, niên đại thế kỷ 19.

 - Tượng Thánh tăng. Thánh tăng là hình bóng của bậc đại cao tăng tu Phật Tượng đội mũ thất phật, khoác áo cà sa, ngồi trên bệ gỗ, mặt trái xoan thanh tú, mũi dọc dừa, tai to dáy tai dày như tai phật, thần thái toát nên vẻ từ bi, tự tại. Hai tay đặt trên trước gối, ung dung và nhàn tảng, tượng cao 95 cm, niên đại thế kỷ 19.

- Thạch thiên đài trụ: Thạch thiên đài trụ dựng ở sân chùa là một cột đá hình chữ vuông (cao1,65 m, rộng 22 cm). Đỉnh cột tạo dáng búp sen tròn đường kính chỗ rộng nhất là 18 cm. Búp sen đặt trên một đầu vuông thóp đáy (cạnh trên 38 cm, cạnh dưới 30 cm và chiều cao 16 cm). Mặt trên đấu sen trang trí hàng cánh sen đẹp, mỗi cạnh 3 cánh, trụ đá hai đầu tạo đấu vuông. Đầu phía trên, mặt trước và sau trạm nổi rồng và phượng đối nhau, hai bên mặt chạm cánh sen cách điệu, đấu vuông chân cột mặt trước chạm nổi hình thù bốn chân, mặt sau chạm ba con cá chụm đầu vào nhau tạo thành bông hoa ba cánh và hai mặt ben chạm bông sen mãn khai. Điền cột trụ chạy hàng hoa dây cúc, rồng phượng. Thân trụ khắc chìm chữ Hán trong ô tạo dáng cánh sen chữ nhật. Dòng lạc khoản cho biết Thạch thiên đài trụ ra đời vào năm Chính Hòa nguyên niên (1680).       

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke