CHÙA KIẾN LINH, XÃ PHỤC LỄ, HUYỆN THỦY NGUYÊN

21 03 2023

in trang

Chùa Phục Lễ tên chữ là Kiến Linh Tự. Tài liệu văn bia và truyền ngôn địa phương cho biết: xưa kia chùa Kiến Linh là một quần thể kiến trúc - nghệ thuật nguy nga, với nhiều toà ngang dãy dọc. 


Tương truyền, chùa Kiến Linh được xây dựng lớn vào thời Trần. Một trong những chính sách kinh tế của nhà Trần là phong cấp thái ấp cho vương hầu quý tộc và những người có công để làm phên dậu bảo vệ chế độ. Ngày ấy, hai anh em Trần Hộ, Trần Độ có phủ riêng ở Phục Lễ, Phả Lễ. Trước sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử) do vua Trần Nhân Tông sáng lập, các ông đã mời các vị cao tăng thuộc dòng thiền Trúc Lâm huy động phật tử trong vùng dựng chùa Kiến Linh. Chùa Kiến Linh là cảnh Phật nổi tiếng trong vùng. Trong một bài minh bia của chùa có ghi lại sự kiện vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) về thăm kiến Linh tự và có bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chùa nằm giữa hồn linh thiêng, dựa vào Yên Tử Sơn, trông lên đỉnh Trường Long (tháp Trường Long ở Đồ Sơn) vời vợi. Chùa Kiến Linh là một quần thể văn hoá tâm linh được xây dựng trong khuôn viên rộng 6 sào Bắc Bộ. Theo bia ký hiện tồn thì chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trung tu. Cụ thể là Năm Thuần Phúc thứ 2 (1563), chùa được sửa chữa lớn, các sãi vãi Bùi Thị Đàm, Bùi Thị Lai... đứng ra tổ chức thi công và huy động công đức tu tạo tượng phật; năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708) quan viên, hương lão hai xã Phục Lễ và Phả Lễ phối hợp tu sửa chùa, bao gồm các hạng mục tu bổ toà Thượng Điện, thiêu hương, tiền và hậu đường, gác chuông, tả hữu hành lang, tô điểm tượng Phật. Công cuộc trùng tu lần này do nhà sư trụ trì Như Thắng và đệ tử Như Long đứng chủ hưng công, quy hoạch lại khuôn viên, cùng các phật tử Nguyễn Như Thể và vợ là Lê Hiệu Diệu công đức 4 quan tiền. Năm Cảnh Hưng thứ 29 (1769) trùng tu toàn tiền đường của chùa. Năm Gia Long thứ 18 (1818) nhà sư trụ trì Sung An huy động phật tử, quan viên địa phương công đức tiền, của để mua đồng đúc chuông. Năm Tự Đức thứ 14 (1861), tăng sư trụ trì là Thanh Hiển đứng ra huy động nhân dân 2 xã Phục Lễ, Phả Lễ đóng góp công của để tu tạo gác chuông, hậu đường. Đứng đầu việc công đức lần này này là tín thiện họ Chu (Hiệu Diệu Toan) người xã Phục Lễ, tín thiện họ Đinh (hiệu Diệu Minh) tín thiện họ Nguyễn (hiệu Diệu Đản) đều là người xã Phả Lễ.

Dựa vào trí nhớ của các bậc cao niên, trước năm 1955, chùa Kiến Linh có cấu trúc kiểu trùng thiền điệp ốc gồm: Toà tiền đường (chùa ngoài) 5 gian chồng diệm 2 tầng 8 mái, mặt quay hướng Nam; toà thượng điện 5 gian tiếp đến là toà hậu đường, nhà thờ mẫu mỗi toà 3 gian. Bên cạnh kiến trúc chính, con có khu nhà thờ tổ hình chữ nhị, toà ngoài 5 gian, toà trong 3 gian, mặt quay hướng Tây Nam. Ngoài ra, còn có khu tăng phòng, khu nhà khách, nhà bếp, ao sen, vườn tháp... Cấu trúc của chùa Kiến Linh mang phong cách điển hình của ngôi chùa thời Trần.

Chùa hiện nay quy mô nhỏ, kiến trúc mới nhưng vẫn bảo lưu được nhiều tượng Phật pháp, bia ký có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Đặc biệt chùa Kiến Linh có bia tạo năm Thuần Phúc 2 (1563), Bính Dần (1566) và đôi Sấu Đá thời nhà Mạc. Nội dung bia ca ngợi đất Phục Lễ địa linh nhân kiệt, ghi lại việc nhân dân và sái vãi trùng tu cổ tự, tạc mới 5 pho tượng Phật, sửa cầu Khánh Long...

Năm Tự Đức thứ 18 (1819), sư Sùng An trụ trì cùng dân làng Phục Lễ, Phả Lễ tổ chức đúc chuông đồng (quả chuông này đến nay vẫn còn). Trước đó, năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708), quan viên, hương lão 2 xã Phục - Phả cùng sư trụ trì Như Thắng tiến hành trùng tu các toà thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang tả hữu, tam quan và tô lại tượng Phật. Đến năm Tự Đức thứ 14 (1861), nhà sư Thanh Hiển trụ trì vận động Phật tử 2 xã Phục - Phả trùng tu gác chuông nhà thờ tổ.

  Chùa có nguồn gốc xây dựng vào khoảng thời Lê thế kỷ 17-18. Trải qua năm tháng ngôi chùa đã được nhiều lần trùng tu tôn tạo. Năm 1998 - 1999, ngôi chùa được tôn tạo như hiện nay, trong chùa, ngoài hệ thống Phật điện, tòa thờ Tổ, thờ Mẫu còn lưu giữ được nhiều di vật quý mang giá trị cổ vật như Câu đối phẳng chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 8; 9 tấm bia đá có niên đại rải rác từ thời Lê, Mạc đến thời Nguyễn...

Từ năm 2005 đến nay đã xây dựng mới nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Bia và cổng Tam Quan, sân chùa... Năm 2013 nhà chùa xây lại khu nhà bếp ăn, nhà vệ sinh, mở rộng sõn, xây lại tường bao, sân khấu. Vào ngày 21 tháng 12 năm 2013, nhà chùa đúc mới 01 chiếc chuông đồng với số tiền 400 triệu đồng do xã hội hóa toàn phần. Sân chùa Phục Lễ còn là một địa điểm hàng năm tổ chức lễ hội hát Đúm mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc về Văn hóa truyền thống mỗi khi Tết đến xuân về.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke