CHÙA ĐỒNG QUAN. XÃ DŨNG TIẾN, HUYỆN VĨNH BẢO

17 03 2023

in trang

Chùa Đồng Quan, tên chữ là Bảo Quang Tự, thuộc xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, được xây dựng từ trước năm 1572, đời Mạc Mậu Hợp - vị vua thứ 5 của vương triều Mạc.

Chùa nằm sát khu dân cư, trên khoảng đất rộng, cao ráo, sáng sủa, với diện tích là 5541m2. Cảnh chùa thật đẹp, lối vào chùa là hai rặng phi lao, quanh năm vi vu gió thổi. Xung quanh là những cây ruối cổ, có hàng trăm năm tuổi cùng những cây muỗm, cây mít... tạo cho du khách cảm giác thật thanh tịnh, siêu thoát nơi cửa Phật. Đây chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc. Tương truyền chùa Bảo Quang do hai bố con vị Thành Hoàng làng Phạm An Khê và Phạm Viết Kính cùng Thái Hoàng, Thái Hậu nhà Mạc, các thân vương, phật tử địa phương xây dựng. Nghe nói nguyên vật liệu để xây chùa như: gỗ, đá được vận chuyển từ kinh đô Thăng Long về bằng đường sông và tập kết tại phía Đông Nam làng Đồng Quan. Vì thế cái tên địa danh “Xóm Xưởng” xuất hiện lúc đó vẫn tồn tại đến bây giờ.

Theo bia ký minh chuông chùa Bảo Quang tạo năm Diên Thành thị trước kia chùa là danh lam nổi tiếng, xếp hàng thứ 13 trong quận. Chùa có quy mô lớn, gồm 01 tòa thượng điện, 3 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, 7 gian hậu đường. Do thời gian và biến cố lịch sử, chùa Đồng Quan đến nay không còn được nguyên trạng, hiện tại chỉ còn tòa tiền đường, gian Phật điện kiểu chữ Đinh, sau là nhà tổ, nhà khách mới được nhân dân trùng tu, tôn tạo. Đây là một trong số ít các công trình kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn văn hóa Mạc cuối thế kỷ XVI còn lại trên đất Hải Phòng.

Trong chùa, tại Phật điện, nơi thiêng liêng nhất, trang trọng nhất dành để Đức Phật ngự gồm 4 hàng tượng là những pho tượng Phật được tạc rất công phu và là những tác phẩm điêu khắc có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Vị trí cao nhất là Bộ tượng Tam Thế. Tiếp theo là hàng tượng A di đà, hàng tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Dưới cùng là Tòa Cửu Long và Thích ca sơ sinh. Hai bên Tòa Tam Bảo là Bộ Thập Điện Minh Vương gồm 10 pho tương tự nhau. Tượng cao 1,05m, chất liệu đất, đầu đội mũ bình thiên trong tư thế thiết triều. Tượng có khuôn mặt nữ hiền từ, mặc áo cà sa hở ngực, mang dáng dấp của tượng Quan Âm đầy vẻ từ bi. Đây là nhóm tượng thuộc thế kỷ XVIII, mang phong cách tạc của thợ Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo). Bên cạnh những tượng chính tại Phật điện, chùa Bảo Quang còn nhiều tượng khác rất độc đáo. Đó là pho tượng Đức Tam Tổ Huyền Quang được thờ tại gian hữu quan tòa tiền đường, mang dáng dấp của tượng Bồ Tát xá tịnh thường gặp trong các chùa như tượng Át Nan Đà, Địa Trang Bồ Tát. Từ trang phục mũ, áo cà sa, vẻ mặt phảng phất giống Đức Đường Tăng trong thiên truyện Tây Du Ký. Tượng có vẻ mặt đẹp, đầy viên mãn, mang nét nữ tính, trầm tư, hiền dịu. Đây là pho tượng kế thừa được phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng Phật triều Mạc, thế kỷ XVI. Việc thờ Huyền Quang ở chùa Đồng Quan - một trong 3 vị tổ của thiền phái Trúc Lâm thời Trần cho phép khẳng định: Vào thời Trần thế kỷ XIII, ở thôn Đồng Quan đã có chùa thờ Phật, là cơ sở hành pháp của tăng phái Trúc Lâm. Trên cơ sở của ngôi chùa làng ban đầu, đến thời Mạc các thân vương, quý tộc, công chúa đã bỏ tiền của cùng dân làng xây lại ngôi chùa có quy mô lớn như bài văn bia hiện còn đã miêu tả.

Đặc biệt hai gian hồi đốc đặt 2 tượng Hộ Pháp. Đó là hai pho tượng nằm trong chư vị kim cương bảo vệ Phật pháp, răn dạy phật tử tránh làm điều ác, khuyến khích mọi người làm việc thiện. Cả hai pho này đều có kích thước lớn (cao 2.8m), xấp xỉ tượng Hộ Pháp ở chùa Thầy (Sơn Tây). Tượng thể hiện một võ tướng nhưng vẻ mặt rất hiền lành, cương nghị. Với phong cách thể hiện tượng và đồ án trang trí rồng trên giáp trụ cho thấy niên đại của tượng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Đây là một trong những pho tượng Hộ Pháp bằng đất có niên đại sớm nhất ở nước ta hiện nay.

Không chỉ vậy, hiện ở chùa Đồng Quan còn lưu giữ được 2 tấm bia đá, tất cả đều là bia gốc, trong đó có 1 tấm văn bia quý giá, tên chữ là “Bảo Quang Tự Chung Bi Ký” (Bia ký chuông chùa Bảo Quang). Bia dẹt, cao 1.2m, ngang 0.68m, dày 0,16m. Trán bia hình bán nguyệt, chính giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt. Ngăn giữa trán bia và thân bia là một đường chỉ viền, trên khắc tên bia trang trí vân áng với hàng chữ “Hoàng Đế Vạn Tuế", phía dưới hàng chữ ghi danh sách các tín chủ, tín thí, người chủ 

chốt đứng lên xây chùa và những người tiến cúng tiền, của.

 

Phần trang trí diềm tấm bia theo dõi băng hoa dây uốn lượn mềm mại, với những cánh sen nổi, nhỏ tiếp nhau. Bài văn bia viết bằng chữ Hán, nét chữ rõ ràng, tinh tế, gồm trên 50 dòng chữ, dòng nhiều nhất là 39 chữ, dòng ít nhất là 3 chữ. Niên đại của bia là năm Diên Thành - Năm Mậu Dần (1578) ngày 10, tháng 04 dựng bia. Người soạn văn bia là Tiến sĩ cập đệ đỗ năm Bính Thin (1556), quan hạch đại phu Tả Thị Lang Bộ Công, kiêm Đông các Đại học sĩ Hồng Phúc Tùng Lâm Viện Đỗ Uông, hiệu Đại phu. Ông người làng Đoàn Lâm huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Lại, sau được phong đến Phúc Thần.

Nội dung văn bia có lời minh và lời trần thuật việc xây dựng chùa Bảo Quang, việc đúc quả chuông, cùng danh sách các tín chủ, tín thí cúng tiến tiền, của vào việc công đức. Trong đó có đoạn viết: “Chùa Bảo Quang là danh lam nổi tiếng, đẹp nhất xứ Hồng Kỳ... Nam Quân Đô Đốc phủ, Tả Đô Đốc, Kỳ Quận Công được sắc tứ là An Khê sĩ thừa hưởng phúc lành của Thái Hoàng, Thái Hậu, đứng ra cưu công xây một tòa thượng điện, ba gian tiền đường, ba gian thiêu hương, bảy gian hậu đường vào tháng bảy, năm Sùng Khang thứ 7”.

Tấm bia thứ hai là bia “Hậu Phật Bia Ký”. Bia cao 1,8m, rộng 0.46m, nhiều chữ đã bị mở. Sau chùa là hai ngôi bảo tháp chứa hài cốt hai vị sư tổ. Đó là tháp Quang Minh và tháp Hiển Linh (tự là Thanh Ti và Thanh Chân). Hai bảo tháp có quy mô vừa phải, cao 0.75m, có khắc tên hiệu hai vị sư tổ vào một cạnh tháp.

Ở chùa Bảo Quang đến nay vẫn còn duy trì được nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng, chùa mở hội. Đây vừa là lễ hội tín ngưỡng Phật giáo, vừa là lễ ghi công vị Thành Hoàng đã có công với làng, với nước. Hôm đó, làng tổ chức lễ rước bắt đầu từ các Đình, Miếu trong làng về chùa, sau đó tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà, chơi đu... Đặc biệt, là hội thi làm bánh dày được duy trì, tổ chức đúng vào ngày hội, tỏ lòng thành kính đức Thành Hoàng và mong ước mùa màng bội thu.

Với những giá trị lịch sử văn hóa độc đáo, chùa Bảo Quang - Ngôi chùa đậm dấu ấn thời Mạc đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke