Chùa Câu Hạ (Khánh Minh tự), xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng

23 06 2023

in trang

Chùa Câu Hạ, tên chữ là Khánh Minh tự, là công trình kiến trúc cổ truyền do cộng đồng dân cư làng Câu Hạ, xã Quang Trung, huyện An Lão xây dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu về tôn giáo đạo phật của Nhân dân địa phương trong lịch sử. Theo các tư liệu hiện còn bảo lưu tại di tích như bia ký cho biết, chùa Câu Hạ có lịch sử xây dựng và tồn tại vào thời Hậu Lê thế kỷ 17. Trải qua thời gian, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa.


Trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Câu Hạ là một trong địa điểm ghi lại những sự kiện quan trọng trong trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương từ trước Cách mạng tháng 8/1945 cho đến những năm 1946 - 1954. Trụ trì chùa còn là một nhà sư yêu nước đã có thành tích tham gia kháng chiến.

Ngày 07 tháng 11 năm 2007, theo Quyết định số 2171/QĐ-UBND, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định xếp hạng Chùa Câu Hạ, xã Quang Trung là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

Chùa Câu Hạ, xã Quang Trung, huyện An Lão tọa lạc trong một thế đất cao ráo, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh um tùm tỏa bóng mát quanh năm. Từ con đường tỉnh lộ 362 qua UBND xã rẽ trái vào một ngõ nhỏ, qua một cổng ngõ xây dựng đơn giản là bước vào khuôn viên di tích.

Theo trí nhớ của Nhân dân địa phương, trước ngày tiêu thổ kháng chiến, vào năm 1946, chùa Câu Hạ vẫn còn nguyên vẹn, được làm bằng gỗ lim với bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Từ sau năm 1946, chùa chỉ còn tòa hậu cung. Đến năm 2000 thì khôi phục lại kiến trúc này.

Chùa chính, hay gọi là tòa phật điện được xây dựng nhìn về hướng Nam. Trang trí điêu khắc nghệ thuật trên kiến trúc chùa được thể hiện chủ yếu ở tòa phật điện. Trên cốn vuông điêu khắc nghệ thuật chạm nổi đề tài “Rồng mây hội tụ”. Trên cốn tiết diện gỗ vì ván mê nổi bật là đề tài “Lưỡng long chầu nhật”. Bên dưới quá giang trang trí một cửa võng lớn làm theo kiểu chạm thủng đề tài Tứ linh. Tất cả các chi tiết đều sơn son thếp vàng. Trên bốn chiếc cột tại gian trung tâm giữa tiền đường và phật điện là 2 đôi câu đối hình lòng máng nội dung tư tưởng về đạo phật. Tại câu đầu gian phật điện cũng còn ghi một dòng chữ Hán có nội dung: “Giáp Dần bát niên Duy Tân” tức là vào đời vua Duy Tân năm thứ 8, 1914, năm Giáp Dần, chùa Câu Hạ tiếp tục được tu sửa sau đợt trùng tu vào năm 1853.

Trong chùa hiện còn một kiến trúc cổ đáng chú ý là tòa thờ các vị sư tổ. Nhìn từ phía ngoài thì kiến trúc này có mái lợp ngói hai lớp khá rêu phong cổ kính. Kiến trúc bên trong làm hoàn toàn bằng gỗ lim gồm 3 gian, 2 chái, 4 vì gỗ, vì nóc mái có kết cấu kiểu kẻ chồng. Đây là kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20. Trong khuôn viên di tích còn một kiến trúc dùng làm nơi thờ Mẫu.

Chùa Câu Hạ ngoài việc tổ chức tiếp đón, bố trí nơi ăn ở cho cán bộ kháng chiến, nhà chùa, nhà sư trụ trì còn xây dựng các hầm bí mật trong phật điện, ngoài bờ ao, bờ tre nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo bí mật an toàn tuyệt đối cho các cán bộ kháng chiến hoạt động tại địa phương. Mặc dù là nhà sư tu hành, song trụ trì là Trịnh Quang Hưởng đã tích cực tham gia ủng hộ phong trào, bí mật vận chuyển công văn, giấy tờ, chỉ thị cấp trên đến các cơ sở kháng chiến trong toàn huyện, tạo ra sự liên kết đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi, chùa Câu Hạ đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng II.

Phát huy truyền thống được vun đắp từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Câu Hạ tiếp tục là một cơ sở, một căn cứ hậu phương tích cực trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 05 tháng 8 năm 1964, được sự giới thiệu của thành phố và sự đón tiếp nhiệt tình của chính quyền địa phương cũng như nhà chùa, công ty Du lịch Hải Phòng đã về chùa xây dựng các căn nhà phục vụ cho việc đưa đón các du khách trong và ngoài nước đến nghỉ ngơi điều dưỡng. Một thời gian sau, khoa Ngoại bệnh viện Việt Tiệp về tiếp quản làm nhà cứu chữa thương bệnh binh. Sau bàn giao cho trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, nay là Sở Nội vụ Hải Phòng.

Hiện tại, chùa Câu Hạ xã Quang Trung, huyện An Lão là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của các phật tử xa gần. Chùa là nguồn tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu lịch sử làng, xã Quang Trung cũng như lịch sử tôn giáo đạo phật tại thành phố Hải Phòng. Ngoài ra chùa Câu Hạ là một phần quan trọng tạo ra cơ sở bảo tồn cho di tích dưới góc độ là di sản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa thời Hậu Lê, mang lại niềm tự hào cho mỗi người dân trên quê hương Câu Hạ.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke