CHÙA CÁT TIÊN, XÃ QUANG TRUNG, HUYỆN AN LÃO, TP. HẢI PHÒNG - DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN

23 06 2023

in trang

Chùa Cát Tiên (Kim Thiên tự) được xây dựng trên một khu đất cao, nằm ở nơi hợp lưu của hai con sông Văn Úc và sông Mía. Chùa quay theo hướng Tây nhìn ra ngã ba sông, phía bên kia sông là vùng đất thuộc huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà của tỉnh Hải Dương. Chùa có khuôn viên rộng chừng 3348m2, xung quanh có tường bao bảo vệ. Trải qua những năm tháng dài tồn tại, chùa Cát Tiên đã nhiều lần được trùng tu, sửa chửa. Chùa có kiến trúc mang dấu ấn thời Nguyễn đầu thế kỉ 20 với quy mô kiến trúc nhỏ nhắn với kiểu chữ Đinh truyền thống gồm ba gian tiền đường và một gian phật điện. Mặc dù là ngôi chùa thờ phật song trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Chùa Cát Tiên trở thành một địa điểm có vai trò quan trọng.


Từ trung tâm thành phố Hải Phòng qua Cầu Niệm đến quận Kiến An rẽ về huyện An Lão theo quốc lộ 10, đi chừng 4km là đến địa phận xã Quang Trung. Từ đây hỏi thăm du khách sẽ chỉ dẫn vào di tích một cách dễ dàng.

Ngày 14 tháng 01 năm 2004, theo Quyết định số 200/QĐ-UB, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định xếp hạng Chùa Cát Tiên, xã Quang Trung là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

          Mặc dù nằm nơi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, song chùa Cát Tiên lại có vị trí quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của làng Cát Tiên, xã Quang Trung, nhất là trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Từ địa điểm chùa Cát Tiên theo hướng Đông có thể tiếp cận dễ dàng với quốc lộ 10, con đường giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…, theo hướng Tây, bên kia sông và vùng tự do trong kháng chiến. Với vị trí địa lý rất thuận lợi như thế, chùa Cát Tiên đã thực sự trở thành một địa điểm quy tụ, tập hợp các lực lượng đấu tranh chống thực dân Pháp từ rất sớm ở xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Chính vì vậy, lịch sử chùa Cát Tiên ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu về tôn giáo đạo Phật còn là nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cát Tiên xã Quang Trung, huyện An Lão nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cho đến năm 1975 kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

          Sự kiện lịch sử đầu tiên được ghi nhận vào năm 1897 khi Nhân dân làng Cát Tiên đã lấy địa điểm chùa làng để tập hợp lực lượng tham gia vào đội nghĩa quân của ông Bùi Đình Trạch, người thôn Câu Hạ cùng xã Quang Trung đứng lên hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống lại thực dân Pháp. Những người tham gia đội quân này đã tập trung tại chùa Cát Tiên để tập luyện vũ trang. Từ đây, đội quân khởi nghĩa đã xuất kích tiến hành nhiều trận đánh địch trên sông Văn Úc ở đường thủy, đánh diệt bốt đồn Sòi trên đường bộ, diệt nhiều lính Pháp và thu nhiều vũ khi quân trang.

          Thời kỳ 1945 - 1954: Tháng Tám năm 1945, cách mạng thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đến tháng 2 năm 1946, xã Quang Trung thành lập đội quân du kích xã để bảo vệ chính quyền non trẻ tại chùa Cát Tiên. Ngày 06/6/1946, Nhân dân cả nước đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên. Cũng vào ngày này, Nhân dân làng Cát Tiên đã tập trung tại chùa làng để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một nước Việt Nam độc lập sau những năm tháng sống trong đêm trường nô nệ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Từ năm 1948, chùa Cát Tiên lại phát huy vai trò là trung tâm hoạt động của các lực lượng kháng chiến trong vùng. Các tổ chức đoàn thể của xã Quang Trung đã thường  xuyên lấy địa điểm chùa Cát Tiên làm nơi hội họp, liên lạc với vùng tự do ở bên kia sông là Thanh Hà và Tứ Kỳ, Hải Dương. Đồng thời, dưới mái chùa, bờ tre, hầm bí mật đã được xây dựng để nuôi dấu cán bộ các cấp về địa phương hoạt động và chỉ đạo phong trào. Theo các nhân chứng là cán bộ lão thành tham gia kháng chiến người địa phương cho biết, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, chùa Cát Tiên cây cối um tùm nên rất thuận lợi cho việc đào hầm, nuôi dấu cán bộ. Vườn chùa ngày ấy còn có một cây Quéo cổ thụ, từ trên cây có thể quan sát được bốn phía với tầm nhìn xa ra tận quốc lộ 10 hay khu vực ngã ba sông, nơi thực dân Pháp thường xuyên tuần tiễu, vận chuyển quân và vũ khí, có tác dụng cảnh giới rất hữu hiệu. Cùng với hoạt động nuôi dấu nơi đi về của cán bộ kháng chiến, chùa Cát Tiên còn là một trạm giao thông liên lạc vận chuyển tài liệu, công văn, thư tín từ vùng bị tạm chiếm ra vùng tự do và ngược lại.

          Bên cạnh những hoạt động bí mật diễn ra tại chùa trong khoảng thời gian từ năm 1948 đến năm 1952, các hoạt động quân sự cũng được triển khai mạnh mẽ từ đội quân du kích của xã, của bộ đội chủ lực huyện An Lão. Trong trận chống càn năm 1951, chùa Cát Tiên là địa điểm liên lạc phối hợp giữa lực lượng du kích địa phương với bộ đội núi Voi. Những hoạt động quân sự tiêu biểu nhất có liên quan đến chùa Cát Tiên trong thời gian kháng chiến chống Pháp là những trận chặn đánh địch trên quốc lộ 10 và sông Văn Úc. Với lợi thế nằm cạnh con sông Văn Úc, nơi quân đội Pháp thường xuyên tuần tiễu, quân du kích xã và chủ lực huyện đã tập kết tại chùa tiến hành chặn đánh, gây cho địch nhiều thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh. Đồng thời các trận đánh địch trên quốc lộ 10 cũng thường xuyên được tiến hành. Ngoài vai trò là địa điểm tập kết dân quân du kích, bộ đội địa phương, chùa Cát Tiên còn giúp việc canh gác, cảnh giới, phục vụ hậu cần cho các lực lượng tham gia kháng chiến tại địa phương.

          Từ bao đời nay, người dân làng Cát Tiên luôn dành những tình cảm đặc biệt cho ngôi chùa của làng mình. Nơi đây, họ thường xuyên lui tới không chỉ cầu mong trước cõi phật về sự yên bình trong đời sống tinh thần mà còn là nơi để hội họp ôn lại những năm tháng hào hùng trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những giá trị của mình, chùa Cát Tiên đã trở thành một di tích trong hệ thống những di tích lịch sử kháng chiến ven quốc lộ 10 thuộc huyện An Lão. Một địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke