Thường trực Thành đoàn: Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
23 11 2015
in trangNgày 20/11, đồng chí Đào Phú Dương - Phó Bí thư Thành đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ban Tổ chức, Tuyên giáo Thành đoàn đã tới chúc mừng Trung tâm Huấn luyện cán bộ và Dạy nghề thanh niên thành phố và Trường Chính trị Tô Hiệu nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2015).
* Tới thăm Trung tâm Huấn luyện cán bộ và Dạy nghề thanh niên thành phố, đồng chí Đào Phú Dương - Phó Bí thư Thành đoàn chúc mừng tập thể Ban Giám đốc Trung tâm và bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết quả đạt được, của đơn vị. Đồng chí mong muốn Trung tâm Huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên thành phố tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả đạt được trong công tác đào tạo và dạy nghề, phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
Trung tâm Huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên thành phố trước đây là Trường Huấn luyện cán bộ thanh niên Tô Hiệu. Trải qua 69 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đây là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý cho Trung ương và Thành phố. Nhà trường vinh dự được Bác Hồ về thăm vào năm 1946 và ghi vào sổ lưu niệm dòng chữ: "Thanh niên đoàn kết! Gắng học tập! Gắng công tác! Tiến lên! Tiến lên!"
* Chiều cùng ngày, Đoàn công tác tới thăm và chúc mừng Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Chính trị Tô Hiệu, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn chúc mừng những thành tích nổi bật nhà trường đạt được trong những năm qua. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Trường chính trị Tô Hiệu đã không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động, cùng với sự phát triển, lớn mạnh của Đảng bộ thành phố, của thành phố Hải Phòng và của đất nước.
Thay mặt cán bộ lãnh đạo, tập thể Trường Chính trị Tô Hiệu, đồng chí Nguyễn Thị Hải Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Ban Thường vụ Thành đoàn. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới Thành đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Nhà trường trong công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu lý luận để nhà trường tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử khá đặc biệt, vừa có tính chất quốc tế, vừa có tính chất dân tộc, vừa mang đặc trưng của các nhà giáo, của ngành giáo dục nhưng cũng là ngày hội của toàn dân.
Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Admin