Sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

09 11 2021

in trang

“Em ơi, anh không thể về chịu tang bố cùng em!”. Cuộc điện thoại ngắn ngủi của Thiếu tá Trần Văn Tú, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Dầu, TP Phú Quốc, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho người vợ thân yêu nơi quê nhà khiến đồng đội của anh ai cũng xúc động.

Gần 2 năm qua, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã kìm nén đau thương, quấn khăn tang lập bàn thờ bái vọng người thân quá cố mà không thể về chịu tang do họ đang phải thực hiện nhiệm vụ phòng chống đại dịch.

Quấn khăn tang, lập bàn thờ bái vọng người thân

Đầu đội khăn tang, lặng lẽ thắp hương trước di ảnh bố vợ, Thiếu tá Trần Văn Tú lặng người đi. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, anh không thể về quê chịu tang, đồng đội ở đơn vị đã lập bàn thờ vọng ngay tại Đồn để anh được chịu tang cha, tiễn biệt người đã khuất. Chung quanh anh lúc đó cũng không có đông đủ đồng đội vì hầu hết các đồng chí đang phải làm nhiêm vụ ứng trực khắp địa bàn để phòng chống dịch bệnh COVID- 19 đang trong cao điểm.

Anh Tú kể lại: 2 giờ đêm ngày 21/7/2021, vợ anh từ xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, gọi điện báo tin buồn bố vợ anh mất. Vẫn biết bố vợ ốm nặng, nằm liệt giường trong bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An đã hơn 1 năm qua nhưng ông cụ ra đi trong lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát khắp nơi, anh không thể về chịu tang cùng vợ nên trong lòng vô cùng đau xót.

Theo Thượng tá Hoàng Minh Phụng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Gành Dầu (BĐBP Kiên Giang), cũng vì bố vợ bệnh nặng nhiều năm, 2 bên ông bà nội, ngoại đều đã già yếu, nhiều năm qua vợ anh Tú phải ở lại ở quê dạy học, chăm lo gia đình và 2 con nhỏ. Sau khi anh Tú báo cáo đơn vị, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Gành Dầu đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy, cử cán bộ phụ giúp, chọn vị trí lập bàn thờ, đặt di ảnh để anh Tú được hương khói, cán bộ, chiến sĩ đến thắp hương chia buồn.

Thiếu tá Trần Văn Tú nói trong nghẹn ngào: “Từ ngày vợ chồng lấy nhau, vì nhiệm vụ, không ở gần nên không có điều kiện giúp được gia đình. Biết bố vợ ốm đau, nằm liệt tôi cũng chỉ gọi điện thăm hỏi, động viên, mọi việc chăm sóc cha già, con thơ đều do vợ tôi lo hết. Biết tin bố mất, lại đúng vào thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, là người chỉ huy đơn vị nên tôi không thể vì tình riêng mà rời vị trí trong lúc này”.

Thượng tá Hoàng Minh Phụng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Gành Dầu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Ngoài việc lập bàn thờ vọng, đơn vị còn bố trí công việc để đồng chí Tú chịu tang bố. Cấp ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã kịp thời động viên, chia buồn trên tinh thần tuân thủ 5K của Bộ Y tế, chia sẻ những mất mát về tinh thần, tình cảm để đồng chí Tú ổn định tâm lý, giữ gìn sức khỏe vượt qua nỗi đau, đảm bảo cùng đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu và không bỏ vị trí…”.

Nén nỗi đau mất mẹ, chiều 30/8 vừa qua Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang cũng đã lập bàn thờ vọng để Thượng úy Nguyễn Văn Tân chịu tang mẹ, đồng thời bố trí thời gian để đồng đội đến thắp hương chia buồn. Mẹ của Thượng úy Nguyễn Văn Tân là bà Nguyễn Thị Châu, quê ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bà Châu mắc bệnh hiểm nghèo đã 2 năm, các con đều công tác ở xa, bà sống tại quê nhà cùng chồng. Thời gian gần đây căn bệnh trở nặng, bà qua đời ở tuổi 73.  

Cùng ngày, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang cũng đã lập bàn thờ vọng để Thiếu tá Phan Thanh Xuân, Chính trị viên Đại đội Cơ động hiện đang tăng cường cho tuyến biên giới thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 chịu tang mẹ. Mẹ Thiếu tá Phan Thanh Xuân là bà Dương Thị Dân, sinh năm 1942, trú tại ấp Vĩnh Tân, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Cụ đã qua đời vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh do tuổi cao, sức yếu.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã thắp hương và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Tân và Thiếu tá Phan Thanh Xuân; đồng thời gửi lời hỏi thăm, động viên Thượng úy Tân, Thiếu tá Xuân cố gắng vượt qua nỗi đau mất mát người thân, tiếp tục cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ở đâu khó khăn - ở đó có bộ đội

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch COVID-19, vì sức khỏe, sự an toàn của nhân dân nơi biên giới, từ đầu năm 2020 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân và gia đình, để bám trụ nơi biên giới.

Trên các tuyến biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai 1.978 tổ, chốt trực 24/24 giờ, với sự tham gia của 13.561 lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Công an, Dân quân tự vệ... kiểm soát chặt địa bàn biên giới để phòng, chống dịch và xuất, nhập cảnh trái phép.

Theo Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh, thành biên giới phát động và tổ chức sâu rộng trên tất cả các tuyến biên giới phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Qua đó, đã xây dựng phòng tuyến nhân dân vững chắc, không chỉ là chỗ dựa của BĐBP, mà còn khẳng định sức mạnh to lớn của nền Biên phòng toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch cam go này.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, BĐBP nói riêng tiếp tục nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm “Vì nhân dân quên mình” để cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động lực lượng quân y từ các đơn vị phía Bắc tham gia Đội cơ động phòng, chống dịch COVID-19 của BĐBP. Ngay sau khi chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP được phổ biến, các đơn vị đã sắp xếp, bố trí lại đội ngũ quân y để cử cán bộ tham gia Đội cơ động phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều đồng chí mặc dù gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bản thân đang thực hiện nhiệm vụ tại các tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới đã lâu không về thăm nhà, nhưng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, viết đơn tình nguyện lên đường tham gia phòng, chống dịch.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị khẳng định: “Sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân được thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi, nhiều đồng chí đã nhiều đêm phải ngủ ngoài rừng, canh giữ vững chắc biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh; nhường doanh trại, nơi ăn, chỗ ngủ cho nhân dân, tận tình chăm sóc người dân tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly; nhiều đồng chí có người thân trong gia đình mất, có vợ con bị nhiễm dịch bệnh COVID-19 mà không thể về được vì đang làm nhiệm vụ. Hàng trăm y sĩ, bác sĩ, học viên các trường quân y xung phong về Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, hoàn thành nhiệm vụ lại lập tức lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục tham gia phòng chống dịch”.

Đã có nhiều đồng chí bị nhiễm bệnh, có người đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ... Những việc làm đó đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm, trách nhiệm to lớn của người chiến sĩ với Tổ quốc, với nhân dân. "Ở đâu nhân dân cần, ở đâu khó khăn thì ở đó có bộ đội". Sự cống hiến, đức hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong phòng, chống đại dịch đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”-Bộ đội của nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân.  

Admin

Thong ke