Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

16 12 2020

in trang

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và trách nhiệm của toàn dân, toàn quân, đất nước ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao.

Trong kết quả chung đó, vai trò của đội ngũ thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch vô cùng quan trọng. Tấm gương nữ bác sĩ tiêu biểu ở Bệnh viện Chợ Rẫy là điểm sáng trong bức tranh tươi đẹp “Lương y như từ mẫu” của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam thời nay…

Niềm vui chiến thắng trận đầu

Người chúng tôi vừa nhắc đến là Thạc sĩ, bác sĩ (ThS, BS) Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Sau khi bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) được điều trị thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị là cái tên thu hút sự quan tâm của truyền thông. Báo giới gọi chị bằng những danh từ đầy cảm phục và ngưỡng mộ: “Người hùng tóc dài”, “Chiến sĩ xung kích”, “Nữ bác sĩ có trái tim rực lửa”… Gần đây, chị được lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy giao nhiệm vụ lên truyền hình tư vấn, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng chống dịch Covid-19. Công việc bận rộn suốt ngày đêm nhưng chị luôn tận tâm, tận lực, hết mình vì người bệnh và sức khỏe cộng đồng.

Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (bên trái) cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chúng tôi gặp chị lần đầu tại Hội nghị công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây. ThS, BS Võ Ngọc Anh Thơ là khách mời đặc biệt. Chị đại diện cho Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị y tế đầu tiên của cả nước tiếp nhận, điều trị thành công cho hai bệnh nhân Covid-19 là ông Li Ding (65 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi, con trai ông Li Ding), quốc tịch Trung Quốc. Đặc biệt, bệnh nhân Li Ding tuổi cao, tiền sử bản thân mắc nhiều chứng bệnh nan y, sức khỏe yếu, nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng. Việc điều trị thành công cho hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định trình độ, khả năng và nỗ lực vượt bậc của ngành y tế nước ta, mở ra hy vọng, tạo sự an tâm, tin tưởng trong đời sống xã hội. Giới chuyên môn coi đây là chiến thắng trận đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Bộ Y tế nghiên cứu, thống nhất phương án, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước theo phương châm “4 tại chỗ”. Chia sẻ với lãnh đạo các bộ, ngành và báo chí, ThS, BS Võ Ngọc Anh Thơ trình bày kinh nghiệm, kỹ năng và những vấn đề đặt ra trong công tác truyền thông phòng dịch, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 một cách khúc triết, cởi mở, nhưng chị lại né tránh nói về bản thân mình. “Việc điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 là công lao của cả tập thể bệnh viện và ngành y, trực tiếp là các ê kíp bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa Bệnh nhiệt đới. Tôi chỉ là một mắt xích trong đó.”, chị nói. Chúng tôi hiểu, đó là cách thể hiện của một người khiêm tốn, chừng mực. Trong hai lá thư cảm ơn các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi trở về nước, hai cha con bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc đã nhắc đến bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ là một ân nhân, một “thủ lĩnh” tinh thần giúp họ chiến thắng bệnh tật.

Bó hoa chúc mừng bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, xuất viện vẫn còn tươi thì những thông tin về các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới lại khiến các bác sĩ nơi tuyến đầu khó có nổi một bữa ăn ngon, một giấc ngủ trọn vẹn. Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập hai đội phản ứng nhanh, sẵn sàng cơ động mọi lúc, mọi nơi để chi viện, ứng cứu cho các địa phương. ThS, BS Võ Ngọc Anh Thơ là thành phần chủ chốt, tiên phong của lực lượng này. Đêm 11-3, sau khi nhận được thông tin có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bình Thuận, đội phản ứng nhanh do chị chỉ huy “xuất kích” ngay trong đêm. Sau hơn hai tiếng đồng hồ cơ động bằng xe ô tô, họ có mặt tại Bình Thuận lúc một giờ ngày 12-3. Chị và các đồng nghiệp lao ngay vào nhiệm vụ, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận triển khai khẩn cấp các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tiến hành hội chẩn, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Sau những ngày đêm làm việc quên ăn, quên ngủ tại Bình Thuận, khi tình hình đã được kiểm soát, chị mới trở về TP Hồ Chí Minh. Với tinh thần của những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, họ xác định, bệnh nhân chưa khỏi, chưa rời bệnh viện; chưa hết dịch, chưa thể nghỉ ngơi.

Hạnh phúc và những hy sinh thầm lặng

Được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đã trải nghiệm cuộc sống, công việc của các thầy thuốc ở Khoa Bệnh nhiệt đới vào một ngày trung tuần tháng Ba. Đây là “đại bản doanh” của bác sĩ Thơ cùng hơn 60 y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên. Khoa Bệnh nhiệt đới hằng ngày có số lượng bệnh nhân đông và đều là những ca bệnh nặng, cường độ làm việc của các y sĩ, bác sĩ rất cao. Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, ngoài đảm nhiệm công việc ở khoa, bác sĩ Thơ phải tham gia hội chẩn, kiểm soát dịch ở các khâu, các khoa trong bệnh viện, tham gia hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, cơ sở y tế khác trong khu vực. Thời gian đối với chị quý như vàng. Là một người khá nổi tiếng, giữ cương vị Phó trưởng khoa của một đơn vị đầu mối quan trọng của bệnh viện lớn nhất phía Nam, nhưng nơi làm việc của bác sĩ Thơ hết sức giản dị. Chị ngồi chung với các bác sĩ khác trong một căn phòng chật hẹp. Trên bàn làm việc vẫn còn nguyên mấy ổ bánh mì và những ly trà sữa, khẩu phần ăn sáng của chị và các đồng nghiệp mới được chị hộ lý mua về. Nhìn những hình ảnh ấy, chúng tôi thoáng ngậm ngùi. Đã hơn 9 giờ sáng nhưng chưa có ai kịp lót dạ.

Sau khi thực hiện các quy định y tế, chúng tôi được đến các khu vực khám, chữa bệnh trong khoa. Toàn bộ diện tích các phòng đều được ưu tiên cho bệnh nhân, trong đó có khu cách ly đặc biệt dành cho bệnh nhân dương tính và nghi nhiễm Covid-19. Tận mắt chứng kiến mới thấy, việc chăm sóc các bệnh nhân nặng vất vả, kỳ công đến thế nào. Hình ảnh đặc trưng của các bệnh nhân bệnh nhiệt đới ở đây là… máy thở. Những bệnh nhân đặc biệt nặng phải cần đến nhiều người và nhiều loại máy cùng lúc, điều trị trong thời gian dài. Là “sếp” nữ trẻ tuổi, bác sĩ Thơ đến các giường bệnh kiểm tra các chỉ số, cùng cộng sự theo dõi từng nhịp thở và diễn biến “sinh tồn” của bệnh nhân. Công việc luôn tay nhưng với chị, mọi công đoạn đều diễn ra tỉ mỉ, thận trọng, phong cách dịu dàng và giọng nói nhẹ nhàng, trong veo như nước suối mùa thu…

Kết thúc ca làm việc thì kim giờ của đồng hồ đã chỉ đến con số 11. Trở về phòng, chúng tôi thấy trên bàn vẫn còn một ổ bánh mì và ly trà sữa. Chúng tôi ái ngại:

-Hình như chỉ còn bác sĩ Thơ chưa ăn sáng?

Nữ bác sĩ cười dịu dàng:

-Dạ không sao! Em quen rồi, lát nữa ăn trưa luôn!

Vậy là bác sĩ Thơ đã thêm một lần “đứt bữa”. Lần này không phải do bệnh nhân mà là lỗi của chúng tôi. Ân cần, cởi mở trong giao tiếp nhưng chị lại từ chối nói về thành tích bản thân. Dù vậy, qua tiếp xúc với các đồng nghiệp của chị, chúng tôi cũng hiểu được phần nào. Một trong những dấu ấn đáng nói là thời điểm hơn 3 tuần căng sức giành giật mạng sống cho hai bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới bận đi công tác nước ngoài. Việc lãnh đạo, điều hành khoa được giao lại cho bác sĩ Thơ. Quyết tâm cứu chữa bệnh nhân bằng mọi giá là mệnh lệnh từ trái tim của chị và các bác sĩ. Ngày bệnh nhân xuất viện, hình ảnh bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ trong bộ Blouse trắng ôm bó hoa, nở nụ cười tươi bên cạnh các đồng nghiệp chúc mừng và tiễn bệnh nhân rời viện được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông và mạng xã hội, trở thành biểu tượng đẹp của nghề thầy thuốc, gây xúc động mạnh cho hàng triệu người. Thành tích xuất sắc của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh khen thưởng đột xuất.

Tài năng, nhiệt huyết, tận tâm cống hiến cho ngành y, ThS, BS Võ Ngọc Anh Thơ là một trong những gương thầy thuốc điển hình của Bệnh viện Chợ Rẫy trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Liên tục nhiều năm, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

“Hồi nhỏ, em mơ ước làm nhà báo”, bác sĩ Thơ cười tươi tiết lộ. Học giỏi văn, có tố chất làm báo, chị từng dự định thi vào ngành báo chí, phấn đấu trở thành một nhà báo giỏi để được đi khắp nơi viết về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Nhà nghèo, cha mẹ đều là giáo viên, khi chị đến tuổi trưởng thành thì cha bệnh nặng, đời sống gia đình có lúc lâm vào cảnh kiệt quệ. Ngồi bên giường bệnh chăm sóc cha, chứng kiến những cơn đau quặn thắt ruột gan của đấng sinh thành, cô học trò giỏi văn xứ dừa Bến Tre đã quyết định từ bỏ ước mơ bay bổng cùng trang viết và những khuôn hình để theo nghề thầy thuốc chữa bệnh, cứu người. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh năm 2006, chị gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ đó. Vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đến nay, chị đã học xong chương trình cao học, bác sĩ chuyên khoa II và đang nghiên cứu sinh để chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành bệnh nhiệt đới.

Gần 15 năm làm bác sĩ và nay là nữ chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành y tế phía Nam, Võ Ngọc Anh Thơ đã góp phần đem lại hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân, tư vấn sức khỏe, phòng, chống dịch cho hàng triệu khán giả truyền hình. Vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về hạnh phúc riêng tư, chị lại lắc đầu:

- Thôi! Cho em được giữ bí mật nhé!

Nghe thế, một đồng nghiệp của chị nói nhỏ với chúng tôi:

-Nhìn bàn tay của cô ấy thì biết. Đàn ông các anh tinh ý lắm mà!

Vâng! Chúng tôi hiểu, với phụ nữ Nam Bộ, chiếc nhẫn đính hôn là “vật bảo chứng” của hạnh phúc, nhưng trên đôi tay của chị vẫn còn thiếu cái vòng "quyền lực" ấy.

Phải cần đến hàng ngàn trang viết mới có thể nói trọn hạnh phúc của người bệnh được bác sĩ cứu chữa, chăm sóc, nhưng với những “Lương y như từ mẫu”, chuyện này đôi khi lại chỉ gói gọn trong hai chữ “tùy duyên”. Đó cũng là một kiểu hy sinh thầm lặng mà nếu không nói ra, mấy ai được tỏ tường.

Admin

Thong ke