Lễ dâng hương tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn
25 11 2020
in trangHướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), 65 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955 - 13/5/2020), 79 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1931 - 15/5/2020), hưởng ứng hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi với chủ đề "Cảm ơn Tổ quốc". Ngày 08/5/2020, Huyện đoàn An Lão phối hợp với Hội LHTN Việt Nam, Hội đồng Đội tổ chức đến thăm, dâng hương tại khu di tích Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn (thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão).
Trạng nguyên Trần Tất Văn, người làng Nguyệt Áng tổng Đại Hoàng, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng). Ông xuất thân trong gia đình nhà nho, với tư chất thông minh và được học hành đầy đủ nên ngay từ nhỏ Trần Tất Văn đã nổi tiếng về hiếu học.
Lên kinh ứng thi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, là Trạng nguyên thứ 20 và cũng là Trạng nguyên cuối cùng của nhà Hậu Lê. Trạng nguyên Trần Tất Văn được nhà Lê bổ nhiệm làm quan hàng tứ phẩm.
Sử sách cho biết, viện cớ Mạc Đăng Dung cướp ngôi thoán nghịch, triều Minh nhân thế sai Thượng thư bộ Binh là Mao Bá Ôn và tướng Cừu Loan dẫn hàng vạn quân áp sát biên giới âm mưu xâm lược nước ta, để có cớ chúng phao tin “phù Lê diệt Mạc”, đem thiên binh sang trừng phạt tội “phản nghịch” của họ Mạc, rêu rao cứu dân đen con đỏ nước Nam thoát khỏi khổ đau.
Với học vấn uyên thâm cùng với tài ngoại giao, Trạng nguyên Trần Tất Văn được vua Mạc cử đi sứ nhà Minh với nhiệm dùng ngoại giao để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Bằng lý luận đanh thép và lập luận chặt chẽ, ông đã gửi bài Biểu của mình đến tướng Mao Bá Ôn khi đang tập hợp đại quân ở biên giới chuẩn bị xâm chiếm nước ta khi đọc bài biểu đã rơi nước mắt rồi quyết định thu quân về nước.
Sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề chép lại bài biểu này với cái tên “Một bài biểu lui vạn binh”, trong đó có câu nổi tiếng “Cho nước tôi là vô nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc?/ Bảo thương dân An Nam vô tội nỡ nào đem gươm giáo đâm chém”.
Phát huy truyền thống gia đình, 39 năm sau con trai Trạng nguyên Trần Tất Văn là Trần Tảo đã đỗ Tiến sĩ làm quan đến chức Thừa chính sứ. Cùng với cha, tiến sĩ Trần Tảo đã góp nhiều công lớn trong sự nghiệp giữ gìn bờ cõi và phát triển đất nước.
Sinh thời, Trạng nguyên Trần Tất Văn đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng quê hương Nguyệt Áng như: dựng cầu đá qua đầm, đắp đường đi, khắc bia tiên hiền, xây văn từ hàng huyện để khuyến dương sự học, dựng chùa. Sau khi ông mất, dân làng tưởng nhớ công đức của ông đã lập đền thờ phụng.
Đây là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực để thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên có cơ hội đến thăm quan, tìm hiểu về truyền thống hiếu học, tấm gương của Trạng nguyên Trần Tất Văn.
Tại Chương trình Ban tổ chức đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19: Sát khuẩn tay, phát 300 khẩu trang, .....!
Admin