Khai thác, sử dụng mạng internet, mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
20 10 2021
in trangInternet, mạng xã hội (MXH) mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; sự xuất hiện của Internet, MXH đã tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, với phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát, Internet, MXH cũng dễ bị lợi dụng gây ra nhiều hệ lụy; người dùng Internet, MXH có thể bị xâm phạm thông tin đời tư, có nguy cơ bị lừa đảo và lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội… Đặc biệt, thời gian gần đây, các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, độc hại trên MXH với mức độ, tần suất ngày càng tăng nhằm chống phá cách mạng nước ta… Quá trình sử dụng Internet, MXH nếu người dùng chủ quan sẽ bị mất định hướng, có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin xấu độc, gây hại cho cộng đồng, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng luôn là nguyên tắc, quan điểm, chủ trương rõ ràng, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, tự do ngôn luận, mở rộng dân chủ phải đi liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, cũng như bảo vệ quyền con người trong cuộc sống thực, việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Mọi người dân đều có quyền tham gia MXH, nhưng phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về các hành vi sẽ bị xử phạt khi tham gia MXH. Cụ thể, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Với mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, Quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng là: quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc Lành mạnh; quy tắc An toàn, bảo mật thông tin; quy tắc Trách nhiệm. Quyết định cũng quy định quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo cho công tác xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật, tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, sự tập hợp, đoàn kết vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hội quần chúng.
Trong bối cảnh cuộc cánh mạng 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính tất yếu khách quan. Triển khai thực hiện tốt sẽ giúp tích hợp, kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin pháp luật để phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội; đảm bảo sự tương tác, thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật; thiết thực giảm tải chi phí nguồn lực đầu tư của nhà nước trong công tác này, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL theo yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, đặc biệt trong khai thác và sử dụng mạng xã hội.
Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác đã triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn. Việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL bước đầu được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Sở Tư pháp Hải Phòng cũng là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND thành phố xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL là Cổng thành phần thuộc Cổng thông tin điện tử của thành phố với tên miền: http://pbgdpl.haiphong.gov.vn. Đây là một “kênh” thông tin rộng rãi nhằm đưa công tác PBGDPL lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; thích ứng với xu hướng tiếp cận thông tin và thói quen của độc giả, nhất là độc giả trẻ. Đến nay, Trang thông tin đã có 750 tin, bài, ảnh. Các thông tin về pháp luật được cập nhật thường xuyên, liên tục, đa dạng, phong phú, tạo một “kênh” tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, kịp thời.
Năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như mọi mặt đời sống, xã hội của Nhân dân nói chung và công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh không tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật trực tiếp, Sở Tư pháp đã có những giải pháp linh động, sáng tạo nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL như: biên soạn các tài liệu phát thanh, hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh covid-19 đăng tải trên Trang PBGDPL của thành phố.
Việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật; khai thác, sử dụng pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL là hướng đi mới, khẳng định công tác PBGDPL không nằm ngoài sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ. Đây cũng chính là một hình thức tuyên truyền hiệu quả để định hướng dư luận xã hội, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho Nhân dân nói chung và trong khai thác, sử dụng mạng xã hội, internet nói riêng.
Để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nghiêm túc thực thi pháp luật, hơn ai hết mọi cán bộ, đảng viên cần ra sức nêu gương trong đời sống xã hội cũng như trên MXH. Mỗi cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; nắm vững và tuân thủ Luật An ninh mạng, các quy định trong Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Thường xuyên rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ lý luận, xây dựng nền tảng tri thức về chính trị, xã hội đúng đắn, phương pháp tư duy, phong cách ứng xử, làm việc khoa học để hình thành các kỹ năng phân tích, đánh giá, phản biện, tuyên truyền thuyết phục khi tham gia MXH. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm khi tham gia đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin trên MXH.
Ban Tuyên giáo Thành đoàn