Học ngoại ngữ theo gương Bác Hồ
08 07 2019
in trangNgày 5-6-1911, tại Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin của Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người đã đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhất là những người lao động nghèo ở Mỹ, Pháp, Anh… Bác luôn tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp với người sở tại, dùng ngôn ngữ của họ làm phương tiện giao tiếp.
Trong lý lịch tự khai của đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Người ghi: Biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Sau này trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, những lần đi thăm nước ngoài hoặc đón tiếp các phái đoàn quốc tế, Bác đều tận dụng vốn ngoại ngữ đó để trao đổi, giao tiếp. Bên cạnh các ngoại ngữ thông dụng, Người còn sử dụng thành thạo khá nhiều ngôn ngữ các nước khác như: tiếng Xiêm, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số của Việt Nam… Vốn ngoại ngữ này không tự nhiên có mà là quá trình dày công học tập gắn liền hành trình tìm đường cứu nước của Người.
Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay sau đó. Ban đầu tập ghép vài từ, ghép thành đoạn, rồi tập viết thành cả bài dài bằng ngôn ngữ Pháp. Bác thường tìm đọc báo và tích cực tập viết báo. Sau mỗi bài viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành 2 bản để lưu lại và gửi toà soạn. Mỗi khi viết được bài báo nào, Người tìm đến tòa soạn và trao đổi với phụ trách rằng: Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các ngài sửa lỗi tiếng Pháp giúp tôi. Sau mỗi lần bài được đăng, Bác rất vui và đối chiếu từng câu, từng chữ, xem bài viết của mình đúng, sai chỗ nào, toà soạn đã sửa lại thế nào, thêm, bớt điều gì cho đúng phong cách ngôn ngữ, văn hóa Pháp. Từ những chỉ dẫn của các chủ bút, Bác viết đi, viết lại, khi thì viết diễn giải cho dài, khi thì co lại thật ngắn gọn, súc tích để người đọc có thể hiểu nội dung…
Theo tapchixaydungdang
Admin