Hồ Chí Minh trong tâm trí bạn bè quốc tế
27 11 2019
in trangChủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh đạo kính yêu của nhân dân Việt Nam mà đối với thế giới rất nhiều nhà chính trị, văn hóa, văn nghệ sĩ… đã hết lời ca ngợi Người như một nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, tấm gương lớn về nhân cách hoàn thiện. Đã từ lâu hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt bạn bè quốc tế đã là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ.
Tên gọi khác của niềm hy vọng
Etmong Misble, Bộ trưởng các quân chủng Pháp, người được ủy nhiệm tiếp Hồ Chí Minh ở Paris năm 1946, nhận định về Hồ Chí Minh: “Đó là một người cộng sản theo lý tưởng. Ông chắc chắn là một người chấp nhận cách mạng cộng sản chủ nghĩa… nhưng trong tự do.
Năm 1946, qua sự kiện Hội nghị Fontaineblean, danh họa Picasso đã gặp gỡ Bác khi Bác là thượng khách của Chính phủ Pháp. Ông Vũ Đình Huỳnh (thư ký riêng của Bác) đã kể lại lời Picasso thích thú nói về bức tranh Bác vẽ người phu xe gầy gò kéo một người Âu bụng phệ trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) là: “Chỉ mấy nét vẽ này, ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh (Bác Hồ) tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa. Nhưng, hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của một dân tộc”.
Hồ Chí Minh là hình ảnh sống về đạo đức cách mạng. Nét đặc biệt ở Người là sự khiêm tốn, giản dị chân thành. Cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu về Bác như vậy : “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông.
Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết…”. Nhà văn nữ Blaga Đimitrova của Bulgaria cũng viết trong “Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh”: “Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Một lãnh tụ thần thoại”
Châu Phi - một trong những nền văn minh sớm nhất của thế giới cổ đại, đi đến độc lập, tự do như ngày hôm nay, ngoài sự hy sinh, đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân “lục địa đen”. Có được điều đó phải kể đến sự giúp đỡ chí tình của phong trào cách mạng thế giới, trong đó có sự giúp đỡ của “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.
Ông Houari Boumediene, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa nhân dân Algeria đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc”.
Tổng thống Sekou Toure của Guinea cũng viết : “Xuất sắc và dũng cảm người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á – Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới … .
Đối với nhân dân châu Phi, Hồ Chí Minh là hình ảnh được coi như “một lãnh tụ thần thoại” của Đảng và nhân dân Việt Nam, tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh hùng và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Và ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên Bang Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm:"Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
Để tạm sơ kết về số lượng người nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cuốn sách, bài viết về Người của các tác giả người nước ngoài đến nay chưa thể xác định được chính xác. Nhưng, đại để đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các vị lãnh đạo các nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, triết học, tâm lý học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Hồ Chủ tịch. Tên tuổi và sự nghiệp của Người đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, các bộ tự điển danh nhân lỗi lạc của loài người.
Ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, đã bước sang một vận hội mới phù hợp với xu thế tiến lên của thời đại, nhưng những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam
Admin