Đoàn thanh niên Tổng Công ty Xây Dựng Bạch Đằng Hải Phòng - Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã tới thăm và dâng hương Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú
27 11 2020
in trangTừ ngày 05/10 đến ngày 08/10, Đoàn thanh niên Tổng Công ty Xây Dựng Bạch Đằng Hải Phòng - Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã tới thăm và dâng hương Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 11/6/1992, các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đã có từ năm 1977. Ban đầu di tích là một tổ thuộc bảo tàng Nghệ Tĩnh, sau khi Nghệ Tĩnh bị tách ra thì di tích lại do bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Đến ngày 14/6/2002, ban quản lý di tích Trần Phú được thành lập. Kể từ đó đến nay, khu di tích chịu sự quản lý trực tiếp của ban quản lý di tích.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904; lên 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.Mùa thu 1918, đồng chí Trần Phú bước chân vào trường Quốc Học Huế để học tập trong những năm tháng đầy gian khổ. Trong thời gian học tập tại đây, đồng chí đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành cách mạng yêu nước.
Đặc biệt đồng chí được thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn trực tiếp khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tháng 9/1922, sau khi thi đỗ Thành Chung, đồng chí Trần Phú về dạy học ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Trong thời gian này, đồng chí có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, được tiếp xúc với những tờ báo yêu nước như: “Người cùng khổ” của Bác Hồ, từ đó, đồng chí Trần Phú đã nhận ra được con đường cách mạng chân chính và tham gia hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước. Cũng trong thời gian này, đồng chí thường về thăm quê, vừa ẩn danh hoạt động cách mạng. Năm 1926, nhà giáo Trần Phú đã cùng một số bạn bè đồng chí hướng lập nên Hội Phục Việt, sau lại đổi thành Hội Hưng Nam rồi Tân Việt cách mệnh Đảng.
Tháng 7/ 1926, đồng chí là một trong những thành viên của Hội Hưng Nam sang Quảng Châu tìm gặp Bác Hồ. Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội do Bác Hồ sáng lập. Đồng thời, đã được Bác Hồ trực tiếp huấn luyện về đường lối cách mạng. Tháng 12/1926, Bác đã cử đồng chí Trần Phú sang Nga học tại trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva. Bác Hồ đã gửi thư tới chi bộ Đảng của trường giới thiệu đồng chí Trần Phú làm Bí thư chi bộ nhóm học sinh sinh viên Việt Nam. Năm 1928, đồng chí tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí từ Matxcơva qua Bỉ, Đức, Pháp rồi bí mật về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930 mang theo kiến thức của một nhà lý luận cách mạng. Tháng 7/1930, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, đồng thời, được phân công viết Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tại nhà số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội, đồng chí Trần Phú đã thảo ra bản Luận cương chính trị và tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã trình bày bản Luận cương chính trị, được Hội nghị thảo luận nhất trí thông qua.
Ở tuổi 26, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư đầu tiên của Đảng, sau đó vào Sài Gòn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên, thì đồng chí bị bắt và bị địch tra tấn dã man nên đã từ trần vào ngày 06/9/1931 ở tuổi 27 tại nhà thương Chợ Quán. Đây là một tổn thất thật nặng nề của cách mạng Việt Nam thủa sơ khai. Hiện câu nói nổi tiếng: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu" của đồng chí để dặn dò bạn bè, đồng chí trước lúc trút hơi thở cuối cùng đã được khắc nổi bật trên bức đá hoa cương ngay sau phần mộ đồng chí... Đồng chí Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
Trước anh linh đồng chí Trần Phú, chúng tôi đã bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí, người chiến sỹ cộng sản kiên cường mẫu mực, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Admin