“Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu”
22 10 2020
in trangSinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, Người luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ cả đức và tài, năng lực và phẩm chất đủ sức gánh vác, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Tổ quốc. Người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Người luôn căn dặn cán bộ phải giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, chống những thói hư, tật xấu, chống quan liêu, cửa quyền, gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền nhân dân được thiết lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nguy cơ của bệnh quan liêu. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Bác nói tới những lầm lỗi của một số cán bộ như: làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác lên án các “ông quan cách mạng”: Coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên mà không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất đi lòng tin cậy của nhân dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra gay go, ác liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên Báo Sự thật ra ngày 02/9/1950. Mở đầu bài viết, Người khẳng định nhiệm vụ của chính quyền, đoàn thể và của mỗi cán bộ đó là “phụng sự nhân dân, nghĩa là làm đầy tớ cho dân, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh”. Bên cạnh đó, cán bộ cần phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tùng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tùng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ cần phải:
- Luôn luôn gần gũi dân
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân
- Học hỏi nhân dân
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều trên cần phải đi song song với nhau. Bởi nếu bản thân mỗi cán bộ không gần gũi dân thì không hiểu biết dân, không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân, không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Và theo Người, có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không làm được như vậy, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.
Nguyên nhân của bệnh quan liêu được Người chỉ ra đó là vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Nếu cán bộ xa cách quần chúng sẽ dẫn tới không hiểu được tâm lý, nguyện vọng cũng như mong muốn chính đáng của nhân dân. Không hiểu biết dân chúng dẫn tới không thấy được lợi ích thiết thực mà nhân dân cần. Họ quên rằng đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông; không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình khi có sai lầm, khuyết điểm bởi họ sợ mất thể diện và sợ phải sửa chữa như vậy bản thân không thể tiến bộ được. Kết quả là những cán bộ mắc bệnh quan liêu, có người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở; có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói “bao la thiên địa” nhưng những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ, là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”, là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. Quan liêu là một trong những căn bệnh rất nguy hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Nó được ví như giặc nội xâm làm suy yếu Đảng và đạo đức cách mạng của người cán bộ. Cán bộ, đảng viên phải là những người lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ; là những người luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân mình, phải thường xuyên gần gũi, quan tâm tới đời sống nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có như vậy mới tròn được bổn phẩn của một người cán bộ. Nhưng, người mắc bệnh quan liêu thì không có những phẩm chất ấy. Nguy hiểm hơn, bệnh quan liêu “đã ấp ủ dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”; có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. Bác đã gọi: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quan địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu... biến thành người có tội với cách mạng”2.
Trong bài viết “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những biểu hiện của bệnh quan liêu thông qua ba mối quan hệ hàng ngày đó là: Đối với người: Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng- chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.
Chính vì quan liêu, xa rời thực tế nên cán bộ có thói quen lãnh đạo, chỉ đạo bằng mệnh lệnh. Họ rất ngại tuyên truyền, giáo dục để làm cho dân hiểu, dân nhớ và dân làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, cũng biết, họ không chịu lắng nghe, học hỏi quần chúng, nên không việc nào mà họ vạch ra phù hợp với thực tế, không đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của quần chúng, dẫn tới nhân dân không tin và không làm theo một cách tự giác.
Đối với việc: Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Những cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thường không đi sâu, đi sát phong trào, ngại đi xuống cơ sở, không nắm được tình hình cụ thể của địa phương, của ngành mình, thích ngồi bàn giấy, “chỉ tay năm ngón”, trọng hình thức “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình”. Họ thích ra chỉ thị, nghị quyết nhưng lại không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, cái gì cũng chung chung, đại khái, không sát với thực tế, không có biện pháp cụ thể để giải quyết công việc.
Đối với mình: Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.
Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”. Họ không biết quan tâm chăm lo đời sống cho quần chúng, họ đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên lợi ích của nhân dân, của tập thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi và phát động cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Người chỉ ra, chống quan liêu có hai ý nghĩa quan trọng: làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân; giúp cán bộ, đảng viên ta giữ gìn phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Chống quan liêu là một việc làm có tổ chức, theo phương châm lấy giáo dục, bồi dưỡng là chính, làm cho người phạm lỗi có dịp để thật thà phê binh... Đồng thời có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; khuyến khích những người tốt càng tận tụy và gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân. Phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu... làm cho nó hết chỗ ẩn nấp.
Muốn cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham ô, lãng phí có kết quả thi một vấn đề rất quan trọng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tốt là hội đủ cả hai yếu tố đức và tài. Phải “hồng thắm, chuyên sâu”. Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, “cũng như sông thi có nguồn mới có nước, không có nguồn thi nước cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thi cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thi tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đạo đức làm nền, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Nếu từng người cán bộ biết tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao khả năng “miễn dịch” trước mọi cám dỗ là đã đóng góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”.
Phần cuối của bài viết, Người cũng đã chỉ rõ cách chữa căn bệnh này là:
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư3.
Và cuối cùng Bác căn dặn chúng ta: “Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải”.
Xóa bỏ bệnh quan liêu sẽ giúp mỗi cá nhân thêm hoàn thiện bản thân mình, mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một “công bộc” tốt của nhân dân. Với tổ chức, công việc này còn góp phần tiêu diệt tận gốc tham ô, lãng phí, làm cho bộ máy thật sự trong sạch vững mạnh, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã làm thay đổi nấc thang giá trị đạo đức cách mạng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên: Quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dàn... Đây là trở ngại trong quá trình xây dựng các văn kiện hoạch định chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết Phải tẩy sạch bệnh quan liêu vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân ta trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phải luôn coi trọng việc khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn, trách nhiệm với công việc là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nguồn: Sưu tầm
Admin