Bác Hồ nói về pháp luật
09 11 2020
in trangCó thể đưa ra một nhận xét rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp, là sự tổng hòa một cách xuất chúng của ba nhà: Nhà chính trị, quân sự đại tài, Nhà văn hóa đại bác học và Nhà tư tưởng lập pháp mẫu mực.
Là Nhà chính trị, quân sự đại tài, Bác Hồ chính là người đi khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước giữa cảnh nước mất, nhà tan. Bác đã sáng lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) để lãnh đạo cuộc kháng chiến lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cũng như lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương, làm bàn đạp cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ quật cường suốt mười ngàn ngày đêm trường kỳ ở miền Nam.
Là Nhà văn hóa đại bác học, Bác đã để lại cho đời rất nhiều những tác phẩm văn học, báo chí, kịch, tùy bút mà nổi bật trong số đó phải kể đến những áng hùng văn như: Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn Độc lập, Những trò lố hay là Va-Ren và Phan Bội Châu, Vi hành, Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp, cho đến các bài thơ chúc Tết động viên tinh thần chiến sỹ xông pha ngày đêm ngoài mặt trận, v.v..
Là Nhà tư tưởng lập pháp mẫu mực, Bác đã đặt nền móng cho sự ra đời của một nền lập pháp xã hội chủ nghĩa, nền lập pháp của một dân tộc vừa thoát ra khỏi bùn đen của hàng trăm năm bị thực dân đô hộ, qua đó thắp lên niềm tin và ánh sáng vào công lý cho toàn nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, giới tính, v.v.. Điều đó không chỉ thể hiện qua 2 bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Người đứng đầu Ủy ban soạn thảo, cũng không chỉ thể hiện qua 16 luật và 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác do Người ký lệnh công bố hoặc ban hành. Tư tưởng lập pháp và thực thi pháp luật của Người được thể hiện xuyên suốt từ cử chỉ, thái độ cho đến lời nói. Từ nào, chữ nào, việc làm nào của Người cũng đều cho thấy mong muốn xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước mà lấy “thượng tôn pháp luật”, lấy “Thần linh pháp quyền” làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác pháp luật cũng như đội ngũ cán bộ tư pháp, Người đã khẳng định “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”. Thật vậy, một Nhà nước mới được hình thành hơn bao giờ hết cần có công cụ để quản lý, và Nhà nước ấy phải quản lý xã hội bằng pháp luật, và chỉ có pháp luật. Chẳng thế mà ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch nước, đứng đầu Chính phủ. Sau đó, trong Thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 02 năm 1948, Người viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”, Người căn dặn: “... Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”. Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện.
Là người suốt đời đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng, Người coi nạn tham ô, nhũng nhiễu nhân dân như là một loại giặc cần phải diệt trừ. Người thể hiện thái độ nghiêm trị đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của nhân dân. Người nói: “Chính phủ đã cố gắng liêm khiết. Nhưng nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ”. Người đề cao Đức trị, nhưng đó phải là Đức trị đi liền với Pháp trị. Trong Di chúc trước lúc đi xa, về bên kia thế giới với cụ Các Mác, cụ Lê Nin, Người đã viết “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Ngay cả khi nói về Đảng, gắn với vấn đề pháp luật chống tham nhũng, Người khẳng định “nếu cần có đảng phái thì sẽ là đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Có thể thấy rõ, Người đã đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc. Và hai tội danh này đều xếp vào khung hình phạt tử hình theo Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt ngày 26 tháng 01 năm 1946 do chính Người ký.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (tháng 11 năm 1946), có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ về các vụ việc ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng xảy ra gần đây. Thay mặt Chính phủ, Bác Hồ đã trả lời thẳng thắn rằng: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các uỷ ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nghiêm trị của pháp luật thật cương quyết: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Với tư cách là vị lãnh tụ của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, Người đã lấy chính mình làm tấm gương cho toàn thể cán bộ, trí thức, công nhân, nông dân noi theo trong việc thượng tôn và bảo vệ pháp luật. Hơn ai hết, Người hiểu rõ vai trò và tác động to lớn của người làm lãnh đạo đối với tính nghiêm minh của pháp luật. Người viết xin kể lại một câu chuyện về tấm gương Hồ Chí Minh trong việc tôn trọng luật lệ của Nhà nước, cũng chính là luật lệ của nhân dân, thay cho đoạn kết. Câu chuyện được kể theo lời kể của các đồng chí cảnh vệ của Bác in trong cuốn “Những mẩu chuyện đạo đức của Bác Hồ”:
“Hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ chúng tôi phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết định thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.
Một hôm chúng tôi theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.
Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Chúng tôi lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bàn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý. Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi: “Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình”.
Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao thông bật đèn xanh để xe qua”./.
Nguồn: Sưu tầm
Admin