GIỚI THIỆU THAM QUAN CÁC ĐỊA ĐIỂM TẠI CƠ SỞ

14 12 2023

in trang

     Cơ sở cai nghiện ma tuý Gia Minh là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Tổng đội TNXP Hải Phòng – Thành đoàn Hải Phòng, được thành lập theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, có chức năng, nhiệm vụ: tiếp nhận, quản lý chữa trị cai nghiện phục hồi cho người mắc nghiện ma tuý, đóng chân trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Có diện tích tự nhiên trên 70ha, phía Đông giáp xã Gia Đức, phía Tây giáp xã Gia Minh, phía Nam giáp sông Thải, phía Bắc giáp sông Đá Bạc. Trong đó có trên 50ha là ao hồ, đồi núi, còn lại là mặt bằng xây dựng nhà làm việc, nhà ở cho học viên và các công trình khác phục vụ cho mục đích chung, Cơ sở đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2004.

     Cơ sở có công suất thiết kế tiếp nhận trên 1.000 học viên, mỗi năm Cơ sở tiếp nhận gần 1.000 học viên, hiện tại số học viên hiện diện là hơn 500 người, trong đó có trên 70% có tiền án, tiền sự, gần 20% nhiễm HIV/AIDS.

     Trước các diễn biến phức tạp của tội phạm ma tuý, theo con số thống kê của ngành Công an, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có trên 10.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, người sử dụng ma tuý có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trên 80% trong số đó sử dụng ma tuý tổng hợp, hoặc sử dụng kép nhiều loại ma túy.

     Qua thực tế tại Cơ sở cho thấy, hầu hết các đối tượng vào cai nghiện có những biểu hiện loạn thần trầm trọng, hoang tưởng, ảo giác, kích động... từ đó, công tác điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị tổn thương tâm thần và quản lý giáo dục cho học viên luôn gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.

     Học viên ở giai đoạn cắt cơn được cách ly điều trị tại khu riêng, thường phải cố định tay chân để họ không tấn công người khác, không tự huỷ hoại thân thể.

1. VƯỜN THÚ

     Đây là khu vực sinh sống của một số loài vật nuôi tạo môi trường cảnh quan thân thiện với thiên nhiên tại Cơ sở. Không chỉ có không gian xanh, sạch, đẹp, tại vườn thú còn có một số con vật như trăn, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cá sấu, cầy hương, chim công…. Ngoài ra, tại Cơ sở còn có đa dạng về mô hình chăn nuôi như lợn, gà, cá, ngựa, thỏ…. Lát chúng ta sẽ được tham quan khu vực nuôi thỏ.

2. KHU CẮT CƠN

     Người nghiện ma túy vào Cơ sở chữa bệnh cai nghiện theo quy trình 5 giai đoạn: Tiếp nhận phân loại; Cắt cơn giải độc; Giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; Hướng nghiệp dạy nghề và phòng chống tái nghiện. Sau khi học viên được tiếp nhận vào Cơ sở được chuyển xuống khu vực cắt cơn để bắt đầu tiến hành điều trị, cai nghiện ma túy. Tại đây, quý vị và các bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh người nghiện ma túy trong giai đoạn điều trị đặc biệt, thấy có các công cụ hỗ trợ (còng tay, còng chân) để đảm bảo an toàn cho chính người bệnh và các học viên khác. Yêu cầu khi vào khu vực này, các bạn đi theo hàng, trật tự, không quay phim chụp ảnh.

     Phòng Y tế mà các bạn tham quan cũng tương tự như các khu sinh hoạt, ăn ở của các Đội quản lý học viên khác ở Cơ sở. Ở đây gồm khu khám bệnh, khu đông y, phòng tập gym, phòng xông hơi, châm cứu, xông hơi và các phòng ở của học viên sau khi cắt cơn xong. Trên tầng hai là khu vực cắt cơn. Tiếp đến là khu vực Hội trường đội, nơi diễn ra các hoạt động tập trung như sinh hoạt văn nghệ, học viên học các chuyên đề giáo dục và thiền tâm năng dưỡng sinh.

3. XƯỞNG GỐM

     Xưởng gốm của Cơ sở được xây dựng và hoạt động từ năm 2010 nhằm làm phong phú thêm các mô hình lao động cũng như phục vụ cho công tác hướng nghiệp dạy nghề dành cho học viên. Kỹ thuật làm gốm được chuyển giao công nghệ của các nghệ nhân đến từ làng gốm Bát Tràng – Hà Nội, Chu Đậu – Hải Dương; Minh Tân – Thuỷ Nguyên – Hải Phòng… Với sự nhiệt tình, ham học hỏi của thầy và trò xưởng Gốm, xưởng Gốm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những sản phẩm gốm sứ Gia Minh từng đại diện cho tuổi trẻ thành phố Hải Phòng tham gia trưng bày tại Đại hội Đoàn toàn quốc năm 2018.

     Xưởng gốm gồm 2 khu riêng biệt: Khu đổ rót, tạo hình và khu trừng bày sản phẩm. Thăm khu đổ rót, tạo hình, các bạn có thể hiểu về quy trình sản xuất gốm gồm nhiều công đoạn, đầu tiên là làm đất, đến khâu đổ rót, ra sản phẩm thô, khâu tiện tức là cho sản phẩm nhẵn tròn, để khô rồi đánh ráp cho nhẵn mịn, sau đó vẽ hoa văn và tráng men, chồng lò và đốt lò.

     Lò đốt gốm của Trung tâm hiện nay làm bằng khung thép bọc tôn, bên trong cách nhiệt bằng thuỷ tinh, gốm được nung bằng ga, ở nhiệt độ khoảng 1.200 – 1.290  độ C, tuỳ vào các loại men khác nhau thì thời gian nung khác nhau, ở Trung tâm với loại men thường dùng nung khoảng 9 đến 10 tiếng thì được một mẻ gốm. Lò gốm của Trung tâm trung bình nung 1 lần được khoảng 300 đến 400 sản phẩm gốm, đối với nung bát đĩa thì được khoảng hơn nghìn sản phẩm.

     Sau khi có sản phẩm sẽ được trưng bày tại Khu trưng bày, các sản phẩm nổi bật như bình hoa, nậm rượu, bát đĩa, chậu cảnh… và một số sản phẩm cảnh quan mà các bạn vừa đi qua cũng là thành phẩm của xưởng gốm: Đó là con đường gốm sứ Gia Minh.

4. VƯỜN LAN

     Vườn lan trên hồ của Cơ sở được hình thành trên ý tưởng thiết kế với khung giàn theo kiểu cột chống, có giàn che để đảm bảo về ánh nắng và gió và độ ẩm được tận dụng từ sự bốc hơi nước để lan sinh trưởng và ra hoa tốt. Với diện tích gần 200m2, vườn lan rất phong phú về chủng loại, bao gồm cả phong lan, địa lan được sưu tầm từ nhiều vùng miền với màu sắc thắm tươi, đủ vẻ với những cái tên mĩ miều như: Đai Châu, Hồ Điệp, Phi Điệp, Mỹ Dung, Hoàng Thảo, Tuyết hoa, Ngọc Trúc... Vườn lan vừa mang lại cảnh quan đẹp cho Cơ sở vừa là công việc giúp các học viên rèn luyện thêm tính kiên trì, hướng nghiệp với nghề trồng lan.

5. KHU NUÔI GIUN QUẾ

     Các dãy nhà nhỏ 2 tầng mà các bạn nhìn thấy là khu vực nuôi giun quế.

     Giun quế là động vật thân mềm ưa tối và độ ẩm cao nên trong quá trình nuôi giun lều trại luôn được che đậy cẩn thận để tránh ánh sáng quá nhiều. Hàng ngày, người nuôi giun bổ sung thức ăn cũng như kiểm tra, bổ sung thêm nước dưới dạng phun sương.

     Giun là động vật lưỡng tính nên sau khi giao phối thì cả hai con cùng sinh sản. Giun sinh sản rất nhanh, nên chỉ cần đầu tư con giống một lần đầu tiên. Từ 1 kg giun giống, sau 60 ngày nuôi có thể thu được 2 đến 3 kg giun. Diện tích nuôi giun hiện tại khoảng gần 1.000m2.

     Muốn thu hoạch giun thì chỉ cần đưa sinh khối nuôi giun ra ngoài ánh sáng, giun sẽ tự tìm xuống phía dưới sinh khối và ta chỉ cần hớt bỏ sinh khối phân bên trên là hoàn thành việc thu hoạch. Giun sau khi được thu hoạch có thể được phơi khô và đóng gói hoặc cũng có thể qua sơ chế thành bột giun xuất ra thị trường bên ngoài. Giun không chỉ làm thức ăn chăn nuôi mà giun còn là thành phần làm dược phẩm, mỹ phẩm… Tại Cơ sở, việc nuôi giun quế sẽ cung cấp nguồn thức ăn cũng như tăng lượng đạm sinh học cho các loài động vật như lợn, cá, tôm, lươn… Ngoài ra, phân giun là nguyên liệu tốt được tận dụng đối với việc trồng rau sạch, trồng cây cảnh hay phong lan.

     Thức ăn để nuôi giun chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như rác hữu cơ (rau, củ, hoa, quả, vỏ trái cây loại bỏ, rơm rạ, các loại bã đã ép dầu …), phân trâu, bò, dê, lợn, gà … rất dồi dào. Nuôi giun ít bị bệnh, ít rủi ro, kỹ thuật đơn giản, dễ làm, sớm có thu nhập, đồng thời nuôi giun tốn ít công chăm sóc. Nên đây là mô hình vừa giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường cảnh quan vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

6. KHU VỰC NUÔI THỎ

     Cũng với mục đích hướng nghiệp dạy nghề và đa dạng mô hình chăn nuôi tại Cơ sở, khu vực nuôi thỏ đã được triển khai. Với diện tích khoảng gần 200m2, thỏ được nuôi nhốt tại các lồng riêng biệt nhằm đảm bảo sức khỏe và không gian sống. Hiện tại, tổng đàn thỏ của Cơ sở gần 200 con. Thức ăn chủ yếu của nó gồm cơm, cám ngô, cỏ, các loại rau… Thỏ nuôi trong thời gian từ 7 – 8 tháng thì có thể xuất bán. Quá trình chăm sóc, nuôi thỏ cần đặc biệt chú ý: Thỏ ưa sạch sẽ, kị nhất bị mưa ướt hoặc thức ăn có dính nước mưa dễ dẫn tới việc thỏ bị tiêu chảy, chết.

7. KHU VỰC TRỒNG NẤM

     Từ năm 2009, cây nấm đã được đưa vào sản xuất tại Cơ sở với các loại nấm như nấm Linh Chi, nấm mỡ, nấm sò…

     Nguyên liệu trồng nấm có nguồn gốc từ tự nhiên, không chứa tinh dầu và hóa chất, một số nguyên liệu phổ biến như mùn cưa, bã mía, bìa cứng, bã cà phê, rơm rạ, phế liệu bông… Nguyên liệu sẽ được xử lý bằng cách ngâm với nước vôi để cân bằng độ PH, cân bằng độ ẩm, bổ sung dinh dưỡng. Sau đó, nguyên liệu được đóng bịch rồi đưa đi hấp tiệt trùng khoàng từ 6 – 12 giờ đồng hồ (tùy từng loại nấm có thời gian hấp khác nhau). Tiếp đến, các bịch phôi được cấy giống nấm trong môi trường sạch sẽ, vô trùng, tiếp theo là chuyển các bịch nấm vào khu vực ươm trong khoảng thời gian từ 20 – 30 ngày, sau đó chuyển sang khu vực chăm sóc và thu hoạch. Điểm lưu ý trong quá trình chăm sóc nấm là nhiệt độ mát mẻ, ánh sáng vừa phải, không sáng quá và giữ độ ẩm thường xuyên cho các bịch nấm bằng cách tưới nước phun sương 2 lần/ngày. Đối với nấm Linh Chi từ 2,5 – 3 tháng cho thu hoạch, mỗi lần cấy giống cho thu hoạch từ 2 đến 3 lần, có giá trị nhất là nấm được thu hái lần đầu. Nấm rơm, nấm sò từ 1,5 – 2 tháng thì cho thu hoạch. Các loại nấm này cũng cho thu hoạch từ 2 đến 3 lượt.

8. TƯỢNG PHẬT A – DI – ĐÀ TRÊN NÚI CỔ NGỰA

     Với chỉ dẫn của các thượng toạ, các nghệ nhân, Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thuỷ Nguyên phát tâm công đức pho tượng Đức Phật A di đà chế tác từ khối đá trắng sứ nguyên khối Lục Yên – Yên Bái, tượng nặng 12 tấn. An vị pho tượng Đức Phật A di đà lên độ cao dựng đứng trên 150 mét, cách xa trục đường nội bộ hàng trăm mét là cả một khối lượng công việc và đầu tư không nhỏ của các nhà tâm, cán bộ và học viên Cơ sở

     Đến với Cơ sở, ngước nhìn chân dung Đức Phật A di đà đang ban niềm an lạc khắp mọi miền, cứu giúp chúng sinh đang đắm chìm trong đau khổ. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đem cho ta một ấn tượng tốt lành, một gương sáng cao quý. Khiến mỗi chúng ta khởi tâm ngưỡng mộ noi theo, mà tự nhủ với mình rằng: phải cố gắng tu tâm để sửa đổi hành vi và lời nói; hãy nhìn vào mình và cảm nhận được mình về những lỗi lầm trong quá khứ mà lập chí quyết tâm sửa chữa; để hiểu được mình là ai, từ đâu đến, mình sẽ trở thành người như thế nào và sẽ đi đến đâu trong hành trình của cuộc sống để bền bỉ phấn đấu vươn lên; để cuộc sống của mình trở nên giá trị với bản thân và những người xung quanh.

9. ĐỀN PHÚC SƠN LINH TỪ

     Từ dưới chân núi, bước qua 189 bậc thang để lên đến Đền. Theo người dân địa phương, xưa kia, ở đây có một ngôi miếu nhỏ thờ sơn thần thổ địa. Cho đến tháng 2/2020, thầy và trò Cơ sở có cơ duyên trùng tu, tôn tạo lại nơi thờ phụng này và lấy tên là Phúc Sơn Linh Từ. Trong khuôn viên của ngôi đền còn có Lầu Ngài được dựng toàn bộ bằng đá xanh. Bốn cột trạm trổ theo bộ tứ quý, tùng cúc trúc mai. Từ chân cột tới đỉnh bán nguyệt cao 2m83, tổng khối lượng của lầu là 60 tấn.

     Từ cửa đền, phóng tầm mắt ra xa không chỉ là phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình mà còn có những di tích nổi tiếng của nước ta, đỉnh thiêng Yên Tử - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đắc đạo, hướng sang phía Đông Bắc là chùa Ba Vàng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất tại nước ta.

     Đặc biệt hơn, trước cửa Đền là sông Đá Bạch hay còn gọi là sông Đá Bạc – là một nhánh của dòng sông Bạch Đằng huyền thoại, nơi ghi dấu những trận chiến gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Đức Vương Ngô Quyền (năm 938), Vua Lê Đại Hành (năm 981), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (năm 1288). Đây là nhánh sông nối liền thành phố Hải Phòng với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, và dọc theo nhánh sông này, việc phát lộ các bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê và Đầm Thượng xã Lại Xuân huyện Thủy nguyên là cả chứng tích lịch sử huy hoàng của ông cha ta.

     Ngôi đền được thờ phụng nhằm hướng cho học viên những điều thiện lành để cuộc sống được bình an.

 

Admin

Thong ke