MIẾU - CHÙA HẠ ĐOẠN - THỜ ĐỨC VƯƠNG NGÔ QUYỀN
20 03 2023
in trang
Hạ Đoạn là một làng lớn ở phía Đông thành phố Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An. Nơi đây vào năm 938, Ngô Quyền đã quyết định chọn vùng hạ lưu - cửa sông Bạch Đằng làm trận địa mai phục chống quân xâm lược Nam Hán.
Những nơi Ngô Quyền đã từng đóng quân đánh giặc 938, sau khi ông mất, nhân dân đều dựng đền, miếu thờ ông và được các triều đại kế tiếp ban sắc phong thờ tự. Tại nhiều di tích hiện còn lưu giữ được bản sắc phong Tự Đức 1880, nhà vua đã phong sắc cho 06 tổng, 17 xã thuộc huyện An Dương thờ Ngô Vương Quyền, đó là tổng Lương Xâm, Trực Cát, Trung Hành, Hạ Đoạn, Đông Khê, Gia Viên gồm các xã Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, Cát Bi, Gia Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá.
Nhân dân các làng xã trên còn lưu truyền phổ biến câu chuyện cây trầm hương trôi đến địa phận này, dân làng Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Xâm Bồ, kéo nhau ra vớt cây gỗ đem về tạc tượng Ngô Quyền. Làng Lương Xâm được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn.
Miếu Hạ Đoạn thờ đức Vương Ngô Quyền, được trùng tạo vào năm Thành Thái (1889 - 1907). Mặt chính miếu quay hướng Tây Nam. Miếu được bố cục kiến trúc theo hình chữ đinh (J) gồm tiền đường, giải vũ, thiêu hương và hậu cung.
Tòa tiền đường kết cấu 5 gian gồm 3 gian, 2 dĩ. Mái lợp ngói ta vẩy rồng, bên trên bờ nóc đắp nổi biểu tượng các linh vật quý: ở giữa bờ nóc mái đắp nổi lưỡng long chầu nhật, hai bên đỉnh bờ nóc đắp 2 con kìm, phía dưới giữa bờ dải mái là 2 con nghê. Đầu mái đao cong tạo kiểu rồng chầu phượng mớm như nâng bổng toàn bộ công trình kiến trúc miếu trở lên thanh thoát. Bên trong di tích kết cấu vì kèo kiểu tiền kẻ hậu bẩy, vì nóc kiểu kẻ chồng đấu sen.
Đặc biệt tòa thiêu hương kiến trúc theo kiểu “chồng diêm - nóc các” 2 tầng, 8 mái lợp ngói ta đứng vững trên 4 cột cái với phần mái đao cong vút tỏa về các góc.
Bên trong di tích, các đồ thờ tự được bài trí tạo nên nét trang nghiêm, bề thế cho công trình kiến trúc với ngai tượng, long kiệu, tế khí, câu đối đại tự và một số đồ gốm có giá trị. Bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm các cảnh sắc mây trời, hoa lá, tứ linh là một trong những mảng chạm trang trí nghệ thuật có giá trị mà di tích còn giữ được. Đặc biệt tại di tích hiện còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị như: kiệu bát cống, bát hương đá, bia đá, hương án và 09 bản sắc phong, trong đó 03 sắc phong có niên đại từ (1889 - 1924) ban sắc cho thờ Đức Vương Ngô Quyền. Trải qua các triều đại, Miếu Hạ Đoạn đã được nhận 38 sắc phong.
Nằm ngay bên cạnh miếu Hạ Đoạn là ngôi chùa Hạ Đoạn - nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương. Chùa có niên đại khoảng từ trước thế kỷ 16. Việc xây dựng ngôi chùa gắn liền với câu chuyện lưu truyền trong nhân dân làng Hạ Đoạn, việc công chúa triều Mạc tên chữ là Cẩm Hoa, tục gọi là chúa Bưởi đã về ở tại Chùa Hạ Đoạn, xuất tiền mua 4 sào ruộng, cúng 2 sào vào chùa, 2 sào vào miếu. Tuy nhiên những hiện vật còn lưu giữ được đến nay còn rất ít chủ yếu là niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trở lại đây.
Vào mùa xuân hàng năm, làng Hạ Đoạn long trọng tổ chức tế lễ, rước kiệu, bài vị, tượng Ngô Quyền cùng các làng xã lân cận tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc.
Miếu - Chùa Hạ Đoạn được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21-01-1992.
Thành đoàn Hải Phòng