MIẾU - CHÙA CỰU ĐIỆN, XÃ NHÂN HÒA, HUYỆN VĨNH BẢO

13 03 2023

in trang

Miếu-Chùa Cựu Điện xã Nhân Hoà cách trung tâm thị trấn Vĩnh Bảo hơn 1km về phía Nam. Với diện tích gần 8.000m2, phong cảnh hữu tình. Nơi đây là một quần thể di tích, danh thắng tiêu biểu của huyện Vĩnh Bảo đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1994.

Ngôi Miếu không rõ xây dựng từ bao giờ nhưng tên gọi làng này cũng gợi ra một suy đoán: Phải chăng nơi đây xưa kia là một cung điện cũ (Cựu Điện), hay dân gốc làng này vốn ở một vùng mà triều đại lúc bấy giờ đã đặt một hành cung lớn nên mang tên như vậy, sau vì nguyên nhân nào đó mà dân làng rời đến vùng Hạ Hồng ven biển xứ Đông?. Đây chỉ là giả thiết, nhưng theo tờ khai của chức dịch làng trình Pháp quốc Viễn Đông học viện năm 1938 thì lúc ấy miếu còn giữ được sắc phong của nhà vua ban tặng cho vị thần thờ ở miếu là An Tấn Đại Vương (thần phả gọi là Kim An) vào các niên hiệu Thịnh Đức thứ 3 (1655), Vĩnh Thọ (1658), Bảo Thái thứ 2 (1721), đến Chiêu Thống thứ Nhất (1787), Quang Trung, Cảnh Thịnh triều Tây Sơn và từ Gia Long đến Khải Định đời Nguyễn. Đây là một bằng cứ chắc chắn là ngôi miếu cổ thuộc làng cổ Cựu Điện.

Căn cứ vào bản thần tích miếu Cựu Điện, do Hàn Lâm Viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên 1572. Quản Giám Bách Linh Tri Điện đời Lê Vĩnh Hựu (1735) là Đại học sĩ Lê Trung sao lại chính bản thì miếu Cựu Điện có từ thời Hậu Lý do dân làng lập nên để thờ ông Kim An, một bộ tướng của Lý Thường Kiệt đã từng đem quân đánh Tống, bình Chiêm. Một lần ngài hành quân đánh giặc có đóng quân tại trang Cựu Điện và mộ thêm quân sĩ tại đây. Sau thắng trận, ngài trở lại đóng quân, khao thưởng dân. Cảm ơn ân đức, sau khi ngài mất dân làng đã tôn thờ ngài làm Thành Hoàng để thờ, cúng mãi mãi.

Trải qua các triều đại Trần, Lê đến các đời vua Lê Trung Hưng, Nguyễn, Tây Sơn đều có sắc phong cho Thành Hoàng trang Cựu Điện. Cũng từ ấy đến nay, trang Cựu Điện lấy ngày 10 tháng 3 hàng năm (ngày mừng thắng trận) là ngày hội lớn của làng.

Theo truyền ngôn, trước đây miếu rất đơn sơ, nhưng càng về sau càng được mở mang to đẹp. Đỉnh cao rực rỡ của toà miếu là năm Duy Tân thứ 7 (1913), miếu được xây dựng liên hoàn, đồ sộ, bố trí theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm đủ hậu cung, nhà bái đường, nhà tiền tế, tả vu, hữu vu... Toà hậu cung cao ngất làm theo lối “chồng diêm nóc các” với mái 9 nóc, vòm cuốn, lan can trụ cổ bồng gắn men sứ lấp lánh. Đỉnh nóc là hai toà lầu nhỏ đứng song hành nổi bật dòng chữ Hán gắn bằng mảnh gốm sứ với nội dung “đăng cao- tiềm vọng” nghĩa là đèn cao, chiếu xa với vị trí bao quát của đỉnh thượng toà hậu cung. Đây cũng là phần kiến trúc còn nguyên vẹn của toà miếu. Tại đây trong lòng thập điện nguy nga là nơi an vị thần tượng danh tướng An Tấn- thành hoàng của làng.

Kế đó là nhà đại bái 3 gian được phân cách bằng ba khung cửa võng được chạm trổ cầu kỳ, sơn son thiếp vàng rực rỡ.

Nhà tiền tế năm gian bài trí rất nhiều cổ vật và được bảo quản cẩn thận như những báu vật của làng xã. Nếu như bên đình Mục, chúng ta ngạc nhiên trước sự hoành tráng lộng lẫy của một ngôi đình cổ thì ở Miếu Cựu Điện ta lại như lạc vào chốn thâm cung, một phòng trưng bầy cổ vật với số lượng hiện vật đồ sộ. Tất cả có tới hơn 40 chủng loại với hơn 200 hiện vật cả về đồ đồng, đồ đá, gốm, đồ gỗ, giấy...Đó là những bức hoành phi, đại tự, cuốn thư, những đôi câu đối hình lòng máng được khảm trai, chạm lộng cầu kỳ. Những ngai thờ, bài vị, khám luyện; những bộ ngũ sự, gốm men hoa lan; các loại choé, chĩnh, lộc bình đủ loại có nắp, không nắp, vuông, tròn, to nhỏ khác nhau. Tất cả đều được giữ gìn, bài trí đẹp đẽ làm tăng thêm vẻ đẹp và tôn nghiêm của toà miếu.

Hai bên sân là nhà chiêng, nhà trống mới được phục dựng. Đó là hai toà lầu hình lục lăng, 2 tầng, 8 mái, làm theo lối cổ tạo nên vẻ đẹp hài hoà và sự hoành tráng của khu di tích, đồng thời là nơi gửi gắm ước mơ của người trần tục về cõi niết bàn, bồng lai tiên cảnh.

Trước toà miếu là hồ nước, trong hồ có núi non bộ tạo cảnh non xanh nước biếc. Đường lên núi có hổ phục, voi chầu rất sinh động, khiến cảnh sơn thuỷ hữu tình, tạo thế bền vững trường tồn theo thuyết phong thuỷ “ tiền tam sơn, hâụ ngũ nhạc” Đây là ngọn núi giả lớn nhất Hải Phòng có đủ cổ thụ, suối, khe, thiền am, có đài Điếu Ngự theo tích cổ. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ tấm bia đá, niên đại năm 1928, ghi lại việc dân làng đắp núi non bộ cùng ngôi chùa mang tên “ Khổng tước tự”, ngôi chùa thiêng mà cha mẹ vị tướng quân Kim An đã tới nguyện cầu trước khi sinh ra ông.

Vào những ngày lễ hội mồng 10 tháng 3 và mồng 10 tháng 8 âm lịch, đây là nơi biểu diễn múa rối nước, một môn nghệ thuật dân gian lâu đời của vùng này mà đến nay vẫn được duy trì, phát triển.

Sau miếu, bên trái tường hồi hậu cung còn một Am thờ nhỏ dưới gốc cây hoa sữa cổ thụ, cành lá xum xuê. Tục truyền khi tướng Kim An đóng quân ở trang Cựu Điện được một bà cụ ở trang này giúp đỡ quân nhu, chăm sóc tận tình nên ông nhận làm mẹ nuôi. Khi cụ qua đời, ông đã trồng cây sữa này để tưởng niệm. Sau này, những sản phụ quanh vùng thiếu sữa nuôi con, đều đến đây xin lá về uống để nguồn sữa lại dồi dào, ngon ngọt, nuôi con mau lớn. Truyền thuyết này phản ánh quan niệm trọng đạo nghĩa của người Việt.

Trong quần thể di tích còn ngôi chùa làng “Phúc Lâm Tự”. Chùa được xây dựng năm 1932 trong một khuôn viên rộng rãi có đủ sân, vườn,  nhà tổ, nhà khách, cây cổ thụ và mộ tháp. Cảnh chùa sạch đẹp và thanh tịnh. Từ xưa đã trở thành một trung tâm văn hoá, ngôi nhà chung của cộng đồng làng xóm trang nghiêm mà ấm cúng, hoà quyện, gắn bó với thiên nhiên và con người của miền quê đồng bằng văn vật. Chùa chính và nhà tổ đều quay hướng Tây. Toà Phật điện kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền và 3 gian hậu cung, vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng. Trên bộ khung gỗ như bảy, câu đầu, kèo vẫn giữ được những nét chạm, đục hình lá guột, chữ triện truyền thống mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trong chùa là hệ thống tượng Phật được tạc rất công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tiêu biểu và đặc sắc nhất là toà cửu long với lồng tượng cao 1.69m, ngang 1.20m tạo dáng hình khum, chạm nổi bong kênh còn đầy đủ 9 rồng. Điểm xuyết trên toà là La Hán Bồ Tát, thiên nhạc, nhã nhạc...ở các tư thế khác nhau chào đón đức Phật ra đời với sắc hoàng kim rực rỡ. Giữa toà là tượng Thích Ca sơ sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Kỹ thuật tạo hình ở đây rất tinh vi, khéo léo và là lồng tượng Cửu Long đặc sắc trong số các chùa hiện tại của thành phố Hải Phòng.

Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn lưu giữ 1 chuông đồng, niên đại Tự Đức nguyên niên (1848);  bia đá có niên đại thời Lê (1639), 1 bia thời Nguyễn (1844) ghi công đức tu tạo chùa. Tất cả đều là những cổ vật hết sức có giá trị trong công tác nghiên cứu lịch sử, văn hoá của địa phương.

Chùa Cựu Điện không chỉ là một ngôi chùa cổ kính, phong cảnh hữu tình mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Chính nơi đây là cơ sở nuôi dấu cán bộ, cất dấu tài liệu của cách mạng, là trụ sở của cơ quan huyện bộ Việt Minh huyện Vĩnh Bảo và tổ công binh của tỉnh Kiến An, nơi sơ tán của Bệnh viện Vĩnh Bảo, Huyện uỷ Vĩnh Bảo trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Cùng với toà miếu, chùa Cựu Điện đã tạo thành một quần thể di tích miếu-chùa khép kín, hoàn chỉnh, tạo không gian lễ hội cho các tầng lớp nhân dân, thu hút ngày càng đông khách tham quan, nghiên cứu và du lịch.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke