ĐÌNH TỨ DUY, XÃ HƯNG NHÂN, HUYỆN VĨNH BẢO

13 03 2023

in trang

Đình Tứ Duy thuộc thôn Tứ Duy, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo. Đây là một công trình nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Đình thờ Bùi An Thành (có tài liệu ghi là Duy Thành), tướng thời Hùng Vương thứ 18, một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần thoại thời Hùng Vương ở Hải Phòng. Bùi An Thành quê ở đạo Sơn Nam, con ông Bùi Công và bà Tạ Thị Duyệt. Gia đình họ Bùi sống bằng nghề đánh cá. Ông bà mong muốn sớm có con nối dõi, nhưng đến khi tuổi đã cao mới sinh được một người con trai, mặt mũi khôi ngô tuấn tú đặt tên là Thành. Năm 6 tuổi, mặc dù gia đình khó khăn nhưng Bùi Công vẫn cho con đi học. Năm 12 tuổi Bùi An Thành đã thông làu kinh sử, tinh thông võ nghệ. Năm 20 tuổi, nghe tin vua Duệ Vương hạ chiếu cầu hiền tài, ông phụng mệnh vua cùng Sơn Thánh đi dẹp lực lượng của Thục Phán. Khi hành quân đến trang Tứ Duy, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, đạo Dương Tuyền, thấy nơi đây cảnh quan sơn thuỷ hữu tình bèn lập đồn binh tại đây và tuyển thêm trai tráng Tứ Duy là gia thần.

Đình Tứ Duy là một trong những ngôi đình lớn ở huyện Vĩnh Bảo. Đình năm ngay ven làng, mặt quay hướng Tây Nam, nhìn ra cánh đồng lúa rộng bát ngát, xa là làng An Biên thấp thoáng ẩn hiện dưới rặng tre xanh. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật bằng gỗ lim, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh quen thuộc gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Tòa tiền đường làm theo kiểu “mái đao tàu thực” với 4 mái đao cong đắp rồng chầu phượng móm.

Sau khi thắng trận, vua Hùng ban chiếu khao thưởng quân gia, phong cấp cho ông ở lại trang Tứ Duy. Sau khi ông mất, cảm nhớ công đức, dân trang Tứ Duy lập đền thờ, sau sửa thành đình và tôn ông làm Thành Hoàng. Các triều đại phong kiến đều tặng phong mỹ tự: “Chính trực thông minh chi thần”. Chuẩn cho trang Tứ Duy phụng sự lễ tiết vào ngày sinh (mồng 6 tháng 3 Âm lịch), ngày giỗ thần (mồng 6 tháng 1 âm lịch).

Mái lợp ngói vảy rồng. Hồi long mang dáng dấp của thuỷ quái Makara, một biểu tượng cầu mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng Đông Nam Á. Góc mái đắp nghê chầu trong tư thế hùng dũng, đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Cửa đình làm theo lối “cửa tùng cùng khách”. Kết cấu bộ khung đỉnh hoàn toàn bằng gỗ lim chắc khỏe. Phía trên theo lối “thượng tử hạ ngũ". Trong đình trên các bức cốn, đầu dư, rường, bẩy, đầu xà đều được chạm khắc, trang trí cầu kỳ. Đẹp nhất là 4 bức cốn gian giữa tòa tiền đường thể hiện các đề tài trang trí chủ yếu là rồng cuốn, phượng múa, rùa bơi cùng các sóng nước, vẫn xoắn... tạo nên một bức tranh khá sinh động, mạnh mẽ mà không kém phần uyển chuyển. Toàn bộ đầu dư là các đầu rồng được chạm lộng trong tư thế nhìn thẳng, đao mác theo lối “râu trê”.

Tại tòa tiền đường ken dầy các bức cửa võng, cuốn thư, hoành phi, câu đối, tất cả đều chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, sơn son thếp vàng, được bài trí cùng các pho tượng, đồ thờ, cờ lọng tạo tính uy nghiêm thần thánh.

Trải qua những biến động của lịch sử cũng như mưa nắng của thời gian, đình Tứ Duy đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc hiện tại chỉ còn một số chi tiết mang dấu ấn của sự chuyển tiếp từ thời Lê sang Nguyễn. Với quy mô 8 gian (5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung), cột kèo thoáng đãng, những mảng chạm khắc trau chuốt, sinh động trên các cốn mê, bẩy hiện, đầu xà với các đề tài hoạ tiết, hoa văn phong phú làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho công trình. Qua đó nó cũng phản ánh được quan niệm, tư tưởng, văn hóa truyền thống của dân tộc ở các giai đoạn lịch sử đã qua.

Đình Tứ Duy không những có giá trị lịch sử, kiến trúc mà nó còn bảo lưu được một khối lượng hiện vật đa dạng, phong phú. Một số hiện vật như long đình, nhang án, tượng quan văn, quan võ đều là những hiện vật quý cần được bảo tồn.

Hội làng Tử Duy vào ngày sinh thánh, mồng 6 tháng 3 (âm lịch). Xưa kia, ngày mở hội dân làng rước bài vị Thành Hoàng tử miếu về đình cũ. Lễ vật thường có trong ngày hội tế lễ là lợn ông Bồ, bánh dày, hoa quả, cơm, cá. Sau nghi lễ long trọng, địa phương tổ chức các cuộc vui chơi tại sân đình như: chọi gà, đánh vật, hát chèo, hát nhả tơ... Vào những ngày này, người xa gần về dự hội rất đông vui.

Nằm ở vùng đồng bằng, xa các trung tâm văn hóa, chính trị lớn đình Tứ Duy là biểu trưng cho truyền thống đoàn kết của nhân dân địa phương. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị vật chất và tinh thần của một vùng văn hóa và đã đi sâu vào đời sống tình cảm của nhân dân địa phương. Ngày 26 tháng 1 năm 1999 Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 02/1999, công nhận đình Tứ Duy là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke