ĐÌNH CHÙA GIA LỘC, HUYỆN CÁT HẢI - KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP THÀNH PHỐ
15 03 2023
in trang
Khu di tích đình chùa Gia Lộc nằm tại địa bàn tổ dân phố Tiến Lộc và Hải Lộc thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng
Đình Gia Lộc thờ Đông Hải Đại Vương ( Tên húy là Đoàn Thượng) xây dựng năm 1816, được tôn tạo năm 1916 đến nay đã qua 2 lần trùng tu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ.
Khu di tích đình chùa Gia Lộc nằm tại địa bàn tổ dân phố Tiến Lộc và Hải Lộc thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng
Đình Gia Lộc thờ Đông Hải Đại Vương ( Tên húy là Đoàn Thượng) xây dựng năm 1816, được tôn tạo năm 1916 đến nay đã qua 2 lần trùng tu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ.
Chùa Gia Lộc có quy mô rộng lớn, đẹp từ hậu đường đế gác chuông, dựng từ thế kỷ 17, năm 1705 dựng cây thiên đài. Chùa còn lại các tượng phật rất đẹp, đặc biệt là pho tượng Quan Âm 42 tay rất điển hình của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18. Tuy vậy do sự xâm thực của biển nên diện tích và quy mô của chùa bị thu hẹp nhiều.
Theo cuốn Thần phả sắc phong của Viện Thông tin khoa học xã hội thì hệ thống đình, chùa, đền, miếu ở Cát Hải được các triều đại nhà Nguyễn từ thời Thiệu Trị ( 1846) đến Khải Định 9 ( 1924) ban nhiều sắc phong thần trong đó: Gia Lộc có 13 sắc phong ( Hầu hết các sắc phong không còn).
Những di tích lích sử, văn hóa còn lại ở Cát Hải được Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội khảo sát, nghiên cứu từ tháng 7 năm 1989 đã kết luận: “ Sự tàn phá của thiên nhiên, thời gian, cộng với sự thiếu ý thức của con người chỉ để lại cho chúng ta một số đình, chùa, miếu mạo mà lớp người cao niên phải nhiều tưởng tượng mới khôi phục nổi một thời văn hóa xưa”
Năm 2004 di tích Đình Chùa Gia Lộc được cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố.
Tại Khu di tích đình chùa Gia Lộc hàng năm địa phương tổ chức Lễ hội đua thuyền 21 tháng Giêng.
Lễ hội bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải Đại Vương – vị thần cai quản vùng biển che chở cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu. Lễ hội bắt nguồn từ làng Gia Lộc xưa có tục lệ ngày 21 tháng Giêng dân làng mở hội đua thuyền, hay còn gọi là ngày các lái cầu, cầu Nam Hải đại vương phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời sống ngư dân trên đảo ấm no, hạnh phúc. Lễ Hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 19 đến hết ngày 21 tháng giêng (Âm lịch) tại quần thể di tích đình chùa Gia Lộc.
Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hướng về ngày hội truyền thống của địa phương, tiếp tục phát huy và đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tạo môi trường sinh hoạt văn hoá cộng đồng trang trọng, ý nghĩa, thu hút đông đảo mọi người đến xem, thị trấn Cát Hải đã lên kế hoạch chi tiết, chu đáo và cụ thể; trong đó tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Ngoài những hoạt động truyền thống được lưu giữ như rước nước, rước kiệu, tế lễ, phần hội năm nay có nhiều trò chơi phong phú như: bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, thi đan lưới, làm bánh trôi, giao lưu văn nghệ,thi kéo co..., điểm nhấn của lễ hội 21 tháng Giêng thị trấn Cát Hải luôn được nhân dân và du khách đón chờ là cuộc đua thuyền rồng trên biển và lễ rước kiệu Thánh giá hồi cung.
Hội đua thuyền rồng bắt đầu với thủ tục gắp thẻ, gắp cờ đua. Mỗi đội đua bốc thăm để chọn màu cờ, sắc áo. Mỗi màu cờ mang một ý nghĩa tâm linh quan niệm về dự báo thời tiết. Cờ màu trắng tượng trưng cho tấm lòng từ bi, hỉ xả của nhà Phật, nếu đội cờ trắng thắng năm ấy trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm, xuôi gió, tôm cá đầy khoang; nếu cờ vàng thắng, năm đó làm ăn không tốt; cờ đỏ thắng, có thể sẽ nhiều bão gió….
Sau hội đua thuyền là lễ rước kiệu thánh giá hồi cung. Đây là nghi lễ mang đậm tính tâm linh, tạo ấn tượng trong lòng du khách. Do đặc điểm là đảo Cát, chung quanh bốn bề sóng nước, cuộc sống của người dân gắn liền với biển, họ cho rằng, cứ vào dịp hội làng là những vị thần có công khai sinh lập làng, đi quanh làng để thăm thú, chứng kiến sự đổi thay của quê hương và phù hộ độ trì cho dân làng được no ấm bình an, tôm cá bội thu. Khi những chiếc kiệu thánh dừng lại, cũng là lúc thánh giá hồi cung và hội tan. Người dân và du khách trở về với công việc cuộc sống hàng ngày, với một niền tin năm mới gặp nhiều may mắn và thành công.
Thành đoàn Hải Phòng