DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH QUÁN TRANG - XÃ BÁT TRANG HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

22 08 2024

in trang

Bát Trang là một xã thuộc huyện An Lão có thể tìm thấy ở nơi đây những nét điển hình của đồng bằng sông Hồng mà bàn tay con người đã ghi rõ trên đất đai đồng ruộng. Bên dòng sông Văn Úc, Lạch Tray là nơi gặp gỡ của một năm hai mùa lúa với bãi mía nương ngô hồn nhiên quen thuộc ngàn đời. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình nét đặc trưng của văn hoá làng quê Việt Nam, cảnh đẹp và những giá trị văn hoá do bàn tay tài khéo của con người Việt Nam xây dựng đang được công cuộc đổi mới của quê hương nâng niu và tôn tạo trong đó có ngôi Đình Quán Trang.

   Đây là một trong số ít ngôi đình ở huyện An Lão may mắn còn sót lại qua binh lửa và thời gian, sự tồn tại của đình Quán Trang và những gì nó đã trải qua khẳng định, ngoài những giá trị là công trình kiến trúc trúc tôn giáo, tín ngưỡng, minh chứng cho miền đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá mà còn là một di tích lịch sử ở An Lão.

(Toàn cảnh đình Quán Trang, xã Bát Trang)

   Đình Quán Trang xưa kia là đình hàng tổng của tổng Quán Trang, thuộc vào loại to đẹp nhất vùng, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỳ 18 đầu thế kỷ 19 (Thời Nguyễn) trên khu đất cao có diện tích hơn 3000m2. Mặt đình trông cửa 

hổ mang (tức ngã ba sông Văn úc) lưng đình quay về hướng Đông Nam tựa vào núi Voi, cái thế đẹp của đình Quán Trang được ghi lại bằng 2 câu đối cổ trong đình "Hổ bắc tượng nam trang tứ khí - Lý tiền Lê hậu chí linh thanh", sự lựa chọn thế đất của đình cho thấy tâm hồn yêu cái đẹp của các bậc tiền nhân.

   Đình Quán Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão để thờ 4 vị Thành hoàng:

1. Ngài Đoàn Thượng (Đông Hải Đại Vương) nhân vật lịch sử thời Trần

2. Ngài Bùi Mộng Hoa (Bùi Thần Tiên) nhân vật lịch sử thời Trần

3. Ngài Phạm Tử Nghi (Nam Hải Đại Vương) nhân vật lịch sử thời Mạc

4. Ngài Trinh Nữ Phu Nhân( Trịnh Uyển Tôn Thần) nhân vật truyền thuyết

   Đình Quán Trang được xây dựng theo kiểu chữ Công gồm 05 gian tiền đường, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung). Chất liệu hoàn toàn bằng gỗ. Tiền tài, hậu bếp, trụ ngô điếu sen. Mái lập ngói mũi hài. Trải qua thời gian dài Đình đã bị xuống cấp, sửa chữa nhiều lần. Lần gần đây nhất: 5 gian tiền đường được sửa chữa vào năm 1996-1997. Riêng 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung đã bị đổ hoàn toàn vào những năm 1970. Năm 2004-2005 địa phương tổ chức tu bổ phục dựng lại toàn bộ khung bằng bê tông cốt thép. Năm 2005 khi xét công nhận di tích lịch sử văn hóa hội đồng xét duyệt của thành phố xác định đình Quán Trang tồn tại khá lâu đời được sửa chữa tu bổ nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được nhiều di vật quý. Là một văn hóa cổ truyền duy nhất còn tồn tại đến ngày nay, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa.

   Hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng (15-1) . Các tộc họ trong làng đều trập trung mang lễ vật là sản phẩm, nông sâu ra đình tế lễ Thành Hoàng. Làng tổ chức lễ Rước Kiệu, Tổ chức các trò chơi dân gian như: Cầu thùm, bắt vịt, hát chèo….

(Trò chơi cầu thùm tại lễ hội làng hàng năm)

 

 

 

 

 

 

 

 

( Hình ảnh dân làng dâng lễ Thành Hoàng và Rước Kiệu hàng năm)

   Đình Quán Trang xã Bát Trang đã gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Bát Trang anh hùng. Nơi đây, đã để lại dấu ấn lịch sử. Những năm 1947 - 1949 đình Quán Trang là cơ sở quan trọng đưa đón cán bộ, bộ đội qua lại hoạt động kháng chiến. Đồng thời là trụ sở Uỷ ban Kháng chiến Hành chính xã, lãnh đạo nhân dân và du kích kết hợp với bộ đội kiên cường bám đất bám làng chống càn quét, phá tề, gây cho địch nhiều thương vong và tổn thất, không tái lập được tề không thu được thuế, không bắt lính bắt phu được. Bọn địch điên cuồng huy động 1 tiểu đoàn cùng 4 Ca nô về bao vây làng quán Trang khủng bố tàn sát nhân dân, hòng đè bẹp ý chí tinh thần chiến đấu của quân dân Bát Trang, chúng lùa tất cả dân làng ra đình Quán Trang bắt xếp hàng, lột hết quần áo, đem chọc tiết một du kích tại cửa đình, xua dân làng bơi qua sông sang Thanh Hà và xả súng bắn theo, 22 người chết tại chỗ . Tội ác dã man của giặc Pháp gây bao đau thương tang tóc cho dân làng ngày đó trở thành ngày “giỗ trận” của nhân dân làng Quán Trang,

ngày 29/4 khắc ghi sâu đậm vào lịch sử  đình Quán Trang. Hiện nay, bát hương mà giặc Pháp đã dùng để cắt tiết các du kích đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống của huyện An Lão (nằm trong khu di tích lịch sử danh thắng Núi Voi).

   Có thể nói suốt chiều dài tồn tại và phát triển, ngoài những giá trị về lịch sử văn hoá, thì đình Quán Trang hôm nay còn là chứng tích của chiến tranh ghi lại những hy sinh mất mát to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

   Trong Đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như: 16 bộ sắc phong của các đời vua, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân cùng các đồ thờ cổ khác như bộ khám thờ  4 vị thần, 2 bức hoành phi, Đại tự , xập thờ, 2 bộ võng, nhang án, Long đình, bát biểu….

   Đình Quán Trang, xã Bát Trang đã được UBND thành phố Hải Phòng  xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 26/4/2006 theo Quyết định số 888/QĐ-UBND.

Admin

Thong ke