DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH PHÙ LONG, XÃ PHÙ LONG, HUYỆN CÁT HẢI

14 03 2023

in trang

Phù Long nằm trên đảo Cát Bà, một đảo đá lớn phong phú sản vật tiêu biểu ở vùng biển Đông Bắc Việt Nam. Các thư tịch xưa đề cập khá nhiều về vùng Phù Long – mảnh đất Rồng nổi. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép những địa danh tiêu biểu của tỉnh Quảng Yên, huyện Nghiêu Phong và Phù Long. Tháng 5, tháng 6 gió nồm thổi mạnh, thuỷ triều gặp gió mạnh, sóng nổi thình lình dân huyện Nghiêu Phong thường phải cẩn thận. Đất đều chua mặn, dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi biển. Sông Phù Long cách huyện Nghiêu Phong 12 dặm về phía Bắc, chảy vào sông Đồng Bài. Đảo Phù Long ở trong biển, phía Đông huyện Nghiêu Phong, dăng dài hơn 60 dặm, thuyền đi 3 ngày mới khắp các xã Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Xuân Áng thuộc Tổng Phù Long. Ở đây nhiều núi đã bao bọc, nước biển chảy quanh. Dân sống bằng nghề hái củi, lấy mật ong và đánh cá. Cửa Nghiêu Phong cách huyện Nghiêu Phong 4 dặm là nơi thuyền bè công tư thường qua lại, hai mặt bên bờ nam bắt đầu là bãi cát, phía nam là xã Phù Long… Tháng 6 năm Gia Long thứ 4 (1806), chuẩn dịch quan địa phương hàng năm cứ tháng mạnh Xuân lập đàn tế ở đấy để cầu thuận gió. Rõ ràng địa danh Phù Long xuất hiện khá sớm. Trước năm 1813, Phù Long là một trong 5 xã thuộc Tổng Hà Liên (cũng gọi Hà Sen), huyện Hoa Phong, phủ Hải Đông, tỉnh Quảng Yên. Từ năm 1841 thuộc huyện Nghiêu Phong tỉnh Quảng Yên. Năm Đinh Mão (1927), danh sách làng xã có ghi tổng Hà Sen thuộc huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên gồm 5 xã: Trân Châu, Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Xuân Đám. Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, có thời điểm Phù Long được chọn làm đầu tổng.

Theo nghiên cứu qua di chỉ khảo cổ trên đảo Cát Bà, người Việt cổ xuất hiện ở vùng này khá sớm. Khu Phù Long nằm sát cạnh chân núi. Ở phía Nam và phía Bắc xã cũng có những điểm khảo cổ tìm thấy dấu vết của người xưa. Những cư dân chủ yếu là đánh bắt hải sản, hiện còn những lớp sò điệp dày và những công cụ sản xuất nông nghiệp. Sau lớp cư dân này chưa có tài liệu nào chứng minh sự tiếp nối của hàng nghìn năm sau của người dân Cát Bà, một tiềm năng hiếm có. Trong động Phù Long (còn gọi động Khẩu Quy hay Thiên Long) cũng tìm thấy xương cốt của những người đã từng cư trú và lớp sò điệp lớn các ngư dân thu lượm về. Nay, động này trở thành điểm du lịch kỳ thú. Động trùng trùng nhiều lớp, với nhiều hình thù lạ mắt, rộng mênh mang, cao dần về phía trong. Quanh động là rừng nguyên sinh, có thảm thực vật đa dạng, phong phú. Thiên nhiên đã ban tặng một “Thiên cung” cho xã Phù Long.

Động Phù Long

Theo tương truyền, lớp cư dân sau này được nối tiếp phát triển đến ngày nay đến vùng đất Phù Long từ năm, sáu trăm năm trước. Nhóm dân chài đầu tiên khoảng 15 gia đình, là người Cao Mại, tỉnh Thái Bình, đậu thuyền ở bãi cát bồi ven biển, nay là bãi Đầu Voi. Nhìn thấy bãi cao, cây cối xanh tốt, họ liền dựng lều để phụ nữ, trẻ em, người già lên ở, trồng trọt, làm ruộng. Đàn ông trai tráng tiếp tục chèo thuyền đi đánh cá ở những vùng biển lân cận, lâu lâu mới quay về. Những khi gió to, biển động không đi biển được, dân cư xóm chài đã đi sâu vào trong, gần núi hơn. Thấy địa thế thuận tiện, cảnh quan đẹp bèn định cư, tạo lập cuộc sống lâu dài, đặt tên là làng Hầu. Dần dần, dân cư nhiều nơi trong đất liền cũng cùng nhau đến hội tụ, sinh sống. Cư dân làng Hầu sống chủ yếu trồng trọt, chăn thả gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản, giao thông hàng hoá với nhiều thuyền buôn từ các nơi đến, trong đó có cả thương nhân người Hoa. Nền kinh tế tự cung, tự cấp có giao thông nhưng nhỏ lẻ, manh mún. Cứ thế làng Hầu ngày càng trù phú, trở thành địa danh chính thức trong văn bản hành chính nhà nước với tên Phù Long, một vùng đất hình Rồng nổi trên sông nước mênh mang. Đầu thế kỷ 20 làng Phù Long, dân cư sống tập trung với chiều dài khoảng 800 mét, rộng 300 – 400 mét, gần 500 nhân khẩu, được chia làm hai xóm, xóm trong và xóm ngoài. Cơ cấu, quy mô và thiết chế làng xã được hình thành như những làng quê Việt Nam.

Với quan niệm dân gian “đất có thổ công, sông có hà bá”, ở đâu có con người cư trú thì ở đó có thần ngư và có thần của nhà, thần của làng ấp. Thần ở làng, ấp thường mang ý nghĩa là phúc thần mang lại hạnh phúc, an cư lạc nghiệp cho dân làng. Cũng như bao ngôi Đình làng Việt Nam, đình Phù Long đảm đương chức năng là ngôi nhà chung của cả cộng đồng làng xã. Đình làng còn là nơi thực hiện quyền lực của chính quyền làng, xã thời phong kiến. Sau cách mạng tháng 8/1945 Đình làng còn đảm đương chức năng tín ngưỡng bản địa và là nơi sinh hoạt văn hoá của người dân. Đình Phù Long thờ 05 vị Thành Hoàng, năm vị thần trước đây đều được thờ bằng bài vị ở Nghè, lễ hội rước về Đình. Hiện nay, các bài vị và các sắc phong của triều đình do hoả hoạn, thiên tai nên bị thất lạc.

Trước đây, Phù Long có một đình, một chùa và hai nghè ở xóm trong và xóm ngoài. Tiếc rằng qua thiên tai, chiến tranh và những biến cố của lịch sử, đình, chùa và nghè Phù Long đều không còn. Đình Phù Long xưa kia làm bằng tranh tre, nứa lá, thuộc địa phận thôn Nam ngày nay. Những năm 1935 – 1936 làng xây đình mới gồm 3 gian 2 chái, rộng khoảng 4 – 5 mét dài chừng 12 mét, một gian hậu cung có ván sàn nòng thuyền. Những năm kháng chiến chống Pháp, đình bị pháo kích phá huỷ gần hết, sau này dân làng làm trường học.

Hiện vật phát hiện tại Đượng Chùa, xã Phù Long (2005),niên đại thế kỷ XVIII, XIX

Theo thần tích thần sắc ghi lại, hàng năm cứ vào các ngày từ mùng 3 đến mùng 8 tháng Giêng và từ 12 đến 15 tháng sáu âm lịch là dân làng mở hội. Mở đầu lễ hội là nghi lễ rước bài vị các Thành Hoàng từ nghè về đình thờ phụng, hết hội lại rước về nghè. Phần lễ có tổ chức tế, cúng bằng xôi, thịt. Mỗi suất đinh (nam giới từ 18 tuổi trở lên) đóng 2 chiếc oản. Các vị chức sắc trong làng, người quản lý dùng một nửa cỗ, nửa còn lại chia cho các suất đinh. Phần hội mời hát cô đầu, chèo, chầu văn. Dân làng Phù Long tụ hội diễn những làn điệu hò miền biển, múa thênh bằng hai mảnh tre, mọi người vừa đi vừa hát cho đến ngày giã hội. Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh và tinh thần của cộng đồng dân cư. Điều đó, tạo sự gắn bó, cố kết cộng đồng để mọi người vượt qua những khó khăn của thiên tai, dịch hoạ, cùng nhau tạo dựng cuộc sống.

ĐỘI TUYỂN ĐUA THUYỀN RỒNG TRANH CÚP BÁO HẢI PHÒNG
TRAO GIẢI ĐUA THUYỀN RỒNG LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG

Năm 2007 với sự cố gắng và quyết tâm của nhân dân, đình đã được phục dựng trên nền đất chùa cũ bị cháy. Đình quay hướng Nam, có bố cục mặt bằng chữ đinh (J), ba gian tiền bái và một gia hậu cung. Đình có kết cấu bởi hai tầng mái, xây theo kiểu chồng diêm nóc các, chéo đao tàu góc, mái đình lợp ngói mũi, nền nát gạch men. Chính giữa gian tiền bái là một chiếc nhang án lớn sơn son, thếp bạc phủ hoàn kim, dáng ô xa. Trong cung cấm thờ thần tượng Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Với những giá trị về lịch sử văn hoá, kiến trúc, năm 2010 đình Phù Long được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Thành phố. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm của mỗi người con Phù Long. Năm 2015, với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân trong xã, bà con xa quê và các nhà hảo tâm, Nghè Phù Long được phục dựng tại thôn Ngoài, đây là công trình mang ý nghĩa văn hoá truyền thống đã phần nào đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong xã.

Từ bao đời nay, đình, nghè Phù Long luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân toàn xã. Bởi trong tâm thức của mỗi người dân các bậc nhân thần, Thành Hoàng đều là các đấng siêu nhiên có sức mạnh che chở, bảo hộ dân làng trong cuộc sống như cầu phúc, cầu an, trừ tà ma, chữa bệnh… Chính vì lẽ đó, mặc dù đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, song nhân dân vẫn một lòng thuỷ chung theo Đảng, đoàn kết, gìn giữ vốn di sản văn hoá quý báu của cha ông đó là Đình, nghè Phù Long. Trong ngôi đình mới được phục dựng năm 2007 và Nghè phục dựng năm 2015 đã thể hiện những tấm lòng cao cả, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân toàn xã. Nhân dân Phù Long thấu hiểu rằng, Đình, nghè mãi là mái nhà chung, nơi tụ hội sinh hoạt văn hoá truyền thống, tín ngưỡng tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước. Điều đó, tạo cho con cháu sau này biết cùng nhau giữ gìn, phát huy vốn di sản văn hoá quý báu của cha ông.

Ngoài chức năng văn hoá tâm linh tín ngưỡng bản địa, đình, nghè Phù Long còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ của đảo Cát Bà với đất liền, nên mỗi khi ra Cát Bà du khách có thể đến lễ trình tại đình làng, nghè để cầu phúc, cầu an. Trong tương lai không xa, cùng với sự hội nhập kinh tế thế giới, sự khai thác phát huy giá trị của đình, nghè sẽ ngày càng phát triển, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội để Phù Long vươn lên.

Trong không khí tưng bừng Hội đình năm nay, Đảng bộ, Chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân xã Phù Long ra sức thi đua lập thành tích hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội, QPAN 6 tháng đầu năm 2017. Các công trình phúc lợi và an sinh xã hội được đầu tư, cải tạo nâng cấp, bộ mặt nông thôn từng bước cải thiện. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị, văn minh” do Uỷ ban MTTQ Việt Nam phát động được các làng văn hoá triển khai đến từng hộ gia đình, hàng năm tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá từ 80 đến 90%, số làng đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện đạt từ 1 đến 2 làng. Công tác giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ đảm bảo về chuyên môn, duy trì phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42%. Công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được duy trì tốt, trạm y tế đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Công tác an ninh được duy trì, các đợt cao điểm trấn áp tội phạm triển khai rộng khắp, phong trào “Toàn dân giữ gìn an ninh trật tự” được nhân dân hưởng ứng. Qua các nguồn cung cấp thông tin có giá trị của nhân dân giúp Ban công an làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự. Cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện về vốn, giống để nhân dân triển khai một số mô hình kinh tế đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các doanh nghiệp đóng quân trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Với lợi thế vị trí địa lý về du lịch, các hoạt động dịch vụ du lịch được nhân dân khai thác, đầu tư góp phần đáng kể quảng bá du lịch Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện nay, số hộ nghèo còn 12 hộ đạt 1,9%.

Trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay, lớp lớp con cháu nguyện đoàn kết một lòng, gìn giữ và phát những giá trị văn hoá mà các thế hệ cha ông để lại, tuy còn nhiều việc chưa được như mong muốn song địa phương sẽ cố gắng tất cả đó là hành trang vì một Phù Long giàu mạnh.

Trong không khí trang trọng này, chúng ta bày tỏ lòng cám ơn đến các anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình cách mạng, các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên cán bộ địa phương qua các thời kỳ và toàn thể nhân dân đã cống hiến xương máu xây dựng và bảo vệ mảnh đất này, để hôm nay Phù Long ngày càng khang trang, thịnh vượng hơn.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke