DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH PHỐ CHÙA VĂN TRÀNG

18 10 2024

in trang

DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH PHỐ CHÙA VĂN TRÀNG

(Thuộc cụm di tích Đình – Đền – Chùa Văn Tràng, Thị trấn Trường Sơn)

    Chùa Văn Tràng mang đậm nét truyền thống Phật giáo,  là nơi linh thiêng kết nối với tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng dân cư, là chứng nhân qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm của mảnh đất Trường Sơn nói riêng và Huyện An Lão nói chung.

   Chùa Văn Tràng toạ lạc độc lập giữa màu xanh của đồng ruộng và bóng cây xanh mát. Chùa nằm ven quốc lộ 10 thuộc địa phận TDP Văn Tràng 1, Thị trấn Trường Sơn.

    Chùa mang tên chữ là Văn Quang. Tên nôm là Chùa Mục Đồng hay chùa Vỏ. Ban đầu chùa  ở vị trí gần khu đình - đền hiện nay. Do sự mâu thuẫn giữa hàng ngũ chức dịch của thôn Văn Tràng và xã An Luận, tranh chấp đồng điền nên dân làng mới dịch chuyển ngôi chùa ra vị trí hiện nay.

Toàn cảnh chùa Văn Quang

   Chùa được bố trí gọn gàng thành 3 khu vực: Cổng và cảnh quan cây xanh, hồ nước nhỏ, sân vườn. Gồm các công trình: Tòa Phật điện (toà Tam Bảo); Nhà thờ tổ.

   Tòa Phật điện quay hướng Tây, gồm 3 gian bái đường có 4 hàng cột gỗ lim. Kết cấu vì nóc mái kiểu "kẻ chồng - đấu sen". Chính cung của chùa kết cấu vì mái kiểu “ván chồng”, khoảng cách giữa cột chính và cột quân tạo hành lang, ở giữa đặt tòa gạch xi măng: Nơi đặt tượng Phật và đồ tế tự. Ngoài ra, qua các nét trang trí trạm khắc trên kiến trúc gỗ như: rồng chầu mặt nguyệt, hàm chữ thọ, thuỷ quái Ma-Ka-Ra ... cho thấy đây là những thứ trang trí quen thuộc mang niên đại nghệ thuật Nguyễn, đầu thế kỷ 20.

   Nhà thờ tổ là nơi thờ người có công trụ trì, duy trì nghi lễ của ngôi chùa. Được kết cấu 3 gian, mặt chính quay hướng Đông, hướng ra khoảng sân vườn và hệ thống ao hồ nhỏ lối cổng vào. Trên ban thờ đặt một số đồ gồm bút hương, đèn nến và một pho tượng chân dung Sư Tổ trong thế ngồi thiền.

Phía trước của ngôi chùa

Khuôn viên chùa Văn Quang

Kiến trúc phần mái chùa

   Trong chùa, tượng Phật được bố trí theo thứ tự, ngôi bậc từ cao xuống thấp. Từ trong ra ngoài, trải khắp Phật đạo. Trên vị trí cao nhất là 3 pho tượng tam thân tượng trưng cho Đức Phật trong 3 thời: Quá khứ - hiện tại - vị lai; Tam giáo A Di Đà gồm có các pho sau: A Di Đà hay còn gọi là Tây phương giáo chủ và hai vị có nhiệm vụ tiếp độ chúng sinh. Gần hơn với chúng sinh, ngoài cùng có các tượng Phật: Thích Ca Mâu Ni sơ sinh, Bồ Tát Quán Thế Âm và Quan Âm Tướng Tự. Bên tả tòa Phật điện là ban thờ Mẫu, ban thờ Đức Thánh Trần. Bên hữu tòa Phật điện là ban thờ Đức Ông, người cai quản Phật đất ngôi chùa.

   Toàn bộ số di tích là tượng Phật các loại của ngôi chùa Văn Quang mang tiếng nói nghệ thuật Nguyễn cuối thế kỷ 19 và đều đang được bảo quản chu đáo. Quả chuông đồng đúc năm Duy Tân nhị niên (1910 ) treo tại Phật điện có ghi tên họ, quê quán các vị tín chủ tham gia phát tâm công đức vào chùa cho việc đúc chuông.

   Trong những năm 1950 - 1951, thực dân Pháp xây dựng sân bay Kiến An, vành đai đồn bốt đóng quân của giặc được tăng cường dầy đặc hơn. Với hoàn cảnh bị địch kiểm soát gắt gao, cơ sở Đảng của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Chi bộ trú trọng vận động, khơi dậy lòng yêu nước quần chúng nên nhiều gia đình đã tự nguyện làm cơ sở kháng chiến. Đặc biệt, để tạo sự bất ngờ cho địch, nhiều hầm bí mật đã được đào ngay ở nơi thờ cúng linh thiêng trong đó có chùa Văn Tràng để che dấu cán bộ, bộ đội.

   Tiêu biểu cho hàng ngàn tấm gương yêu nước hy sinh quyên mình cho sự nghiệp kháng chiến ở Văn Tràng có sư Thầy Đặng Tại Tâm - trụ trì tại chùa Văn Tràng đã có công nuôi dấu, bảo vệ hầm bí mật tại chùa Văn Tràng.

   Truyền thống yêu nước đã giúp cho người dân thị trấn Trường Sơn nói chung, TDP Văn Tràng nói riêng quyết tâm tạo dựng, gìn giữ cho quê hương những di sản văn hóa quý giá, những thuần phong mỹ tục mang đậm bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, cơ sở chùa Văn Quang luôn xứng đáng là cơ sở cách mạng, kháng chiến của địa phương, làm tốt vai trò trung tâm đoàn kết trong khối mặt trận và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn thị trấn.

   Thật vinh dự khi ngày 21/12/2002, UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số 2848/QĐ-UBND công nhận cụm di tích Đình – Đền – Chùa Văn Tràng - thị trấn Trường Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đây là dấu mốc quan trọng, là niềm tự hào đối với toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thị trấn.

            GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA

   Đình - đền - chùa Văn Tràng, Thị trấn Trường Sơn, thông qua tục thờ cúng gia đình Đức ông Vương Công Hiển - một bậc tướng tài triều Lý Nam Đế (thể kỷ thứ 6) đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về lòng yêu nước thuỷ chung với làng xóm, gia đình, lòng hy sinh, một lòng vì nghĩa lớn. Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm đã được cán bộ, nhân dân địa phương phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua. Tại đình - đền - chùa Văn Tràng vẫn còn nhiều dấu tích hầm mật nuôi dấu cán bộ hoạt động kháng chiến và tấm gương trung kiên, bất khuất của đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên ở địa phương bị giặc sát hại ngay tại cây đa đình làng, sau khi dùng mọi nhục hình tra tấn nhằm mọi bí mật, tin tức cách mạng từ con người cộng sản, kiên trung. Tấm gương nêu cao khí tiết anh hùng cách mạng của ông đã được lớp trẻ noi theo một cách xứng đáng trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, theo ánh sáng đổi mới của Đảng.

   Qua sự tồn tại của di tích, thông qua hoạt động lễ hội truyền thống diễn hàng năm, một không gian hoạt động văn hóa truyền thống đã và đang được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp. Cùng với việc thờ phụng các nhân thần, để truyền đạt niềm ước mơ, khát vọng, sự biết ơn, người dân còn tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa dân gian, tổ chức các trò chơi để giao lưu, vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày lao động vất vả và chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống. Việc tổ chức các lễ hội như vậy cũng để nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của nhưng người đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, là dịp để những người xa quê nhớ về cội nguồn.

Admin

Thong ke