DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN ĐÌNH THƯỢNG TRANG - XÃ BÁT TRANG HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

22 08 2024

in trang

   Cũng như bao ngôi đình của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, đình Thượng Trang mang chính tên địa danh làng xã, cộng đồng dân cư đã xây dựng ra nó. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi theo các ngả đường khác nhau về Ngã tư đường 10, Từ ngã tư đường 10 đi theo hướng về xã Bát Trang khoảng 7km, hỏi thăm tiếp chúng ta sẽ được người dân địa phương chỉ dẫn tận tình tới di tích đình Thượng Trang, xã Bát Trang.



 


(Toàn cảnh khuôn viên đình Thượng Trang)

   Vùng đất xã Bát Trang cũng như làng Thượng Trang theo các nhà nghiên cứu lịch sử có thể hình thành từ rất xa xưa, xong việc tụ cư dân đến sinh cơ lập nghiệp mở làng lập ấp thì có thể vào khoảng thế kỷ XII. Bởi tại địa phương nhiều làng trong xã  Bát Trang như Quán Trang, Hạ Trang, Thượng Trang…  đều thờ chung một vị Thành Hoàng là ngài Đoàn Thượng. Đoàn Thượng là một danh tướng nổi tiếng trung quân của cuối triều Lý cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13.

   Theo một số tài liệu thần tích sắc của làng Thượng Trang, tổng Quán Trang, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, được các vị chức dịch trong xã khai báo về trên năm 1938 hiện đang lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam, mang kí hiệu TT-TS FQ 4 18/x, 15 thì làng Thượng Trang thờ ba vị Thành Hoàng.

1. Ngài Đông Hải Lưu Ly tôn thần ( Ngài Đoàn Thượng)

2. Khánh Nương công chúa tôn thần

3. Bắc Trấn Chúa tể thổ địa thần.

   Ngài Đoàn Thượng là danh tướng nổi tiếng trung quân, ái quốc, ông bảo vệ đến cùng cho triều nhà Lý cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13. Làm tướng cho nhà Lý ông có rất nhiều công lao giúp nước, bảo vệ nhân dân, giúp nhân dân khai hoang lập ấp, mở rộng đất đai, giữ bình an cho dân….

   Hai vị Thành Hoàng còn lại của làng Thượng Trang hiện chưa được nghiên cứu tìm hiểu rõ về thần tích.

   Đình Thượng Trang thời xa xưa nằm trên một gò đất cao gần trung tâm của làng, xung quanh có nhiều đầm, hồ lớn và những cánh đồng rộng tới ven sông Lạch  Tray. Qua sông Lạch Tray là thuộc đất Thanh Hà, Hải Dương, Chính vì địa thế đó nên Đình Thượng Trang là vị trí rất thuận lợi cho những hoạt động của lực lượng kháng chiến trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

   Ngay từ những ngày đầu cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945, ngày 21/8/1945 tại đình Thượng Trang ủy ban cách mạng lâm thời của xã Bát Trang được thành lập. Đây là chính quyền đầu tiên của nhân dân do dân và vì dân, một chính quyền mà ước mong ngàn đời của người dân mới có được.

   Đình Thượng Trang theo tương truyền được khởi dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ 18, đến thế kỷ 19 được làm to đẹp có quy mô lớn và bằng chất liệu thiên nhiên. Đình cổ làng Thượng Trang có mặt bằng kiến trúc chữ Đinh 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, tòa tiền bái làm theo thức chéo đao tàu góc, trong đình có ván sàn, lòng thuyền. Đình quay hướng Đông. Đình có khuôn viên rộng rãi tới hàng mẫu Bắc bộ. Như trên đã nói đình Thượng Trang phải tiêu thổ kháng chiến sau này thực dân Pháp tiếp tục phá hủy phần hậu cung do vậy đồ thờ tự tế khí cũng thất lạc, mất mát và bị hủy  hoại.

   Đình Thượng Trang ngày nay là ngôi đình được phục dựng lại trên nền đất cũ. Đình nhìn về hướng Đông hướng của Đình cổ xưa của làng. Đình được làm bằng chất liệu hiện đại kết hợp với chất liệu truyền thống. Đình có cấu trúc mặt bằng theo ngôi đình ngày trước, kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và hai gian hậu cung, trong đó một gian cung cấm.

   Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu hồi văn, tay ngai. Bộ khung  đình làm bằng bê tông cốt sắt. Tòa đại bái cấu tạo khung gồm bốn bộ vì, vì theo thức bốn hàng chân cột, từng cặp bộ vì có cấu trúc tương tự như nhau.

   Mái đình lợp ngói mũi, trên mái đắp trang trí các đề tài con giống truyền thống như lưỡng long chấu nguyệt, kìm ngậm bờ nóc, trụ đấu hồi văn trang trí hổ phủ hàm thọ.

   Hai trụ biểu tay ngai, đầu trụ đắp đền lồng, đỉnh trụ đắp phượng, bố phượng ở tư thế bay, đuôi xoe cao ra bốn phía tạo thành hình đài lửa. Từ đình bước xuống sân là hệ thống bậc thềm tam cấp được ghép xây bằng các phiến đá lớn. Sân đình rộng rãi, qua sân tiếp với đường làng là nghinh môn Đình. Trước cổng đình là một hồ nước đã được cải tạo, kè xây sạch sẽ, đẹp mắt.

   Đình Thượng Trang tuy mới phục dựng lại nhưng được làm theo thức truyền thống, trên một không gian tương đối thoáng rộng, trên nền đất đình cổ xưa. Do vậy ngôi đình Thượng Trang ngày nay đã làm thỏa lòng mong ước của người dân địa phương hướng về cội nguồn, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống xưa của địa phương mình.

   Hàng năm cứ vào ngày 20/2 âm lịch làng Thượng Trang thường tổ chức Hội cúng tế, rước ngai vị Thành Hoàng làng. Tổ chức các trò chơi dân gian như cầu thùm, bắt vịt, đập niêu….

( Lễ tế, Rước kiệu, rước ngai vị Thành Hoàng hàng năm )

(Trò chơi cầu thùm tại lễ hội hàng năm)

   Trong Đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như: Bia đá 1, khắc chữ Hán: "Bách thế Bất nhiên" Bia đá 2, khắc chữ Hán " Thủ chi Chước thất". Ngoài ra còn có hiện vật khác giá trị như: 10 chấp kích, đại tự, cửa võng, Bát biểu, long li….

   Đình Thượng Trang đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2012.

   Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử. Đình Thượng Trang là nơi thờ các vị Thành Hoàng có công với nước, với nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng tháng 8/1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Đình Thượng Trang là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân địa phương. Đồng thời phát huy tốt những truyền thống, những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong các dịp sóc, vọng và các ngày tết Nguyên đán.

Admin

Thong ke