ĐÌNH HẠ ĐOẠN, PHƯỜNG ĐÔNG HẢI 2, QUẬN HẢI AN
02
04
2025

Đình Hạ Đoạn hiện nay thuộc tổ dân phố Hạ Đoạn 3, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Trong lịch sử, tên gọi của vùng đất này có nhiều biến đổi, gắn liền với quá trình khai khẩn đất hoang, lấn biển, lập làng, mở rộng địa bàn cư trú. Tên nôm của các làng tại vùng đất Đông Hải xưa là Quàn, bao gồm: Quàn Thượng, Quàn Trung và Quàn Hạ. Các bậc cao niên vẫn lưu truyền câu ca:
“Làng Quàn bán ngán, bán cua
Trung Hành bán rượu, chẳng thua làng Quàn
Hạ Lũng bán lá chúa tàn (lá chuối khô)
Đông Khê bán vải, Dư Hàng bán rau”.
Theo đó, đình Hạ Đoạn tọa lạc tại tổ dân phố Hạ Đoạn 3, là ngôi đình của cộng đồng dân cư làng Hạ Đoạn từ xa xưa. Truyền ngôn của các bậc cao niên, làng Hạ Đoạn hình thành vào khoảng thế kỷ XV, XVI, trong đó dòng họ Ngô và họ Bùi là những cư dân sớm nhất về đây, sinh cơ, lập ấp, biến vùng hoang sơ, nhiều lau sậy, sú vẹt thành làng mạc trù phú. Đến nay, làng Hạ Đoạn có khoảng 17 dòng họ cùng nhau sinh sống, phát triển, tạo nên cộng đồng làng, xã với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc.
1. Nhân vật thờ tự
Theo Bản kê khai thần tích làng Hạ Đoạn, tổng Hạ Đoạn, huyện Hải An, tỉnh Kiến An năm 1938 và khảo sát thực tế hiện nay, đình Hạ Đoạn tôn thờ thành hoàng là Đức Vương Ngô Quyền, phối thờ 4 vị: Quốc Mẫu hoàng bà hoàng triều Đại càn quốc gia Nam Hải; Đông Hải đại vương Đoàn Thượng; Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi; Tây quân đô đốc Triều quận công Vũ Cương Nghị. Các vị đều là những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp, ân đức với dân với nước, được nhiều địa phương xây đình, dựng miếu… ghi nhớ công lao mãi mãi.
- Đức vương Ngô Quyền:
Theo nội dung thần tích lưu giữ tại đình Gia Viên (đình Cấm), quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng: Ngô Quyền sinh ra trong một danh gia vọng tộc, đời đời làm quan ở đất Đường Lâm. Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897). Ngay từ nhỏ, ông tỏ rõ là một người trí dũng song toàn. Sử cũ mô tả, ông vẻ người “Khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại tranh chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền nghe tin, đã đem quân từ Ái Châu ra tiến đánh. Kiều Công Tiễn bèn cho người sang cầu cứ nhà Nam Hán. Mùa đông năm 938, đoàn binh thuyền quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy theo đường biển đến cửa Bạch Đằng, tiến vào nước ta.
Khi đó, Ngô Quyền, người được lịch sử lựa chọn là trung tâm đại đoàn kết dân tộc, quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước, kiên quyết và khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Trận địa cọc gỗ trên dòng sông Bạch Đằng mùa đông năm 938, đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân xâm lược nhà Nam Hán, kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền trở về Cổ Loa, đóng đô ở đây, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các bậc tiền nhân, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập của dân tộc sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh chống Bắc thuộc. Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ, xưng Vương, đặt ra các chức quan văn, võ, quy định lễ nghi trong triều và sắc phục của quan lại các cấp. Sau khi mất, ông được các làng xã tại nhiều địa phương ở Hải Phòng lập đền, đình, miếu thờ tự, trong đó có đình Hạ Đoạn; các triều đại sắc phong “dực bảo trung hưng, thượng đẳng thần”.
- Quốc mẫu hoàng bà hoàng triều, Đại Càn quốc gia Nam Hải:
Theo các nghiên cứu về tín ngưỡng thờ thần Đại Càn và nhiều tài liệu thư tịch cổ ghi chép lại, thần Đại Càn vốn là nhân vật lịch sử, vì chiến tranh loạn lạc và giữ tiết hạnh mà mất, sau đó hiển linh và có công phù vua giúp nước, bảo hộ người dân nên được nhân dân nhiều nơi phụng thờ, các triều đại ban cấp sắc phong. Các triều đại phong kiến sắc phong mỹ tự, phẩm trật, chuẩn cho nhiều làng xã thờ phụng thần. Trong các nghi thức tế lễ tại đình Hạ Đoạn, các bậc cao niên vẫn sử dụng mỹ tự, phẩm trật “Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải” để tôn vinh, ca ngợi thần, thể hiện sự thành kính linh thiêng, ngưỡng vọng với sự che chở, bảo hộ cho đời sống nhân dân địa phương.
- Đông Hải đại vương Đoàn Thượng:
Đông Hải đại vương Đoàn Thượng là võ tướng cuối vương triều Lý. Ông sinh ngày 12 tháng tám năm Tân Sửu (năm 1181) tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông được học hành từ sớm, thi đỗ khoa thi năm Giáp Tý (năm 1204), đời vua Lý Cao Tông, ra làm quan năm 23 tuổi. Trong những năm làm quan, ông nhiều lần được vua tin tưởng giao cầm quân đánh giặc và giành được thắng lợi vẻ vang, được triều đình ban thưởng và phong thêm chức tước, giao cho trọng trách cai quản hưng doanh lộ Hồng Châu (hay lộ Hải Đông, bao gồm vùng đất Hải Phòng ngày nay). Ông đã có công vận động nhân dân chung sức trị thủy, chăm lo cấy cày, trồng trọt chăn nuôi trên vùng nước phù sa, khuyến khích xóm làng chăm lo sự học…
Đình Hạ Đoạn phối thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, qua nhiều triều đại phong kiến được sắc phong, lưu truyền và ghi nhớ thánh hiệu của Ngài là: “Lý triều Đông Hải bản lộ, Kinh đô phụ quốc, Tuần sát sứ giả, Đô thống, phù tộ an dân, dực tán cương nghị, anh uy hiển ứng, Âm phù quốc vận, Trợ tán hoàng gia, Huệ trạch hoằng hợp, Quảng nhuận trác vĩ, dực bảo trung hưng Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, thượng đẳng thần”.
- Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi:
Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi vốn có tên húy là Thành, võ tướng nhà Mạc ở thế kỷ XVI, làm quan đến chức Phò mã đô uý, tước Tứ Dương Hầu. Theo Ngọc phả “Nam Hải đại vương” và các thư tịch cổ, ông sinh ngày 2 tháng 2 năm Hồng Thuận triều vua Lê Tương Dực (năm 1509), người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Thuở nhỏ, ông ham đọc các sách cổ kim, “nghe một biết mười”. Lớn lên, ông chịu khó luyện tập võ nghệ nên khoẻ mạnh và vóc dáng to lớn. Người đương thời thấy ông có sức khoẻ lạ thường, cho rằng ông là thần Thiên Lôi giáng thế nên khi ông cho đắp đê, ngăn nước mặn, người dân đặt tên là Thiên Lôi (đường Thiên Lôi hiện nay).
Đình Hạ Đoạn thuộc huyện An Dương cổ, phối thờ Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi, các triều đại sắc phong, chuẩn cho phụng thờ, mỹ tự phẩm trật là: “Đông nguyên súy tổng kiêm lưỡng quốc tiết chế các sứ thủy bộ chư doanh, Phò mã Đô úy, Thái úy Thành quốc công, linh ứng, dực vận nhuận trạch, long tiêm bác lợi, uổng nhuận hoằng hợp, dực bảo trung hưng, lưỡng quốc thượng đẳng thần”.
- Tây quân Đô đốc, Triều quận công Vũ Cương Nghị:
Theo tư liệu lịch sử của các địa phương, gia phả họ Vũ - Trung Hành (phường Đằng Lâm ngày nay), một dòng họ lớn nổi tiếng trong vùng, ngài Vũ Cương Nghị là con trai cả của Cao tổ Vũ Vĩnh Thái (1536-1599). Ngài Vũ Cương Nghị phục vụ triều Mạc được phong tước “Tây quân Đô đốc phủ, tả Đô đốc, hữu Thiếu bảo, Triều quận công”. Ông là phò mã của nhà Mạc, lấy công chúa Mạc Ngọc Hoa - con gái vua Mạc Phúc Nguyên; có công đắp đê ngăn nước mặn cho nhân dân sản xuất. Sau khi ngài mất, nhân dân những nơi Ngài đồn trú đóng quân xưa ở vùng cửa biển như: Hạ Đoạn, Đình Vũ, Thượng Đoạn, Vạn Mỹ… lập đình, đền thờ.
Đình Hạ Đoạn từ xa xưa đến ngày nay, tiếp nối truyền thống văn hóa và mạch nguồn lịch sử, thành kính ngưỡng vọng, thờ tự Ngài là “Tây quân đô đốc phủ, Tả đô đốc, hữu Thiếu bảo, Triều quận công, Vũ tướng công thụy Cương Nghị, Uy linh đoan túc, Quang Ý, dực bảo trung hưng, tôn thần”.
2. Lịch sử di tích
Đình Hạ Đoạn là ngôi đình của cộng đồng dân cư làng Hạ Đoạn từ xa xưa. Theo nội dung chữ Hán Nôm chạm khắc trên câu đầu: “景盛捌年歲次庚申叁月榖日良辰竪上樑 (Cảnh Thịnh bát niên tuế thứ Canh Thân tam nguyệt cốc nhật lương thần thụ thượng lương), có nghĩa là ngày lành tháng ba năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1799) dựng thượng lương. Như vậy, ít nhất đình được xây dựng vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Theo lời kể của các bậc cao niên, đình có từ lâu đời, bình đồ kiến trúc chữ Đinh, ván sàn lòng thuyền; 5 gian 2 chái tiền tế và 1 gian 2 chái hậu cung; chéo đao tàu góc. Phía trước đình có lạch nước “tụ thủy”. Trải qua thời gian, dưới triều Nguyễn, đình được trùng tu; dấu vết của đợt trùng tu này được khắc trên câu đầu gian tiền tế dòng chữ Hán Nôm: “成泰拾壹年歲次己亥貳月拾貳日良辰重修 (Thành Thái thập nhất niên tuế thứ Kỷ Hợi nhị nguyệt thập nhị nhật lương thần trùng tu), tức năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) ngày 12 tháng 2, đình được trùng tu.
Ngôi đình hiện nay quay hướng Tây Bắc, quy mô bề thế, được xây dựng thêm các công trình như nghi môn, tường bao và công trình phụ trợ nhưng vẫn gìn giữ được những nét truyền thống từ xa xưa. Đây là địa điểm gắn với các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.
3. Đặc điểm của di tích
Đình Hạ Đoạn tọa lạc trên khu đất rộng, bằng phẳng, ở trung tâm của làng Hạ Đoạn xưa. Đình có cảnh quan đẹp, không gian thoáng đãng, hài hòa, gần gũi giữa kiến trúc văn hóa tín ngưỡng và khu dân cư. Đình quay hướng Tây Bắc, là hướng mang lại vận khí tốt cho nhân dân. Tổng thể đình gồm các đơn nguyên kiến trúc: Nghi môn, đại đình, tường bao, lầu hóa vàng và công trình phụ trợ.
Trong đó, đại đình là công trình chính, trung tâm của các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trước đây, đình Hạ Đoạn có kiến trúc độc đáo, kiểu thức ván sàn lòng thuyền; dấu tích của kiến trúc này vẫn còn in rõ nét trên các cột gỗ của bộ khung chịu lực tại đình. Hiện nay, tòa đại đình có bình đồ kiến trúc chữ Đinh, gồm 5 gian 2 chái tiền tế, 1 gian 2 chái hậu cung.
Tiền tế xây kiểu tường hồi bít đốc, mái làm dạng thức bốn mái, kết cấu chéo đao tàu góc; lợp ngói mũi hài. Bờ nóc trang trí đề tài “lưỡng long chầu nhật”, hai đầu bờ nóc tạo tác hình tượng bờ kìm, đắp nổi trang trí rồng, phượng, nghê. Nền tiền tế cao hơn nền sân 0,35 m, thềm hiên 5 gian phía trước dạng bậc tam cấp tạo bậc lên xuống, được kè bởi những tảng đá xanh nguyên khối, kích thước lớn.
Bộ khung chịu lực của tòa tiền tế được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, kết cấu 8 bộ vì, dạng thức 4 hàng chân cột kê trên chân tảng đá xanh. Vì nóc tiền tế được tạo tác theo dạng “chồng rường”, vì nách theo 2 kiểu “chồng rường” và “chồng rường trụ trốn”. Hai vì nách phía ngoài của gian trung tâm dạng vì ván mê, chạm khắc đề tài trang trí. Liên kết dọc tiền tế là hệ thống xà nối các bộ vì với nhau thành hệ khung vững chắc, thân xà bào trơn không trang trí.
Chuôi vồ đình Hạ Đoạn gồm ba gian, có nền cao hơn tiền tế 0,5 m, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Hệ khung chịu lực của chuôi vồ gồm 4 vì gỗ, kiểu 4 hàng chân cột. Tính từ trong ra, bộ vì 1 và 2 có vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “ván mê” không trang trí; bộ vì 3 và 4 có vì nách tạo tác thống nhất theo kiểu “chồng rường”.
Chạm khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc của đình Hạ Đoạn thể hiện các đề tài truyền thống như “tứ linh”, rồng, phượng, mây cụm, hoa lá thiêng…
4. Sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích
Các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại đình Hạ Đoạn cơ bản vẫn được bảo lưu với nghi thức, nghi lễ cổ truyền, mang bản sắc văn hóa của con người, vùng đất Hạ Đoạn từ xa xưa.
Hiện nay, đình Hạ Đoạn vào ngày sóc, ngày vọng, các bậc cao niên, ban khánh tiết vẫn giữ gìn, thực hiện các nghi thức lễ truyền thống, cúng lễ cảm tạ ơn đức của các bậc thành hoàng, thánh thần thờ phụng tại đây. Ngày 4 tháng Giêng, tại đình tổ chức Lễ mừng thọ cho các bậc cao niên tuổi 60, 70, 80, 90, 100.. của làng; có lễ ra đình, rồi ra miếu Hạ Đoạn làm lễ cáo với thành hoàng, thần linh đã che chở, phù hộ ban sức khỏe.
Tháng Giêng, ngày 14 đến 16 âm lịch, làng Hạ Đoạn lại vào đám. Nhân dân địa phương ra đình Hạ Đoạn chuyển các bộ kiệu bát cống, đồ thờ tế khí về miếu Hạ Đoạn, tổ chức lễ kỷ niệm ngày Thánh hóa Đức vương Ngô Quyền và kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trong không khí trang nghiêm, long trọng.
Tháng 4 âm lịch, tại đình tổ chức lễ vào hạ, đây là nghi lễ quan trọng mỗi dịp xuân qua hè sang, được tổ chức quy mô nhằm nguyện cầu mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, vạn sự bình yên. Trong dịp lễ này, các nghi thức lập đàn, cúng tế trời đất, các vị thần linh được thực hiện trong nhiều ngày, thu hút đông đảo người dân tham dự. Lễ phẩm được chuẩn bị cẩn trọng, phù hợp và đảm bảo yếu tố truyền thống như hương, đăng, hoa, quả, trà, thực.
Ngày 13, 14 tháng 9 âm lịch, đình Hạ Đoạn tổ chức kỷ niệm ngày Thánh hóa Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi, với nghi thức tế nam quan truyền thống nhằm tưởng nhớ đến “Đức Thánh Niệm”, người đã có công lao hộ quốc, an dân, được nhân dân phụng thờ.
5. Một số di vật, cổ vật tiêu biểu
Trải qua thời gian và những thay đổi của lịch sử, đình Hạ Đoạn hiện nay còn bảo lưu, gìn giữ được một số di vật, cổ vật tiêu biểu, đặc sắc như: Ngai thờ, kiệu bát cống, câu đối, đại tự, bản chúc… mang phong cách nghệ thuật tạo tác thời Nguyễn thế kỷ XIX – XX. Những hiện vật này gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của người dân địa phương từ xa xưa.
Đình Hạ Đoạn là công trình văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc của người dân địa phương. Với những giá trị lịch sử văn hóa, khoa học thẩm mỹ hàm chứa tại đây, Đình Hạ Đoạn, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Thành phố theo quyết định số 4825/QĐ-UBND ngày 23/12/2024.
Thành đoàn Hải Phòng
