DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ ĐÌNH HẠ TRANG - XÃ BÁT TRANG HUYỆN AN LÃO - THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
22 08 2024
in trang
Đình Hạ Trang là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền thuộc xã Bát Trang, huyện An Lão. Ngôi đình làng là biểu tượng vật chất, tinh thần của nhân dân trong cộng đồng dân cư, nơi khắc ghi những dấu ấn của con người theo cùng năm tháng. Chính vì vậy tên ngôi đình gắn liền với tên làng, xã nơi quê hương cộng đồng cư dân đã sản sinh ra nó. Đình Hạ Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng cũng là ngôi đình mang tên làng, địa danh của quê hương.
Đình Hạ Trang xưa khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18, lúc ban đầu chỉ bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1898, dân làng xây lại ngôi đình ở vị trí gần chùa Hạ Trang. Đình được xây dựng đẹp, bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống. Qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1947 - 1950, đình Hạ Trang phải dỡ bỏ để phục vụ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Chính vì vậy, thần sắc, thần tích, và các đồ thờ tự tế khí của đình làng cũng bị thất lạc, mất mát. Song theo truyền ngôn và các cụ cao niên trong làng Hạ Trang và qua hệ thống văn tế, văn cúng lưu tại làng cho biết đình Hạ Trang thờ hai vị Thành hoàng:
- Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng.
- Thuận Thái đệ nhị cung phi tôn thần ( còn gọi là Vua Bà)
( Toàn cảnh khuôn viên Đình Hạ Trang, Bát Trang)
Đình Hạ Trang trước đây quay hướng Đông, cấu trúc mặt bằng chữ Đinh, có năm gian tiền tế, hai gian hậu cung. Đình có cây quéo cổ thụ có giếng nước để dân làng làm nước ăn. Đình, chùa Hạ Trang cùng nằm trên một khuôn viên đất rộng trên ba mẫu Bắc Bộ.
Đình Hạ Trang hiện nay nhìn về hướng Tây Nam được xây dựng lại năm 2009. Ngôi đình làm lại trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và cận kề với đường trục chính của thôn. Đường trục thôn khá rộng và được trải nhựa phẳng tạo điều kiện cho phương tiện giao thông về với di tích, rất thuận lợi.
Đình Hạ Trang được làm rất bài bản, từ khâu thiết kế đến khâu thi công. Thiết kế và thi công đều do các cơ quan, đơn vị có chức năng và có nghiệp vụ tay nghề cao thực hiên. Đình được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu truyền thống gỗ lim, gạch, đá…
Đình có kiến trúc mặt bằng chữ công gồm bảy gian tiền tế (trong đó năm gian chính, hai gian dĩ) ba gian ống muống (nhà cầu) và ba gian hậu cung (cung cấm). Ngôi đình có quy mô kích thước khá bề thế, bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, các bộ vì và cấu kiện kiến trúc có kích thước to khỏe, chắc chắn.
Đình Hạ Trang mái làm theo thức chéo đao tàu góc, lợp ngói mũi. Trên mái được đắp trang trí các tổ hợp con giống theo thức truyền thống như hai đầu bờ nóc, đắp kim ngậm bờ nóc, đuôi kìm cuộn tròn với những đám mây cụm, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Đao cong đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ, lân, vân. Nhìn chung Đình Hạ Trang với hệ thống vật liệu tốt và được thiết kế thi công bài bản có tay nghề cao nên ngôi đình đạt được những giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cao không khác với những ngôi đình cổ của cha ông ta dựng thuở xa xưa.
Trong Đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như: Nhang án, long ngai, bài vị, câu đối, đại tự, hòm sắc…
Tại đình Hạ Trang xưa kia hàng năm vào các ngày 22 tháng 4 dân làng tổ chức hội lễ kỷ niệm ngày hóa của Vua Bà; ngày 6 tháng 12 ngày hóa của Đức thánh Đoàn Thượng.
Ngày 22 tháng 4 hai làng Nghĩa Trang và Hạ Trang rước Vua Bà từ làng ở Nghĩa Trang về đình Hạ Trang, tổ chức tế lễ. Hai làng có tục lệ luân phiên nhau làm cỗ để cúng lễ Vua Bà. Ngoài phần tế lễ còn có hội như: đi cầu thùm, đập niêu, cướp cờ, cờ người, hát chèo sân đình. Hội lễ diễn ra hai đến ba ngày. Dịp ngày 6 tháng 12 kỷ niệm ngày hóa của Đức Đoàn Thượng, dân làng tổ chức tế lễ tại đình, phẩm lễ tam sinh. Sắm phẩm lễ do cai đám dùng kinh phí lợi tức của ruộng tự điền bỏ ra. Ngày nay, địa phương đang từng bước khôi phục các nét đẹp trong lễ hội truyền thống xưa.
Ngày 17/01/2014, Đình Hạ Trang được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 226/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Đình Hạ Trang là công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng của cư dân làng Hạ Trang. Công trình được xây dựng có quy mô, kích thước hoành tráng bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống, có trình độ kỹ thuật thi công tốt và giá trị mỹ thuật đẹp. Tại ngôi đình hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức các ngày sự lệ, hội lễ để kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của quê hương. Ngôi đình Hạ Trang đã thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân địa phương. Đồng thời là địa điểm văn hóa góp phần rất tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong địa phương.
Admin