ĐỀN VẠN CHÀI PHƯỜNG VẠN HƯƠNG QUẬN ĐỒ SƠN

22 03 2024

in trang

Đền Chài xưa là đình Chài thuộc thôn Ngân Hà, xã Đồ Sơn. Năm 1934, thực dân Pháp xây dựng pháo đài ở khu vực có đình tọa lạc nên đình được di dời về Vạn Thốc. Sau này, chức năng chính trị xã hội của đình không còn nên người dân gọi là Đền Chài. Tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay. Đền Chài có tên gọi đầy đủ là Đền Vạn Chài (ngôi đền của dân cư làng đánh cá), thuộc phường Vạn Hương, Đồ Sơn, Hải Phòng.

     Vạn Hương trước kia là một vạn chài thuộc xã Đồ Sơn. Trước năm 1883, xã Đồ Sơn thuộc Tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, Hải Dương; triều Tự Đức, huyện Nghi Dương thuộc phủ Kiến Thụy; thời thuộc Pháp, thuộc thị trấn Đồ Sơn lập ngày 18/5/1909 và qua điều chỉnh thuộc Hải Phòng, Kiến An. Sau hợp nhất Hải Phòng, Kiến An, lập thị xã Đồ Sơn ngày 14/3/1963, lập huyện Đồ Sơn ngày 5/3/1980. Năm 1988 thành lập thị xã Đồ Sơn, Vạn Hương trở thành một trong năm xã, phường của thị xã Đồ Sơn gồm: Vạn Hương, Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Sơn và Bàng La.

     Năm 2007, Đồ Sơn trở thành cấp hành chính quận. Vạn Hương là một trong bảy phường của quận Đồ Sơn. Người dân Vạn Hương xưa chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt hải sản, chỉ có một bộ phận nhỏ cư dân làm ruộng và trồng trọt khai thác vườn đồi. Cư dân Vạn Hương từ nhiều nơi đến. Đến định cư sớm nhất ở đây có ba dòng họ: Nguyễn, Bùi, Đặng. Theo các cụ cao niên của các dòng họ ở Vạn Hương thì họ Nguyễn phát tích từ Nghệ An di cư đến, họ Bùi ở Huế di chuyển ra và họ Đặng ở Thanh Hóa. Làng Vạn Hương xưa kia chia làm hai giáp: giáp Đông và giáp Nam. Làng có số dân cư không đông chỉ khoảng gần 300 khẩu. Các vị chức dịch như lý trưởng, tiên chỉ sinh sống ở trên bờ, còn người dân đi biển chài lưới thì có người đứng đầu là quản vạn. Mọi vấn đề phát sinh mâu thuẫn, va chạm trong làng chài đều theo quy ước của làng là mang ra đình để phân xử. Các vạn chài cũng có sự liên kết, quan hệ với nhau thông qua việc mỗi năm tổ chức họp mặt nhau bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

     Theo nghiên cứu của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Vạn Hương có một bộ phận dân làng Ngân Hà, Thái Bình đánh cá bị gió bão dạt vào nơi đây, đã mang theo Thành hoàng là Tứ vị Thánh Nương để phụng thờ. Các vị Thánh trên chính là Thành hoàng được thờ tại đình Chài, ngày nay gọi là Đền Chài.

     Đền Chài phường Vạn Hương thờ Tứ vị Thánh Nương, đứng đầu bốn vị Thánh nữ này là vị Thánh Mẫu Càn Hải Đại Vương. Tứ vị Thánh Nương được coi là các vị thần nữ ở cửa sông biển. Tục thờ Tứ vị Thánh Nương hiện rất phổ biến ở nhiều làng Việt Ven biển từ Bắc vào Nam. Ngoài ra còn thấy ở các làng ven sông lớn nằm sâu trong đồng bằng. Tuy nhiên, tục thờ này phổ biến nhất vẫn là ven biển trung bộ mà trung tâm là Đền Cờn (Nghệ An). Ở Hải Phòng có trên dưới 10 điểm thờ các vị Thánh trên như: đình Chanh Dưới, Tam Đa, Vĩnh Bảo; Miếu Tràng, Cổ Am- Vĩnh Bảo; Đoan Lễ, Tam Hưng, Thủy Nguyên… Về thần tích của Tứ vị Thánh nương có nhiều dị bản khác nhau; song phổ biến được tóm lược như sau: Năm 1276, quân Mông Cổ ồ ạt tấn công đánh tan nhà Nam Tống. Tháng 01 năm 1279, quân Nguyên Mông tấn công tới căn cứ cuối cùng của Nam Tống. Trong lúc nguy hiểm Thái Hậu và công chúa xuống thuyền chạy về phía Quảng Đông, nhưng gặp gió mạnh thuyền bị đắm, mọi người đều chết. Ngay lúc đó, bỗng xuất hiện Rồng vàng tới hộ giá Mẫu hậu và ba vị công chúa trôi tới biển Cờn Hải và được vị sư già Chùa Quy Sơn cứu sống và trú ngụ tại đó.

     Sau một thời gian ở trong chùa, nảy sinh điều dị nghị thị phi về Tống Thái Hậu và vị sư già không biện bạch được bèn khấn Phật và nhảy xuống biển tự vẫn. Thái hậu và ba vị công chúa thấy vị sư già vì mình mà chịu oan khuất liền cùng nhảy xuống biển chết theo. Xác chết của họ trôi vào cửa Cờn Hải. Họ hiển linh và được dân lập đền thờ và được vua phong là “ Nam Hải Phúc Thần” cai quản 12 cửa biển. Từ đó mọi người đi biển đều đến cầu đảo Tứ Vị Thánh Nương và thấy rất linh ứng. Sau này, vua Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông đi chinh phạt giặc Chiêm ở phương Nam theo đường biển được Tứ Vị Thánh Nương hiển linh trợ giúp. Sau khi thắng trận trở về, các vua Đại Việt đều tạ lễ và phong sắc cho Thần là “Quốc Mẫu Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần”.

     Đền Chài nằm tại bến Thốc thuộc khu 8 phường Vạn Hương, đền nằm dưới chân núi Đầu Vái, là vị trí trung tâm của dãy núi Chín Rồng, với thế đất phong thủy linh địa đầu con chim phượng. Chim phượng ở tư thế bay ra biển Đông. Đền hướng Đông Bắc nhìn ra biển lưng tọa sơn. Đất đai khuôn viên của đền chài rộng rãi, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi, biển cận kề. Khuôn viên Đền Chài còn bảo tồn năm cây gạo cổ thụ có tuổi trên trăm năm, cành lá xum xuê, cành lớn vươn dài tỏa bóng che râm mát cho toàn bộ khu trung tâm khuôn viên của ngôi đền. Năm cây gạo mang ý nghĩa tên ngũ cốc nuôi sống con người và ý nghĩa là số sinh thể hiện ước vọng, mong muốn của người dân cầu Quốc Mẫu Vua Bà phù hộ, giúp đỡ cho sự sinh sôi phát triển, thịnh vượng cho người dân nơi đây.

     Theo các tư liệu của địa phương và ý kiến của các bậc cao niên ở Vạn Hương, Đền Chài được xây dựng vào giữa thế kỷ 19. Trải qua thăng trầm lịch sử và chiến tranh tàn phá, đến năm 1992 đền được trùng tu lại như ngày nay. Đền có kiến trúc mặt bằng theo hình chữ tam, ba gian tiền đường, ba gian trung đường và ba gian hậu cung. Gian tiền đường được làm bằng gỗ lim đã qua nhiều lần tu bổ. Tòa tiền đường gồm 4 bộ vì thuận chồng đấu sen, chân cột đủ bốn hàng. Tòa trung có kết cấu mái bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch trát, lợp ngói phía trên cùng loại như gian tiền đường. Tòa hậu cung có kết cấu mái bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch có trát, mái lợp ngói cùng loại như gian tiền đường. Kiến trúc Đền Vạn Chài khác chắc chắn, có quy mô nhỏ vừa phải, mang tính chất cổ kim kết hợp.

    Năm 1893 (Quý Tỵ), được trùng tu lớn, hiện trên thượng lương còn ghi lạc khoản về năm trùng tu này. Theo truyền tụng trong nhân dân địa phương, sau khi đền được xây dựng xong, người dân Vạn Chài, Đồ Sơn được mùa đánh bắt hải sản ba năm liền. Cá từng đàn trắng đầy bến Vạn Thốc, Đồ Sơn. Trong thời gian chống thực dân Pháp, đền Vạn Chài, Đồ Sơn là nơi hoạt động của lực lượng Việt Minh, nơi hội họp học tập, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng. Đền Chài cũng có thời gian là địa điểm bình dân học vụ của con em cư dân Miền Biển.

    Trải qua thăng trầm của lịch sử và hai cuộc chiến tranh, lại ở vùng đất cửa biển khí hậu khắc nghiệt nên di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1992, di tích được trùng tu sửa chữa lại, việc phụng thờ được khôi phục, trấn hưng lại sầm uất như ngày nay. Trước năm 1945, hàng năm vào ngày 19 đến 21 tháng giêng, cư dân địa phương mở hội lễ. Tham gia lễ hội có rất nhiều cư dân miền biển ở trong và ngoài địa phương đến dự. Trong hội lễ có lễ rước nước, kiệu rước xuống thuyền, thuyền chạy ra biển theo hướng Cát Bà, lấy nước ở biển rồi chạy ngược về và rước vào Đền để làm lễ mộc dục. Lễ rước kiệu có rước kiệu bát cống, kiệu võng Đức Thánh Mẫu có khám luyện đặt trên. Khiêng kiệu bát cống là các trai tân, khiên kiệu Thánh Mẫu là các nữ đồng trinh. Phẩm lễ trong dịp sự lệ có thịt lợn, gà xôi. Đồ mã có thuyền rồng, các linh vật, đặc biệt có lễ phóng sinh tôm cá thể hiện nghi thức lễ rất cầu kỳ nghiêm trang. Ngoài việc tế lễ trong lễ hội còn có những trò chơi thi đầu mang tính dân gian như thi bơi thuyền rồng giữa các giáp trong làng và các vạn chài khác cùng tham gia. Một thuyền tham gia hội có 36 mái chèo, bốn người chỉ huy. Trong các lễ hội thời đó ở vùng Đồ Sơn, hội thi bơi thuyền Rồng tại lễ hội đền Chài là có quy mô và đông vui nhất, thu hút rất nhiều nhân dân trong và ngoài địa phương về tham gia.

    Ngày nay, nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hóa hội lễ truyền thống. Để kế thừa, phát huy, đáp ứng những nhu cầu mới của khách trong và ngoài nước về một khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng trong cả nước. Với những giá trị di sản đặc sắc được bảo lưu, đền Vạn Chài được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số  202 /QĐ - UBND ngày 23/01/2013

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke