CHÙA LÊ XÁ (ĐẠI VĨNH TỰ) LÀNG VĂN HOÁ LÊ XÁ XÃ TÚ SƠN

19 01 2023

in trang

Chùa Đại Vĩnh (Làng Văn hoá Lê Xá) thuộc xã Tú Sơn - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng. Ngay từ xa xưa không nhớ rõ Triều đại, có tên là "Thảo Am Thiền Tự” nằm trong làng có tên là Hoa Phong Trang. Đời Lê Trung Hưng (Hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 4, tức năm 1624) chùa được trùng tu lại lấy tên là Đại Vĩnh Thiền Tự. Sau tên làng đổi thành Lê Xá (theo văn bia). Chùa có diện tích nội tự hơn 4320m2, ruộng canh tác hơn 08 sào. Nội điền chùa có 5 gian, 2 gian hậu cung, 3 gian tiền đường, xây dựng theo lối chữ Đinh lợp ngói mũi, 3 gian cửa sổ thông thoáng. Các tượng phật như: Toà Tam Thân, Toà Quan Âm, Toà Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu, Tượng Hộ Pháp, Thánh Công, Thánh Mẫu ...

Chùa có hoành phi, câu đối, đại tự, có 4 bia đá cỡ lớn, 1 am đá hiện còn dấu tích, có nhà thờ Tổ 5 gian, có phòng dành cho tăng ni, giếng nước, vườn cây, vườn dâu, cây cổ thụ ...

Chùa còn có một quả chuông đồng, quả chuông to nặng 70kg đúc năm Kỷ Tỵ 1929, trong thân chuông có chữ “Đại Vĩnh Chung Tự” và khắc tên người có công đức. Quả chuông nhỏ có chữ “Kim Loan Điện”.

Hưởng ứng tuần lễ kim khí của Chính Phủ năm 1946 nhà chùa đã hiến tặng qua chuông nhỏ, còn lại quả chuông to hiện còn treo tại chùa mới.

Ban đầu trụ trì chùa là hai ni sư người Thái Bình, sau đó là Sư Ông Tự Thanh Cung (viên tịch tại chùa năm Tân Dậu). Đến năm 1932, Sư cụ Thích Tâm Kính trụ trì cho đến năm 1970 và viên tịch tại chùa, hưởng thọ 88 tuổi.

Trải qua nhiều biến đổi chùa Đại Vĩnh đã bị chiến tranh, thời tiết tàn phá nghiêm trọng, cuối năm 1946 thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ với khẩu hiệu “Tiêu thổ kháng chiến” Chùa đã dỡ bỏ 3 gian tiền đường còn lại 2 gian hậu cung, sau khi giặc tràn vào chiếm đóng và lập Bốt Đồng Mô cũng bị tàn phá, nhân dân phải tản cư sang Thái Bình.

Đến năm 1949, Sự Cụ Thích Tâm Kính hồi cư về chùa, mặc dù trước cảnh xơ xác hoang tàn nhưng sẵn có lòng yêu nước nồng nàn Sư cụ đã nhiệt tình ủng hộ kháng chiến, kêu gọi nhân dân đóng góp khôi phục chùa giúp đỡ mặt trận Việt Minh.

Năm 1950, các cán bộ Việt Minh nằm vùng đã liên hệ với Sư Cụ đó là các ông: Lê Văn Trang (Bí danh Tô Quang Thiệu) chức vụ Huyện uỷ viên phụ trách khu Huệ, (lúc đó là Tú, Đại, Đoàn, Bàng La), ông Nguyễn Văn Cần (Bí danh Trần Kiệm) Phó Bí thư Chi bộ chính trị viên xã đội, vào vận động chùa xây dựng cơ sở kháng chiến và cho đào một căn hầm bí mặt ở gian thờ Đức Chúa Bà để nuôi giấu cán bộ và làm địa điểm tập kết hoạt động cách mạng.

Từ năm 1951 đến năm 1953 cơ sở cách mạng khu Huệ được ổn định mặc dù chùa chỉ cách bốt địch khoảng 500m, cách bốt Tổng Dũng 300m nhưng với sự mưu trí, tinh thần giác ngộ cách mạng, Sư Cụ và dân làng đã quyết tâm bảo vệ các cán bộ cách mạng được nuôi dấu trong chùa bằng mọi cách.

Cơ sở chùa đã đón tiếp các cán bộ Việt Minh về hoạt động như: ông Lê Năng (Bí thư Huyện uỷ Kiến Thụy), ông Trần Mậu ( Phó Chủ tịch huyện), cụ Phạm Cử (Cán bộ Mặt trận huyện), ông Tô Quang Thiệu (Huyện uỷ viên).

Các cán bộ địa phương như: ông Trần Kiệm, Nguyễn Quang Vinh, Bùi Đình Mè, Vũ Cánh, Minh Khánh... đều hoạt động bí mật tại chùa Đại Vĩnh đưa phong trào Việt Minh phát triển góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang.

Trong thời điểm này lực lượng Việt Minh đã tập kết ra quân tại chùa tấn công bốt Đồng Mô thắng lợi, bắt sống tên Bang Giang Đội Sự cùng 36 lính, tập kết quân tấn công đồn Tổng Dũng ở Hoè Thị (Đại Hợp) bắt sống tên Tổng đồn gian ác thu toàn bộ vũ khí.

Đến cuối năm 1953, dịch lùng sục gắt gao, khủng bố, tàn bạo, một số đồng chí cán bộ Việt Minh đã bị bắt, bị giết, cầm tù.

Năm 1997, theo nguyện vọng của đông đảo tin đồ phật tử, cán bộ và nhân dân làng văn hoá Lê Xá, Chùa được ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho phép xây dựng chùa trên nền đất định làng cũ (Quyết định số 1766/ QĐ-UB) đó là ngôi chùa Đại Vĩnh hiện nay.

Từ khi có ngôi chùa đông đảo các tín đồ phật tử, cán bộ nhân dân làng văn hoá Lê Xá đã quyên góp tiền của, sức lực, trí tuệ không ngừng vun đắp xây dựng chùa phát triển trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng.

Tự hào với những đóng góp lớn lao cho cuộc kháng chiến, cho cách mạng chùa Đại Vĩnh là nơi hội tụ những tinh hoa, hướng người người làm việc thiện đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Với lòng mong mỏi của cán bộ nhân dân, các tín đồ phật tử làng văn hoá Lê Xá nói riêng và của cán bộ, nhân dân xã Tú Sơn nói chung Chùa Đại Vĩnh xứng đáng được xét duyệt công nhận xếp hạng di tích lịch sử kháng chiến cấp Thành phố.

Tháng 11 năm 2015, chùa được khởi công xây dựng lại đi theo lộ trình nội công ngoại quốc. Ngôi Tam Bảo được thiết kế 2 tầng, hình chữ Công, gồm 5 gian tiền đường, 2 gian ống muống, 3 gian chuôi vồ, hiên bát vần. Kiến trúc bên trong dựa trên nền tảng kiến trúc thời hậu Lê, vật liệu kiến thiết chủ yếu bằng chất liệu gỗ tứ thiết và đá. 

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Chùa Đại Vĩnh (Làng văn hoá Lê Xá) xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố ngày 09 tháng 2 năm 2010, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ nhân dân, các tín đồ phật tử làng văn hoá Lê Xá nói riêng và của cán bộ nhân dân xã Tú Sơn, tương lai sẽ phấn đấu trở thành điểm du lịch văn hoá cho du khách và nhân dân địa phương.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke