Thấy gì khi Việt Tân công kích Tổng Liên đoàn Lao động?

23 04 2024

in trang

Trong những năm gần đây, các hiệp định thương mại loại mới mà Việt Nam ký kết, như EVFTA và TPP, đã bổ sung nhiều điều khoản về tiêu chuẩn nhân quyền mà các bên tham gia phải tuân thủ. Một trong những điều khoản đáng chú ý nhất là quyền thành lập các công đoàn độc lập của công nhân.


Được bật đèn xanh bởi các hiệp định thương mại, không ít nhóm chống cộng ở hải ngoại đã âm mưu thành lập các đoàn thể có bề ngoài là công đoàn độc lập, nhưng thực chất chỉ nhằm quy tụ lực lượng để lật đổ chính phủ Việt Nam. Để dọn đường cho dự định này, họ đã không ngừng tung ra các bài tuyên truyền chống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tức là hệ thống công đoàn liên quan đến nhà nước.

Fanpage của Việt Tân đã đăng một bài viết như vậy vào ngày 01/12/2023, khi Đại hội Công đoàn 13 nhiệm kì 2023-2028 đã khai mạc tại Hà Nội, với hơn 1.100 đại biểu tham dự.

Trong bài này, họ quy kết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức “không đại diện cho quyền lợi của người lao động mà chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ sử dụng lao động”. Họ viết rằng tổ chức này “trực thuộc trong Mặt trận Tổ quốc, một cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, họ nhận định rằng hơn 11 triệu “đoàn viên công đoàn” trên cả nước “thực tế là để kiểm soát lực lượng công nhân”, chứ không hề làm gì để giải quyết các vấn đề của công nhân. Tất nhiên, ở phần comment, Việt Tân và các fan lại tiếp tục điệp khúc đòi thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam - một điều mà 20 năm họ đã liên tục cố làm nhưng chưa bao giờ làm được.

Những nhận xét vừa nêu của họ liệu có xác đáng? Vài điều họ nói thực tế vô lý một cách hiển nhiên. Chẳng hạn, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một “cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản”, thì sao nó phải “phục vụ lợi ích của giới chủ sử dụng lao động” làm gì? Nếu chủ lao động chèn ép công nhân một cách quá đáng, những hậu quả từ tình trạng đó sẽ mang đến nguy cơ bất ổn xã hội cho Việt Nam, đồng thời khiến các chiến lược phát triển bền vững không thực hiện được, từ đó mâu thuẫn với lợi ích của Đảng Cộng sản. Như vậy, trong tam giác lợi ích nhà nước – doanh nghiệp – người lao động, không thể nói rằng Tổng Liên đoàn luôn phục vụ doanh nghiệp chứ không phục vụ công nhân. Trong thực tế, mỗi lần công nhân đình công tự phát, các doanh nghiệp thường phải nhượng bộ, vì không ít thì nhiều các cuộc điều đình đều có sự tham gia của công đoàn cơ sở và nhà nước.

Trong các bài viết của mình, Việt Tân luôn đánh giá vai trò của các công đoàn chỉ dựa trên số cuộc biểu tình, đình công mà công đoàn đó tổ chức. Đây là một cách nhìn phiến diện, vì trong nhiều trường hợp, đình công kéo dài sẽ không mang lại lối thoát tốt nhất cho cả doanh nghiệp lẫn công nhân. Cuộc đình công cỡ nhỏ để phản đối một quản lý cấp thấp có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại cả đơn hàng lớn, từ đó mất uy tín với đối tác nước ngoài, và mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó buộc phải sa thải nhiều công nhân không liên quan.

Do đó, Việt Tân đánh đồng công đoàn với biểu tình, đình công không phải vì họ quan tâm đến lợi ích của công nhân, mà vì họ xem công đoàn và công nhân như những quân cờ cần lợi dụng để lật đổ chế độ. Họ làm điều đó mà không màng đến những hậu quả có thể mang đến cho người lao động. Họ làm như không biết sự thật rằng sau khi trải qua cuộc cách mạng đường phố mang tên Mùa Xuân Arab, nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi đã không có thịnh vượng hay tự do, chỉ chìm trong độc tài quân sự, ngoại thuộc và nội chiến. Họ cũng không thèm nhớ đến hậu quả mà họ gây ra vào năm 2014, khi kích động công nhân biểu tình “chống doanh nghiệp Trung Quốc” nhân việc nước này đặt dàn khoan trên lãnh hải Việt Nam. Lần đó, đám đông công nhân đã tràn sang đập phá các doanh nghiệp Đài Loan, Singapore, Nhật, Hàn… chỉ vì họ treo biển có ký tự trông giống chữ Hán. Kết quả là 315 nhà đầu tư chịu thiệt hại, với 12 công ty bị cháy lớn (nhiều nhà xưởng bị cháy rụi), 3 công ty bị cháy nhỏ, 33 công ty bị trộm cướp tài sản, 196 nhà xưởng bị đập phá, 241 văn phòng bị hư hại, nhiều văn phòng bị đốt sạch, phá sạch, dẫn đến tình trạng thất nghiệp của ít nhất 40.000 công nhân.

Nhắc lại như vậy để ghi nhớ mục đích của các nhóm chống cộng ở hải ngoại luôn là chống phá, lật đổ chế độ hiện tại ở Việt Nam bằng mọi giá, mà Việt Tân là một trong những nhóm chống cộng điên cuồng nhất. Do vậy, đừng kỳ vọng những “Công đoàn độc lập” của các tổ chức trên mang lại bất kỳ lợi ích gì cho công nhân ngoài sự phá hoại.

Nguồn: Hương sen Việt

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Thành phố Hải Phòng

Thong ke