[NHỨC NHỐI TRÀO LƯU PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN]

23 04 2024

in trang

Kì thị, phân biệt vùng miền Bắc - Nam, thành thị với nông thôn…. đây không phải vấn đề mới. Thế nhưng, trên thực tế, sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận những người có suy nghĩ lệch lạc. Đáng buồn hơn, "vấn nạn" này lại nhận được sự tham gia của không ít người như một cách giải trí tai hại.


Mỉa mai, châm chọc phân biệt về từng vùng miền, thậm chí nói lái, công kích bằng những ngôn từ miệt thị (parky, namkiki,...), hiện tượng phi văn hóa này không dừng lại ở ý kiến cá nhân mà đang nhân rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội theo xu hướng kích động như: tiktok, facebook,...

Bắt nguồn từ việc so sánh hình ảnh tập quán khác nhau giữa hai vùng miền, nay trào lưu này trở nên biến tướng. Thậm chí ở bất kì một chủ đề nào được đăng tải trên mạng xã hội, những cụm từ này đều đồng loại xuất hiện từ hàng loạt các tài khoản ảo, ẩn danh. Với lòng tự tôn quê hương vốn có của mỗi người, nhiều cuộc tranh cãi từ đó xảy ra. Họ sẵn sàng phê phán cái sai bằng một cái sai khác.

Dù là vô tình hay cố ý thì lời nói mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân hay tập thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Hơn nữa, người có hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất từ 7 đến 15 năm.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu là cách mà nhiều người đã và đang thực hiện để chung tay đẩy lùi hành vi phản cảm, những trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, tư duy, lối sống của giới trẻ trên các trang mạng xã hội. Khi những bình phẩm miệt thị, phán xét từ mạng xã hội trở thành một xu hướng giao tiếp trong đời sống, nhiều bạn trẻ đã phải đối diện với vô số lời trêu đùa, chế nhạo về quê hương mình trong suốt thời gian qua. Để rồi từ những lời nói ảo nhưng tổn thương lại là thật.

Thay vì chạy theo các trào lưu tiêu cực, việc chia sẻ về những hình ảnh, video tích cực về các vùng miền là cách nhiều bạn trẻ đang lựa chọn để phản bác lại những luận điệu chia rẽ cà để chứng tỏ, nơi đâu mình sống cũng là quê hương. Mỗi cá nhân cần học cách chịu trách nhiệm với từng bình luận, nút like, share của mình, góp phần tạo ra một môi trường mạng văn minh, lành mạnh, nơi mọi người chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.

Như lời bài hát "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát từ Bắc vô Nam, từ quê nghèo lên phố lớn rồi lại từ thành phố về thôn quê - trong ca khúc có tận mười từ “nối” tất thảy. Dù đường sá có muôn vàn cách trở, dù có phải “từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi” hay “vượt thác cheo leo”, anh em Nam Bắc một nhà vẫn quyết tâm “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Mối dây liên kết bền chặt giữa đồng bào Việt Nam còn vượt qua cả âm dương cách trở: ngay cả những người đã nằm xuống cũng góp phần “nối linh thiêng vào đời” để cả non sông “nối liền một vòng tử sinh”. Khúc ca ngày giải phóng đó vẫn còn vang mãi, để nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dù cho bất kỳ biến cố nào xảy ra, non sông Việt Nam vẫn sẽ liền một dải, dân tộc Việt Nam vẫn sẽ là một dân tộc đoàn kết và thống nhất

Không có mô tả ảnh.

 

 

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Thành phố Hải Phòng

Thong ke