TRƯỜNG BONNAL - BÌNH CHUẨN - NGÔ QUYỀN TỰ HÀO NƠI THẮP LỬA

22 03 2024

in trang

Hơn một trăm năm qua, trong lòng người dân thành phố Cảng, có một ngôi trường mà sự phát triển luôn song hành với lịch sử thành phố và đất nước. Bonnal – Bình Chuẩn – Ngô Quyền, không chỉ là ngôi trường lâu đời nhất mảnh đất này, không chỉ là công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa tiêu biểu của miền cửa sóng mà còn là nơi “thắp lửa”, gieo “hạt giống đỏ” cho phong trào yêu nước cách mạng của Hải Phòng và cả nước. Đặc biệt, nơi đây ghi dấu một sự kiện quan trọng trong hành trình vẻ vang của tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng: là nơi một trong hai chi bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên của cả nước được thành lập vào năm 1929. Ngày 26/3/2011, nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tổ chức Lễ gắn biển “Địa điểm thành lập chi bộ Đoàn thanh niên cộng sản đầu tiên của cả nước” tại trường THPT Ngô Quyền – “địa chỉ đỏ” trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lễ gắn biển “Địa điểm thành lập chi bộ Đoàn thanh niên cộng sản đầu tiên của cả nước” tại trường THPT Ngô Quyền ngày 26/3/2011 và hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống Đoàn của ĐVTN nhà trường

Xếp hình nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 95 năm thành lập Chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước tại trường Ngô Quyền.

TỰ HÀO NƠI THẮP LỬA

         Năm 1920, từ một khu đất của trường Hương học làng Vẻn, ngôi trường đầu tiên của miền Duyên hải Bắc Bộ và cũng là một trong những trường Trung học đầu tiên của Việt Nam đã ra đời với tên thường gọi Bonnal. Sau Cách mạng tháng Tám, trường đổi tên là Bình Chuẩn. Đến năm 1948, trường được mang tên vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền.

         Khuôn viên của trường là một khu đất vuông vắn. Phía Bắc giáp đại lộ Bonnal (nay là đường Nguyễn Đức Cảnh), phía Đông giáp phố Metz (nay là đường Mê Linh), phía Nam giáp ngõ Hoa Khai (tên dân dã là ngõ Thối), phía Tây giáp trường đạo Saint Joseph (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng). Cổng trường quay ra phố Metz (phố Mê Linh hiện nay). Trải qua những biến đổi của thời gian, ngôi trường vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc Pháp.

         Những năm đầu thế kỷ XX là thời kì đất nước có nhiều biến động về chính trị. Những biến động thăng trầm lịch sử của thành phố, của đất nước đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngôi trường này. Là thành phố công nghiệp hải cảng duy nhất ở miền Bắc, đầu mối giao thương đường biển lớn của cả nước, Hải Phòng có điều kiện thuận lợi đón luồng tư tưởng mới tiến bộ từ bên ngoài. Nhiều sách báo tiến bộ được truyền vào nước ta cùng những luồng tư tưởng mới, nhất là phong trào yêu nước sôi sục đã ảnh hưởng trực tiếp đến các thầy giáo và học sinh trường Bonnal. Bằng tài năng, bản lĩnh và nhân cách của mình, những người thầy Bonnal đã âm thầm nhen ngọn lửa yêu nước cách mạng, thắp sáng khát vọng đấu tranh vì độc lập tự do dân tộc trong mỗi học trò. Nhiều thầy giáo và học sinh trường Bonnal đã tham gia các phong trào yêu nước như phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu năm 1925; tổ chức truy điệu Phan Chu Trinh năm 1926. Từ năm 1925 đến năm 1927 xuất hiện một số tổ chức yêu nước và cách mạng, trong đó có “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc), góp phần rất lớn trong việc truyền bá tư tưởng cộng sản vào phong trào đấu tranh của quần chúng. Đồng chí Nguyễn Văn Hới (học sinh trường Bonnal 1925-1927) đã gia nhập vào tổ chức này, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện tại Quảng Châu, sau đó về hoạt động tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Hới đã lập ra “Học sinh đoàn”- một hình thức tổ chức của “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” trong trường Bonnal, thu hút nhiều học sinh tham gia... Họ đã truyền tay nhau đọc các sách báo tiến bộ như: “Người cùng khổ”, “Việt Nam hồn”, “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc.

         Đầu năm 1929, phong trào dân tộc dân chủ phát triển mạnh ở Hải Phòng, đòi hỏi cần phải có tổ chức đảng lãnh đạo. Hải Phòng có hai nhóm thanh niên cộng sản đầu tiên ra đời là nhóm công nhân Xi-măng và nhóm học sinh Bonnal. Nhóm Bonnal ra tờ báo bí mật “Thanh niên cộng sản”, nhóm Xi-măng ra tờ “Tia lửa”. Những hoạt động này đã góp phần đưa đến sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng vào tháng 4 năm 1929. Đây là một trong những Chi bộ cộng sản ra đời sớm nhất ở Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào cách mạng thành phố. Cuối tháng 6 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chọn những thanh niên ưu tú trong tổ chức “Học sinh đoàn” thành lập Chi bộ Đoàn thanh niên Cộng sản lấy trường Bonnal làm nòng cốt. Chi bộ Đoàn thanh niên Cộng sản trong học sinh lúc đó có 11 đoàn viên chia thành các tiểu tổ. Chi bộ Đoàn trường Bonnal do đồng chí Bùi Đức Thanh làm Bí thư. Các đoàn viên thanh niên cộng sản ở trường Bonnal hoạt động rất tích cực, tiêu biểu nhất là Nguyễn Văn Cúc (tức Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh sau này). Sự kiện này khẳng định cùng với nhà máy Xi măng Hải Phòng, trường Bonnal trở thành một trong hai nơi thành lập Chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước.

         Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các hoạt động yêu nước của học sinh Bonnal phát triểh cả về bề rộng và bề sâu. Tháng 9 năm 1936 đồng chí Nguyễn Văn Cúc thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, được Trung ương cử về Hải Phòng tham gia xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng, trong đó có trường Bonnal. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí Vũ Quý - một trong những cán bộ lãnh đạo của Đảng bộ Hải Phòng đã cùng thầy giáo Nguyễn Hữu Tảo thành lập Liên đoàn Hướng đạo Quang Trung trong học sinh trường Bonnal, đưa họ vào các hoạt động yêu nước như: Truyền bá chữ quốc ngữ, chống nạn thất học. Các giáo viên của trường vừa dạy chữ vừa tuyên truyền đường lối của Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm động viên tinh thần dân tộc, dân chủ cho các học viên. Nhiều học sinh Bonnal như Lưu Văn Lợi (sau này là Trưởng ban Biên giới của Chính phủ), Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Lê Trọng Nghĩa, Lưu Văn Thi (Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện)... đã tích cực tham gia đoàn Hướng đạo, tình nguyện làm giáo viên dạy chữ, tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao khơi dậy tinh thần yêu nước. Thầy Nguyễn Đăng Khảm cùng học trò dựng vở kịch “Ông Tây An Nam” nhằm chế giễu những kẻ sính Tây đến nỗi quên cả tiếng mẹ đẻ, quên nguồn gốc tổ tiên.

Cuộc mít-tinh ngày 23/8/1945 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng

         Năm 1940, Phát xít Nhật vào Đông Dương, cấu kết cùng thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam. Trường Bonnal bị chúng trưng dụng làm chỗ đóng quân. Từ năm 1941, nhiều tổ Việt Minh bí mật được thành lập trong trường. Học trò trong các lớp truyền nhau sách báo của Đảng, dạy nhau các bài hát tiến bộ như Trên sông Bạch Đằngcủa Hoàng Quý, kịch hát Hận Nam Quan của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đàn Chim Việt”, “Thăng Long hành khúc ca của nhạc sĩ Văn Cao... Nhiều bài hát của Pháp mà chính quyền thực dân bắt buộc hát trong các giờ học cũng được sửa thành lời Việt kêu gọi lòng yêu nước.

         Từ năm 1943-1945, các học sinh của trường như Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng, lập ra Hội Ái hữu cựu học sinh trường Bonnal để động viên phong trào học tập và phát huy truyền thống của nhà trường. Học tập kinh nghiệm của trường Bưởi - Hà Nội (nay là Trường THPT Chu Văn An), đồng chí Lưu Văn Mẫn và một số người bạn đã thành lập Đoàn Rồng của trường Bonnal nhằm tập hợp học sinh, thông qua các hoạt động chọn lựa những nhân tố tích cực vào tổ chức Việt Minh bí mật. Đoàn gồm hơn mười đội lấy tên Quang Trung, Lê Chân, Vạn Kiếp, Hoa Lư, Chi Lăng, Lam Sơn, Lý Thường Kiệt... Nhờ đó mà các chủ trương của Đảng và Thành bộ Việt Minh được tuyên truyền rộng rãi, cơ sở Việt Minh trong trường học.

         Mục đích ban đầu của thực dân Pháp khi mở trường là đào tạo lớp trí thức Tây học phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của “nước mẹ Đại Pháp”. Thế nhưng trái với ý định ban đầu của chúng, mái trường đã trở thành nơi “thắp lửa” và gieo “hạt giống đỏ” cho phong trào Các mạng của Thành phố và cả nước. Dưới sự dẫn dắt của những người thầy tài năng, giàu tinh thần dân tộc, các thế hệ học sinh đã thức tỉnh lòng yêu nước, giác ngộ tinh thần cách mạng, khát vọng dấn thân cho sự giải phóng dân tộc. Nhiều học sinh trường Bonnal đã trở thành những tấm gương kiên trung về khí phách, về tinh thần cách mạng như: đồng chí Nguyễn Văn Hới - Bí thư Đảng bộ tỉnh Nam Định năm 1930, đồng chí Vũ Văn Hiếu - Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy khu mỏ Quảng Ninh. Tiêu biểu là người học trò Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sau này) – người “phất cao ngọn cờ đổi mới” của đất nước.

         Ngôi trường giàu truyền thống này còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách để lớp lớp học trò trưởng thành cống hiến tài năng và trí tuệ làm rạng danh đất nước trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thế hệ học trò xuất sắc trưởng thành mà tên tuổi đã vượt khỏi giới hạn của ngôi trường để trở thành niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam. Những văn nghệ sỹ nổi tiếng: Nhà thơ Thế Lữ - ngọn cờ đầu của phong trào thơ Mới; Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của Quốc ca Việt Nam…; Những nhà quân sự tài danh: Trung tướng Nguyễn Bình – vị trung tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện; Thiếu tướng Nguyễn Duy Thái...; Những nhà khoa học ưu tú: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân; Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Khiêu; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Trí - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, người được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân đầu tiên…

          Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, sự nghiệp giáo dục cũng bước sang một trang mới. Hòa mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, của thành phố, trong mỗi thời kỳ lịch sử, trường THPT Ngô Quyền luôn có những thế hệ học sinh với tinh thần yêu nước cách mạng, phẩm chất trí tuệ - tài hoa và nhất là khát vọng dấn thân mãnh liệt vì lý tưởng cao đẹp. Đó là những thế hệ học trò đã gửi lại thanh xuân rực rỡ nơi chiến trường khói lửa, giữa cung đường Bắc – Nam khốc liệt để cho cho đất nước hôm nay được hòa bình, hạnh phúc với lẽ sống để “yêu thương và dâng hiến” tiêu biểu như Anh hùng lực lượng vũ trang Liệt sỹ Hoàng Kim Giao (cựu học sinh khóa 1958-1960) - người trẻ nhất có công trình khoa học được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu; đó là những thế hệ học trò hăng say học tập và lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các đoàn viên thanh niên nhà trường tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền phát thanh, đọc báo đêm khuya, thu hoạch lúa, đào mương, giúp bộ đội xây dựng công sự, pháo đài…. Một thời kỳ tuổi trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết đã tôi luyện nên những thủ lĩnh của phong trào Đoàn, tiêu biểu là người đoàn viên ưu tú Vũ Mão (cựu học sinh Ngô Quyền khóa 1958-1960) – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1987.

          Từ mái trường này, ghi ấn đậm dấu những bước đi sử thi cách mạng hào hùng, tinh thần yêu quê hương đất nước, truyền thống dạy tốt - học tốt và nhiệt huyết dấn thân, cống hiến cho Tổ Quốc đã kết tinh lên những giá trị cao đẹp, là nguồn mạch ánh sáng rạng rỡ kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai… Mãi luôn ở đó, một Bonnal - Bình Chuẩn - Ngô Quyền với tên tuổi những người thầy đã để lại niềm tin trong trái tim bao thế hệ học trò. Mãi luôn ở đó, một Bonnal - Bình Chuẩn - Ngô Quyền, tự hào là nơi đào tạo nên những con người ưu tú đã và đang nắm giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội của Thành phố Hải Phòng và đất nước; các chính trị gia, tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kĩ sư, bác sĩ, doanh nhân... cùng biết bao con người bình dị, lặng thầm mang vẻ đẹp ngôi trường lan tỏa giữa cuộc đời mãi dài theo năm tháng…

SÁNG MÃI LỬA TỰ HÀO

         Lịch sử được ví như ngọn đuốc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền hôm nay tự hào là “Lá cờ đầu” của ngành Giáo dục Đào tạo Hải Phòng với đội ngũ thầy cô giáo Tâm huyết - Tài năng - Nhân ái và lớp học trò Bản lĩnh – Tiên phong - Sáng tạo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngôi trường,  không ngừng tiếp cận cái mới, thích nghi với xu thế thời đại. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy - Ban giám hiệu, BCH Đoàn trường đã phát huy vai trò tiên phong, thực hiện nhiều chuyên đề, mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả và được nhân rộng trong thành phố:

         1. Tiên phong trong đổi mới giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, mang nét đặc sắc riêng:

         Các chuyên đề giáo dục truyền thống như:

          Chuyên đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi” được cụ thể hóa với hoạt động học sinh xếp hình bản đồ Việt Nam trong giai điệu tự hào Quốc ca của nhạc sỹ Văn Cao - người cựu học sinh tài hoa của trường Ngô Quyền nhân Quốc khánh 2/9.

         Xếp hình Huy hiệu Đoàn với ca khúc “Thanh niên làm theo lời Bác” nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 90 năm thành lập Chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước tại trường Ngô Quyền. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống Đoàn tại “Nơi thắp lửa” cho thế hệ trẻ mà còn được ghi nhận là Đơn vị trường học đầu tiên trên cả nước xếp Huy hiệu Đoàn.

         Xếp hình cờ Đảng tại khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2020).

Chuyên đề “Người thắp lửa” gắn với chương trình kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

         Chuyên đề “Tiếp nối truyền thống - vững bước tương lai” gắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm truyền thống Bonnal – Bình Chuẩn – Ngô Quyền

         Đại lễ kỷ niệm 100 năm truyền thống Bonnal – Bình Chuẩn – Ngô Quyền: https://youtu.be/tEwbuiXj8Qs

         Phim tài liệu Một thế kỷ vun trồng những ước mơ: https://youtu.be/VP7ZYtsSiwo?si=1vcPtZZ9pWwuu-MP

         Các chuyên đề trải nghiệm sáng tạo đến với di tích lịch sử “Bản hùng ca trên sông Bạch Đằng”, “Từ Lương Xâm - cội nguồn lịch sử, cội nguồn văn hóa”...

         Đặc biệt là mô hình “Phòng học danh nhân”một mô hình độc đáo, sáng tạo, được Thành đoàn Hải Phòng chọn làm báo cáo điển hình Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2020. Mỗi một phòng học là phòng truyền thống thu nhỏ để học sinh Ngô Quyền gửi gắm niềm tự hào, sự tri ân các thế hệ thầy cô, học trò của trường Bonnal – Ngô Quyền. Mô hình “Phòng học danh nhân” càng khẳng định sức sống mãnh liệt của những giá trị truyền thống.

Ngày 26/3/2019, Khánh thành công trình thanh niên “Phòng học danh nhân” kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn và 90 năm thành lập Chi bộ Đoàn TNCS  đầu tiên của cả nước.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ PHÒNG HỌC DANH NHÂN

Học sinh chơi nhạc Văn Cao

trong không gian phòng học danh nhân nhạc sĩ Văn Cao đậm chất nghệ thuật

Học sinh thuyết minh về thiết kế phòng học danh nhân Trung tướng Nguyễn Bình

trước các vị đại biểu trong Lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1

Giáo viên và các Đoàn viên thanh niên đóng góp một phần nhỏ bé trong việc kiến tạo không gian lịch sử của nhà trường, tự hào về truyền thống vẻ vang của ngôi trường trăm tuổi.

        Các chuyên đề giáo dục pháp luật như: chuyên đề Xây dựng tình bạn đẹp - Phòng chống bạo lực học đường” đã hướng tới học sinh những giá trị chân – thiện – mỹ trong môi trường học đường, gia đình, cộng đồng; chuyên đề Học sinh hỏi – Chuyên gia trả lời”; Chuyên đề “Phiên toà giả định” - Lần đầu tiên tại sân trường Ngô Quyền một phiên tòa giả định với sự tham gia trực tiếp của Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên, Trợ giúp viên pháp lý đã giúp cho các em học sinh sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về tác hại của bạo lực học đường, có cái nhìn tổng quan và hiểu biết hơn về pháp luật và làm cho kiến thức pháp luật gần gũi với cuộc sống, học sinh được nói lên những băn khoăn, thắc mắc, được các chuyên gia tư vấn trực tiếp.

Chuyên đề giáo dục pháp luật được thực hiện tại sân trường Ngô Quyền với mô hình “Phiên tòa giả định”.

2. Tiên phong trong đổi mới giáo dục các kỹ năng cho học sinh thông qua các mô hình sáng tạo, hiệu quả, có tính thực tiễn cao.

         Chuyên đề học tập trải nghiệm sáng tạo: Nhà trường chủ trương định hướng sớm cho học sinh bằng việc mời các chuyên gia hướng nghiệp hàng đầu có uy tín, giàu kinh nghiệm đến trường tư vấn, bằng những chuyến đi “Một ngày làm sinh viên”, thực hiện dự án “Cùng VTV7 tiến về phía trước”, chuyên đề “Khởi nghiệp từ góc nhìn hướng nghiệp”; đặc biệt, điểm sáng tạo trong tư vấn hướng nghiệp là Đoàn trường đã tổ chức kết hợp giữa trải nghiệm thực tiễn và tư vấn với chương trình “Trải nghiệm đại học, định hướng tương lai”… Nhà trường còn là đơn vị tiên phong trong thành phố trong việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm hướng nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất, các trường Đại học với Mô hình học tập “Từ trường học đến nhà máy” (2017), “Nhà trường - Nhà máy - Giảng đường đại học” (2018) trong đó học sinh được ứng dụng, khảo nghiệm những kiến thức đã học trên lớp tại cơ sở sản xuất, các trường Đại học. Mô hình được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là hướng đi mới và chỉ đạo nhân rộng ra các trường trong thành phố. Các hoạt động hướng nghiệp này không chỉ tạo ra động lực học tập mà còn giúp cho học sinh có những định hướng lựa chọn nghề nghiệp một cách chính xác, giúp các em đủ hành trang, tự tin làm chủ bản thân, chuẩn bị quá trình lập thân, lập nghiệp sau khi rời mái trường.

Chuyên đề cấp thành phố “Từ trường học đến nhà máy” được thực hiện tại nhà máy Nhựa Tiền Phong – Hải Phòng

Chuyên đề trải nghiệm sáng tạo “Nhà trường- Nhà máy- Giảng đường đại học” tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà và đại học Bách Khoa (Hà Nội)

         Chuyên đề giáo dục kỹ năng sống: Với mục tiêu giúp cho các em học sinh phát huy được kỹ năng và năng lực của bản thân đặc biệt là sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng, nhiều hoạt động đa dạng về nội dung phong phú về hình thức được tổ chức. Các chương trình lớn thường niên “Ấn tượng Ngô Quyền”, “Gương Mặt Ngô Quyền”, “Vũ điệu xanh”, “Mùa phượng cuối”... là những sân chơi đầy hào hứng, được chính các em học sinh lên ý tưởng, đầu tư dàn dựng tập luyện bài bản, công phu với nhiều cung bậc xúc cảm để lại dấu ấn sâu đậm về một thời thanh xuân dưới mái trường trong lòng bao học trò.

Hội thi “Vũ điệu xanh” năm 2022: https://youtu.be/Qiai6KnXUQE

Hội thi “Gương Mặt Ngô Quyền” năm 2024: https://youtu.be/Uka1I6l9TJ8

Hội thi “Gương Mặt Ngô Quyền” năm 2022: https://youtu.be/X44s8SbVuqc

Chương trình "Ấn tượng Ngô Quyền" năm 2023: https://youtu.be/Z5smlAANO6Q

 

3. Tiên phong trong định hướng phát triển các năng lực, phẩm chất, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của học sinh với mô hình Câu lạc bộ học sinh.

              Trường THPT Ngô Quyền tiên phong trong các trường THPT của thành phố xây dựng một hệ thống gần 20 câu lạc bộ môn học, sở thích được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp khẳng định sự năng động, tài hoa của thể hệ học sinh trường Ngô Quyền hôm nay. Tại trường THPT Ngô Quyền, đoàn viên thanh niên nhà trường có được môi trường phát triển toàn diện thỏa mãn các đam mê về khoa học, thể thao, nghệ thuật với các câu lạc bộ học sinh như CLB tình nguyện tham gia hoạt động tích cực trong các chương trình “Tiếp sức mùa thi”; “Hoa phượng đỏ”. Thông qua các hoạt động tình nguyện đã giúp các rèn luyện đạo đức, trang bị cho các em bản lĩnh, kỹ năng sống… Các tình nguyện viên trường THPT Ngô Quyền đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về hình mẫu học sinh Ngô Quyền thời đại mới; CLB âm nhạc đã kết nối những đam mê về âm nhạc. Học sinh Ngô Quyền không chỉ học giỏi mà còn là những nhạc sỹ, ca sỹ tương lai; đồng hành cùng các chương trình lớn của Đoàn trường là các CLB sự kiện, CLB VOB Tiếng nói NQ, CLB Media, CLB Mỹ thuật, các CLB thể thao bóng rổ, cầu lông, đá cầu, bóng đá... Mô hình câu lạc bộ đã gắn kết học sinh, phát huy năng lực, khuyến khích các em vui chơi lành mạnh, tích cực rèn luyện thân thể, bồi dưỡng trí tuệ, kỹ năng với ý thức trở thành công dân toàn cầu.

MỘT VÀI HÌNH ẢNH NỔI BẬT CỦA CÁC CLB

 

       Từ nền tảng truyền thống của một ngôi trường đã rèn giũa nên những hiền tài cho dân tộc, trường THPT Ngô Quyền hôm nay đã và đang tiếp nối những giá trị cao đẹp, nuôi dưỡng và lan tỏa lửa tự hào, tiếp tục ươm mầm cho một thế hệ học trò Ngô Quyền mới “Học tập chăm ngoan - Vui chơi lành mạnh - Tích cực hoạt động xã hội”; một thế hệ đoàn viên thanh niên mới có lý tưởng, bản lĩnh, tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hội nhập. Nhiều học sinh đã trưởng thành từ phong trào, trở thành những cán bộ đoàn xuất sắc, những tấm gương điển hình trong phong trào “Học sinh Ba tốt” và đặc biệt là những đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đó sẽ là những “Hạt giống đỏ” của thời đại mới để tiếp tục thắp sáng thêm ngọn lửa tự hào nơi mái trường trăm tuổi.

       “Tự hào truyền thống - Vững bước tương lai- Với sức mạnh truyền thống, trường Ngô Quyền tiếp tục vững bước tiến vào thế kỷ XXI, những thế hệ học trò của trường Ngô Quyền hôm nay sẽ viết tiếp trang sử mới vẻ vang của nhà trường, để “Bonnal – Ngô Quyền - Niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ thầy trò chúng ta”, để xứng đáng là “địa chỉ đỏ” của ngành Giáo dục và phong trào Đoàn Thành phố và cả nước.

 

 

Admin

Thong ke