Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

02 07 2014

in trang

Ngày 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII.

 

  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. 
(Ảnh: TH)


Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao tinh thần làm việc của Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn của Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri hoan nghênh cách làm việc của các đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp đã tiến hành tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả Kỳ họp, những việc đã bàn bạc, quyết định và những việc đang làm. Cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội...

C
ử tri đã bày tỏ bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cử tri cho rằng, Trung Quốc là một nước đông dân và có nền kinh tế rất mạnh, vì vậy, cuộc đấu tranh với một đất nước như thế chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta phải tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới và dư luận quốc tế. Chúng ta phải làm cho thế giới hiểu rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam từ nhiều đời nay. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép và các tàu công vụ đến đây là một sai lầm rất lớn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

 

Cử tri cũng đề xuất các biện pháp để góp phần giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền, làm rõ những hành vi sai trái của Trung Quốc; có bản kiến nghị gửi tới các quốc gia trên thế giới, để toàn thế giới biết đến hành động sai trái và phi lý của Trung Quốc… Về lâu dài, cần ổn định kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, gắn an ninh với quốc phòng, tập trung hướng về biển đảo, có các hành động cụ thể như tiết kiệm chi tiêu, bớt hội họp không cần thiết để ủng hộ chiến sĩ biển đảo, tiết kiệm chi tiêu để đóng tàu lớn, làm dụng cụ, phương tiện phục vụ nghề cá… Đặc biệt, phải biết dựa vào dân, khơi dậy lòng yêu nước của từng người dân với phương châm “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”…

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, các cử tri đánh giá cao Quốc hội đã bày tỏ quyết tâm dẹp bỏ “giặc nội xâm”. Đáng chú ý, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn vừa qua đã thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của cơ quan chức năng. Các cử tri cho rằng, phải xử lý thật nghiêm khắc một số vụ điển hình thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm. Lâu nay chúng ta đổ lỗi cho cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, nhưng quan trọng là thực thi pháp luật chưa nghiêm, thậm chí tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc chống tham nhũng, lãng phí cần thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất trong công việc hằng ngày.

Đề cập đến vấn đề từ ngày 1/7, lực lượng chức năng sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, cử tri kiến nghị các cơ quan liên quan kiểm tra tất cả các hàng quán kinh doanh mũ bảo hiểm, thu hết các mũ không đạt chất lượng và có chế tài xử phạt thật nặng. Mặt khác, các cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm về các hoạt động mua bán mũ bảo hiểm trên địa bàn, lực lượng công an và quản lý thị trường cũng phải xử lý quyết liệt từ đầu… 

Cử tri cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đào tạo theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; có kế hoạch cụ thể cho các sản phẩm nông sản sau thu hoạch, tránh để tình trạng phụ thuộc vào thương lái nước ngoài; chú trọng hơn nữa công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng...

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu ý kiến của các cử tri; khẳng định sẽ tập hợp đầy đủ, phân loại gửi đến các cơ quan có trách nhiệm. Đối với mỗi cương vị công tác, các đại biểu Quốc hội sẽ có hoạt động phù hợp xử lý các kiến nghị của cử tri.

Trước sự quan tâm của cử tri về tình hình Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp và lâu dài, thu hút sự quan tâm của toàn dân ta và các nước trên thế giới. Vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến ổn định, phát triển mà còn liên quan đến độc lập, chủ quyền của đất nước; liên quan đến việc giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không ta cũng phải "ăn đời ở kiếp" với họ. Trong lịch sử đã nhiều lần xảy ra các sự việc tương tự. Chúng ta luôn tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác cùng phát triển với người láng giềng Trung Quốc nhưng chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường của Việt Nam tại các diễn đàn khác nhau. Chúng ta đã tuyên bố rất rõ rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm quyền tài phán, quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước… Việt Nam đã công khai đăng tải thông tin, công khai giữa diễn đàn Quốc hội để cả thế giới đều biết. Chúng ta tìm mọi biện pháp chứng minh hành vi sai trái của Trung Quốc chứ tuyệt đối không nhân nhượng. Đồng thời kịch liệt lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại.

Bày tỏ lòng cảm ơn trước sự tin tưởng của cử tri vào chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, chúng ta phải xác định đây là việc còn lâu dài, phức tạp, do đó phải rất bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp. Chúng ta đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao, tuyên truyền, giải thích, vận động quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế… Các mặt trận phải phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn.

 

 

      Các cử tri đã nêu nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, với tinh thần xây dựng. 
                                                         (Ảnh: TH)


Trước những ý kiến của cử tri liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phòng chống tham nhũng là mối quan tâm lớn của toàn dân. Đây là thứ "giặc nội xâm", giặc trong chính lòng mình, là loại giặc có trong chính mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị. Cuộc đấu tranh này hết sức nóng bỏng và cực kỳ phức tạp. Nhà nước đã xây dựng nhiều cơ chế để hướng đến việc ngăn chặn sao cho cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cũng còn lâu dài, khó khăn nhiều.

 

Nhận định biện pháp phòng tham nhũng bằng kê khai tài sản là một khâu yếu, một biện pháp chưa phát huy nhiều hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương ra Nghị quyết để điều chỉnh. Nhắc lại vụ việc cụ thể được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng Bí thư cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, với nguyên tắc là Đảng không làm thay cơ quan chức năng, chống bỏ lọt vi phạm nhưng cũng chống làm oan sai cá nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cơ bản nhất là làm sao phát hiện đúng tham nhũng, điều tra cho đúng hành vi vì đây cũng là một khâu dễ gây tiêu cực. Mặt khác, phải chống tham nhũng ngay trong những cơ quan chống tham nhũng, từ công an, thanh tra đến toà án… Bởi nếu không có sự trong sáng trong các cơ quan này thì coi như cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ "hỏng ngay từ đầu". Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung vào những khâu yếu, khó để xử lý trước. Trong đó phải nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, dựa vào dân, tạo niềm tin, sự đoàn kết từ trên xuống dưới trong cuộc chiến nóng bỏng này.

Liên quan đến vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là vấn đề chúng ta mới làm theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Đây cũng là kênh để đánh giá cán bộ, là biện pháp răn đe, ngăn ngừa đối với những trường hợp làm không tốt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta làm nên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì thực tiễn chưa chứng minh được hiệu quả cụ thể. Do đó, chúng ta phải làm với tinh thần thận trọng, làm phải có kết quả. Cuối năm nay, Quốc hội vẫn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để có thời gian tổng kết, tạo thống nhất cao…/.

Theo Dangcongsan.vn

Admin

Thong ke