MIẾU LỤC KIỀU BÁT XÃ - XÃ HỒNG THÁI - HUYỆN AN DƯƠNG

27 10 2023

in trang

Miếu Lục Kiều bát xã thuộc thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái. Miếu được tạo dựng để thờ phụng hai anh em: Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ, người địa phương, đỗ Thái học sinh triều Trần (đời sau gọi là Tiến sĩ). Miếu sau này được các vị Nho học tôn vinh là Văn miếu của tổng, để thờ phối các vị tiên Nho, tiên hiền của tổng Kiều Yêu. Đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, thực hành giáo dục về Nho học của 8 xã, trong đó có 6 làng có tên Kiều, nên có tên gọi như trên. Sáu làng, cũng là 6 xã có tên Kiều gồm: Nhu Kiều, Kiều Thượng, Kiều Hạ, Kiều Trung, Kiều Yêu, Kiều Đông cùng với 2 xã còn lại là Hy Tái, Tiên Sa. Miếu Lục Kiều bát xã còn được gọi là miếu Đào Yêu, hay miếu Quan Nghè, tên gọi gắn với địa danh và công danh của hai vị Tiến sĩ họ Bùi nêu trên. Miếu Lục Kiều bát xã được xếp hạng là di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2020. 


Miếu Lục Kiều bát xã thuộc thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái. Miếu được tạo dựng để thờ phụng hai anh em: Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ, người địa phương, đỗ Thái học sinh triều Trần (đời sau gọi là Tiến sĩ). Miếu sau này được các vị Nho học tôn vinh là Văn miếu của tổng, để thờ phối các vị tiên Nho, tiên hiền của tổng Kiều Yêu. Đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, thực hành giáo dục về Nho học của 8 xã, trong đó có 6 làng có tên Kiều, nên có tên gọi như trên. Sáu làng, cũng là 6 xã có tên Kiều gồm: Nhu Kiều, Kiều Thượng, Kiều Hạ, Kiều Trung, Kiều Yêu, Kiều Đông cùng với 2 xã còn lại là Hy Tái, Tiên Sa. Miếu Lục Kiều bát xã còn được gọi là miếu Đào Yêu, hay miếu Quan Nghè, tên gọi gắn với địa danh và công danh của hai vị Tiến sĩ họ Bùi nêu trên. Miếu Lục Kiều bát xã được xếp hạng là di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2020. 

Đào Yêu (桃夭), theo Hán tự mở rộng ra có nghĩa quê hương tươi trẻ và đẹp. Theo thần tích, thần sắc của làng Đào Yêu, làng thờ ba vị Thành hoàng: Quý Minh Đại Vương, Bùi Xuân Hùng và Bùi Xuân Hổ. Quý Minh là danh tướng tâm phúc của vua Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18). Theo thần tích của các làng gần với Đào Yêu, như Kiều Hạ, Nhu Kiều, Nhu Thượng, Hy Tái... thờ Quý Minh, Ngài Quý Minh đã từng mang quân về đóng ở vùng đất này. 

Hai vị Thành hoàng Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ người địa phương là em trai của bà Bùi Thị Thực. Theo tương truyền bà Bùi Thị Thực là người phụ nữ có nhan sắc, công, dung, ngôn, hạnh. Bà đã giúp hai người em học hành thành đạt, đỗ Đại khoa. Đặc biệt, bà đã giúp đỡ người dân Đào Yêu rất nhiều tiền của, tài sản, bà công đức tiền cho dân xây dựng ngôi chùa Khải Quang của làng, chùa hiện nay vẫn còn. Bà được người dân dựng miếu tại chùa để phụng thờ như một vị Phúc thần của làng. Hai em trai của bà là Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ, đỗ Thái học sinh (đời sau gọi là Tiến sĩ), hai ông làm quan triều Trần đến chức Hữu và Tả thị lang Bộ Công (như chức vụ Thứ trưởng ngày nay). Hai ông sau mất ở kinh thành, đã hiển thánh làm Thành hoàng làng. Một số vua triều Nguyễn đã ban sắc phong cho làng Đào Yêu phụng thờ hai ông.

Trong bia đá “Lịch đại đăng khoa” lập niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850) còn bảo lưu tại miếu cho biết: Miếu Lục Kiều bát xã, thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng thờ hai vị nhân thần là Bùi Xuân Hùng và Bùi Xuân Hổ. Hai ông là người làng, thi đỗ Thái học sinh thời Trần và làm quan trong triều. Sau khi hai ông mất ở kinh sư, dân làng xin duệ hiệu và làm bài vị rước về lập miếu thờ.

Niên hiệu Khải Định năm thứ 9, (1924) sắc phong cho Ngài Bùi Xuân Hùng là “Trần triều Tiến sĩ, lịch sĩ Công bộ Hữu thị lang Hành đô đài sự Bùi tướng công tôn thần”. Ngài Bùi Xuân Hổ được vua Khải Định sắc phong là “Trần triều Tiến sĩ, lịch sĩ Công bộ Tả thị lang Hành đô đài sự, Bùi Xuân Hổ tướng công tôn thần”. Nhân dịp ngày sinh nhật 40 tuổi của vua Khải Định, tại hai sắc phong nêu trên, hai Ngài được vua gia tặng mỹ tự, nâng phẩm trật là “Quang ý Trung đẳng thần”

Tuy nhiên, khi tra trong sử sách, hay các sách “Lịch triều đăng khoa”, “Lịch đại đăng khoa”... không thấy ghi chép về hai vị Bùi Xuân Hùng, Bùi Xuân Hổ. Nhưng, các tài liệu cổ như văn bia, cũng như sắc phong còn lưu giữ tại địa phương cung cấp những tư liệu quý để nghiên cứu về truyền thống khoa bảng Hải Phòng, đặc biệt về khoa bảng thời Trần.

Miếu Lục Kiều bát xã khởi dựng từ lâu đời, có thể vào thời điểm ngay sau khi hai vị quan nghè mất, nhưng lúc đó miếu chỉ là nơi phụng thờ hai vị Phúc thần Bùi Xuân Hùng và Bùi Xuân Hổ. Tương truyền, miếu trước kia được dựng gồm có hai gian nhà gỗ lim, nhà trong thờ hai vị và sáu bia đá ghi thần tích hai ngài; nhà ngoài để tế. Trải qua thời gian, miếu được các vị trong Hội Tư văn của xã, tổng xây dựng thành Văn miếu của tổng, như trên đã nêu. Trong nhiều thế kỷ, miếu bị xuống cấp, hư hỏng nặng và trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không được tu sửa nên bị mai một. Năm 1991, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã cùng toàn thể nhân dân địa phương, đã phục dựng lại được miếu và nối lại sự nghiệp phụng thờ hai vị quan nghè, cũng như tôn vinh đạo học của 8 xã thời xưa của huyện An Dương.

Miếu Lục Kiều bát xã dựng trên thế đất bằng; hướng di tích chính Nam. Tổng thể công trình di tích gồm có nghi môn, miếu chính, nhà bia và nhà khách. Trong đó, miếu là công trình chính, nằm ở trung tâm của di tích.

Miếu có bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm toà tiền bái và hậu cung. Công trình được xây dựng bằng vật liệu hiện đại, xi măng cốt sắt, mái lợp ngói khay đỏ. Toà tiền đường 3 gian. Kiến trúc làm theo thức tường hồi bít đốc, hệ khung chịu lực bên trong được tạo trên cơ sở các dầm bê tông, trên xây gạch trát vữa để tạo thành bộ vì kèo dạng “kèo suốt quá giang”. Hoa văn trang trí trên các hệ vì chủ yếu đắp vẽ hoa sen, vân cụm. Trang trí trên hệ mái toà nhà với các đề tài: Bức cuốn thư nhấn chữ “Đức lưu quang”, hoa văn lưỡng long chầu mặt nguyệt, hoa sen dây, chim phượng, dải băng chữ triện...

Hậu cung thiết kế kiến trúc 1 gian và được xây kiểu thức mái bằng, bê tông. Trên nền móng, tường xây bao che của miếu vẫn còn một số viên gạch vồ thời Lê - Mạc, dấu tích chứng minh cho ngôi miếu cổ đã trải qua ít nhất là 5 thế kỷ.

Nhìn tổng thể, kiến trúc miếu Lục Kiều bát xã mới được xây dựng cho nên còn chắc khoẻ và bảo tồn được lâu dài để phát huy giá trị văn hoá tâm linh. Nhưng với việc vận dụng sử dụng các thức hoa văn cổ truyền thống dân tộc trong trang trí trên kiến trúc đã làm cho ngôi miếu thêm linh thiêng và cổ kính.

Hiện nay, tại miếu Lục Kiều bát xã, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 15-16 tháng 3 (âm lịch) và được gọi là lễ hội đầu năm (đầu xuân). Trong đó, ngày 16 là đại tiệc, được đội tế nam, nữ quan 16 người tiến hành các nghi thức, nghi lễ tế thần (cả đội sênh tiền là 20 người). Lễ vật dâng thánh có: Gà, xôi, thủ lợn, trầu, rượu, hoa quả...

Trải thời gian lịch sử, di tích miếu Lục Kiều bát xã còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, góp phần minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hoá, nguồn gốc của di tích. Ngoài các sắc phong đã nêu ở trên, đáng chú ý còn có: Bia đá “Lịch đại đăng khoa”, Thần tượng hai vị quan Nghè.

Miếu Lục Kiều bát xã, thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái được xây dựng từ lâu đời, nơi tôn thờ hai vị quan nghè người địa phương, đỗ Thái học sinh và làm quan dưới triều nhà Trần. Sinh thời, hai vị quan nghè cùng người chị gái là bà Bùi Thị Thực có công với làng xã, dựng chùa và giúp đỡ những người nghèo khó. Khi mất, các ngài được dân làng lập miếu thờ phụng và đời đời hương khói. Đến nay, miếu quan nghè đã trở thành địa điểm tâm linh, thiêng liêng và cổ kính của người dân địa phương. Miếu Lục Kiều bát xã, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống học hành, khoa cử của địa phương. Đặc biệt miếu Lục Kiều bát xã là công trình có dấu tích cổ xưa nhất về việc phụng thờ hai vị danh thần triều Trần, những người có vai trò khai khoa, mở đầu hổ bảng của huyện An Dương cũng như của thành phố Hải Phòng. Di tích đã và đang trở thành môi trường học tập thực tế, học tập lịch sử và là nơi giáo dục, kế tiếp truyền thống khoa cử tốt đẹp của địa phương cũng như huyện An Dương. Hằng năm có nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên trong và ngoài địa phương về đây tham quan và học tập. 

Với những giá trị của miếu Lục Kiều bát xã, về lâu dài, địa phương cần tổ chức quy hoạch mở rộng diện tích, khuôn viên, tôn tạo cho di tích có quy mô kiến trúc to lớn hơn để xứng đáng với việc kế thừa, phát huy giá trị của di tích trong tương lai.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke