Đình Trúc Sơn, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Làng Trúc Sơn (竹 山) thuộc xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trước năm 1945 là xã Trúc Sơn, tổng Dưỡng Chính, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Trước năm 1813 là thôn Trúc Sơn, tổng Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Trước đời Đồng Khánh chuyển lên xã. Đến đời Đồng Khách, xã Trúc Sơn có thêm thôn Trà Sơn (nay là làng Trà Sơn thuộc xã Kênh Giang). Trước năm 1901, tổng Dưỡng Chân đổi là Dưỡng Chính. Danh sách làng xã năm 1927 ghi tên xã Chúc Sơn, hồ sơ thần tích năm 1938 ghi Trúc Sơn.


 

Di tích Lịch sử Văn hóa Đình Trúc Sơn, làng Trúc Sơn, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Làng Trúc Sơn (竹 山) thuộc xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trước năm 1945 là xã Trúc Sơn, tổng Dưỡng Chính, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Trước năm 1813 là thôn Trúc Sơn, tổng Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Trước đời Đồng Khánh chuyển lên xã. Đến đời Đồng Khách, xã Trúc Sơn có thêm thôn Trà Sơn (nay là làng Trà Sơn thuộc xã Kênh Giang). Trước năm 1901, tổng Dưỡng Chân đổi là Dưỡng Chính. Danh sách làng xã năm 1927 ghi tên xã Chúc Sơn, hồ sơ thần tích năm 1938 ghi Trúc Sơn.

Căn cứ theo thanh Thượng lương của Tòa Tiền đường có ghi niên đại Khải Định lục niên (1921), qua đó có thể khẳng định Đình Trúc Sơn có niên đại muộn nhất vào cuối thời Nguyễn. Tuy nhiên, theo truyền khẩu địa phương qua nhiều thế hệ, Đình được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thời vua Lê Duy Phường, niên hiệu Vĩnh Khánh tam niên (1731), được xây dựng ngay sau khi lập làng Trúc Sơn. Sau đó, qua nhiều lần sửa chữa và dịch chuyển, có quy mô và vị trí như hiện nay; niên đại Khải Định lục niên (1921) chỉ là thời điểm sửa chữa và dịch chuyển vị trí lần cuối của Đình. Giai đoạn 2013-2014, đình được nhân dân hưng công, góp sức trùng tu lại toàn bộ với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.

Đình Trúc Sơn thờ nhị vị thành hoàng:

- Vị thứ nhất: Nguyễn tự Linh Quang (theo nhận định của đoàn kiểm kê có thể là Linh Quang Đại vương - Nguyễn Hùng (thời Lý)): Theo Cuốn “Từ điển bách khoa Địa danh Hải Phòng”: Nguyễn Hùng là nhân tài thời Lý Nam Đế (503–548), có công dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu biên giới. Sau khi mất ở quê, vua sai lập đền thờ, phong thần hiệu “Linh Quang Đại vương”. Vị này còn được thờ tại đền Trịnh Xá (làng Trịnh Xá, xã Thiên Hương). Theo thần phả đền Trịnh Xá, vị này sống vào thời Lý – Hậu Lý (1009–1225), không phải thời tiền Lý. Theo đó, vào thời vua Lý Nhân Tông (1066 – 1127), tại trang Trịnh Xá có vị tù trưởng họ Nguyễn tự là Trạch, vợ là Trần Thị Chinh (Trinh) là người hiền hòa, nhân đức, được xóm làng kính trọng. Vào ngày 12/2/1086, người vợ hạ sinh được người con trai đặt tên là Hùng. Từ lúc mới sinh, cậu bé đã có tướng mạo và khí chất hơn người. Vào năm 1104, Nguyễn Hùng đã giúp Lý Thường Kiệt đánh giặc Chiêm Thành, lập được công lớn. Thắng trận trở về, ông được nhà vua ban thưởng hậu hĩnh. Sau ông xin được về quê, bày tiệc lớn mời nhân dân trong trang tham dự, ông mất giữa lúc đang vui cùng nhân dân vào ngày 20/10. Nhà vua biết tin, sai ban sắc chỉ về trang, truyền cho dân làng lập miếu thờ tự và ban cho mỹ tự “Đương cảnh thành hoàng Linh Quang đại vương”.

Vị thứ hai: Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, một nhân vật lịch sử thời Lý - Trần: Đông Hải Đại Vương, tên thật là Đoàn Thượng, là tướng nhà Lý và là một sứ quân chống lại triều đình thời Lý - Trần. Ngài sinh ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thân (1184) đời vua Lý Cao Tông, mất năm 1228. Theo Ngọc phả ở Hải Dương, ngài là con của ông Đoàn Trung và bà Hoàng Thị Mỹ. Sử sách ghi ngài người làng Thung Độ, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo “Đại Việt Sử ký Toàn Thư”, ông có cùng một vú nuôi với vua Lý Cao Tông. Lớn nên giữa lúc triều đình nhà Lý suy vị, nhờ tài năng mà Đoàn Thượng vươn lên trở thành một hào trưởng nổi tiếng ở Hồng châu (gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang và Tứ Kỳ đều thuộc Hải Dương ngày nay). Trước cảnh triều đình mục nát, hào kiệt nhiều nơi nổi dậy, Đoàn Thượng cũng dấy binh tại quê nhà chống lại triều đình. Vua Lý Cao Tông đã nhiều lần cho quân đi đánh dẹp Đoàn Thượng nhưng không thành. Sau thấy thế triều đình mạnh, Đoàn Thượng bèn sai người ngầm đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, nguyện xin đem quân chúng theo Du. Phạm Du cố vì Thượng mà xin với Cao Tông tha cho ông nhờ vậy mà ông đã thoát nạn. Sau Đoàn Thượng giúp vua Lý Huệ Tông (tức Thái tử Sảm) chống lại thế lực họ Trần do Trần Tự Khánh cầm đầu nhưng lực lượng họ Trần quá mạnh buộc vua Lý Huệ Tông phải dựa vào họ Trần, do đó Đoàn Thượng cũng tạm quy hàng, được phong tước vương và vẫn giữ vùng Hồng châu. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, em họ là Trần Thủ Độ lên thay, tiếp tục thao túng triều đình nhà Lý. Thủ Độ sắp xếp đưa cháu là Trần Cảnh (con Trần Thừa) lên thay ngôi nhà Lý, lập ra nhà Trần. Tiếp đó, Trần Thủ Độ mang quân đi đánh Đoàn Thượng nhưng không thắng, đành phải hứa hẹn phong tước cho ông. Thủ Độ định ngày hội họp, làm lễ minh thệ, nhưng Đoàn Thượng không đến họp. Năm 1228, Đoàn Thượng bị sứ quân Nguyễn Nậu là hào trưởng (bộ tướng cũ của Trần Tự Khánh) cát cứ tại khu vực Bắc Giang giết chết. Ông mất năm 45 tuổi.

Ngoài ra, Đình còn thờ vị Hậu thần là cụ Hoàng Thị Cỏn (thời Hậu Lê): Bà vốn là người An Đồng, An Dương; sau làm dâu họ Tạ nên theo chồng về sinh sống tại làng Trúc Sơn. Bà cùng chồng là người có công lập nên làng Trúc Sơn, ngôi làng cổ có lịch sử trên 300 năm (tương truyền làng được lập nên từ thời vua Lê Duy Phường, niên hiệu Vĩnh Khánh tam niên). Bà hóa ngày 27/8 âm lịch.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Đình Trúc Sơn là nơi nuôi dấu cán bộ, chiến sỹ cách mạng. Ngay tại khuôn viên đình đã có 01 chiến sỹ của ta bị giặc sát hại dã man.

Hằng năm, theo lệ, Đình Trúc Sơn duy trì 3 kỳ lễ tiết chính (tính theo âm lịch) vào các dịp: Lễ hội truyền thống vào ngày 9-11/01. Lễ giỗ Hậu Thần cụ Hoảng Thị Cỏn vào ngày 27/8. Lệ đình cuối năm vào ngày 08/11. Trong ngày lễ hội chính (09-11/01), đình thường mời các đoàn tế của các địa phương có mối giao hảo với địa phương tại các xã: Mỹ Đồng, Tân Dương, Thủy Đường, Hòa Bình, Kênh Giang về giao lưu, kính tế. Thời gian trước đây, trong lễ hội làng còn tổ chức Đám rước Kiệu Thần quanh làng, sau lệ này đã dần bị mai một. Lễ hội đình Trúc Sơn là một trong những lễ hội truyền thống còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian, tiêu biểu như: Cờ tướng, Chọi gà, Kéo co, Đập niêu đất, Đu tiên và một số môn thể thao như Bóng chuyền, Cầu lông,…

Hiện nay, ngoại trừ 02 bộ vì đầu hồi của Tiền đường được làm lại, thì đình Trúc Sơn bào lưu gần như nguyên vẹn bộ khung đình cũ (được nhận định có niên đại muộn nhất vào năm 1921). Về mặt kiến trúc, Đình có bố cục kiểu chữ “Đinh”” chuôi vồ, đây là thức kiến trúc phổ biến, thường gặp tại các ngôi đình làng Bắc Bộ, cũng như tại huyện Thủy Nguyên.

Giá trị nghệ thuật nổi bật của Đình thể hiện ở các mảng chạm khắc (chạm bong kênh, chạm nổi) tại các Bức cốn (vì nách) và Đầu dư,... của tòa Tiền đường hoặc trên vì Ván mê (vì nóc),... gian Hậu cung. Các mảng trang trí với các đề tài đậm chất linh thiêng như: Tứ Linh, Long ẩn Vân, Trúc hóa Long, Hổ phù,... Các mảng chạm khắc mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn, phản ánh tài năng khéo léo của các nghệ nhân xưa, đồng thời cũng phần nào thể hiện những cố gắng của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, lưu giữ một công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị văn hóa, nghệ thuật của địa phương nói riêng và của huyện Thủy Nguyên nói chung.

Hai bộ vì đầu hồi tuy là cấu kiện được làm lại từ năm 2013, nhưng cũng thể hiện nhiều mảng chạm khắc với các đề tài hoa lá cách điệu, đăng đối trên các bộ vì là các hán tự “Phúc” - ”Lộc”, “Thánh anh linh” – “Dân khang thịnh” bày tỏ hy vọng và niềm tin của dân làng vào các đức Thành hoàng uy linh sẽ bảo hộ cho dân chúng cuộc sống ấm lo, hạnh phúc./.

Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố đình Thiên Đông, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

Đình Thiên Đông thuộc làng Thiên Đông, xã Đông sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Xã Đông Sơn là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời, căn cứ vào các thư tịch cổ còn được lưu giữ có thể khẳng định Thiên Đông là một làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Ngay từ thế kỷ thứ XI (thời Lý), nơi đây đã có cư dân làm ăn sinh sống, lập nên xóm làng trù phú. Trước đó, trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn (700 năm trước Công nguyên – 100 năm sau Công nguyên), Thiên Đông là một trong những địa bàn cư trú của dân cư Việt cổ. Năm 1973, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật được những di chỉ mộ táng tại khu Đồng Dù (xã Đông Sơn), theo nhận định có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Đình Thiên Đông được xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XVIII), qua nhiều lần tu sửa lần gần đây nhất vào năm 2007 có quy mô và kiến trúc như ngày nay. Đình dành để thờ bốn vị thành hoàng Hoàng Uy, Hoàng Thành, Hoàng Thiện và Nguyễn Thị Hồng. Ba vị Hoàng Uy, Hoàng Thành, Hoàng Thiện đều được phong tước là Đại vương, có công theo phò vua Lý đánh giặc Ai Lao. Vị thứ tư Nguyễn Thị Hồng được sắc phong là Công chúa, tương truyền có công hiển linh, âm phù giúp vua Lý kháng địch. Hiện nay, đình còn bảo lưu được một số đạo sắc thuộc triều Nguyễn sắc phong cho bốn vị bản cảnh thành hoàng.

Căn cứ vào cuốn thần tích “Thiên Đông xã Tứ vị linh tích” cho biết: Triều Lý (thế kỷ XI) tại khu Tam Đông (tên gọi cũ của làng Thiên Đông), trang Phù Liễn, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có gia đình họ Hoàng, người chồng tên Thuận, người vợ là Đào Thị Nhuận là người nhân đức nhưng đã luống tuổi mà vẫn hiếm muộn. Trong một lần người vợ ra đồng làm ruộng nhặt được 3 quả trứng xanh, cho là báu vật trời cho nên đã đem cất giữ cẩn thận. Ba ngày sau trứng nở, tự nhập vào cơ thể người vợ khiến bà cảm thấy tâm can chuyển động rồi mang thai. Đến giờ Tý ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ hạ sinh được một bọc, nở được ba người con trai mặt mũi khôi ngô, chân tay đều có màu xanh. Cha mẹ rất lấy làm lạ nhưng vẫn hết lòng yêu thương, lần lượt đặt tên là Hoàng Uy, Hoàng Thành và Hoàng Thiện. Lớn lên mỗi người một vẻ, tài trí hơn người. Người anh cả Hoàng Uy tinh thông mưu kế, sách lược. Người anh hai Hoàng Thành giỏi nghề sông nước, am tường pháp thuật. Người em út Hoàng Thiện có sở trường về binh cơ, võ nghệ. Khi giặc Ai Lao sang xâm lược bờ cõi, nhà vua đã ban hịch chiêu hiền. Được tin, ba anh em khăn gói ứng tuyển. Khi vào yết bái nhà vua, thấy tướng mạo họ phi phàm lại thể hiện được tài năng xuất chúng nên vua ưng thuận ban cho họ chức vị Đại Tướng quân, lại giao cho cầm quân đi đánh giặc. Để kháng địch, ba ông đã hiến kế “Mộc hoàn”, dùng các súc gỗ tròn cản thuyền địch. Kế sách thành công đánh tan cường địch nhưng ông Hoàng Thành đã anh dũng hy sinh. Vua thương tiếc truyền cho dân sở tại lập miếu thờ. Thắng trận, vua mở tiệc khao quân, ban cho Hoàng Uy và Hoàng Thiên thêm chức vị. Tiệc tan, hai ông dâng biểu xin vua, được vua chuẩn cho về quê làm lễ tạ gia tiên. Sau đó trong lúc hai ông đi dạo, bỗng thấy một gò cát mang hình rồng, dừng lại quan sát thì trời đột nổi gió lớn, hai ông cùng hóa vào ngày 25 tháng Chạp. Khi trời quang, dân làng tìm được một ngôi mộ lớn do mối đùn lên, cho rằng là điều linh thiêng đã bẩm lên vua. Đức vua cảm mến tài năng, công trạng của các ông đã truyền sắc chỉ cho dân làng Thiên Đông lập đền thờ, đồng thời chuẩn cho đời đời đèn nhang thờ phụng.

Cuốn thần tích cũng cho biết: Khi vua Lý trên đường dẫn binh đánh giặc, đêm nằm nghỉ chiêm bao thấy có thiếu nữ dáng vẻ thanh nhã tâu với vua: Thiếp vốn họ Nguyễn, tên Hồng, quê gốc ở Hữu Lễ, xã Thiên Đông, huyện Trà Hương bị chết chìm xuống đáy sông vào ngày 10/10 trôi đến đây. Thiên đình có sắc mệnh cho thiếp phải chấn giữ khu vực này, nay bệ hạ thân chinh đi diệt giặc, thiếp nguyện xin đi theo giúp lập công phụ nghiệp cho Thánh quân. Tỉnh mộng, vua biết đã được thần linh ứng mộng, âm phù bèn lập đàn tế tạ. Sau đó ngài chia quân làm nhiều đạo binh thủy, bộ nhất tề tiến thẳng đến doanh trại của địch giữa lúc tham chiến thì bỗng đâu trời nổi giông tố, gió mưa dữ dội nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền địch, khiến quân ta thuận lợi đánh tan kẻ thù.

Lễ hội đình truyền thống Thiên Đông tổ chức trong 03 ngày từ ngày 19 đến 21 tháng GIêng âm lịch. Phần lễ với các nghi thức tế cáo yết, tế dâng hương, tế tạ; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, cờ tướng, kéo co, đặc biệt còn có giao lưu văn nghệ chiếu chèo sân đình vào buổi tối.

Đình Thiên Đông được công nhận DI tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố vào năm  2011 theo Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 25/8/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng./.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke