ĐÌNH TỈNH THỦY - XÃ AN HÒA - HUYỆN AN DƯƠNG

27 10 2023

in trang

Đình Tỉnh Thủy thuộc thôn 2, làng Tỉnh Thủy, xã An Hoà. Ngôi đình được mang chính tên địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình Tỉnh Thủy được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2019.


Đình Tỉnh Thủy thuộc thôn 2, làng Tỉnh Thủy, xã An Hoà. Ngôi đình được mang chính tên địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình Tỉnh Thủy được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2019.

Tỉnh Thủy (井永),theo Hán tự có nghĩa là giếng nước, có thể tên làng được tiền nhân đặt theo đặc điểm của vùng đất nơi đây trũng luôn bị úng, đọng nhiều nước. Thôn Tỉnh Thuỷ lúc đầu có tên gọi là ấp Ba Cung, trại Đồng Giếng thuộc xã Hoàng Lâu.

Đình làng Tỉnh Thuỷ là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người dân làng Tỉnh Thủy, xã An Hoà, huyện An Dương. Đình là nơi tôn thờ vị Thành hoàng của làng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của dân làng hằng năm.

Đình Tỉnh Thủy thờ hai vị Thành hoàng: Ngài Lương Cao Sơn và Ngài Bản cảnh Thanh hình sứ Tiết Ngọc.

Theo sách “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” xuất bản năm 1998, có ghi các vị lý dịch địa phương, khai báo năm 1938 về thần tích, thần sắc làng Tỉnh Thủy như sau: “Nguyên làng tôi không có thần tích, nhưng sau khi có làng mới, sang xin sao thần sắc hai vị ở đền làng Phương Chử, huyện An Lão, nên không biết công danh, sự nghiệp, nhưng nhờ các Ngài phù trì cho dân vẫn được nhân dân ninh thiếp...”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu điền dã tại địa phương và các tư liệu Hán Nôm của làng Tỉnh Thủy còn lưu giữ được, chúng ta có thể xác định đình Tỉnh Thủy thờ 2 vị Thành hoàng như đã nêu ở trên. Do tư liệu thất lạc nên chức dịch làng Tỉnh Thủy cho rằng Ngài Cao Sơn của làng Phương Chử cũng như Ngài Cao Sơn của làng mình. Nhưng thực chất Ngài Cao Sơn của làng Phương Chử là vị tướng thời vua Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18). Ông là Nguyễn Cao Sơn, có hiệu là Cao Sơn Đại Vương, anh em với Ngài Tản Viên Sơn Thánh và Ngài Quý Minh Đại Vương. Các Ngài đều là tướng tâm phúc, trụ cột của triều Hùng Duệ Vương. Qua ba sắc phong, Thành Thái năm thứ nhất (1889), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), cùng bản thần tích bằng chữ Hán Nôm lưu giữ tại đình Tỉnh Thủy, thần tích Ngài Thành hoàng Lương Cao Sơn được tóm lược như sau:

Lương Cao Sơn là quan Giám sát Ngự sử thời Trần, quê ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Năm Mậu Tý (1288), quân Nguyên Mông lại sang xâm lược nước ta, Lương Cao Sơn đã ra đầu quân, được sung vào lực lượng dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo để đánh giặc, cứu nước. Trần Hưng Đạo thống lĩnh quân đội, văn, võ toàn tài, thủy, bộ kiêm thông, binh thư thao lược đã phá được giặc Nguyên Mông ở sông Bạch Đằng. Đất nước toàn thắng, vua Trần phong thưởng quan tước cho tướng sĩ. Lương Cao Sơn được nhà vua thưởng bậc có công đầu và phong giữ chức Giám sát ngự sử. Sau thời gian đó Lương Cao Sơn nhận mệnh của vua Trần chỉ huy trên một trăm quân kỵ mã, trấn giữ vùng Tam Kỳ Giang, Cửa Khe, Đồng Giếng.

Trong thiết chế làng xã thời xưa, đình xây dựng ở thôn sớm nhất vào thế kỷ XVIII. Như vậy trước đây Tỉnh Thủy chỉ là một thôn của xã Hoàng Lâu, nên đình Tỉnh Thủy có thể xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đình được trùng tu, việc tổ chức trùng tu được ghi chép trong bia đá thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX, hiện đặt trong nhà bia của đình.

Khoảng năm 1970, đình bị hủy hoại. Năm 1982, dân làng dựng một gian hậu cung bằng gạch ba banh để thờ Thành hoàng. Năm 1987, xây thêm 3 gian ngoài. Năm 2017, xây dựng ngôi đình mới to đẹp như ngày nay.

Theo người dân địa phương, đình xưa có bình đồ hình chữ đinh truyền thống, gồm: 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Kiến trúc được dựng kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, đình làm bằng vật liệu thiên nhiên, truyền thống.

Hiện nay, đình làng Tỉnh Thủy nằm phía Tây của làng, cũng là hướng của ngôi đình cổ xưa. Trước đình là dòng sông Lạch Tray, dòng sông mát lành, đem lại phúc ấm cho cộng đồng người dân địa phương.

Đình làng Tỉnh Thủy nay có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh truyền thống, bao gồm hai toà: tiền tế và hậu cung. Kiến trúc mái toà tiền tế được thiết kế kiểu chéo đao tàu góc, bốn mái đao cong làm cho toà công trình thêm thanh thoát, bay bổng giữa tầng không vũ trụ.

Toà tiền tế thiết kế kiểu 3 gian 2 chái (còn gọi 5 gian). Hệ khung chịu lực bằng cột bê tông, cốt sắt. Liên kết kiến trúc với vì nóc mái dạng thức chồng rường giá chiêng; vì nách chồng rường trụ trốn. Trên các thành phần, cấu kiện kiến trúc đắp đề tài lá lật, đấu kê cánh sen, má bẩy đắp lá hóa rồng.

Toà hậu cung 2 gian, khung chịu lực cũng như trang trí hoa văn trên kiến trúc thống nhất với toà tiền tế. Điểm nhấn toà hậu cung là gian trong cùng với bệ thờ đặt thần tượng và mão quan (mũ) vị Thành hoàng. 

Tại đình Tỉnh Thủy, tính theo âm lịch hằng năm, thường tổ chức lễ hội trong hai ngày 9 và 10 tháng 11. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình. Hiện nay, lễ hội đình Tỉnh Thủy vẫn được cộng đồng duy trì, kế thừa và phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống của tiền nhân để lại.

Trải thời gian lịch sử, đình làng Tỉnh Thủy còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật góp phần minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hoá, nguồn gốc của ngôi đình làng như:

- Mũ thờ, chất liệu đồng, hoa văn trang trí rồng, hổ phù, hoa chanh, hoa cúc... niên đại thế kỷ XIX; 

- Thần tượng đức Thành hoàng làng, niên đại thế kỷ XX;

- Nhang án ô sa, được sơn thếp bạc, phủ hoàn kim, hoa văn trang trí “tứ linh”, “tứ quý”, niên đại Nguyễn (thế kỷ XIX); 

- Sắc phong niên hiệu Thành Thái năm đầu (1889); 

- Sắc phong Duy Tân năm thứ 3 (1909); 

- Sắc phong Khải Định năm thứ 9 (1924).

Đình làng Tỉnh Thủy là công trình tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương; là nơi tôn thờ vị Thành hoàng của làng, trong đó có tướng quân Lương Cao Sơn tham gia chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Đây là nguồn sử liệu quý ghi danh những tướng lĩnh có chiến công trên Bạch Đằng giang để bổ sung vào lịch sử hào hùng của thành phố Hải Phòng. Đình Tỉnh Thủy đồng thời là không gian tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm, nên đã lưu truyền những giá trị văn hoá, tâm linh sâu sắc của một vùng quê. Bên cạnh đó, đình Tỉnh Thủy còn là một không gian sống động để giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây” đối với các thế hệ trẻ của quê hương, đất nước.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke