Đình Thiên Đông, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Đình Thiên Đông thuộc làng Thiên Đông, xã Đông sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Xã Đông Sơn là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời, căn cứ vào các thư tịch cổ còn được lưu giữ có thể khẳng định Thiên Đông là một làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Ngay từ thế kỷ thứ XI (thời Lý), nơi đây đã có cư dân làm ăn sinh sống, lập nên xóm làng trù phú. Trước đó, trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn (700 năm trước Công nguyên – 100 năm sau Công nguyên), Thiên Đông là một trong những địa bàn cư trú của dân cư Việt cổ. Năm 1973, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật được những di chỉ mộ táng tại khu Đồng Dù (xã Đông Sơn), theo nhận định có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.


DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH THIÊN ĐÔNG, XÃ ĐÔNG SƠN, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Đình Thiên Đông thuộc làng Thiên Đông, xã Đông sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Xã Đông Sơn là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời, căn cứ vào các thư tịch cổ còn được lưu giữ có thể khẳng định Thiên Đông là một làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Ngay từ thế kỷ thứ XI (thời Lý), nơi đây đã có cư dân làm ăn sinh sống, lập nên xóm làng trù phú. Trước đó, trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn (700 năm trước Công nguyên – 100 năm sau Công nguyên), Thiên Đông là một trong những địa bàn cư trú của dân cư Việt cổ. Năm 1973, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật được những di chỉ mộ táng tại khu Đồng Dù (xã Đông Sơn), theo nhận định có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Đình Thiên Đông được xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XVIII), qua nhiều lần tu sửa lần gần đây nhất vào năm 2007 có quy mô và kiến trúc như ngày nay. Đình dành để thờ bốn vị thành hoàng Hoàng Uy, Hoàng Thành, Hoàng Thiện và Nguyễn Thị Hồng. Ba vị Hoàng Uy, Hoàng Thành, Hoàng Thiện đều được phong tước là Đại vương, có công theo phò vua Lý đánh giặc Ai Lao. Vị thứ tư Nguyễn Thị Hồng được sắc phong là Công chúa, tương truyền có công hiển linh, âm phù giúp vua Lý kháng địch. Hiện nay, đình còn bảo lưu được một số đạo sắc thuộc triều Nguyễn sắc phong cho bốn vị bản cảnh thành hoàng.

Căn cứ vào cuốn thần tích “Thiên Đông xã Tứ vị linh tích” cho biết: Triều Lý (thế kỷ XI) tại khu Tam Đông (tên gọi cũ của làng Thiên Đông), trang Phù Liễn, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có gia đình họ Hoàng, người chồng tên Thuận, người vợ là Đào Thị Nhuận là người nhân đức nhưng đã luống tuổi mà vẫn hiếm muộn. Trong một lần người vợ ra đồng làm ruộng nhặt được 3 quả trứng xanh, cho là báu vật trời cho nên đã đem cất giữ cẩn thận. Ba ngày sau trứng nở, tự nhập vào cơ thể người vợ khiến bà cảm thấy tâm can chuyển động rồi mang thai. Đến giờ Tý ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ hạ sinh được một bọc, nở được ba người con trai mặt mũi khôi ngô, chân tay đều có màu xanh. Cha mẹ rất lấy làm lạ nhưng vẫn hết lòng yêu thương, lần lượt đặt tên là Hoàng Uy, Hoàng Thành và Hoàng Thiện. Lớn lên mỗi người một vẻ, tài trí hơn người. Người anh cả Hoàng Uy tinh thông mưu kế, sách lược. Người anh hai Hoàng Thành giỏi nghề sông nước, am tường pháp thuật. Người em út Hoàng Thiện có sở trường về binh cơ, võ nghệ. Khi giặc Ai Lao sang xâm lược bờ cõi, nhà vua đã ban hịch chiêu hiền. Được tin, ba anh em khăn gói ứng tuyển. Khi vào yết bái nhà vua, thấy tướng mạo họ phi phàm lại thể hiện được tài năng xuất chúng nên vua ưng thuận ban cho họ chức vị Đại Tướng quân, lại giao cho cầm quân đi đánh giặc. Để kháng địch, ba ông đã hiến kế “Mộc hoàn”, dùng các súc gỗ tròn cản thuyền địch. Kế sách thành công đánh tan cường địch nhưng ông Hoàng Thành đã anh dũng hy sinh. Vua thương tiếc truyền cho dân sở tại lập miếu thờ. Thắng trận, vua mở tiệc khao quân, ban cho Hoàng Uy và Hoàng Thiên thêm chức vị. Tiệc tan, hai ông dâng biểu xin vua, được vua chuẩn cho về quê làm lễ tạ gia tiên. Sau đó trong lúc hai ông đi dạo, bỗng thấy một gò cát mang hình rồng, dừng lại quan sát thì trời đột nổi gió lớn, hai ông cùng hóa vào ngày 25 tháng Chạp. Khi trời quang, dân làng tìm được một ngôi mộ lớn do mối đùn lên, cho rằng là điều linh thiêng đã bẩm lên vua. Đức vua cảm mến tài năng, công trạng của các ông đã truyền sắc chỉ cho dân làng Thiên Đông lập đền thờ, đồng thời chuẩn cho đời đời đèn nhang thờ phụng.

Cuốn thần tích cũng cho biết: Khi vua Lý trên đường dẫn binh đánh giặc, đêm nằm nghỉ chiêm bao thấy có thiếu nữ dáng vẻ thanh nhã tâu với vua: Thiếp vốn họ Nguyễn, tên Hồng, quê gốc ở Hữu Lễ, xã Thiên Đông, huyện Trà Hương bị chết chìm xuống đáy sông vào ngày 10/10 trôi đến đây. Thiên đình có sắc mệnh cho thiếp phải chấn giữ khu vực này, nay bệ hạ thân chinh đi diệt giặc, thiếp nguyện xin đi theo giúp lập công phụ nghiệp cho Thánh quân. Tỉnh mộng, vua biết đã được thần linh ứng mộng, âm phù bèn lập đàn tế tạ. Sau đó ngài chia quân làm nhiều đạo binh thủy, bộ nhất tề tiến thẳng đến doanh trại của địch giữa lúc tham chiến thì bỗng đâu trời nổi giông tố, gió mưa dữ dội nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền địch, khiến quân ta thuận lợi đánh tan kẻ thù.

Lễ hội đình truyền thống Thiên Đông tổ chức trong 03 ngày từ ngày 19 đến 21 tháng GIêng âm lịch. Phần lễ với các nghi thức tế cáo yết, tế dâng hương, tế tạ; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, cờ tướng, kéo co, đặc biệt còn có giao lưu văn nghệ chiếu chèo sân đình vào buổi tối.

Đình Thiên Đông được công nhận DI tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố vào năm  2011 theo Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 25/8/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng./.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke