Đình Tân Dương, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - đình Tân Lỗi Dương, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.



Đình Tân Dương (hay còn có tên gọi là đình Lỗi Dương) nằm trong khuôn viên rộng 2.156m2 ở trị trí trung tâm xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tương truyền, đình được khởi dựng từ thời hậu Lê, đời vua Lê Nhân Tông (1441-1459), qua nhiều lần tôn tạo, các lần gần đây nhất vào các năm 1917, 1942, 1994, 2011 tạo lập được quy mô và hiện trạng kiến trúc như ngày nay. Đình quay mặt về hướng Nam, bố cục theo kiểu chữ “Tam” với 3 tòa gồm Đại bái, Nghinh thần và Cung cấm tượng trưng cho Tam tài gồm Thiên – Địa – Nhân (trời, đất và con người) trong dịch học.


DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH TÂN DƯƠNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - đình Tân Lỗi Dương, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Đình Tân Dương (hay còn có tên gọi là đình Lỗi Dương) nằm trong khuôn viên rộng 2.156m2 ở trị trí trung tâm xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tương truyền, đình được khởi dựng từ thời hậu Lê, đời vua Lê Nhân Tông (1441-1459), qua nhiều lần tôn tạo, các lần gần đây nhất vào các năm 1917, 1942, 1994, 2011 tạo lập được quy mô và hiện trạng kiến trúc như ngày nay. Đình quay mặt về hướng Nam, bố cục theo kiểu chữ “Tam” với 3 tòa gồm Đại bái, Nghinh thần và Cung cấm tượng trưng cho Tam tài gồm Thiên – Địa – Nhân (trời, đất và con người) trong dịch học.

Theo truyền ngôn địa phương, mảnh đất mà đình Tân Dương đứng chân hiện nay vốn thuộc gia đình cụ Đào Hồng. Cụ Hồng là người học rộng, hiểu sâu, tính tình đôn hậu, gia đình nề nếp. Thời bấy giờ, cụ muốn cất một ngôi nhà khang trang, bèn mời thầy địa lý đến để coi đất, được biết nơi đây “Thủy án diện tiền, phú gia địch quốc” tức trước mặt là một dòng nước mênh mông, nếu cất nhà thì giàu sang phú quý, nếu cất đình thì quốc thái dân an. Nghe vậy, cụ Đào Hồng cho rằng nếu chỉ gia đình mình giàu sang, phú quý sao bằng cả làng xã được phồn vinh, thịnh vượng. Nghĩ vậy, cụ bèn hiến mảnh đất này cho làng để dựng đình. Sau đó, làng đã thực hiện di chuyển ngôi đình cũ được xây dựng vào thời hậu Lê về mảnh đất hiện nay, việc di dời này cách đây đã khoảng 300 năm. Khi chuyển về vị trí mới, ngôi đình mới chỉ có hai tòa nhà gồm cấm cung (03 gian) và đại bái (05 gian).

Đến năm 1872, cụ Nguyễn Đình Thu là cai Tổng, đã bỏ ra 600 quan tiền tương đương với 120 con trâu đồng thời kêu gọi các hương hào, lý dịch và Nhân dân địa phương, hưng công góp của xây dựng thêm một tòa nhà ở giữa gọi là Nghinh thần với lối kiến trúc mở thoáng đạt, từ đây đình Tân Dương có bố cục kiểu chữ “Tam” như ngày nay. Phía trước đình là một giếng nước hình bán nguyệt, sân đình được lát gạch Bát Tràng vuông vức tạo cho không gian kiến trúc thêm bề thế. Cung cấm của đình được dựng bằng gỗ lim, cửa sơn son thếp vàng, bên trong là cửa võng Long khám uy nghi thờ ngũ vị Thành hoàng đã được sắc phong qua các triều đại gồm:

1. Vị thứ nhất là Quý Minh Đại Vương: Theo Ngọc phả và sắc phong, ngài là một trong Tam vị Tản Viên Sơn thánh gồm đức Thánh Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương, sống vào thời Hùng Vương, có công phò giúp vua Hùng đánh quân Thục. Vị này được 05 sắc phong vào các năm 1853 (Tự Đức) sắc phong “Quý Minh Tôn thần”; năm 1880 (Tự Đức), năm 1887 (Đồng Khánh), năm 1909 (Duy Tân) sắc phong “Quý Minh Thượng Đẳng Thần”; năm 1924 (Khải Định) sắc phong “Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần”.

2. Vị thứ hai là Nam Hải Đại Vương: Vị này có tên thật là Phạm Tử Nghi, sinh vào thời Hậu Lê, triều Lê Tương Dực (niên hiệu Hồng Thuận 1509-1516). Sau làm quan cho triều Mạc (1527-1561) được phong tước Tứ Dương Hầu.

3. Vị thứ ba là Đông Hải Đại Vương: Có tên thật là Đoàn Thượng, là tướng nhà Lý và là một sứ quân chống lại triều đình thời Lý - Trần. Ngài sinh ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thân (1184) đời vua Lý Cao Tông, mất năm 1228. Theo Ngọc phả ở Hải Dương, ngài là con của ông Đoàn Trung và bà Hoàng Thị Mỹ. Sử sách ghi ngài người làng Thung Độ, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo “Đại Việt Sử ký Toàn Thư”, ông có cùng một vú nuôi với vua Lý Cao Tông. Lớn nên giữa lúc triều đình nhà Lý suy vị, nhờ tài năng mà Đoàn Thượng vươn lên trở thành một hào trưởng nổi tiếng ở Hồng Châu (gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang và Tứ Kỳ đều thuộc Hải Dương ngày nay). Trước cảnh triều đình mục nát, hào kiệt nhiều nơi nổi dậy, Đoàn Thượng cũng dấy binh tại quê nhà chống lại triều đình. Vua Lý Cao Tông đã nhiều lần cho quân đi đánh dẹp Đoàn Thượng nhưng không thành. Sau thấy thế triều đình mạnh, Đoàn Thượng bèn sai người ngầm đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, nguyện xin đem quân chúng theo Du. Phạm Du cố vì Thượng mà xin với Cao Tông tha cho ông nhờ vậy mà ông đã thoát nạn. Sau Đoàn Thượng giúp vua Lý Huệ Tông (tức Thái tử Sảm) chống lại thế lực họ Trần do Trần Tự Khánh cầm đầu nhưng lực lượng họ Trần quá mạnh buộc vua Lý Huệ Tông phải dựa vào họ Trần, do đó Đoàn Thượng cũng tạm quy hàng, được phong tước vương và vẫn giữ vùng Hồng châu. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, em họ là Trần Thủ Độ lên thay, tiếp tục thao túng triều đình nhà Lý. Trần Thủ Độ sắp xếp đưa cháu là Trần Cảnh (con Trần Thừa) lên thay ngôi nhà Lý, lập ra nhà Trần. Tiếp đó, Trần Thủ Độ mang quân đi đánh Đoàn Thượng nhưng không thắng, đành phải hứa hẹn phong tước cho ông. Trần Thủ Độ định ngày hội họp, làm lễ minh thệ, nhưng Đoàn Thượng không đến họp. Năm 1228, Đoàn Thượng bị sứ quân Nguyễn Nậu là hào trưởng (bộ tướng cũ của Trần Tự Khánh) cát cứ tại khu vực Bắc Giang giết chết. Ông mất năm 45 tuổi.

4. Vị thứ tư là Đức Thánh Tín Thiện (Trần Phủ Quân): Tương truyền ngài là Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiện, con trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (vị này cũng được thờ tại đình Chung Mỹ, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên). Ngài là một võ tướng tài ba đồng thời là người có công lớn trong việc chiêu dân, khẩn đất đai, mở mang làng xóm. Vị này được 02 đạo sắc vào các năm 1889 (Thành Thái) sắc phong “Nhập nội Đại hành khiển Tứ Kim Ngư Đại liệt hầu Trần Phủ Quân chi thần”; năm 1924 (Khải Định) sắc phong “Nhập nội Đại hành khiển Trần Tín Thiện Phủ Quân tôn thần”.

5. Vị thứ năm là Thượng Thư Tỉnh: Theo Ngọc phả, ngài là người có công khai phá đất hoang, mở mang bờ cõi, quản lý nhân khẩu đem lại cơm no, áo ấm cho mọi người.

Tượng các vị thành hoàng được thờ trong Hậu cung mang niên đại thế kỷ XX tạc thế ngồi tại Long ngai, khoác áo triều phục có cân đai oai vệ, chân đi hài, thần thái uy nghi. Triều phục có chạm họa tiết “Long cuốn thủy”, đầu đội mũ cánh chuồn chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, hoa cúc mãn khai. Hệ thống hiện vật của đình chủ yếu đều mang niên đại đầu thế kỷ thứ XX; bên cạnh đó là một số hiện vật mang niên đại thế kỷ XIX. Hệ thống văn bia của đình còn bảo lưu được 08 bia ký mang niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX như “Hậu Thần Bia Ký”, “Nhất Hưng Công Bia Ký”…

Hàng năm, lễ hội đình Tân Dương được tổ chức trong 02 ngày từ ngày 12-13/02 âm lịch thu hút đông đảo du khách thập phương tới dâng hương, dự hội. Nghi trình tế lế bao gồm các bước theo một trình tự xuyên suốt với lễ mộc dục, tế an vịnh, tế đại kỳ phước, tế tạ hóa mã và đóng cửa đình. Trong thời gian lễ hội xưa dân làng thường tổ chức các trò chơi dân gian như: bơi chải, hát đúm, hát chèo, cờ người, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, chọi gà, đấu vật… Ngày nay, ngoài việc tiếp tục bảo lưu và duy trì các tích trò này một cách nguyên vẹn, phần hội còn kết hợp tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác như thi gói bánh chưng, phần thi nữ công gia chánh, kéo co, nhày bao bố... góp phần tạo thêm sự đặc sắc, hấp dẫn của phần hội đình.

Đình Tân Dương không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, nó còn hàm chứa không gian văn hoá phong phú, nơi chứa đựng giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam nói chung và của cư dân Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nói riêng. Từ những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đình Tân Dương được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá vào năm 1994./.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke