ĐÌNH LỄ HỢP, XÃ TAM ĐA, HUYỆN VĨNH BẢO

17 03 2023

in trang

Tam Đa là xã nằm phía Nam huyện Vĩnh Bảo được thành lập vào năm 1946 trên cơ sở hợp nhất 3 xã: Lễ Hợp, Đông Quất, Kinh Trì của tổng Can Trì xưa. Theo các bậc trưởng lão địa phương, tên chữ Tam Đa được rút chọn từ điền tích “ Tam Đa Chúc Thọ”, mong muốn cho quê hương luôn là mảnh đất đa phúc, đa lộc và đa thọ. Tam Đa hiện gồm 7 thôn, thôn nào trước kia cũng có những công trình kiến trúc to, đẹp như: đình, chùa, miếu… Song do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, đến nay duy nhất chỉ có đình Lễ Hợp còn tương đối nguyên vẹn, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia năm 1994.

Đình Lễ Hợp là nơi thờ Thành Hoàng Phạm Đàm ( Phạm Đầm), một trong số các bộ tướng của Hai Bà Trưng tham gia cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Hán thế kỷ I.

Danh tướng Phạm Đàm sinh ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch), quê Giác Sơn, phủ Kim Môn, đạo Hải Dương. Từ nhỏ Phạm Đàm đã là người có tư chất thông minh, tinh thông cả văn chương, võ nghệ. Người đời thán phục gọi là “Thánh Đồng”. Thái thú Giao Chỉ bấy giờ là Tô Định tham lam, bạo ngược giết bố đẻ của Phạm Đàm. Ông cùng mẹ trốn về trang Lễ Hợp. Nhân dân Lễ Hợp đã che dấu và nuôi nấng người con thầy giáo cũ của mình ( Ông thân sinh ra Phạm Đàm đã có thời về trang Lễ Hợp định cư dạy học và sinh ra ông tại đây). Mấy năm sau, mẹ con Phạm Đàm trở về quê cũ. Sau khi mẹ mất, Phạm Đàm trở lại trang Lễ Hợp và ở lại đây. Căm thù Tô Định tàn ác, Phạm Đàm chiêu tập binh mã, ngày đêm luyện tập, tích luỹ lương thực, liên kết với hào kiệt bốn phương bàn kế đánh đuổi giặc Đông Hán. Nhân dân Lễ Hợp và các huyện lân cận theo ông rất đông. Giữa lúc ấy, tại cửa Hát, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Phạm Đàm đem binh, lương về hội quân. Sau chiến thắng, Phạm Đàm được Trương Vương ban thưởng, phong chức “ Thống Chế Kiêm Nguyên Soái thuỷ đạo” và cử về trang Lễ Hợp phòng giữ miền biển phía đông. Khi mã viện sang xâm lược Nước ta, Phạm Đàm và nhiều tướng khác cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Ông chiến đấu rất dũng cảm. Đến khi thất thế ông vẫn giữ vững khí tiết và nhẩy xuống đầm Lôi Trạch (Đầm Sét) tự tuẫn. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân trang Lễ Hợp đã dựng đình thờ, tôn ông làm Thành Hoàng, ngày đêm hương khói.

Theo truyền ngôn của dân làng, đình Lễ Hợp xưa có mái đao cong duyên dáng, có lát ván sàn ở tiền đường. Do thời gian tồn tại lâu dài, bị xuống cấp nên vào năm Nhâm Tuất(1992) đời vua Khải Định thứ 6 đình được sửa chữa lớn. Lần đầu đại tu này còn được ghi dấu với dòng lạc khoản tại câu đầu tòa tiền đường “Hoàng triều Nhâm Tuất niên. Mạnh đông tạo”

Kiến trúc đình kiểu chữ Đinh có 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Mái đình lợp ngói ta 2 lớp, nóc mái trang trí đôi kìm ngậm bờ nóc. Hồi tường đình được xây cất bằng những viên gạch cỡ đại (52 x15x10cm), đáng chú ý qua kỹ thuật gắn và trát mạch vữa liên kết những viên gạch cổ. Dưới bờ nóc mái đắp 5 trụ đấu hình chữ T phổ biến ở những công trình kiến trúc đầu thế kỷ XX ở nước ta.

Mặc dù không có quy mô đồ sộ như đình Quán Khái, đình Nhân Mục…. nhưng đình Lễ Hợp lại mang nét rất đăch sắc ở phần trang trí nghệ thuật, các chi tiết, mảng chạm tập trung ở tòa tiền đường như điểm gặp gỡ giữa âm dương, thần linh với con người. Tại các đầu dư, bức cốn các cửa giữa âm dương, thần linh con người. Tại các đầu dư, bức cốn Các cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối được chạm trổ công phu các tích kinh điển như: long, ly, quy, phượng. Mỗi con vật mang ý nghĩa riêng gắn với nguồn nước, bầu trời, những đức hạnh thần thánh. Tất cả đã tôn vinh vị thần được thờ và để vì con người mà thần linh được ban phúc. Nổi trội hơn trong các linh vật là rồng dưới hình thức chạm lộng, chạm nổi, chạm bong kênh với nhiều dạng khác nhau. Ngoài rồng còn có lân, “phượng hàm thư”, “cá chép hóa rồng” đầy nhân tính, phong phú và sáng tạo. Tại  các bẩy hiên là những tác phẩm chạm bong kênh “lão cúc hóa long”, “ cành mai con trĩ”, “con sóc chùm nho” thật tinh xảo. Trong đình còn bảo lưu được nhiều đồ thờ tự quý, có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX như long đình, nhang án, tượng quán văn, quan võ, tượng Thành Hoàng… phản ánh nét văn hóa lễ hội của làng Lễ Hợp.

Đình Lễ Hợp có một cảnh quan thoáng rộng. Kiến trúc ngôi đình vừa phóng khoáng, vừa phong phú về loại hình, nội dung thể hiện trên gỗ, qua 6 cặp đầu dư được cách điệu hình đầu rồng có đủ râu, tóc, mắt lồi, miệng ngậm ngọc quý. Đây là nét đặc biệt qua phong cách tạo hình rồng dân gian của 2 kíp thợ tài hoa, góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình. Đầu dư mé hồi bên Tả thể hiện rồng có kiểu râu, tóc kiểu làn sóng, râu rồng cong soắn hình số 8. Ngược lại, đầu dư mé hồi bên Hữu có làn đao, tóc hơi thẳng bay song song, đầu nhọn hình lưỡi mác như nhắc lại phong cách mỹ thuật rồng của thế kỷ XVIII.

Di tích không chỉ có giá trị về văn hoá mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là điểm tổ chức lớp bồi dưỡng cho ban chấp hành xã đội toàn huyện. Nơi diễn ra đại hội chi bộ đảng xã Tam Đa lần thứ II ( tháng 10 năm 1949). Nơi tập trung quân của bộ đội đơn vị 112 và du kích địa phương tấn công phá thế bao vây, uy hiếp địch vào tháng 4 năm 1952. Năm 1954, hưởng ứng phong trào noi gương dũng sỹ Cát Bi, Chi bộ Tam Đa đã phát động du kích đào hào giao thông từ Đình lên bốt Cầu Mục để phối hợp với du kích xã Nhân Hoà bao vây đánh địch, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đình lễ Hợp xã Tam Đa là một di sản văn hoá tiêu biểu đã được nhà Nước công nhận vào năm 1994. Bản thân Di tích cùng các hiện vật, thần phả, hệ thống sắc phong là những nguồn tư liệu quý giá, có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt như: kiến trúc, nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt văn hoá, lễ hội tín ngưỡng của làng. Đặc biệt nhân vật lịch sử Phạm Đàm, người được tôn thờ ở đây với tư cách Thành Hoàng làng, là người anh hùng đầu tiên được ghi lại trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập tự do của dân tộc ta ở Vĩnh Bảo.

Lễ hội đình Lễ Hợp hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm Lịch), là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh Thành Hoàng Phạm Đàm. Đây là lễ hội lớn được chính quyền và nhân dân rất quan tâm tổ chức. Nghi lễ được tổ chức long trọng và nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao phong phú như: Bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, hát chèo cùng các trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, cầu thùm. Đây là nét đẹp văn hoá góp phần giáo dục truyền thống cho con cháu về lòng yêu Nước, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự tôn, tự hào dân tộc là trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke