Đình Đức Hậu, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng

02 10 2023

in trang

1. Vị trí và lược khảo về Đình Đức Hậu

Đình Đức Hậu, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân làng Đức Hậu xưa và tổ dân phố Bình Minh, phường Hợp Đức ngày nay. Tên gọi của di tích luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Do vậy, đình Đức Hậu là tên gọi của di tích này.

Đình Đức Hậu nằm cách trung tâm thành phố khoảng 17 km và cách UBND quận khoảng 7 km.

Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu tại di tích đình Đức Hậu và một số tài liệu liên quan của cán bộ phòng nghiệp vụ di tích Bảo tàng Hải Phòng; Căn cứ Điều 11 Nghị Định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã công nhận Đình Đức Hậu, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn thuộc loại hình di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2014.

2. Đặc điểm của di tích

Đình Đức Hậu có nguồn gốc khởi dựng từ đầu thế kỷ XX, ban đầu chỉ là một ngôi miếu thờ thổ thần. Sau 2 năm lập làng, dân làng đã khởi công xây dựng được phần móng đình và đền năm 1916 thì hoàn thành. Đình xưa hướng nam, bố cục kiểu chữ J (Đinh) truyền thống gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Toàn bộ móng và tường bao che được xây dựng bằng vật liệu đá xanh. Kết cấu kiên trúc bộ khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ lim. Những năm 60 của thế kỷ XX đình bị dỡ lấy vật liệu làm trường học.

Năm 1998, dân làng đã đóng góp công của phục dựng lại ngôi đình có quy mô kiến trúc khá khang trang bề thế. Trước và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng là nơi diễn ra nhiều sự kiện kháng chiến quan trọng của nhân dân địa phương.

3. Nhân vật lịch sử được thờ

Đình Đức Hậu thờ vị thành hoàng là nhà nho Nguyễn Quang Khuê, ông sinh năm 1858, quê làng Tiểu Bàng, tổng Đại Lộc, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An (nay là phường Bàng La, quận Đồ Sơn). Năm 1900 ông đã đỗ tú tài Hán học khoa thi Canh tý đời Thành Thái. Năm 1907, ông đứng làm tùy khẩn và các vị tiên công: Nghiêm Danh Chuông, Nguyễn Quang Ngôi, Bùi Đức ( Khán Tóm), Nguyễn Phú Vây, Nguyễn Hữu Lỳ, Nguyễn Phú Tình, Vũ Văn Tiếp, Trần Văn Khẩn đưa dân từ các làng Hòe Thị, Đông Xá, Lê Xá, Tiểu Bàng, Đoàn Xá … đến khai hoang vùng rừng ngập mặn từ ven đường 14 (đường 353) kéo dài đến làng Kính Trực với diện tích khoảng 600 ha. Công cuộc khai khẩn đã thành công sau nhiều gian nan vất vả. Ông Nguyễn Quang Khuê mất năm 1929, với truyền thống tốt đẹp và đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, tưởng nhớ công ơn người có công khai khẩn vùng đất làng Đức Hậu, phường Hợp Đức ngày nay, nhân dân trong làng đã suy tôn ông là thành hoàng làng và được thờ tại đình Đức Hậu.

4. Những sự kiện lịch sử kháng chiến diễn ra tại di tích

Trước, trong và sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đình Đức Hậu là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử kháng chiến quan trọng.

Năm 1943 - 1944, tại đình Đức Hậu, ông Lê Quốc Uy (tức Giáo Hồ ) đã mở lớp dậy chữ Quốc Ngữ và tuyên truyền đường lối cách mạng cho thanh niên trong làng (ông Lê Quốc Uy – cán bộ Việt Minh, sau trở thành Tỉnh đội phó Tỉnh đội Kiến An – chiến đấu hy sinh ở mặt trận Kiến An, tên ông đã được đặt một phố thuộc quận Kiến An). Đầu năm 1945, đình làng là nơi luyện tập bí mật của đội vĩ trang tự vệ Hợp Đức, một trong những lực lượng vũ trang tham gia giành chính quyền ở tỉnh Kiến An vào các ngày 22, 23/8/1945. Tháng 8/1945, đình Đức Hậu cũng là nơi Mặt Trận Việt Minh xã Hợp Đức tổ chức thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của xã. Đình Đức Hậu còn là một trong những địa điểm bầu cử Quốc hội khóa I (tháng 6/1946) và bầu cử Hội đồng nhân dân xã vào ngày 24/4/1946.

Từ tháng 8/1945 – 10/1947, đình Đức Hậu là nơi sinh hoạt của Mặt trận Việt Minh xã Hợp Đức và Chi bộ Đảng Đức Hậu. Sau đó đình là nơi nuôi dấu cán bộ về hoạt động kháng chiến, xây dựng phong trào kháng chiến đến tận năm 1951.

Hòa bình lập lại, 1954 – 1961, đình đón nhận nhiều con em trong làng về học các lớp vỡ lòng, hệ phổ thông cấp I. Từ mái đình làng, sau này nhiều người con của quê hương đã trưởng thành, trở thành những giáo viên, những sĩ quan quân đội, những bác sĩ , kỹ sư, một số người giữ trọng trách cao trong các cơ quan của Nhà nước.

5. Những di vật đáng quan tâm

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các đồ thờ tự, tế khí tại đình đã bị thất lạc nhiều. Tuy nhiên, tại đình hiện còn bảo tồn được một tấm bia đá, bia có tiêu đề “Hậu thần bi ký”, bia dẹt, trán hình bán nguyệt, giật một cấp, 2 mặt đều có khắc chữ Hán, song một mặt bị mờ không rõ chữ.

Lạc khoản ghi: Khải Định nguyên niên (1916); cuối bia ghi: “ Khẩn chủ tú tài Nguyễn Tinh Phủ tháo thư soạn”. Nội dung bia: nhắc đến một số vị hậu thần cũ và 2 vị được bầu làm hậu thần mới; bia còn ghi: Lý trưởng là Nguyễn Quang Tuyền cùng bản xã ký xác nhận việc lập bia.

- Bát hương: Gốm sứ hoa lam: Cao = 0,20 m; ϕ miệng = 0,24 m

Niên đại tạo tác TK 19

Ngoài ra: Tượng thành hoàng và toàn bộ đồ thờ trong đình do nhân dân mới cung tiến.

Một số nội dung câu đối ca ngợi vị thành hoàng

Câu 1: Duy Tân nhị tải sơ kính giả;  Khải Định nguyên niên thủy chính phương

Câu 2: Tiểu Bàng thục khuyết phong thanh cựu;  Đức Hậu khai hoa cảnh sắc tân

Câu 3: Đức Hậu an dân thiên cổ thịnh;  Công cao chủ khẩn vạn niên trường

6. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích

Cũng như các di tích lịch sử văn hóa trong các làng xã Việt Nam, ngôi đình, đền, miếu … là nơi tôn thờ các vị thành hoàng làng, những người có công với dân, với nước, được tôn vinh thờ phụng, Gắn với các di tích thuộc loại hình này bao giờ cũng là những sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống và tổ chức lễ hội cổ truyền. Sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống tại đình làng Đức Hậu diễn ra vào ngày 20 tháng 7 âm lịch.

Sau phần lễ là phần hội, trong hội có tổ chức các trò chơi dân gian như : chọi gà, đua thuyền, đi cầu thùm, đấu vật, bắt vịt… Vào những ngày này mọi người thường tụ hội về đình làng rất đông, cùng nhau sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc. Đó là những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp, cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Đình Đức Hậu xưa tọa lạc trên một gò đất cao ở gần trung tâm của làng. Đình hướng Tây Nam, bên hữu gần con sông làng, phía tả gần đường trục 353, phía sau gần khu dân cư, mặt hướng bắc biển Đồ Sơn, trước có “án” sau có “chẩm”, tả “ thanh long”, hữu “ bạch hổ” quả là một thế đất phong thủy đẹp.

Đình xưa có bố cục hình chữ đinh (J), gồm 3 gian tế, 1 gian hậu cung, xây kiểu từng hồi bít đốc đấu trụ hội văn. Đình khởi dựng từ năm Duy Tân 4 (1910), thời gian đầu chỉ làm được phần móng, đến năm Khải Định nguyên niên (1916) thì được khánh thành. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình xưa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, tường xây bằng đá xanh, hoa văn trang trí trên các cấu kiện gỗ khá tinh xảo.

Những năm 60 của thế kỷ trước, do thiếu vật liệu làm trường học, ngôi đình đã bị dỡ hoàn toàn.

Năm 1998, dân làng đã đóng góp công của phục dựng lại ngôi đình. Đình làng Đức Hậu hiện vẫn xây trên nền đất cũ, hướng Tây Nam. Bố cục mặt bằng hình chữ đinh truyền thống. Đình xây kiểu tường hổi bít đốc, dấu trụ hồi văn, tay quai trụ biểu. Vật liệu làm đình hoàn toàn bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngót mũi, sân láy gạch xi măng, nền lát gạch men. Khuôn viên đình hiện có diện tích chừng 2000 m2, xung quanh đình đã trồng một số cây lâu niên như : đa, đề… bờ nóc trong trí lưỡng long, chầu nhật, lưỡng gồm ngậm bờ nóc. Bái đường gồm 3 gian, 2 bộ vì. Vì nóc kiểu vỉ ruồi, đỡ phần vỉ ruồi là các xà bê tông liên kết với các cột bê tông. Bái đường gồm 3 bộ cửa, 2 cửa bên xây kiểu cuốn vòm.

Cửa cung cấm để thoáng, phía trên trang trí cửa cung xây cuốn thành vòm, phía trên vòm giữa có bức phù điêu trang trí đồ án lưỡng long chầu cuốn thư, trên cuốn thư ghi dòng chữ Hán: Đức Hậu khai hoa. Ban trên cùng của hậu anh đặt tượng thờ thành hoàng. Kiến trúc bộ vì tòa hậu cung không có gì đặc biệt.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke