ĐÌNH ĐỒNG DỤ - XÃ ĐẶNG CƯƠNG - HUYỆN AN DƯƠNG

27 10 2023

in trang

Đình Đồng Dụ thuộc thôn Dân Hạnh, làng văn hóa Đồng Dụ, xã Đặng Cương. Đình mang chính tên địa phương nơi cộng đồng dân cư sinh ra nó, đó là Đồng Dụ. Ngôi đình nằm gần với ngôi chùa làng và trong khu vực trung tâm của làng Đồng Dụ. Đình Đồng Dụ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.


Đình Đồng Dụ thuộc thôn Dân Hạnh, làng văn hóa Đồng Dụ, xã Đặng Cương. Đình mang chính tên địa phương nơi cộng đồng dân cư sinh ra nó, đó là Đồng Dụ. Ngôi đình nằm gần với ngôi chùa làng và trong khu vực trung tâm của làng Đồng Dụ. Đình Đồng Dụ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

Đồng Dụ (同喻),theo Hán tự có nghĩa là biết bảo ban nhau để sống hòa thuận. Làng Đồng Dụ xưa có 2 đình, đình Đông và đình Đoài. Đình Đông được xây dựng trước và nơi thờ Đức Đại Phạm, những năm 60 của thế kỷ trước đã dỡ bỏ vì hỏng nát. Đình Đoài chính là ngôi đình Đồng Dụ ngày nay. Làng Đồng Dụ có 2 ngôi miếu, 1 miếu thờ Đức Đại Phạm, 1 miếu thờ Ngài Phạm Tử Nghi. Làng có 6 đền, nhưng hiện nay chỉ còn lại 4 đền gồm: đền Đệ nhị, đền Đệ tam, đền Đệ tứ và đền Đệ ngũ. Các ngôi đền được gọi tên theo vị trí, thứ bậc huynh đệ của 6 anh em Thành hoàng làng Đồng Dụ. Làng có 2 ngôi chùa, chùa Phúc Linh (福靈)và chùa Trung. Chùa Trung ngoài thờ Phật còn thờ Bà Bèo.  Bà Bèo là vị thánh mẫu, có duệ hiệu là “Thạch tượng, Quang Vương Phật”, dân gian thường gọi là Bà Bèo. Theo bản ngọc phả hiện lưu giữ tại chùa “Linh Quang”, làng Tràng Duệ, xã Lê Lợi, Bà Bèo là Phật, thánh linh ứng hiển hiện qua hòn đá nổi tại ao bèo làng Đồng Dụ, được nhà sư Xuân Nương đưa về chùa Tràng Duệ. Tại đây dân làng được thần nhân chỉ báo đã tạc hòn đá thiêng thành tượng thánh mẫu và xây đền tại chùa để phụng thờ thạch tượng. Đền Bà Bèo linh ứng, nên vua ban sắc phong quy định 4 xã: Đồng Dụ, Tràng Duệ, Lương Quy và Hoàng Lâu phụng thờ thánh mẫu làm Thành hoàng. Đền thờ thạch tượng thánh mẫu đặc biệt linh thiêng, cầu đảo rất linh nghiệm. Thạch tượng thánh mẫu đã âm phù cho Trịnh Kiểm đánh thắng nhà Mạc, thống nhất giang sơn. Nhiều triều vua sắc phong, gia tặng mỹ tự cho thánh mẫu là “Trung đẳng thần”.

Theo ngọc phả các vị Đại Vương: Đại Phạm, Cây Đa, Cây Vối, Cống Mang, Láng Điển, Ông Hồng Cư sĩ, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm đầu, niên hiệu Hồng Phúc ( 1572) ( Bản dịch do cụ Nguyễn Diên Niên dịch, Bảo tàng Hải Phòng lưu giữ tư liệu). Thần tích các Ngài Thành hoàng được tóm lược như sau:

Dưới triều Trần Thuận Tông ( 1388- 1398), niên hiệu Quang Thái có người họ Nguyễn tên là Đại Phạm, quê ở huyện Hoa Phong nay là huyện Cát Hải, Hải Phòng, kết hôn với bà Đỗ Thị Uyển người làng Đồng Dụ, hai ông bà ở với nhau rất hòa thuận được 3 năm sinh được 1 người con trai. Mấy năm liền sau đấy sinh được 5 người con trai nữa. Người con trưởng vì sinh ở dưới cây thông nên đặt tên là Bá Tùng, người thứ hai là Trọng Bách, người thứ ba là Trọng Minh, thứ tư là Trọng Mẫn, hai người con trai của vợ lẽ đặt tên là Qúy Hống và Qúy Nghị. Khi trưởng thành 6 người con trai gia đình họ Nguyễn đều xuất chúng, khí khái hơn người có thể so sánh với các bậc anh hùng, hào kiệt đương thời.

Bấy giờ có người quý tộc ngoại thích nhà Trần là Hồ Qúy Ly mưu toan muốn nắm hết quyền bính về tay mình, trên thì ngăn cản lòng vua, dưới thì lấn át lời bàn của trăm quan trong triều. Sáu người con ông Đại Phạm đương sức tài trai, luyện rèn võ nghệ, văn chương. Bá Tùng, Trọng Bách, Trọng Minh, Trọng Mẫn, Qúy Hồng, Qúy Nghị thông minh hơn người học vấn uyên bác. Nay thấy cha, mẹ có ý dẹp loạn yên dân, đều đến nghe mệnh lệnh của cha. Bá Tùng lập đồn trại ở xứ Cây Đa, Trọng Bách lập đồn ở xứ Cây Vối, một đồn trại nữa ở Cống Mang do người con thứ 3 là Trọng Minh trông giữ. Người con thứ 4 Trọng Mẫn thông thạo chữ nghĩa, trí nhớ tốt được giao trọng trách trông coi công việc trong ngoài doanh trại. Người con thứ 5 là Qúy Hồng có tính cách hùng dũng, phụ trách tuần phòng kiểm tra các đồn trại. Người con út là Qúy Nghị thông thạo chữ nghĩa, được giao giữ sổ sách trong quân. Bốn ông lớn oai danh, quân lệnh nghiêm minh nên quân lính không giám gọi tên tục mà chỉ gọi tên đồn trại, ông cả là Cây Đa, ông hai là Cây Vối, ông ba là Cống Mang, ông tư là Láng Điển. Hai ông 5 và 6 quan lính gọi là Ông Hống, Ông Nghị.

Mỗi người giữ một phương cự nhau với Qúy Ly, quân của Qúy Ly khi giao chiến thường bị thua, không dám tiến đánh. Lúc bấy giờ bảy quận ở Hải Đông thường bị giặc cướp tàn phá và mất mùa. Ông Đại Phạm cùng các con chiêu mộ tám xã, nhân dân đều được hưởng an ninh, trật tự, mọi nơi đều lạc nghiệp. Thời đó có người con thứ của vua Nghệ Tông là Giản Định Vương, Trần Qũy (1407-1409), dấy quân rửa hận, khôi phục triều Trần. Đại Phạm bảo với các con rằng: Vua Giản Định đóng quân ở Nghệ An, các con nên dẫn đại quân vào đó bái yết cùng mưu việc lớn, duy em Nghị ở tuổi thiếu niên chưa quen việc chinh chiến, ở lại cùng ta giữ đồn trại để phòng việc bất trắc.

Năm người con vâng lời cha, xin mang theo một ngàn quân tinh nhuệ lên đường tiến về Nghệ An. Sau khi gia nhập đội quân trung nghĩa của nhà Hậu Trần các ông cùng với các tướng Đặng Tất, Triệu Cơ chống lại quân nhà Minh xâm lược. Đại Phạm cùng các con ông Bách Tùng, Trọng Bách, Trọng Minh, Trọng Mẫn cùng đội quân miền Hoa Phong đã lập được nhiều công lớn. Các ông Bá Tùng, Trọng Bách, trong một trận thủy chiến, các ông dũng cảm chiến đấu, giết được tướng giặc là Trương Bá, Mã Thanh, một tướng giặc khác là Hoàng Trường cũng bị giết trong đám loạn quân. Trận ấy Mộc Thạch từ trên cao quan sát thấy quân tan vỡ vội vã ra lệnh thu quân. Quân khởi nghĩa thời hậu Trần mà cha con ông Đại Phạm tham gia đã có lúc giải phóng được khu vực từ Thanh Hóa trở vào và từ đó mở nhiều cuộc tiến công ra phía Bắc, làm cho quân xâm lược nhà Minh nhiều thiệt hại. Nhưng dần về sau do năng lực hạn chế của bộ phận lãnh đạo nên cuộc khởi nghĩa không phát triển thành trung tâm đoàn kết phong trào của cả nước và cuối cùng bị thất bại.

Sau khi cuộc khởi nghĩa nhà hậu Trần thất bại, 6 cha con ông Đại Phạm lần lượt hy sinh anh dũng nơi chiến trường. Nhân dân địa phương rất thương cảm, tôn kính và lập miếu thờ các ông ngay tại nơi đồn trại của các ông đóng khi xưa, đồng thời theo tên gọi trước đây đề thần hiệu để phụng thờ. Vị thứ nhất là Đại Phạm Vương, thờ ở ngôi chính giữa, dưới là thần vị Cây Đa, thần vị Cây Vối, thần vị Cống Mang, thần vị Lãng Điển, thần vị Ông Hống. Sau khi thờ các ông làng xóm đều yên ấm, nhân dân phát triển đông vui, dân khang, vật thịnh, đó cũng nhờ vào sự uy linh che chở của các ông. Về Ông Nghị ở ẩn tại núi Kim Nham nghe tin cha và các anh đều hy sinh và hiển thánh ở Đồng Dụ. Một hôm ông dẫn mấy đứa trẻ nuôi trong nhà mang ba nén bạc về quê hương và biếu dân làng. Ông nói với dân làng: “Tôi nay lấy hiệu là Cư sĩ Kim Đình, khi tôi qua đời dân làng nên để tôi được phối thờ cùng với cha và các anh tôi, đó cũng là điều tôi mong ước, nhân dân nên cẩn thận đừng sai lời”. Sau đó ông về Kim Nham được ít lâu và mất vào ngày 15 tháng 7.

Năm niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông trực tiếp làm tướng đốc xuất thủy binh đi đánh Chiêm Thành, khi qua Đồng Dụ, cũng lúc đó trời đã xế chiều, vua qua miếu thờ các vị Đại Vương, chợt thấy một vị thần tướng giáp mũ chỉnh tề, tay cầm gươm báu, có sáu vị phó tướng theo sau, tự xưng họ tên rồi nói, cha con chúng tôi là tướng nhà Trần đã hy sinh trong khi đánh giặc Minh được làm Phúc thần tại địa phương. Nay xin theo giúp Hoàng Thượng phù hộ ba quân, vừa dứt lời, thì vua Lê Thánh Tông tỉnh giấc mơ, biết là điềm lành, lập tức cho ghi việc ấy để nghiệm về sau. Quân ta tiến đến nước giặc, thế mạnh như sấm sét, sau đó bình được quân Chiêm. Vua mang quân về triều, nhớ tới lời vị thần ở Đồng Dụ, lập tức ban sắc phong tặng:

Vị thứ nhất là Đại Phạm Đại Vương, tặng thêm là Phúc thần, bậc Thượng đẳng linh ứng giúp vua

Vị thứ 2 là Cây Đa Đại Vương, thêm hai chữ: Nhạy cảm giúp thuận

Vị thứ 3 là Cây Vối Đại Vương, Phán đoán, Qủa quyết thông minh

Vị thứ 4 là Cống Mang Đại Vương, Anh linh, Oai vũ, Dũng cảm

Vị thứ 5 là Lãng Điển Đại Vương, Thông minh giáng phúc rõ rệt.

Vị thứ 6 là Ông Hống Đại Vương, Cương nghị, Cả quyết, Hùng vĩ

Vị thứ 7 là Cư sĩ Đại Vương, Ngay thẳng, trang nghiêm

Sau này các triều đại kế tiếp đều ban sắc phong, gia tặng mỹ tự, do cầu xin điều gì cũng đều linh ứng.

Đình Đồng Dụ hiện nay là đình Đoài của làng Đồng Dụ trước đây, tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, Thế kỷ XVIII, tức là làm sau ngôi đình Đông của làng. Theo thần tích đình Đồng Dụ cũng như các ngôi đền miếu thờ 7 cha con Ngài Đại Phạm, đều nằm trên nơi đồn trại của các ông khi xưa. Đình Đồng Dụ tọa lạc trên một khu đất thoáng rộng, cao ráo và nhìn về hướng Tây, hướng hoàn hảo, hòa hợp theo âm dương ngũ hành. Đình có kiến trúc mặt bằng chữ đinh, 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Bậc tam cấp bước lên đình là hệ thống bậc đá xanh cổ có kích thước khá lớn ghép liền với nhau. Nhưng hiện tại chỉ còn hai bậc vì sân đình đã tôn cao che lấp mất một bậc thềm. Cửa đình cấu tạo ba gian, theo lối cửa cổ cửa thùng khung khách, phần ngưỡng đá của hệ thống cửa trước kia nay được chuyển sang thành ngạch cửa.

Đình Đồng Dụ được làm bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống, đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống khung chịu lực của tòa tiền tế gồm bốn bộ vì, các cặp bộ vì cấu tạo tương tự nhau và đăng đối qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm, kết cấu vì nóc chữ công chồng, tạo thành giá chiêng, vì nách cấu trúc thước thợ chồng lên nhau. Xà nách tiền chạm nổi đề tài lá lật mềm mại. Trên xà nách hậu được kết hợp các thức chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thông phong, phản ánh đề tài long vân khánh hội khá tinh xảo. Đầu dư chạm hình đầu rồng, mắt rồng to lồi, miệng ngậm ngọc, râu dài bện với nhau theo kiểu vắn thừng. Bảy hiên cấu tạo kiểu bảy ngang, trên má bảy chạm nổi hoa văn chữ triện lá giắt, mây quyện với lá thiêng. Bộ vì hồi cấu tạo tương tự như bộ vì gian trung tâm, nhưng trên cấu kiện kiến trúc chạm khắc đơn giản hơn. Tại các góc vuông được tạo ra từ cột cái và dưới xà dọc có những cấu kiện gỗ kiểu cánh gà được chạm nổi hoa văn chữ triện rút. Dưới các bảy hiên cũng được gia công bằng cấu kiện kiểu con sơn để đỡ cho bẩy, con sơn tạo hình chân triện rút và được chạm hoa văn chữ triện lá giắt. Tòa hậu cung khung chịu lực gồm 3 bộ vì, vì 4 hàng chân cột, kết cấu vì kiểu thuận chồng giá chiêng, trên cấu kiện của hai bộ vì của tòa hậu cung được chạm khắc tinh xảo hơn tòa tiền tế. Đặc biệt bộ vì trước cửa cung cấm các cấu kiện như: ván bưng, xà nách, bẩy, thuận tạo thành một mặt cốn lớn, trên cốn chạm nổi tinh xảo đề tài rồng, mây ẩn hiện cùng với hoa lá thiêng. Hệ thống cửa cung cấm làm theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách, gồm cửa chính giữa, to rộng, ngưỡng cao, có bốn cánh ít khi mở. Cửa nách hai bên cửa chính, cửa nhỏ cấu tạo hai cánh. Lối vào trong cung nơi thâm nghiêm nhất của ngôi đình chủ yếu qua cửa nách. Bộ vì gian hồi tòa hậu cung, 2 cột cái trốn và cột quân hậu bằng đá, đỡ xà lòng, trên bảy được chạm đề tài đầu rồng. Toàn bộ hệ thống chân cột được kê trên chân tảng đá xanh, dật hai cấp, cấp trên tròn tượng cho trời, cấp dưới vuông tượng cho đất, thể hiện ngôi đình đứng bền vững trong sự hòa hợp của trời, đất. Với những kết cấu kiến trúc như bố trí bảy nằm ngang, một số hoành tròn và những mảng hoa văn chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc có thể xác định đình Đồng Dụ hiện nay được làm thời Hậu Lê cuối Thế kỷ XVIII và sau này trùng tu vào thời Nguyễn, khoảng giữa Thế kỷ XIX.

Đình Đồng Dụ trải qua binh lửa chiến tranh nhưng hiện nay vẫn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa như sau:

-Khám, long ngai và thần tượng; thần tượng ngồi trong long ngai và đặt trong khám lớn. Toàn bộ thờ trên đều làm bằng gỗ quý và được đặt trang nghiêm trong cung cấm của đình. Long khám, long ngai được chạm tinh xảo với các đề tài truyền thống tứ linh, tứ quý, hoa lá thiêng. Theo truyền ngôn của người dân địa phương trước đây thần tượng thờ ở miếu, sau miếu đổ nát thần tượng rước về đình như hiện nay. Thần tượng được tạo tác theo kiểu tượng tròn, có đầy đủ mũ, áo, cân đai, trên phẩm phục nổi rõ rồng mây hội tụ, sóng nước thủy ba. Thần tượng ngồi tự nhiên trong tư thế phụng triều. Thần tượng mặt  vuông chữ điền, tai to dài, râu dài, mắt nhìn thẳng, thần thái thể hiện sự khoan dung, nhân hậu. Long khám, long ngai, thần tượng được tạo tác vào đầu Thế kỷ XX. 

-Hương án tiền bằng gỗ tốt, đặt tại gian trung tâm tòa tiền tế, nhang án chân vuông thẳng, quây ba mặt chân, trên các mặt quây chia thành nhiều khung ô vuông, chữ nhật có kích thước khác nhau nhưng cân đối và đăng đối với nhau. Trong các ô chạm nổi, chạm bong kênh đề tài tứ linh, tứ quý. Nhang án sơn son thếp bạc phủ hoàn kim, có niên đại đầu thế kỷ XX.

-Kiệu bát cống một bộ gồm cả ngai bành, làm bằng gỗ vàng tâm, thuộc loại kiệu trung. Kiệu gồm 8 thanh rồng được kết nối với nhau bằng hệ thống chốt sắt và bánh trè, do vậy kiệu có thể tháo lắp dễ dàng, khi khiêng rước có thể chuyển hướng thuận lợi. Các thanh rồng và ngai bành được chạm khắc tinh xảo với đề tài rồng, mây, hoa, lá thiêng, sóng nước, long mã, tứ linh. Bộ kiệu điêu khắc mỹ thuật đẹp, có niên đại tạo tác cuối thế kỷ XIX.

- Đại tự bằng gỗ tốt treo trước cửa cung cấm, đại tự trang trí khung diềm xung quanh. Trên khung diềm chạm nổi hoa văn lưỡng long ẩn hiện trong mây chầu mặt nguyệt, nền đại tự sơn đỏ. Trên nền đại tự chạm nổi và sơn vàng ba chữ Hán lớn “Thượng đẳng thần” (上等神),nghĩa là nơi đây thờ các vị Thành hoàng có phẩm trật Thượng đẳng thần. Đại tự ghi dòng thượng khoản tạo tác, mang niên đại tuyệt đối, niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909).

- Câu đối 1, câu làm bằng gỗ tốt, theo kiểu phẳng, treo trước cửa cung cấm. Câu đối nền đỏ, trên dưới câu đối có diềm hoa văn hoa dây chữ triện, chân chỉ rủ. Câu đối chữ Hán:

臺池顯地靈葩衮光同七廟

金石傳神像雨雲澤裕四民

Phiên âm:     Đài trì hiển địa linh, ba cổn quang đồng thất miếu;

Kim thạch truyền thần tượng, vũ vân trạch dụ tứ dân.

Dịch nghĩa:  Đất thiêng rõ đài cao, tôn quý, đẹp sáng nơi bẩy miếu

Thần tượng thành vàng đá, như mây mưa che, thấm giúp dân.

Câu đối ghi dòng thượng khoản năm tạo tác, niên hiệu Duy Tân, thứ 3 (1909). Câu đối được ông Phạm Duy Thế cúng tiến.

- Câu đối 2: Câu đối kiểu lòng máng làm bằng gỗ tốt, treo trước cột cái cửa cung cấm. Diềm câu đối chạm hoa văn hoa dây, điểm xuyết có các mảng gấm, trên đầu và dưới chân câu đối chạm ô tròn, trong ô chạm theo thức truyền thống, thượng cầm, (chim phượng), hạ thú (lân trong mây). Nền câu đối chạm nền gấm, chạm đối liễ chữ Hán sơn then.

靈聲赫濯昭千古

德澤江洋普四民

Phiên âm:     Linh thanh, hách trạc chiêu thiên cổ

Đức trạch giang dương phổ tứ dân.

Dịch nghĩa:  Oai linh, nổi tiếng rõ nay, trước

Đức như sông nước, giúp muôn dân.

Câu đối ghi lạc khoản tạo tác năm Kỷ Tị, niên hiệu Bảo Đại ( 1929). Câu đối do người trong xã ( không ghi tên) cúng tiến.

Ngoài ra đình Đồng Dụ còn bảo lưu được một số đồ thờ tự như long đình, bát biểu, long ngai, bài vị đều được tạo tác vào cuối thế kỷ XIX và đầu Thế kỷ XX. Một sỗ bia đá ghi việc trùng tu tôn tạo đình có niên đại đầu Thế kỷ XX.

Trước kia Đồng Dụ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, nhân kỷ niệm ngày sinh của Thánh, dân làng tổ chức lễ hội, đây là sự lệ lớn nhất trong năm. Trong lễ hội người dân tổ chức lễ rước thánh tượng từ đình ra miếu đến giữa làng rồi vòng về đình làm tế lễ. Ngoài rước thánh, tế lễ dâng hương dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian như: hát chèo sân đình, đi cầu thùm, đu tiên, đấu vật, tổ tôm điếm, cờ người…Ngoài dịp lễ trên vào ngày 18 tháng Giêng, ngày thắng trận, lễ dùng trâu, lợn, ca hát chầu văn, đánh vật… nhân dân 8 xã đều tới đền chính hành lễ, mỗi xã tổ chức một ngày đêm. Ngày 15 tháng 7, ngày hóa của vị Đại Vương Cư sĩ, ngày 6 tháng 12 âm lịch, ngày 6 vị thánh đồng hóa đều tổ chức lễ dâng cúng. Ngày nay nhân dân địa phương đang từng bước kế thừa và phát huy nghững nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt lễ hội của tiền nhân để lại.

Đình Đồng Dụ công trình kiến trúc cổ, trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư, địa điểm tri ân, thờ phụng các vị thánh người quê hương đã có công giúp nước, giúp dân. Đây cũng là những di tích hiếm quý của huyện An Dương cũng như của thành phố Hải Phòng trong những năm chống quân xâm lược Minh của dân tộc ta, do vua Hậu Trần lãnh đạo. Ngôi đình Đồng Dụ di tích quốc gia sẽ tô điểm và tạo nên sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài huyện An Dương đến tham quan, du lịch tại làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh  và cam tiến vua nổi tiếng một thời.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke