ĐÌNH, CHÙA DO NHA – XÃ TÂN TIẾN - HUYỆN AN DƯƠNG

27 10 2023

in trang

Làng Do Nha (由牙) theo nghĩa bóng của Hán tự là quê hương sang quý. Làng còn có tên Nôm là làng Ngà, bởi vậy ở nơi đây còn có các địa danh cổ gắn với tên Nôm của làng như: Cống Ngà (cống bắc qua kênh dẫn thủy nhập điền), chợ Ngà, quán Ngà... Làng Do Nha được hình thành muộn nhất vào thời Tiền Lê, thế kỷ X, vì theo các vị cao niên của họ Nguyễn, họ Đào làng Do Nha cho biết, khởi tổ của hai họ đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp từ thời Tiền Lê, thế kỷ X. Thời Trần làng dân đông, trù phú, có ba vị tướng quân họ Nguyễn tham gia chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Trên trụ đá “Thiên đài thạch trụ”(天臺石柱),dựng niên hiệu


Đình - chùa Do Nha - di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc làng Do Nha,  xã Tân Tiến, mang chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình- chùa Do Nha được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2007.

Làng Do Nha (由牙) theo nghĩa bóng của Hán tự là quê hương sang quý. Làng còn có tên Nôm là làng Ngà, bởi vậy ở nơi đây còn có các địa danh cổ gắn với tên Nôm của làng như: Cống Ngà (cống bắc qua kênh dẫn thủy nhập điền), chợ Ngà, quán Ngà... Làng Do Nha được hình thành muộn nhất vào thời Tiền Lê, thế kỷ X, vì theo các vị cao niên của họ Nguyễn, họ Đào làng Do Nha cho biết, khởi tổ của hai họ đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp từ thời Tiền Lê, thế kỷ X. Thời Trần làng dân đông, trù phú, có ba vị tướng quân họ Nguyễn tham gia chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Trên trụ đá “Thiên đài thạch trụ”(天臺石柱),dựng niên hiệu

ĐÌNH DO NHA

Đình làng Do Nha thờ ba vị Thành hoàng, thân thế sự nghiệp của các vị ghi chép trong thần tích của địa phương được tóm lược như sau:

Vào niên hiệu Kiến Trung, đời vua Trần Thái Tông (1225 - 1231), tại làng Do Nha có ba anh em họ Nguyễn. Người anh trưởng là Nguyễn Đống, người thứ hai là Nguyễn Cây, người em út là Nguyễn Bến. Lúc còn ít tuổi, ba anh em đều có tư chất thông minh. Đến tuổi trưởng thành, cả ba đều học giỏi, văn, võ hơn người. Dưới triều Trần Thái Tông, Nguyễn Đống đã từng làm quan trong triều và được nhà vua cho giữ chức Đô đốc. Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 3 (1287-1288), Nguyễn Đống được vua Trần cử làm tướng tiên phong giúp Trần Hưng Đạo đốc xuất một bộ phận quân đội đánh giặc. Trong thời gian người anh làm quan tại triều, hai người em Nguyễn Cây, Nguyễn Bến chăm chỉ làm ăn và hết lòng giúp đỡ bà con làng xóm. Được tin giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ ba, hai anh em Nguyễn Cây, Nguyễn Bến đều một lòng hăng hái lên đường giết giặc, cứu nước. Nguyễn Cây, Nguyễn Bến được điều vào đội quân do người anh cả là Nguyễn Đống chỉ huy. Cả ba anh em họ Nguyễn đã anh dũng chiến đấu, góp phần đánh tan quân giặc trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Khi anh em họ Nguyễn mất, vua Trần Nhân Tông cho thờ cúng theo lễ thái lao (phẩm lễ lớn gồm có thịt trâu, bò dùng để cúng, tế các vị đại quan) và ban tiền cho dân trang Do Nha để dựng đền thờ. Nhà vua còn ban tặng cho tên duệ hiệu đẹp, Nguyễn Đống là “Hoàng triều Đô đốc, văn, võ Hùng lược, Dực vận phù đô, Hộ quốc ninh dân, Linh ứng bảo an, Quảng Độ, Đống Cúc Đại vương”; Nguyễn Cây là “Đồng tâm, Địch khái, Quảng tế, Hồng ân, Cây Ngấn Đại vương”; Nguyễn Bến là “Hiệp lực, Tiêm cửu, Bến Bãi Tây chùa Đại vương”. Các triều đại nối tiếp đều có sắc phong gia tặng mỹ tự cho ba anh em họ Nguyễn ở Do Nha. 

Đình - chùa Do Nha bố cục theo thức “Tiền thần, hậu Phật”, tức đình thờ thánh nằm trước chùa thờ Phật, như thường thấy ở nhiều nơi miền duyên hải Bắc Bộ. Đình Do Nha tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII. Theo các vị cao niên của làng, đình Do Nha đã trải qua vài lần di chuyển và sau cùng về vị trí trung tâm làng như hiện nay. 

Đình Do Nha có mặt bằng kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu đinh, mái lợp ngói mũi truyền thống. Tiền tế gồm năm gian, mái chéo đao tầu góc, trên mái đắp trang trí theo thức cổ truyền, đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, khúc nguỷnh đắp con sô, góc đao cong đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ. Tiền tế có ba gian cửa chính, cửa đóng kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian sáu cánh. Tường xây bao che phía trước hai gian hồi tiền tế trổ cửa sổ tròn ở giữa, bên trong đặt tấm đan thoáng hình chữ thọ cách điệu, tạo cho bên trong đình có thêm ánh sáng. Hệ thống khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng gỗ lim, gồm bốn bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột. Trên dạ câu đầu bộ vì bên phải của gian trung tâm có dòng lạc khoản chữ Hán ghi năm trùng tu đình vào niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910). 

Qua khảo sát nghiên cứu các mảng chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc đình, cùng với tham khảo lý lịch di tích “Đình - chùa Do Nha”do Bảo tàng Hải Phòng thiết lập năm 2007, có thể khẳng định đình Do Nha hiện nay được làm vào khoảng giữa thế kỷ XIX. So sánh với năm trùng tu đình được ghi trên là hợp lý vì công trình gỗ cổ truyền khoảng 70 năm phải tiến hành trùng tu lớn, tức là phải hạ giải ngói. Bốn bộ vì tòa tiền tế tạo tác thành từng cặp có kết cấu tương tự nhau và đăng đối qua gian trung tâm của đình. Bộ vì gian trung tâm cấu trúc vì nóc thuận chồng tạo giá chiêng, vì nách cốn bưng. Trên hai mặt cốn bưng, được thể hiện với các hình thức chạm bong kênh, chạm nổi, chạm chìm rất tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao, phản ánh các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) như: cá chép hóa rồng, rùa đội lá sen, phượng múa, lân hý cầu, vân tụ, sóng nước, hoa lá thiêng rất sinh động. Nội dung các bức chạm khắc trên cốn thể hiện ước mơ ngàn đời của cư dân Việt luôn muốn vươn lên trên con đường khoa danh và mong muốn cuộc sống mưa thuận, gió hòa. Các đầu dư của bốn bộ vì, chạm hình đầu rồng, miệng rồng ngậm ngọc, mắt lồi to, tóc dài bay về phía sau, chòm râu dài dưới cằm, xoắn với nhau như vắn thừng. Hai bộ vì gian bên, vì nóc cấu trúc tương tự như vì nóc gian trung tâm, vì nách kết cấu thuận chồng ba con, bán giá chiêng. Các con thuận được kê trên nhau bằng đấu vuông thắt đáy, trên thuận chạm bong kênh lá lật mềm mại, thân đấu chạm hình hoa sen cách điệu. Các bảy hiên cũng được chạm bong kênh đề tài lá guột hóa long rất sinh động và mềm mại. Hai hồi đình kết cấu bốn hàng chân cột, có chức năng tạo thành phần đỡ để cùng với bộ vì gian bên của đình làm nên bộ vì phụ để kết cấu thành chéo đao cho góc mái đình. Các bộ vì, cột của tòa tiền tế được nối kết với nhau bằng hệ thống xà đai, tạo tác hình vỏ măng, chắc khỏe.

Tòa hậu cung có mặt bằng chữ đinh, tiền đường ba gian, khung chịu lực gồm hai bộ vì, vì hai hàng chân cột, kết cấu vì đơn giản, tương tự nhau, theo kiểu quá giang, giá chiêng. Từ trung đường vào cung cấm qua hai cửa nách nhỏ hai bên, cửa nách có một cánh. Bên cạnh hai cửa nách có mảng điêu khắc gỗ, chạm nổi hình hai vị Thần Đồn, Uất Lũy. Hai vị thần mặc trang phục thiên tướng, tay cầm binh khí để bảo vệ nơi thâm nghiêm thờ thánh. Cung cấm một gian, cấu trúc chồng diêm nóc các, mái chéo đao tầu góc, trên các góc đao được đắp trang trí đề tài truyền thống. Tất cả các chân cột của đình đều được kê trên chân tảng đá xanh cổ xưa, vững chắc. 

Đình Do Nha tuy trải qua những thăng trầm của lịch sử và binh lửa chiến tranh, nhưng vẫn bảo tồn được một số di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật. Sau đây xin giới thiệu một số cổ vật có giá trị tiêu biểu: 

- Khám và thần tượng ba vị Thành hoàng

Khám thờ làm bằng gỗ tốt, thuộc loại khám lớn, đặt tại hậu cung đình. Khám cấu tạo ba lớp cửa và chia đều thành ba phần khung ô để ba vị Thành hoàng ngự bên trong. Ba lớp cửa có khung cột, phía trên khung cột trang trí chạm khắc tinh xảo theo thức cửa võng với đề tài lưỡng phượng chầu nguyệt, lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, tứ quý, hoa dây, hoa, lá thiêng. Chắn trương trên trán khám khá rộng, trên chắn trương chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, phần chân chắn trương chạm đề tài chim phượng, hoa dây, thư bút. Trong khám ba vị Thành hoàng ngự trên bệ ngọc, Ngài đệ nhất ngồi chính giữa, ngồi bên trái là Ngài Đệ tam, ngồi bên phải là Ngài Đệ nhị. Kích thước ba Ngài tương đương với người thường, nhưng có chút nhỏ dần theo thứ bậc huynh, đệ. Thần tượng đều mặc lễ phục có cân đai, trên lễ phục chạm rồng, mây hội hợp. Thần tượng đội mũ cánh chuồn, ngồi tự nhiên trong tư thế phụng triều, trong lòng thần tượng đặt cây kiếm quý. Thần tượng mặt vuông chữ điền, râu dài, mắt nhìn thẳng, thần thái thể hiện sự uy nghiêm, cương nghị. Khám và thần tượng được sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim sáng rạng. Qua hoa văn họa tiết trang trí trên khám và thần tượng có thể xác định khám và thần tượng được tạo tác cuối thế kỷ XIX. 

- Đại tự: Gồm 2 bức

Đại tự treo tại gian trung tâm tòa trung đường, trước cửa cung cấm, làm bằng gỗ tốt, có khung diềm tạo hình vỏ măng, trên khung diềm chạm nổi đề tài hoa văn hoa dây, điểm xuyết có các mảng gấm. Đại tự nền đỏ, chạm nổi bốn chữ Hán lớn sơn mầu vàng: “Thánh cung vạn tuế”(聖躬萬歲), nghĩa là muôn đời mọi người đến đây đều phải gập người, cúi đầu cung kính các vị thánh linh thiêng. Đại tự tuy không đề lạc khoản, nhưng qua hoa văn trang trí có thể khẳng định được tạo tác vào đầu thế kỷ XX. 

Đại tự treo tại xà hạ gian trung tâm tòa đại bái, làm bằng gỗ tốt, có khung diềm kiểu vỏ măng, khung diềm chạm đề tài hoa văn rồng, mây, hoa, lá thiêng, điểm xuyết các mảng gấm. Đại tự chạm nổi nền gấm, điểm xuyết những mảng mây tản, cùng đồng tiền chữ thọ. Trong đại tự chạm nổi bốn chữ Hán lớn: “Tung cao duy nhạc”(崧高维嶽) có nghĩa là các vị Thành hoàng công lớn, đức trọng như núi cao, lớn (Tung Sơn - một ngọn núi cao trong ngũ nhạc). Đại tự đề dòng lạc khoản, Khải Định thập niên, mạnh thu, nghĩa là đại tự được tạo tác vào tháng 7 năm 1925. 

Ngoài ra, đình Do Nha còn bảo tồn được 2 bộ kiệu bát cống, 3 chiếc nhang án, 3 bộ long ngai, bài vị. Đình còn gìn giữ được 8 đạo sắc phong của triều Nguyễn từ niên hiệu Tự Đức đến niên hiệu Duy Tân. Đặc biệt, đình còn bảo quản được hai bản giáng sắc, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) của điện thờ Đức Thánh Trần thuộc một gia tộc cư trú tại làng Do Nha, nay điện thờ không còn.

Trước kia làng Do Nha hằng năm tổ chức hội làng để kỷ niệm Thành hoàng vào ba ngày 15, 16 và 17 tháng 11 âm lịch. Trong hội lễ, dân làng tổ chức rước Thành hoàng từ ba miếu về vị trí dân làng gọi là “Gốc đa ba bệ”, để hội tụ dâng hương, sau đó rước về đình làng mở hội. Lễ rước có kiệu bát cống, long đình, bát biểu, long ngai, bài vị... Vị trí “Gốc đa ba bệ”, xưa kia là gò đống cao, trên xây ba bệ ngai thờ vọng ba Ngài Thành hoàng, nhưng đã bị mất khoảng thập kỷ 60 của thế kỷ trước, do làm đường. Ngoài phần dâng hương tế lễ thánh, phần hội làng còn có các trò chơi thi đấu như: đấu vật, đu tiên, bắt vịt, đi cầu thùm, hát ca trù, chèo sân đình...

Hằng năm, làng có lệ vào dịp 20 tháng 8 âm lịch, ngày hóa của Đức Thánh Trần, dân làng tổ chức rước tượng Thành hoàng đi quanh làng. Phẩm lễ trong lễ hội dân làng phân cho các cai đám đảm nhiệm, có bánh dầy, thịt lợn... Ngày nay người dân địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống của làng do tiền nhân xây dựng nên và để lại đến ngày nay.

CHÙA DO NHA

Chùa Do Nha, người dân địa phương gọi theo tên Nôm là chùa Ngà, chùa có tên chữ là Triệu Tường (肇祥), nghĩa là Phật khai mở ra những điều tốt đẹp tại nơi đây. Chùa Do Nha nằm gần đình Do Nha, tạo thành cụm di tích lịch sử văn hóa, khu trung tâm tín ngưỡng, tâm linh của dân làng. 

Chùa Do Nha nhìn về hướng Nam cùng hướng với ngôi đình làng. Theo lịch sử hình thành phát triển của làng Do Nha như nêu ở trên, có thể xác định chùa Do Nha được khởi dựng từ thời Hậu Lý, thế kỷ XII - XIII. Thêm căn cứ chứng minh cho điều đó là trong chùa hiện nay còn bảo tồn được bệ hoa sen thờ Phật bằng đá có niên đại thời Lý - Trần, thế kỷ XI - XIII. Theo bút tích của cố Hoà thượng Kim Cương Tử, nguyên Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, chùa Do Nha được xếp vào danh sách 20 sơn môn ngoại truyền của sư tổ Non Đông, vị Thánh sư triều Hậu Lý, thế kỷ XII - XIII (Thánh sư tên là Vương Huệ, người Dương Mông, tên Nôm là làng Muống, huyện Kim Thành, Hải Dương, Ngài là nhà sư hết lòng tu hành, truyền bá đạo Phật. Sinh thời ông góp phần xây dựng rất nhiều ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, dân gian tôn vinh bằng số phiếm chỉ 72 (2+7= 9, nghĩa là rất nhiều) chùa được ông dựng. Sau khi mất, ông đã hiển thánh trong lòng nhân dân và Phật tử. 

Trải qua thăng trầm lịch sử, chùa Do Nha hiện nay là công trình kiến trúc gỗ được xây dựng vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Chùa có mặt bằng kiến trúc chữ đinh (丁), gồm 5 gian tiền điện và 3 gian thượng điện, mái chảy lợp ngói mũi truyền thống. Tiền điện chùa xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, tay ngai. Đỉnh giữa bờ nóc đắp trang trí kiểu cuốn thư, trong cuốn thư đắp ba chữ Hán “Triệu Tường tự”(肇祥寺) tên chữ của ngôi chùa, hai đầu bờ nóc đắp kìm. Nối liền với tay ngai ngoài cùng có cột đèn, còn gọi là trụ biểu. Trụ biểu đế đắp hình quả bồng thắt giữa, thân trụ có khung để đắp câu đối, đầu trụ đắp đèn lồng kép, xung quanh mặt đèn lồng đắp tứ linh. 

Tiền điện có ba gian cửa chính, cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách. Gian giữa 4 cánh, đóng kiểu thượng trong hạ bản, hai gian bên 6 cánh ván bưng kín. Trên tường bao che hai gian hồi tiền điện tạo cửa sổ hình chữ nhật đứng để lấy ánh sáng vào chùa. Bộ khung của tòa tiền điện gồm 4 bộ vì, vì bốn hàng chân cột, các bộ vì tạo tác tương ứng nhau thành từng cặp, đăng đối qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm kết cấu vì nóc kiểu thuận chồng hai con tạo giá chiêng, thuận kê lên nhau bằng đấu vuông thắt đáy, thân đấu chạm chìm hoa văn hoa sen cách điệu. Vì nách cấu tạo cốn bưng, trên các mặt của cốn nách gian trung tâm chạm nổi đề tài tứ quý (tùng,  cúc,  trúc,  mai)  khá  tinh xảo. Trên bẩy hiên, đầu xà nách, thân thuận đều chạm bong kênh đề tài lá lật mềm mại. Hai bộ vì gian bên tòa tiền điện vì nóc kết cấu thuận chồng hai con tạo giá chiêng,  nhưng  hai  thuận  được trang trí tạo tác điêu khắc theo hình rồng chầu vào nhau, trông rất độc đáo và sinh động. Vì nách cấu tạo đơn giản theo thức thước thợ chồng lên nhau, tuy vậy trên thuận,  đấu,  đầu  xà  nách  đều được chạm khắc hoa văn với đề tài truyền thống. Tất cả bốn bộ vì của  tòa  tiền  điện  được  liên  kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà  đai  được  tạo  dáng  hình  vỏ măng, chắc khỏe. 

Tòa  thượng  điện  chùa  Do Nha bộ khung chịu lực, gồm 3 bộ vì, vì hai hàng chân cột, tường bao che của thượng điện đảm nhiệm vai trò cột quân để đỡ xà nách. Ba bộ vì thượng điện cấu trúc đơn giản vì nách ván bưng, vì nóc thuận chồng hai con tạo giá chiêng. Toàn bộ các chân cột của ngôi chùa đều được đặt trên chân tảng đá xanh cổ kính, vững chắc.

Chùa Triệu Tường trải qua hàng ngàn năm với bao đổi thay hưng phế của dân gian nhưng đến nay vẫn gìn giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật, như: tượng pháp, câu đối, đại tự, nhang án, cửa võng... Xin giới thiệu một số cổ vật tiêu biểu của ngôi chùa:

- Bệ hoa sen thờ Phật:

Chất   liệu đá xanh gồm nhiều phiến đá lớn ghép lại với   nhau   qua   hệ   thống mộng. Bệ sen có hình khối hộp và tạo dáng như một đấu lớn thắt ở giữa. Bệ sen có chiều cao 119cm, chiều dài 285cm, chiều rộng 119cm. Phần thắt giữa của bệ sen hình khối hộp chữ nhật, kích thước cao 40 cm, dài 239 cm, rộng 75cm. Phần đấu trên sát với mặt bệ sen, xung quanh bốn mặt chạm nổi hai lớp cánh sen nhô hẳn ra ngoài. Lớp cánh sen trên, bên ngoài cánh chạm nổi gờ chỉ uốn lượn tạo móc đầu hình dấu hỏi và lượn theo đường cong của cánh sen. Lớp cánh sen dưới chạm gờ chỉ nổi uốn lượn hình lá đề và cong theo hình cánh sen. Phần thắt giữa, mặt trước và sau tạo thành ba khung ô hình chữ nhật cân xứng nằm theo chiều dài của bệ sen, ô giữa chạm nổi cụm sen, hai ô bên chạm rồng mây, hình dáng rồng theo kiểu rồng giun (rồng túi), một đặc điểm rồng của thời Lý- Trần. Phần đấu dưới sát chân bệ sen xung quanh chân bệ sen chạm nổi hoa văn mây tụ, mây tản. Bốn góc phía trên phần thắt giữa của bệ sen chạm nổi hình đầu quỷ dạ xoa trong tư thế đưa hai tay nâng đỡ bệ sen. Bệ sen thờ Phật của chùa Do Nha là tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị của thành phố Hải Phòng (hiện nay có hai quan điểm cho rằng bệ đá của thời Trần, thời Nguyễn).

- Tượng Phật tam thế: Gồm ba pho, đại diện cho thế giới Phật ở ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai. Tượng được đặt ở vị trí cao nhất của thượng điện. Tượng Phật được tạc liền cùng với bệ bằng đá nguyên khối. Bệ tượng là tòa sen được chạm nổi rõ những lớp cánh sen, trên cánh sen chạm nổi gờ chỉ hình hoa văn mây cụm. Tượng ngồi trên bệ sen kiểu kiết già, tóc xoắn hình ốc, xiêm y chùng nhiều lớp. Tượng được xác định niên đại thời Mạc, thế kỷ XVI. 

- Đại tự: Gồm 2 bức Đại tự treo gian trung tâm tòa tiền điện được tạo tác theo kiểu cuốn thư bằng gỗ quý. Diềm xung quanh chạm thủng kết hợp với chạm nổi hoa văn tứ quý, phần gấp của hai bên cuốn thư chạm nền gấm. Phần mở rộng lớn giữa cuốn thư nền sơn đỏ, trên nền chạm bốn chữ Hán theo thể triện A Di Đà Phật (阿彌佗佛), một câu danh niệm của nhà Phật được dịch nghĩa là quy y, kính lễ đức Phật A Di Đà. Qua họa tiết hoa văn xác định đại tự được làm cuối thế kỷ XIX.

Đại tự làm bằng gỗ quý, hình chữ nhật, diềm đại tự tạo kiểu vỏ măng, trên diềm chạm hoa văn hoa dây đề tài tứ quý, điểm xuyết có các mảng hoa văn gấm. Đại tự nền đỏ, trên nền chạm nổi 4 chữ Hán lớn sơn mầu vàng, phiên âm: Từ đăng bỉ ngạn (慈豋彼岸), nghĩa là sống hiền lành sau này quá cố sẽ đến được nước Phật. Đại tự không đề lạc khoản, nhưng xác định có niên đại tạo tác cuối thế kỷ XIX.

- Thạch trụ: Bằng đá nguyên khối, hình trụ, trên đầu trụ được lắp một khối đá khác hình đấu dáng đài sen. Thạch trụ được dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 8 (1687). Thạch trụ khắc ghi những người công đức trùng tu chùa.

- Chuông đồng: Treo tại tiền điện của chùa, trên chuông khắc ghi khá nhiều tên các Phật tử trong và ngoài địa phương tham gia công đức đúc chuông. Chuông được đúc vào mùa hè, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796). Đây là quả chuông đồng hiếm quý trong các ngôi chùa của huyện An Dương từ thời Tây Sơn còn lại đến ngày nay.

Đình - chùa Do Nha là quần thể di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2007. Đây là những di tích hàm chứa rất nhiều những giá trị về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật, có niên đại trải dài từ thời Trần đến thời Nguyễn. Đặc biệt có bệ sen thờ Phật bằng đá thời Trần, một tác phẩm nghệ thuật rất hiếm quý của Hải Phòng cũng như của toàn quốc. Đình - chùa Do Nha đã và đang trở thành một điểm tham quan chiêm bái hấp dẫn của người dân trong và ngoài nước.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke