Đình Bắc, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Theo con đường tỉnh lộ 352 đến sân vận động xã Quảng Thanh, rẽ phải, du khách sẽ tới thăm Đình Bắc nằm ở giữa thôn Thanh Lãng, dưới chân núi Vang, thờ anh em Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa. Đình Bắc là một công trình văn hoá lịch sử được Bộ văn hoá Thông tin xếp hạng. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng Thanh Lãng và là một trong những công trình ghi nhớ công lao của Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa - những vị tướng đã có công với nước với dân, giúp vua Hùng đánh giặc Ân giữ nước.


DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH BẮC, XÃ QUẢNG THANH, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Theo con đường tỉnh lộ 352 đến sân vận động xã Quảng Thanh, rẽ phải, du khách sẽ tới thăm Đình Bắc nằm ở giữa thôn Thanh Lãng, dưới chân núi Vang, thờ anh em Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa. Đình Bắc là một công trình văn hoá lịch sử được Bộ văn hoá Thông tin xếp hạng. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng Thanh Lãng và là một trong những công trình ghi nhớ công lao của Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa - những vị tướng đã có công với nước với dân, giúp vua Hùng đánh giặc Ân giữ nước.

Nét kiến trúc của Đình Bắc hiện nay là kết quả của nhiều lần trùng tu, tôn tạo, những nét hoa văn độc đáo, kiểu dáng đơn sơ thanh nhã. Trong lần trùng tu lớn nhất vào năm 1923 niên hiệu Khải Định bát niên, gần đây nhất là vào năm 1999 - 2000 với sự cố gắng của Tiểu ban quản lý di tích lịch sử Thanh Lãng và nguồn kinh phí hạn hẹp từ tiền công đức của toàn dân. Song việc trùng tu vẫn kết hợp được hài hòa giữa kiến trúc cổ và hiện đại thể hiện phong cách giản dị, mộc mạc giữ nguyên vẻ đẹp của ngôi đình cổ ngày xưa.

Đình Bắc được chọn xây hướng Nam theo quan niệm của người Việt là “Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam”, toàn bộ kiến trúc theo kiểu chữ Đinh đơn giản gồm 05 gian tiền đường và 03 gian hậu cung. Đình được xây dựng sát chân núi, nơi đặt xây Đình được bố trí trên thế “đắc địa” theo luật phong thủy, phía sau tựa lưng vào vách núi tạo thế “gối sơn đạp thủy”, giữ cho nguyên khí được ngưng tụ, cho dân làng được hưởng phúc lộc bền lâu.

Hậu cung gồm hai gian thông với gian giữa của toà đại đường, trước kia hậu cung được lát dày tạo thành lòng thuyền, các hồi mái được đục hoa văn lá lật, rồng mây chim thú muôn loài. Do thời gian mưa nắng bào mòn gây hư hỏng nặng, lần tu sửa năm Quý hợi 1923, các ván lòng thuyền đã bị tháo dỡ và sửa lại có kiểu dáng đơn sơ như hiện nay. Trang trí nội cung được tập trung chủ yếu ở gian hậu cung. Ngoài những đồ thờ cúng thông thuờng, toà hậu cung gồm hai pho tượng thờ tướng Vũ Hồng Và Vũ Thị Lê Hoa đã có công đánh giặc giữ nước.

Hàng năm vào ngày mùng 6/3 âm lịch làng tổ chức Lễ hội Đình Bắc truyền thống, ngày 6/3 - là ngày hội của dân làng, các gia đình nhiều hay ít, giàu hay nghèo ai cũng có mâm lễ vật dâng hương, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bình an vô sự và tưởng nhớ đến công lao đánh giặc của Vũ Hồng Vũ Thị Lê Hoa.

Hai năm một lần Ban tổ chức lễ hội của làng tổ chức rước Trạng nguyên Lê Ích Mộc về dự hội Đình làng.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke