ĐÌNH AN LẠC - DI TÍCH LỊCH SỬ QUẬN DƯƠNG KINH

14 11 2023

in trang

Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đình An Lạc là một trong 13 di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.

Đình An Lạc địa chỉ tại TDP số 7 - Phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng là một trong những đình thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Theo ghi chép của lịch sử Đảng bộ phường Hòa Nghĩa và những chứng tích còn lại của địa phương cho thấy:

Ngôi đình có trước năm 1930 ở địa điểm khác cách đình hiện nay khoảng 500m, lúc đó đình lợp lá tranh. Vào một hôm, một cơn bão rất to có một vòi rồng cuốn mái đình đi và rơi xuống khu vực vị trí khu ruộng cụ Vũ Khắc Biển, nhân dân trong làng cho đó là ý trời định nên xây đình mới tại địa điểm đó. Đình được khánh thành năm 1936, đặt tên là đình An Lạc.

Đặc biệt, sau ngày 02 tháng 9 năm 1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, tại ngôi Đình này đã tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ kháng chiến.

Đình là trụ sở hoạt động của Ủy ban kháng chiến lúc bấy giờ có 2 hầm ở trong vọng cung đình (giờ vẫn còn dấu tích), một hầm để cất dấu tài liệu, vũ khí, một hầm cất dấu cán bộ khi cần thiết.

Năm 1949, giặc Pháp tấn công đàn áp tại Đình và xung quanh đình, bắt dân, tra tấn 9 chiến sỹ trong đó có một người trong xóm 7 (nay là TDP số 7) tên là Bùi Văn Sơn, chúng đốt nhà của dân và bắt nhiều cán bộ chủ chốt.

Tại đình, bộ đội chủ lực của Tỉnh đội Kiến An tập kết lực lượng, chuẩn bị vũ khí để rạng sáng ngày 7-3-1954, phối hợp với các lực lượng kháng chiến trong vùng tập kích sân bay Cát Bi, sân bay lớn nhất miền Bắc Đông Dương, được thực dân Pháp sử dụng làm đầu mối tiếp tế vũ khí, lương thực bằng đường hàng không cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đây là một công trình văn hoá tâm linh, linh thiêng ở đó chứa đựng và lưu giữ cả một quá trình lịch sử và tinh hoa văn hóa của cha, ông ta - những người đã có công xây dựng lên mảnh đất này, căn cứ vào giá trị lịch sử văn hóa và những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến. Ngày 10/8/2010, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra Quyết định số 1349/QĐ - UBND xếp hạng Đình An Lạc là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố. Đây là phần thưởng cao quý, một sự kiện trọng đại của quê hương và mỗi người dân.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, lịch sử và bị chiến tranh tàn phá, Đình dần xuống cấp và nhiều lần được tu tạo, sửa chữa. Năm 2015 và 2018, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự thành tâm công đức đóng góp của các cơ quan đơn vị nhân dân địa phương và khách thập phương ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo.

Sau khi đình được trùng tu, tôn tạo lại hoàn toàn giữ phong cách kiến trúc cổ. Đình có bố cục theo lối chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, được xây dựng rất tỉ mỉ, công phu. Trong đình hiện lưu giữ được một số di vật như long đình, bát biểu và nhiều văn bia ghi nhận công lao những người dựng làng, giữ nước.

Hàng năm, Đảng Uỷ - UBND Phường Hòa Nghĩa cùng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ hội Đình An Lạc nhân kỷ niệm ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20/ 8 âm lịch.

 

 

Admin

Thong ke