DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH CỐC TRÀNG – XÃ CHIẾN THẮNG HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

12 12 2023

in trang

Đình Cốc Tràng là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, được tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, tựa kề làng xóm. Ngoài cái tên mà nhân dân quen gọi là đình Cốc ra thì tên ngôi đình luôn gắn liền với tên đất, tên làng từ ngày khởi dựng đó là đình Cốc Tràng.

Đình Cốc Tràng là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, được tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, tựa kề làng xóm. Ngoài cái tên mà nhân dân quen gọi là đình Cốc ra thì tên ngôi đình luôn gắn liền với tên đất, tên làng từ ngày khởi dựng đó là đình Cốc Tràng.

Tương truyền rằng năm ấy có trận lụt lớn, cả vùng hóa thành biển nước chỉ còn gò đất cao nhất, khi nước rút đi, trên gò đất còn mảnh gỗ khắc tên bài vị của 3 vị Thành Hoàng, dân làng cho đây là điềm linh ứng chọn nơi đất tốt dựng đình với những mong muốn cầu bình an.

Đình được dựng cột cất nóc vào niên hiệu Bảo Đại thứ 11 – 1936, với kiến trúc hình chữ đinh, hướng nam nằm gần với con đường liên thôn.  Khuôn viên của đình khá rộng và thoáng, phía trước có sân rộng, phía sau có vườn cây. Mái đình lợp ngói ta 2 lớp, rêu phong cổ kính. Tường hồi xây kiểu bít đốc, đấu trụ giật cấp. Bước lên qua 2 bậc thềm là vào trong tòa bái đường, với kết cấu khung chịu lực gồm 2 bộ, chạm khắc hoa văn. Mọi chi tiết trang trí kiến trúc điêu khắc mang tính nghệ thuật cao. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cả cung Huệ Trình Linh Tôn đại vương; Đương cảnh Thành hoàng Trung Quốc đại vương; Ba chàng Linh Ứng đại vương.     

Theo tư liệu bia ký hiện còn được lưu giữ tại đình Cốc Tràng, đình có nguồn gốc khởi dựng từ đầu thế kỉ XVIII thời Hậu Lê. Ban đầu đình là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế và theo mô típ thường thấy ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ là “tiền nhất, hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 gian hậu cung. Thời kỳ chống Pháp năm 1947, đình bị tiêu thổ phục vụ kháng chiến mất 5 gian tiền đường. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, song nhiều đồ thờ có giá trị vẫn được nhân dân làng Cốc Tràng bảo vệ, giữ gìn khá nguyên vẹn đến ngày nay: Đó là 02 tấm bia đá thời Hậu Lê có niên đại đầu thế kỉ thứ XVIII. Nội dung bia ghi về những người hưng công xây dựng đình và được thờ hậu. Điều đó chứng tỏ ngôi đình có nguồn gốc khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng. Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ được nhiều di vật giá trị gồm 06 bản sắc phong: 03 Sắc Khải Định 9 (1924), 02 Sắc Thành Thái nguyên niên (1889) và Sắc Duy Tân 3 (1909); Đại tự chữ Hán, câu đối chữ Hán, nhang án, 02 long đình, 03 bài vị… Mặc dù không còn nguyên vẹn quy mô như ngày khởi dựng, xong với phần kiến trúc Công trình đình Cốc Tràng thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỉ XX.

Trải qua thăng trầm của thời gian, ngôi đình  phản ánh nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương trong quá trình hình thành cơ cấu làng xã. Ngôi đình được trùng  tu tôn tạo lớn nhất vào năm 2021 để có cơ ngơi khang trang bề thế như ngày hôm nay.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình tiếp tục phát huy vai trò là chỗ dựa cộng đồng, phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khởi nghĩa giành chính quyền của huyện An Lão tháng 8/1945, đình Cốc Tràng trở thành trụ sở làm việc của cơ quan chính quyền cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Ngày 06/01/1946, đình Cốc Tràng là địa điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khoảng thời gian từ 1965 - 1968, phòng lương thực huyện An Lão dùng đình làm kho chứa lương thực; năm 1976, 1989, hợp tác xã Chiến Thắng dùng làm kho Hợp tác xã.

Tháng 4 năm 2008, Ban vận động xây dựng làng văn hóa Cốc Tràng đã đến viện Hán Nôm dịch các tài liệu bằng chữ Hán gồm 1 bức hoành phi, 3 bức bài vị, 1 đôi câu đối 2 dòng chữ khắc trên đầu đình, qua đó càng hiểu rõ giá trị văn hóa về ngôi đình.

Đình Cốc Tràng là 1 trong 5 ngôi đình còn được giữ lại trên địa bàn xã Chiến Thắng. Tổng thể khuôn viên ngôi đình được quy hoạch một cách gọn gàng, nằm bên cạnh nhà văn hóa của thôn. Hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 2, dân làng lại mở hội, các cụ cao niên kể rằng vào những năm được mùa hội phải mở 3 ngày và nhất định phải có lễ tam sinh ( Phải tế bằng thủ lợn) dân làng rước long đình bát biểu quanh làng có vòng qua Miếu Tàu, sau đó ngự về đình, đội tế quan của làng luôn được duy trì năm nào mở hội to thì làm đại tế ...nam quan nữ tế áo mũ xênh xang,  nam thanh nữ tú thi nhau đua tài trong những ngày mở hội , các cụ chơi Tổ tôm trong đình, bên ngoài có chọi  gà, cờ tướng...con cháu phương xa cứ lấy lệ đó mà về.

Qua lịch sử thăng trầm, diễn biến của ngôi đình  giúp cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã địa phương có vốn hiểu biết bổ ích về quê hương, đất nước nêu gương các thế hệ đi trước, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đình Cốc Tràng đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” cấp thành phố theo Quyết định số 1442/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2012.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke