DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHÙA TÔN LỘC – XÃ CHIẾN THẮNG HUYỆN AN LÃO

12 12 2023

in trang

Chùa Tôn Lộc là một công trình kiến trúc thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, được tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, thoáng đãng, rộng rãi, xung quanh tương đối cách xa làng xóm. Cũng như bao ngôi chùa của làng quê Việt Nam, chùa Tôn Lộc được mang chính cái tên của địa phương nơi dân làng đã xây dựng lên nó. Ngoài ra, chùa còn có tên chữ là Kỳ viên thiền tự, mang ý nghĩa là nơi vườn phật mãn nguyện, diệu kỳ. Tương truyền nơi đây là khu vườn mà công chúa triều Trần từng về đây ở ẩn làm thuốc trị bệnh cứu người nên mới có tên là Kỳ Viên.


Chùa Tôn Lộc là một công trình kiến trúc thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, được tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, thoáng đãng, rộng rãi, xung quanh tương đối cách xa làng xóm. Cũng như bao ngôi chùa của làng quê Việt Nam, chùa Tôn Lộc được mang chính cái tên của địa phương nơi dân làng đã xây dựng lên nó. Ngoài ra, chùa còn có tên chữ là Kỳ viên thiền tự, mang ý nghĩa là nơi vườn phật mãn nguyện, diệu kỳ. Tương truyền nơi đây là khu vườn mà công chúa triều Trần từng về đây ở ẩn làm thuốc trị bệnh cứu người nên mới có tên là Kỳ Viên.

Đây là một công trình văn hóa tâm linh, kiến trúc của ngôi chùa có quy mô vừa phải; Cổng Tam quan và ao sen có tượng Phật bà là điểm nhấn tổng quan của kiến trúc ngôi chùa, đây chính là kiến trúc trọng yếu của ngôi chùa, bao gồm nơi thờ tự các pho tượng phật, ban thờ Đức ông, ban thờ Mẫu, tương tự như nhiều ngôi chùa ở ngoại thành Hải Phòng. Từ chính giữa tòa bái đường, qua diện tích sân chùa được lát gạch kiểu Bát Tràng, giữa sân chùa và phần phía trước sân, vườn, hồ nước, cây lưu niên, kiến trúc Phật điện, gian thờ các vị sư tổ khu nhà ni, khu nhà phụ..

Nét đặc sắc của ngôi Chùa là có 8 cổ vật còn được lưu giữ đó là Bát hương, Bình vôi, 03 bia đá, 01 tháp đá và 01 bài vị được Viện Khảo cổ và Bảo tàng Hải Phòng đánh giá từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Theo nhận định của Viện khảo cổ: Chùa tuy có quy mô nhỏ, nhưng là một trong số ít ngôi chùa còn giữ được nhiều cổ vật và góp thêm một nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ 16 ở Hải Phòng.

Chùa Tôn Lộc (Kỳ Viên Thiền Tự) đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2005.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa là nơi hội họp, bàn định, xây dựng kế hoạch hành động của lực lượng cách mạng địa phương. Chùa cũng là địa điểm tập luyện võ thuật, vũ trang của lực lượng cách mạng làng Tôn Lộc, chuẩn bị lực lượng của khởi nghĩa. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra trên cả nước, lực lượng cách mạng Tôn Lộc đã góp công lao xứng đáng, quan trọng vào cuộc nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân ở địa phương. Giữa năm 1946, chùa Tôn Lộc là nơi Đại đội vệ quốc đoàn đóng quân và tập luyện. Đầu năm 1947, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, chùa Tôn Lộc đã tự nguyện hiến pháp bảo thiêng liêng của mình là quả chuông đồng nặng khoảng 300 kg để cho kháng chiến rèn đúc vũ khí chống quân thù. Thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa thường xuyên là địa điểm hội họp bí mật của lực lượng kháng chiến địa phương như tổ chức phụ nữ, tổ chức thanh niên... Đặc biệt, đây còn là nơi diễn ra những buổi lễ kết nạp Đảng thiêng liêng cho những quần chúng cách mạng ưu tú. Ngay trong khu chùa Tôn Lộc cũng có 3 căn hầm, trong đó có cả căn hầm nước tại hồ của chùa.

Ngày 14/7/1947, kẻ thù đã tập trung càn quét đốt phá tàn bạo cả làng Tôn Lộc, khu cổ tự Tôn Lộc cũng bị đốt phá, hủy hoại, chỉ còn sót lại một ngôi tháp đá, 2 ngôi tháp gạch và 3 tấm bia đá là những di tích cổ kính, thiêng liêng minh chứng cho sự nghiệp cách mạng kháng chiến của người dân Tôn Lộc. Từ cuối năm 1950 đến năm 1954, làng Tôn Lộc là một địa bàn, cơ sở mạnh vững chắc nên được lựa chọn là nơi làm việc bí mật của cơ quan Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban hành chính chuyện An Lão. Thời kì này, ngôi chùa đã bị tàn phá, song lực lượng kháng chiến địa phương vẫn dùng làm địa điểm quan sát các hoạt động của đồn bốt địch. Đặc biệt, ngôi bảo tháp đá cổ đã trở thành hộp thư bí mật không tên, một điểm cất giấu tài liệu bí mật quan trọng của lực lượng kháng chiến trong vùng.  Năm 1997,  ngôi chùa được phục dựng lại trên diện tích 3000 m2. Đến nay sau nhiều lần trùng tu chùa vẫn đang còn trong giai đoạn xây dựng ngôi Bảo điện.

So với nhiều làng quê chuyên canh tác nông nghiệp của miền duyên hải ngày nay, sinh hoạt lễ hội truyền thống của làng Tôn Lộc cũng có nhiều nét tương đồng, phổ biến như: Lý do mở lễ hội, để dân làng tưởng nhớ, suy tôn người có công với làng, xã, thời gian mở lễ hội vào cữ mùa xuân là thời gian ngơi nghỉ tạm thời của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội chùa Tôn Lộc diễn ra đều đặn vào ngày 11 tháng 3 âm lịch, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng làng xã, các nghi lễ: rước, dâng lễ lên ban thờ Phật tại chùa bằng các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra trong đời sống thường ngày, cầu mong sự bảo trợ của Phật thánh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Có thể nói rằng, sự tồn tại của ngôi chùa đã tạo ra sự cân bằng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, góp phần tích cực vào cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay. Qua lịch sử thăng trầm, diễn biến của ngôi chùa giúp cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã có vốn hiểu biết về quê hương, đất nước, nêu gương các thế hệ đi trước, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke