Chùa Đại Lộc (Chùa Vĩnh Đình) Xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng

13 03 2024

in trang

Theo các tư liệu lịch sử, Đại Lộc hiện là một làng của xã Đại Hợp có nguồn gốc hình thành từ khá lâu đời. Trước có tên gọi là Thiên Lộc tên nôm là làng Vàng đến đời vua Nguyễn Đồng Khánh tên tổng và tên xã Thiên Lộc được đổi thành Đại Lộc.

   Truyền ngôn của dân làng kể rằng nàng Thiên Lộc xưa có tên là Bản Trăng. Một hôm, dân làng thấy một cây ngô đồng trôi từ biển vào, đến địa phận của làng thì dừng lại vớt lên thấy tên thấy khắc tên hai người là Khuông và Minh hỏi ra thì biết đây là hai anh em đã từng thi đỗ tiến sĩ, khi chết hồn nhập vào cây và trôi đến đây. Dân làng bèn vớt lên tạc tượng và lập đình thờ (tức Đình Đông) làm thần hoàng và đổi tên làng từ Bản Trăng thành Thiên Lộc (tức lộc trời). Đến khoảng cuối thời Lê thì có người kiện với lý lẽ rằng làng này đã phạm thượng. Thiên Lộc thì chỉ có quê hương của nhà vua mới được đặt tên mà thôi. Do vậy đến thời Nguyễn phải đổi thành Đại Lộc. Trên địa bàn thôn Đại Lộc nói riêng và toàn xã Đại Hợp nói chung có khá nhiều các công trình kiến trúc phản ánh truyền thống tín ngưỡng cổ truyền cũng như tôn giáo đạo Phật. Trong đó có chùa Đại Lộc, thời kỳ trước cách mạng tháng tám năm 1945 mang tên nôm là chùa Đông, tên chữ là Hưng Phúc tự, sau đổi thành Hưng Phúc Vĩnh Đình tự. Ngày nay, tên chữ Hưng Phúc Vĩnh Đình tự thì chỉ thấy ghi lại trên các bia ký còn lưu lại trên chùa. Bức y môn trên đỉnh nóc tòa tiền đường của ngôi chùa hiện nay ghi tên chữ của ngôi chùa là Vĩnh Đình tự (Chùa Vĩnh Đình). Trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu sửa chữa, chùa Đại Lộc đã duy trì được sự tồn tại đến ngày nay. Ngoài kiến trúc hiện đã mang những dấu ấn của thời đại mới trong chùa hiện còn bảo lưu được nhiều di vật quý. Đặc biệt là hệ thống bia đá, đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá không chỉ góp phần nghiên cứu lịch sử ngôi chùa mà còn góp phần nghiên cứu vùng đất Đại Lộc Đại Hợp trong lịch sử.

   Tiếp cận nguồn tư liệu từ bia ký, chùa Đại Lộc hiện còn lưu giữ được 6 chiếc. Trong đó có một chiếc làm theo kiểu Thạch Đài trụ. Số bia ký này đều mang niên đại thời Hậu Lê, thế kỉ 17,18. Một trong những bia ở đây có niên đại sớm nhất mệnh danh “Hưng Phúc Vĩnh Đình tự” tạo năm 1608, niên hiệu Hoằng Định thứ 7, Đời vua Lê Kính Tông (1600 – 1610) mang nội dung cơ bản là: chùa Hưng Phúc Vĩnh Đình thuở trước là nơi danh lam thắng cảnh nhưng đã từ lâu không được gìn giữ, để dột nát đến ngày nay mới được hưng công tôn tạo lại. Hội chủ công là Vũ Bá Cẩm, Hoàng Khắc Nhưỡng. Thông tin từ tấm bia này cho biết, vào năm này, chùa Vĩnh Đình được tăng ni Phật tử đóng góp công của để trùng tu tôn tạo lại vì xuống cấp. Tại tấm bia thứ hai mệnh danh “Vĩnh Đình tự bi ký” cũng được tạo vào đời vua Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định thứ 10 nêu một số nội dung chú ý là: “Xã Thiên Lộc, thôn Đông, chùa Vĩnh Đình xưa là nơi danh lam thắng cảnh. Hiện nay càng thêm thịnh vượng, trai làm nên quan văn, quan võ, gái có bậc cung tần. Bà Nguyễn Thị Ngọc Đĩnh là chính phi của Bình An Vương Trịnh Tùng, cùng người em là phó tướng Thọ Nghiêm Hầu và mẹ là Phạm Thị Suốt đã góp công vào xây dựng ngôi chùa thêm quy mô rộng rãi”. Đến năm Hoằng Định thứ 7, tháng 1 ngày 17, bà dựng thêm một am nhỏ 6 gian 2 trái ở sau chùa để mẹ già ở.

   Khi nghiên cứu các thác bản văn bia lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm cho thấy chùa Đại Lộc (tức chùa Đông - Vĩnh Đình tự) được xây dựng từ thời Mạc thế kỷ thứ 16. Nhưng khi đối chiếu với nguồn tư liệu khác thì được biết ở xã Thiên Lộc (Đại Lộc ngày nay) từng tồn tại hai ngôi chùa lớn. Đó là chùa Vĩnh Đình và chùa Cối Sơn. Chùa Cối Sơn tên nôm na chùa Đoài trước đó có tên chữ là Linh Phúc tự sau mới đổi thành Cối Sơn tự. Tư liệu về ngôi chùa này hiện còn lưu qua Thác bản “Cối Sơn Tự tạo bi ký” lưu tại viện nghiên cứu Hán Nôm.

   Qua các nội dung từ bia đá ở chùa Đoài cũng như tư liệu bia ký ở chùa Đông thì khả năng hai ngôi chùa này ít nhất cũng được xây dựng từ thời Mạc. Bởi các tư liệu cho biết vào đời vua Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định, bà Nguyễn Thị Ngọc Đĩnh là Vương quý phi của Bình An Vương Trịnh Tùng, Người quê ở Thiên Lộc đã cùng người nhà bỏ ra nhiều tiền của và phật tử bốn phương công đức, trùng tu tôn tạo cả hai ngôi chùa trên ở quê hương.

   Điểm qua một vài tư liệu từ bia ký, Chùa Đại Lộc được hình dung như một cổ tự linh thiêng án ngữ ở phía Đông. Trước mặt là non nước đồ Sơn, sau lưng là Dương Kinh của Vương triều Mạc, nơi sinh ra các bậc hào kiệt một thưở làm nên nghiệp đế phương. Đó là một ngôi chùa bên trong có khá nhiều công trình lớn như tòa thượng điện, tòa siêu hương, gác chuông, trai phòng cũng nhiều toàn ngang dãy dọc khác. Nhiều tượng Phật như Hộ pháp, A- di- đà, Đức ông, chuông đồng… được tạo tác từ thế kỷ 17,18. Tiếc thay trốn danh lam cổ tích ấy, đến nay chỉ còn lưu lại qua ghi chép từ các hàng bia ký đứng lặng lẽ trong di tích. Theo trí nhớ của nhân dân địa phương, trước khi chùa Đại Lộc (Vĩnh Đình tự) được trùng tu tôn tạo lại như hiện nay các công trình như gác chuông, nhà siêu hương, trai phòng và các dải vũ đã không còn nữa, chỉ còn duy nhất ngôi chùa chính mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn nhưng đã khá đổ nát, xiêu vẹo.

   Những năm gần đây, Nhân dân trong xã đã vận động và đóng góp tiền của, công sức khôi phục, xây dựng lại ngôi chùa.

   Năm 2005, chùa Đại Lộc được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

   Tham quan chùa Đại Lộc (Vĩnh Đình tự) xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy ngày nay chúng ta sẽ chiêm ngưỡng một ngôi chùa khang trang như một lời minh chứng về sức sống mãnh liệt của ngôi cổ tự này.

 

Admin

Thong ke