CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP THÀNH PHỐ LIÊN QUAN ĐẾN TIẾN SĨ – THƯỢNG THƯ NHỮ VĂN LAN

24 01 2024

in trang

UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 355 ngày 11/2/2003 về việc xếp hạng di tích cấp thành phố cụm di tích lịch sử văn hóa liên quan tới Tiến sĩ – Thượng thư Nhữ Văn Lan thuộc thôn Nam tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. UBND xã Kiến Thiết đã long trọng tổ chức lễ nhận bằng di tích vào ngày 28/3/2005 (tức 19/2 năm Ất Dậu).

     1. Cuôc đời, sự nghiệp và gia đình Tiến sĩ – Thượng Thư Nhữ Văn Lan

     Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan sinh năm Canh Tý (1443) trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương (Nay là Thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, Huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Ngay từ khi còn nhỏ, Nhữ Văn Lan đã thể hiện sự thông minh, lên ba tuổi đọc được chữ Hán, nổi tiếng Thần Đồng, được hiền tài nhiều nơi tìm đến chăm lo việc học hành. Khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Nhữ Văn Lan đỗ Nhị giáp đồng Tiến Sỹ, lúc đó vừa tròn 20 tuổi. Ngay sau khi thi đỗ Tiến Sỹ, Nhữ Văn Lan ra làm quan dưới triều Lê, là nhà khoa bảng lớn đầu tiên của huyện Tiên Minh thời Lê thế kỷ 15, người mở đầu cho truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của nhân dân huyện Tiên Minh lúc bấy giờ.

     40 năm liên tục làm quan, Tiến Sỹ Nhữ Văn Lan là một vị quan thanh liêm, chính trực, giúp triều đình giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đóng góp nhiều công lao vào sự hưng thịnh của vương triều Lê thời bấy giờ, được vua Lê Thánh Tông phong tới chức Thượng Thư Bộ Hộ. Năm 1503, Tiến Sỹ thượng thư Nhữ Văn Lan hồi hưu tại quê nhà thuộc làng An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, Phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương, nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

      20 năm sống trên mảnh đất quê nhà, với tài năng đức độ, ông đã đem phần tâm lực cuối cùng để giúp đỡ dân làng xây đắp truyền thống giáo dục, học hành, hướng dẫn dân làng đào kênh, xây cầu cống dẫn thuỷ nhập điền, khai khẩn hoang hoá. Với tư tưởng bao trùm “khoan nhân- thi đức” Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan đã cảm hoá thuyết phục mọi người, nêu tấm gương sáng cho các thế hệ ngàn đời.

     Tiến Sỹ thượng Thư Nhữ Văn Lan sinh được 3 người con (2 trai 1 gái), người con trai đầu sinh ra chưa kịp đặt tên đã mất, người con trai thứ là Nhữ Huyền Minh, đến tuổi trưởng thành, ông dời quê lên sinh cơ lập nghiệp tại làng Hoạch Trạch, huyện Bình Giang, Phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương. ở đây họ Nhữ có liên tục 11 đời khoa bảng, có người là Tiến Sỹ Nhữ Đình Hiền được nhà vua cử đi xứ Trung Hoa, sau trở thành ông Tổ nghề Lược đất An- Nam. Đền thờ Nhữ Đình Hiền ở Cẩm Bình - Hải Dương được nhà nước công nhận là di tích lich sử văn hoá. Người con gái duy nhất của Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan là Nhữ Thị Thục – Thân mẫu của Danh nhân văn hoá Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được vua phong tước Từ thục phu nhân. Bà là người phụ nữ có tài cao, chí lớn và có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

     2. Những di tích hiện còn trong cụm di tích có liên quan đến Tiến sĩ – Thượng thư Nhữ Văn Lan

     Một là Đình Vồng Si: Sau khi Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan qua đời, Triều Tự Đức sắc phong làm Thành Hoàng làng An Tử Hạ, sắc ghi: “Cương chính bắc đại vương tôn thần vị tiền Đoài khu phụng chỉ” căn cứ vào sắc chỉ Thành Hoàng Nhữ Văn Lan được dân làng tạc tượng và thờ ở đình Đoài (Thường gọi là Đình Vồng si) và giao cho giáp Đoài, giáp thuộc họ Nguyễn (Hậu Duệ Trạng Trình) thờ phụng. Hằng năm, cứ vào ngày 19 tháng 10 âm lịch, dân làng lại tổ chức mở hội, Tế lễ để ghi nhớ công lao của một vị Danh nhân đã có công lao với quê hương, đất nước.

     Hai là Đình Đông: Đình Đông được xây dựng trên đất thổ cư của Tiến sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan đã tiêu thổ trong thời kì kháng chiến chống thực dân pháp, đến nay Đình đã được xây dựng, bảo tồn đồng thời được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

     Ba là Nhà thời họ Nguyễn (An Tử): Sinh thời Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho người con trai thứ 7 là Nguyễn Ngọc Liễn dẫn người cháu đội một bát hương có ghi bài lô hương kí sang sinh cơ lập nghiệp ở làng An Tử hạ để trong coi mồ mả và thờ phụng cụ ngoại Nhữ Văn Lan. Từ nhiều đời trước, họ Nguyễn đã xây dựng nơi thờ cúng gốm hai ngôi nhà cơ cấu hình chữ Nhị Tiền Tề- Hậu thờ, nhà tề gồm 5 gian thượng thuận cốn, hoành rui, lợp ngói, tư hàng cột, hai hồi ván bưng. Mặt trước, mặt sau cửa thùng, khung khách. Nhà thờ gốm 3 gian thượng hạ như Nhà Tề chỉ khác ở chỗ hai hồi và mặt hậu xây tường gạch, nhà tề bày nhang áng và Bát bộ binh khí nhà thời được sắp đặt theo thứ tự gian giữa thờ tướng công Như Văn Lan, gian bên phải thờ tòng phối hộ Nguyễn (từ đời Nguyễn Ngọc Liễn đến các đời sau), gian bên trái thờ vọng Trạng Trình. Khi khu nhà thời bị quân Pháp đốt phá hoàn toàn trong trận càn cuối năm 1948. Đến năm 1958 trên nền nhà thờ họ Nguyễn xây một hậu cung ở gian giữa nhà ông trưởng họ Nguyễn Văn Ngẫu làm nơi thờ cúng Tiến sĩ – Thượng Thư Nhữ Văn Lan. Tượng thành hoàng Nhữ Văn Lan sau nhiều lần di chuyển vì đình bị phá hủy nay được đặt ở hậu cung này.

     Bốn là mả nghè: Đây là một khu đất bằng phăng diện tích khoảng 1800 m2 thuộc cánh đồng phía Bắc thôn Nam Tử. Theo truyền miệng của nhiều thế hệ nhân dân địa phương, đây là khu đất thiêng khi Tiễn sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan qua đời được an táng ở khu đất này và gọi là mộ Quan Nghè. Sau khi phu nhân của Thượng Thư Nhữ Văn Lan qua đời cũng được an táng tại đây, sau nữa cùng là nơi an nghỉ cuối cùng của Từ thục phu nhân – người con giá tài hòa của Tiên sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan, thân mẫu danh nhân văn hóa trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đó, khu đất được gọi bằng cái tên chung là mả nghè. Đã gần nửa thiên niên kỉ biết bao thay đổi địa giới và mặt bằng của đất đai, đồng ruộng nhưng mả nghè vẫn không bị ai xâm phạm.

     Cụm di tích lịch sử văn hóa liên quan đến Tiến sĩ – Thượng thư Nhữ Văn Lan là một trọng những di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và đầy tự hào của biết bao thế hệ nhân dân thôn Nam Tử nói riêng và xã Kiến Thiết nói chung. Ban quản lý di tích của xã mong rằng toàn thể nhân dân thôn Nam Tử cũng như nhân dân trong xã nêu cao ý thức gìn giữ, bảo vệ duy trì hiện trạng và sẵn sàng tham gia đóng góp công sức để tôn tạo, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của bà con nhân dân.

     Cụm di tích lịch sử Tiến sỹ Thượng thư Nhữ Văn Lan được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 11/02/2003.

 

 

Admin

Thong ke