Chùa Ruỗi, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Hải Phòng - Thành Phố Hoa Phượng Đỏ nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, nơi đây cũng sản sinh ra các bậc hiền tài trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trong tâm khảm của người dân thành phố cảng luôn ghi nhớ công ơn những người đã có công dựng nước và giữ nước. Hải Phòng vươn mình phát triển và trở thành thành phố lớn trực thuộc Trung ương như ngày nay, song hành cùng sự phát triển quê hương đất nước giá trị về tâm linh tín ngưỡng không bao giờ tách rời, luôn nhắc nhở các thế hệ cùng nhau gìn giữ và phát huy. Nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cách thành phố chừng 20 km nằm ở phía Tây Bắc du khách đặt chân đến một ngôi làng có tên gọi làng Quảng Cư, xã Quảng Thanh – một vùng quê yên bình, qua cổng làng khoảng 1 km ta nhìn thấy một ngôi chùa có tên gọi là chùa Quan Âm Linh Phúc (tức Chùa Ruỗi) thấp thoáng nằm giữa dòng chảy của ba nhánh sông Hòn Ngọc, gần gũi với thiên nhiên, mặt nước, không khí nơi đây vô cùng thoáng mát, thanh khiết và trầm mặc. Đứng ở ngã ba sông ngắm nhìn khung cảnh trên bến dưới thuyền, du khách có thể thu hết phong cảnh hữu tình trong tầm mắt, do vị trí đắc địa: theo phong thủy gọi là “Tam giang tụ thủy”.



 


LỄ HỘI CHÙA RUỖI, LÀNG QUẢNG CƯ, XÃ QUẢNG THANH, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Hải Phòng - Thành Phố Hoa Phượng Đỏ nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, nơi đây cũng sản sinh ra các bậc hiền tài trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trong tâm khảm của người dân thành phố cảng luôn ghi nhớ công ơn những người đã có công dựng nước và giữ nước. Hải Phòng vươn mình phát triển và trở thành thành phố lớn trực thuộc Trung ương như ngày nay, song hành cùng sự phát triển quê hương đất nước giá trị về tâm linh tín ngưỡng không bao giờ tách rời, luôn nhắc nhở các thế hệ cùng nhau gìn giữ và phát huy. Nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cách thành phố chừng 20 km nằm ở phía Tây Bắc du khách đặt chân đến một ngôi làng có tên gọi làng Quảng Cư, xã Quảng Thanh – một vùng quê yên bình, qua cổng làng khoảng 1 km ta nhìn thấy một ngôi chùa có tên gọi là chùa Quan Âm Linh Phúc (tức Chùa Ruỗi) thấp thoáng nằm giữa dòng chảy của ba nhánh sông Hòn Ngọc, gần gũi với thiên nhiên, mặt nước, không khí nơi đây vô cùng thoáng mát, thanh khiết và trầm mặc. Đứng ở ngã ba sông ngắm nhìn khung cảnh trên bến dưới thuyền, du khách có thể thu hết phong cảnh hữu tình trong tầm mắt, do vị trí đắc địa: theo phong thủy gọi là “Tam giang tụ thủy”.

Ngôi chùa đã gắn bó với dân làng từ rất lâu đời và là nơi vun bồi tinh thần hướng thiện cho rất nhiều tín đồ phật tử địa phương và thập phương. Ngôi chùa đã cùng với người dân nơi đây trải qua biết bao thăng trầm với thế cuộc thịnh suy.

Theo  các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, vào những năm chiến tranh loạn lạc hầu hết các ngôi đình, chùa, đền, miếu bị tiêu hủy, quần thể chùa Ruỗi cũng bị tiêu hủy, duy nhất có một ngôi đền thờ Đức Thánh Ông bị đốt phá mấy lần nhưng không cháy, đền và tượng vẫn uy nghiêm, vì vậy không ai dám đốt nữa, từ đó tiếng tăm lan truyền gần xa, khách thập phương cùng dân làng thường đến để thắp hương dâng sớ. Bậc tiền nhân  có câu: “Bà Chúa thượng thông, Đức Ông chùa Ruỗi” đó là nói về sự linh ứng của Ngài.

                                    

Chùa Ruỗi ngày nay vẫn được tọa lạc trên mảnh đất xưa, nơi đây ban đầu chỉ là bãi bồi hoang sơ, ao hồ, cây cối lau sậy um tùm, chiếc thuyền nhỏ chuyên chở khách sang sông. Rồi theo dòng thế sự xoay vần, lớp người đi trước đã dần về với Phật, tiếp nối là những thế hệ đi sau. Ngôi chùa vẫn vắng lặng, đền thờ quạnh hưu. Đến năm 2009 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hải Phòng đã có quyết định bổ nhiệm sư thầy Thích Diệu Thanh về trụ trì hướng dẫn cho bà con nơi đây tu học. Chuông khuya mõ tối tiếng kinh kệ hàng đêm đã làm ấm lại nơi miền quê này.

Trong thời gian sư thầy về trụ trì, lúc đó khuôn viên chùa duy nhất chỉ còn lại ngôi đền cổ thờ đức Thánh Ông. Tiếp nhận chùa chừng khoảng được một năm Sư thầy đã mạnh dạn đề nghị với lãnh đạo và các ban ngành xã phục dựng lại các công trình tâm linh nơi chốn Thiền môn như: xây tòa Tam Bảo, giảng đường, đền thờ Đức Ông và các công trình phụ trợ. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, việc đầu tiên Sư thầy  bàn với ông Ngô  Ngọc Sáng – Trưởng Làng văn hóa Quảng Cư và cán bộ của bốn thôn, các ông trong ban quản lý di tích đình Lê Ích Mộc, như ông Đinh Minh Trang, cụ Đinh Đức Lịch, ông Thiềm, ông Xê, ông Mới, ông Ba,….. ra bắc tạm một cây cầu tre qua sông.

- Lần thứ nhất làm cây cầu có hai hàng bám tay chỉ dành cho người đi bộ .

- Lần thứ hai làm cây cầu tre đi được xe máy xe thồ, chủ yếu phục vụ phương tiện qua lại đưa vật  liệu phục vụ cho công trình xây dựng.

Tiếp đến  bơm bùn, lập mặt bằng, đắp đường vào chùa. Đầu năm 2012 động thổ xây dựng Giảng đường, phòng ở, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt. Cuối năm 2012 tổ chức lễ hoàn nguyện ngôi giảng đường và làm nơi lễ bái tu học.

Năm 2013: Rước tượng Bồ Tát Quan Âm chất liệu bằng đá hoa cương cao 4,5 m nặng hơn 2 tấn được di chuyển bằng đường sông.

Nếu ai đã từng đến hẳn còn nhớ chiếc cầu tre đã gồng mình đưa khách sang sông và mới cảm nhận sâu sắc với những người dân nơi đây, đã từng vận chuyển từng bao xi măng, bao cát, viên gạch vào đến trong chùa.

Trải qua quá trình xây dựng vô cùng gian nan. Sư thầy nghĩ không thể xây dựng chùa nếu như không có cây cầu chắc chắn và từ đó thầy hằng cầu nguyện cho sự ước nguyện xây được cây cầu bê tông bắc qua sông thì mới có thể thực hiện được việc phục dựng chốn thiền môn, mà nay công trình to lớn như vậy thì chiếc cầu tre không thể đảm bảo cho việc vận chuyển vật liệu sang chùa.

Với tâm chân thành tha thiết đó như được cảm ứng chư phật chư thánh. Được sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền, sự ủng hộ của các mạnh thường quân và nhân dân, đến năm 2014 lễ khởi công động thổ xây cầu; đến năm 2016  hoàn thiện với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng  và đặt tên: Cầu Giác Ngộ.

Cuối năm 2016 tiếp tục xây tòa Tam Bảo chùa chính, Sư thầy đã dành hết sức lực và tâm huyết cho công trình lớn nhất từ trước đến nay. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện được thiết kế hình chữ Đinh mái cong bát vần 8 mái, theo kiến trúc Phật giáo miền Bắc bằng kết cấu hiện đại; chất liệu bê tông cốt thép, gồm 05 gian tiền đường 03 gian hậu cung. Với sự phát tâm ủng hộ của các mạnh thường quân như Công ty TNHH Trường Nguyên và các phật tử du khách thập phương.

Năm 2017 thì cất nóc chùa, đúc đại hồng chung nặng trên 1 tấn, năm 2019 đúc tượng Phật Di Đà nặng gần 5 tấn. Năm 2021 công trình ngôi Tam Bảo đã được hình thành với tổng kinh phí xây dựng hơn 8 tỷ đồng, đây là công trình Phật đường tâm linh lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hợp với ý Đảng, lòng dân, tọa lạc nơi đất thiêng.

Các tượng Phật tòa Tam Bảo ở giữa là pho tượng Phật Di Đà bằng đồng với trọng lượng gần 5 tấn… sơn giả cổ diện thếp bằng vàng, tượng Thích Ca trang nghiêm, từng nét trạm trổ tỉ mỉ càng tô thêm giá trị truyền thống trường tồn với thời gian.

Tất cả đã hòa nhập vào một không gian tĩnh tại, tạo nên âm hưởng kỳ bí linh thiêng, ngoài 5 gian tiền đường được đặt thờ hai vị Hộ Pháp to lớn đó là hộ pháp Trừng ác và hộ pháp Khuyến thiện, hai bức tượng này cũng là những kiệt tác nghệ thuật, được mô phỏng truyền thuyết, từ hình ảnh tới dáng vẻ, thần thái của hai vị  đều được khắc họa đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, thể hiện sức vóc, quả cảm trước sự trường tồn vĩnh cửu của Phật pháp đối với chúng sinh trải qua hàng nghìn năm.

Chặng đường 12 năm kể từ khi sư thầy Thích Diệu Thanh về đây thực hiện công việc Phật pháp qua biết bao khó khăn vất vả, nhiều lúc yếu đau nhưng chưa khi nào thầy chùn chân, lùi bước. Sư thầy luôn cố gắng hết sức mình, vừa tu học vừa kiến thiết và không quên đóng góp những công việc từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mở các khóa tu cho phật tử, khóa tu mùa hè cho các cháu học sinh.

Công trình tòa Tam Bảo vừa tạm hoàn thiện, thì tiếp đến ngôi đền thờ Đức Ông bị tốc mái trong một trận bão gió lớn năm 2021, thấy công trình xuống cấp nghiêm trọng Sư thầy lại tiếp tục bàn với dân làng xây lại đền thờ Đức Ông và lễ khởi công xây dựng bắt đầu từ tháng 6 năm 2022.

Cuối năm 2022 cất nóc cùng với sự kiện rước 12 pho tượng ứng thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Các công trình được xây dựng theo tâm nguyện của những người con Phật. Ngoài phật sự Tam Bảo, Sư thầy còn giúp dân làng trông nom ngôi Miếu Ráng và thầy đã phát tâm làm con đường Miếu Ráng để nhân dân đi lại thuận tiện hơn.

 Đúng thật là: Người trồng cây cảnh người chơi, ta trồng cây phúc để đời mai sau.

Chùa Ruỗi được tôn tạo và phục dựng bằng công sức vận động xã hội hóa của sư thầy Thích Diệu Thanh và sự phát tâm công đức của phật tử xa gần, đây là một việc làm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi không chỉ đơn thuần là phục dựng lại một ngôi chùa mà còn là phục dựng phát huy  giá trị văn hóa phi vật thể mang dấu ấn thời gian đó là nơi để mọi người sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt Nam luôn nhớ về cội nguồn đã vốn có từ ngàn đời nay. Chính niềm tin tín ngưỡng này là nền tảng điểm tựa tinh thần hun đúc nên lẽ sống cao đẹp để chúng ta gìn giữ phát huy truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

Hàng năm chùa diễn ra các ngày hội truyền thống khánh hạ Đức Ông và đêm hội hoa đăng để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng ấm lo hạnh phúc. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài phần Tế Lễ cầu nguyện, Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao như: rước lễ, dâng hương, múa kỳ lân, liên hoan văn nghệ. Đặc biệt lễ hội diễn ra môn thể thao Đua thuyền truyền thống được nhân dân và du khách thập phương rất yêu thích và cổ động. Qua đó, chúng ta thấy ngoài chức năng thờ cúng, ngôi chùa còn là một bảo tàng thu nhỏ để giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và  phi vật thể quý giá cần giữ gìn và phát huy.

Nhận thức được giá trị đó Công ty Sơn SanNet đã đồng hành và tài trợ giải đua thuyền hàng năm. Phó tổng giám đốc Công ty sơn SanNet - ông Lại Văn Cương và Giám đốc chi nhánh Công Ty sơn SanNet - ông Hà Kỳ Cường cùng với ban lãnh đạo luôn đồng hành sát cánh cùng lễ hội suốt từ năm 2012 đến nay.

Đến với lễ hội du khách được hòa mình trong bầu không khí vô cùng sôi động, tiếng hò reo cổ vũ cho những môn thể thao mang tính cộng đồng; như  môn thể thao đua thuyền được tái hiện đã mang lại một sức sống mãnh liệt không chỉ tại ngôi chùa mà còn lan tỏa đến từng nhà trong những ngày này và trở thành một nét văn hóa địa phương đặc sắc nơi đây.  

 

Để tri ân công đức, năm 2023 nhà chùa tổ chức lễ tạ ơn Tam Bảo và  kỷ niệm 10 năm quá trình trùng tu, tôn tạo, phát triển khu tâm linh chùa Ruỗi - kỷ niệm 10 năm đồng hành giải đua thuyền, giải bóng chuyền cùng Công ty sơn SanNet. Chặng đường 12 năm không dài so với đời người, nhưng những gì đã làm được hôm nay là biết bao công sức của các thế hệ đi trước, để  hậu thế chúng ta biết nhớ về cội nguồn đáng trân trọng ấy.   

                                                                                                                                                                                    

Đến chùa Ruỗi hôm nay không chỉ tìm về cội nguồn nét văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa tâm linh  mà còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc uy nghiêm tráng lệ, vững chãi và thẩm mỹ. Bởi không gian trang nghiêm đã tạo cho chúng ta thấy một sự linh thiêng huyền bí và thấy mình như được che chở, đến chùa lễ phật quý vị như thấy lòng mình được nhẹ thư thái, vượt qua những ưu phiền nặng trĩu trong cõi lòng hướng tới những sự tốt lành mà mỗi người luôn mong ước. Bà con nhân dân nơi đây làm ăn sung túc, tín tâm ngày càng lớn mạnh để hộ trì Phật pháp, để tiếng chuông chùa ngày được ngân vang nơi miền quê Quảng Cư.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke